Hành trình độn

Tôi nhớ từ giữa năm 1965 kéo dài qua năm 1975, kéo thêm đến năm 198x toàn dân ăn độn + đói triền miên...
240606673-1122263584848340-3982521323577538567-n-1633077944.jpg

Từ ngày lịch sử 1/3/1957, Nhà nước thực hiện chế độ cung cấp gạo ăn hàng tháng cho tất cả bộ đội, CBCNV, học sinh các trường chuyên nghiệp, học sinh trường phổ thông hưởng học bổng toàn phần, bệnh nhân tại các bệnh viện, trạm điều dưỡng… Giá gạo tẻ thống nhất và ổn định là 0,4 đ/kg (4 hào/kg). Định lượng như sau: Cán bộ viên chức làm công tác hành chính sự nghiệp được tiểu chuẩn 13,5kg/người/tháng. Trẻ em từ sơ sinh đến 4 tuổi được hưởng 4kg/tháng. Tăng một tuổi được tăng thêm 1kg và không quá 15kg. Từ 18 tuổi trở lên được hưởng 13kg/người/tháng. Công nhân lao động tùy theo công việc, độc hại được hưởng theo công việc từ 18kg-24kg/tháng. Thực tế không phải là được mua toàn gạo mà phải mua kèm từ 25% đến 50% có lúc lên tới 75% chất độn (có thể là ngô, khoai, sắn, bột mỳ, kiều mạch, mỳ sợi, hạt bo bo loại thức ăn nước ngoài dùng cho gia súc.

- Tôi vẫn còn nhớ phiếu mua thực phẩm có các ô: ô số 1-2-3 mua thịt, 4 mỳ chính bột ngọt, 5-6 đậu phụ, 7 nước mắm, xì dầu, 8 thức ăn chín, 9 trứng gà công nghiệp, 10 cá bể, 11-12 dự phòng bán lễ tết. Còn có cả bìa mua rau nữa chứ. Bọn tuổi tôi là phải thức đêm xếp hàng mua đủ thứ cho gia đình, gọi là đầu sai đúng hơn nên thấm thía lắm

- Những năm chiến tranh chống Mỹ, dân thành thị, người làm công ăn lương đều có sổ gạo, tiêu chuẩn hàng tháng bao nhiêu cân. Thành ngữ “trông mặt như mất sổ gạo” chỉ có trong thời bao cấp. Mất sổ gạo là mất đi nguồn sống, nên điều mất mát lớn nhất là mất cái sổ gạo. Cái nạn xếp hàng mua gạo ám ảnh bao nhiêu người, cái khổ ko mua được gạo vác rá đi vay cơ cực, nhớ đời đời. Từ già tới trẻ ai cũng y chang nhau cái đói, thèm ăn no mà không đáp ứng được.

- Hồi ấy nông thôn không có sổ gạo, nhưng nồi cơm cũng độn nhiều thứ. Khoai lang, sắn tươi thái lát bằng tay, phơi khô đầy sân, đổ vào bồ ăn dần. Khoai tây bi luộc, Khoai sọ, Khoai tây thu hoạch về rải đầy gầm giường. Nồi cơm cũng đầy khoai khô, ăn sáng cũng nắm một nắm khoai rõ to. Ám ảnh các phiên chợ Hà đông, Phùng khoang, Vạn, Vòng các bà trong làng Giàn gồng gánh đi mua từ sớm, quá trưa mới gánh về ngô hạt và khoai sắn lát khô. Quà cho trẻ là tấm bánh đa, đẫn mía đỏ, trẻ mỏ tranh nhau. Bữa ăn thì toàn rau, cà và dưa muối, lạc rang mặn, cá khô, mắm tôm, rau luộc chấm tương. Xôm lắm thì có các loạ nộm, có rau bí xào tỏi thay thịt. Nhà nông bắt tôm cua ốc cá ngoài đồng và tương cà là gia bản. Bọn trẻ đi bắt cua, be bờ ngòi nước tát bắt mớ cá vụn, con gái thì kéo te kiếm tôm nhỏ... thêm chất tanh vào bữa ăn

- Mổ thịt con gà, mấy lạng thịt lợn chỉ áp dụng cho ngày giỗ tết trong năm. Ai còn nhớ Mỡ cừu đóng phuy xăng 200 lít bán ô phiếu thay thịt ? Vị nào nhớ tảng mỡ ép bánh công nghiệp, mua vài lạng ở hàng khô, về chưng cà chua nước mắm, ngon như thế nào. Cả tháng người CN đc mua 5 bìa đậu phụ, nửa lít nước mắm mang về pha ?. Nhà nông bắt tôm cua ốc cá ngoài đồng và tương cà là gia bản. Mí lại hồi ấy bánh kẹo hiếm hoi và là hàng xa xỉ, Tết về hàng bán theo bìa phiếu Mứt hộp, thuốc lá bao bạc, gói chè vuông Ba Đình, rượu màu cam chanh... Ở làng, lũ trẻ kiếm lông gà, tóc rối đổi kẹo kéo, kẹo mạch nha, hay kẹo bột nấu từ mật đường loại 5xu 1hào. Trẻ thành phố nào sáng sớm ra và chỉ đc mua 1 xuất mỳ sợi “không người lái” 1 hào rưỡi vội mang về làm canh ăn lót dạ đi làm.

241479260-1122263694848329-8892044010677623754-n-1633077944.jpg

Ôn nghèo kể khổ Hành Trình ăn độn của Gia đình

- Ấy là năm 1964-1965 gần Tết nguyên đán, Sổ mua lương thực của mỗi gia đình đc mua 1kg bột mỳ-làm gì thì làm ? nên 100% gia đình đi làm bánh quy xốp. Nguyên liệu kèm theo thông dụng là 5 quả trứng gà, 1kg đường, 2 lạng mỡ (xôm thì có hộp sữa bò). Dân làng Giàn đi tàu điện ra ngõ Hội Vũ, Hàng da và các phố cổ, ở đấy mới có lò làm bánh gia công lại xếp hàng đợi đến lượt. Chiêm ngưỡng quá trình làm bánh nhà người, nhà mình. Nuốt nước bọt vì cái hương thơm quyến rũ “chết người” - Cảm giác “ngon không thể tả” khi nếm cái bánh nhà ta đầu tiên.

- Giờ vẫn nhớ thầy Minh (người Hàng Bè) dạy Toán kiêm dạy môn Kỹ thuật nông nghiệp lớp 5B Trung Hoà, có bài trong sách giáo khoa “Ngô giàu dinh dưỡng hơn Gạo”. Nhớ bởi vì là tiêu chuẩn lương thực có tỷ lệ ngô xay tằng tằng tiến từ 20% lên 60-70% chứ không tụt (Đận độn ngô kéo khoảng 2 năm giời 1965-1967) Ngô xay vỡ đỏ choé cứng quèo quèo, các nhà nấu ăn đều để chừa góc nồi cơm trắng cho trẻ mỏ và người già. Đành lấy ngô độn ấy xay lại bằng cối đá xay bột trẻ em quấy bánh đúc ngô, ăn cho đỡ ngán... Bởi vì rằng sau đó mỗi người chỉ được 1-2kg gạo/tháng, còn toàn độn sắn khô (sắn khô giã nhỏ rây bột làm bánh, nấu cháo..). Khoai lang tươi lắm củ hà, củ riềng non dài ngọn luộc nhạt phèo, vớ củ già cứng cơ mà ngọt, ăn độn cả củ dong (hoàng tinh) nguyên lớp vỏ dày như vỏ lá bọc nem chua bây giờ. Rồi khoai tây củ to chèn củ bé lổn nhổn Cửa hàng cân ào ào đổ vào bao tải của người mua. Có khi vớ phải củ thối, hà thì ôi thôi mùi thum thủm, khi luộc nấu khoét bỏ đi rất nhiều biết kêu ai bây giờ. Nhớ mùi khoai tây bi luộc mà thấy gai cả người. Nhớ rõ ràng 1kg gạo đổi lấy 3kg khoai lang hoặc khoai tây, hoặc là 4kg củ dong riềng tươi.

- Sau đó là Trường ca cả miền Bắc ăn độn Bột mỳ, ban đầu độn 30% bột mỳ, sau 50%, đến những năm sau 1975-1980 có khi lên đến 70% bột mỳ. Bột mỳ viện trợ xấu ngả màu phải sàng rây sẩy để loại bỏ sâu bọ, vì người ta cho VN ta bột mỳ để tăng gia chăn nuôi là chính. Thoạt đầu, được đong bột mì về, dân ta ko biết chế biến thế nào để ăn, chỉ biết nhào với nước nặn thành bánh rồi hấp trong nồi với cái vỉ đan bằng tre. Chả biết ai bày ra cách làm bột nở, hoặc là từ thuốc đau dạ dày (Na2CO3) hoặc là ủ riêng một mẻ nhỏ bột qua đêm. Nhờ đó mà bánh bột mì hấp trở nên xốp, dễ ăn hơn. Rồi các lò bánh mỳ gia công trồi lên, đố lò bánh nào đảm bảo 2,25 lạng bột mỳ như cửa hàng Lương thực trả gạo sổ bằng loại bánh mỳ gối hoặc bánh mỳ kiểu này.

Từ 1967-1969 thế hệ phải sơi bột mỳ sẽ nhớ nhan nhản các cửa hàng gia công mỳ sợi 1kg bột đổi 1,2-1,3 kg mỳ sợi qua cán và hấp sơ sơ. Thoạt đầu là các chú Ba tàu, thuê trai tráng quay tay sau chuyển sang dùng mô tơ. Làng Giàn ra ngã ba đường láng với đường Láng hạ nay, chỗ Nghĩa địa Tàu, Chú ba tàu tên là Hồng mũi rãi ròng ròng, biên cái giấy biên nhận bột+ngày trả chữ Tàu loằng nhoằng khó mà sửa đc.

- Người ta tìm đủ cách đế chế biến số bột tiêu chuẩn “gạo sổ”. Chứ có tiền đâu ra, mà đi thuê gia công bánh mỳ và mỳ sợi, xin liệt kê tý chút cái khéo tay chế biến thuở đó

+Thuở sinh viên Sơ tán bữa ăn có 2 nắm bột mỳ luộc chảo gang thay cơm thì tất cả các trường Đại học miền bắc 1968-1972 đều hưởng thụ như nhau cả lượt

+Cơm độn Mỳ sợi gia công, khéo nấu cơm thì ăn cũng ngon ngòn ngọt, rưới tý nước mắm pha thì không cần thức ăn

+Vo bột mỳ thành các hạt nhỏ ươn ướt như hạt ngô trở xuống, độn với gạo nấu cơm, cơm sôi gần cạn nước thì độn vào, tang này khi ăn hạn chế chan canh

+Hấp bánh bao chay, hay thêm tý đường cho ngòn ngọt, vất vả chuyện ủ bột làm men, mẻ được mẻ không

+Làm “bánh cuốn” tất nhiên có pha tý bột gạo tẻ, làm chi có nhân thịt thà, có khi ăn với nồi riêu cua “nhà trồng được” cũng ngon lành cành đào?!

+Lót lá chuối rán kiểu bánh xèo nam bộ, ăn với rau xào, luộc hái vườn nhà, giờ nhớ lại vẫn bùi ngùi sao hồi ấy khổ thế ?

- Riêng nhà tôi thì khác, Bố tôi là Công nhân ga Hàng cỏ lắm sáng kiến, kiếm đc cụm chi tiết máy dệt của anh ruột thải ra, mất 1 ngày lau chùi lắp ráp thành máy cán mỳ sợi nhỏ, có thể điều chỉnh khe hở giữa 2 con lăn, Mỳ cán ra dài cuộn tròn thái sợi sau đem phơi khô ăn dần, nắng làm sợi mỳ vụn dài độ 1-2cm. Ghế cơm, nấu mỳ với canh cua bắt ở đồng về, thậm chí nấu với rau tập tàng một nồi to cho cả nhà ăn.

- Có lẽ đến khi công nghệ chế biến mì sợi đạt đến đỉnh cao thì cũng là gần cuối thời kỳ bao cấp, viện trợ bột mì ko còn mà thay bằng các lương thực khác như hạt bobo, kiều mạch ép dối, khoai tây bi và kiều mạch ép dối. Làng Giàn ta có 2 vị bán cửa hàng lương thực Vịnh (kho gạo láng Thượng) Thìn (kho Cầu giấy cạnh nơi bán quan tài bao cấp-ngang qua hãi hãi là) Thời bao cấp đẻ ra lớp người làm MDV lương thực, thực phẩm, bách hoá, rạp phim có giá hơn cả quan chức tầm tầm

Trích hồi ký phát “Có lẽ Học sinh phổ thông nhập Đại học tức là bắt đầu ăn cơm thiên hạ lập tức va ngay đặc sản Cơ điện, nhớ đời đời! Xin thưa ngay, đó là 2 nắm bột mỳ luộc ăn thay cơm trường kỳ. Nhắm mắt lại để nhớ hình dáng xưa: Đó là 2 miếng bột mỳ nhào nát, kích thước dèn dẹt ước chừng đầy lòng bàn tay, dầy độ 1,5cm?! Công nghệ là được luộc trong chảo gang, chín rồi thì được vớt ra sảo to cho ráo nước. Thành phẩm là các miếng mỳ mặt ngoài váng trắng như mỡ, mà không phải là mỡ! Bên trong màu xam xám, cắn miếng xem ra hơi đầm đậm vị muối, nhai lâu thì thấy hơi ngòn ngọt, thi thoảng có xác mọt bột mỳ hy sinh trong đó! Món này thì phải đi đôi với món canh rau muống luộc chảo gang thì mới complê. Nhai không 1 miếng mỳ luộc, hớp 1 thìa canh rau đen xì, sau rồi ta gắp 1 miếng rau...Ta còn có trường ca ngô hạt bung với cục vôi tôi để sạch mày đay, được luộc chảo gang (đun bao lâu vẫn cứng suồi suội) ăn với nước chấm đun bằng thuốc nấu TQ, không tý rau xanh nào một tháng giời! Ta còn được xơi quả dưa chuột cắt miếng nấu với gói thuốc nấu TQ thành canh toàn quốc! Đói thì ăn cái gì cũng vẫn thấy ngon, có phải thế không các vị CSV. Su hào muối cả củ vừa mặn chát vừa chua lòm, cá khô đồng xu mỏng tang lắm xương, mắm tôm pha nước loãng đun sôi để chấm miếng bột mỳ luộc lại đậm đà chất protein!”. Khoảng năm 1976 trở đi, nhiều nơi ăn độn bằng hạt bo bo. Loại này cứng, ninh sình sịch mới chín, ăn như nhai rơm, đầu vào đầu ra “nguyễn y vân” (nói thế cho nó nhã). Kiều mạch là hạt lúa mì ép dẹp như hạt cốm, ăn cái này còn bị kiết lị cơ.

240128351-1122263591515006-4789593616095351749-n-1633077944.jpg

Tháng 1/1979 Tôi về Nhà máy Xà phòng HN thực tập tốt nghiệp, mỗi người dân đc mua 1kg gạo, tiêu chuẩn còn lại là lúa mạch ép dối, hay là hạt bo bo. Vui một tý lấy Tháp Rùa làm tâm, quay com pa 1 vòng bán kính 10km-ai làm cơ quan nhà nác trong khu vực đó là Oách xà lách chả kém ai nhá, Ây vậy tôi Kỹ sư làm khu CN Thượng đình. Đã được cô giáo dạy văn hồi cấp 2 sốt sắng mai mối cô cháu gái của chồng, đang là MDV cửa hàng lương thực phố HB, chối từ không xong, nể nang theo cô đi nhìn mặt. Mợ mặt vênh “cao giá” và nhan sắc “thường thôi”. Chán nuôn, cám ơn Cô giáo vẫy tay “chào nhé”.

Ôn nghèo kể khổ thời kỳ ăn độn, nhưng tình người thật đáng quí. Đi sơ tán gửi chìa khoá cho hàng xóm, nếu hàng xóm đi vắng thì lại lấy than đen ghi trên cửa “chìa khoá để dưới cục gạch ở chỗ...“chẳng sợ trộm cắp vì làm gì có! Ăn khổ thế mà rất ít bệnh tật (ung thư, máu nhiễm mỡ, tiểu đường linh tinh như hiện nay). Tôi cố gắng viết rất chân thực về cuộc sống toàn dân một thời gian khó, lưu cho con cháu hiểu đó là chuyện thật của cha ông.

Theo Chuyện quê