Làng tôi là một làng làng cổ, cư dân sinh sống ở đây ít nhất cũng hàng ngàn năm. Đình làng tôi được xây cất vào khoảng thế kỷ thứ 16- 17.
Trong ký ức của tôi, đình làng là nơi thiêng liêng, nơi họp mặt của người lớn, nơi mọi người phải cúi đầu chắp tay. Trẻ con chỉ được phép chơi ở sân đình và hồ nước trước cửa đình. Đình làng bề thế tọa lạc trên vùng đất cao nhất làng, có tường đá bao quanh, sân đình có cây đa cổ thụ thả từng chùm rễ cây dày đặc dưới gốc, sân sau có hai cây bàng ngổn ngang cành lá.
Cũng lạ, cây đa, cây bàng trong khuôn viên sân đình làng dường như không có xu hướng vươn cao. Đến một tầng cao nào đó cây sẽ dừng lại, gốc rễ to phình ra. Mà gốc rễ cũng đến mức nào đó sẽ dừng lại, không to ra cũng chẳng đẻ nhánh nhỏ nữa, mọi sự thay đổi chỉ ở vỏ cây là lá. Lá vàng rụng xuống, lá non mọc lên. Vỏ cây khô tự tách ra, vỏ cây mới bọc lại.
Các cụ bảo, cây cối nào cũng có hồn cốt. Cây mọc ở đình làng mang hồn cốt trường sinh bất lão. Nghiệm ra thấy đúng. Lần nào về quê tôi cũng đến nhìn ngắm cây đa và nhận ra cây không hề thay đổi, vẫn như một tháp canh xanh mướt trấn giữ cửa đình.
Tiếc thay, những năm chiến tranh, do yêu cầu phát triển hợp tác xã, hậu cung đình cải tạo thành nhà kho và sân phơi nên hai cây bàng bị đốn ngã. Đình làng bị thu nhỏ lại, không còn dáng vẻ bề thế, uy nghi như trước nữa. “Cũng may còn có cây đa”, tôi nói nhỏ. Ông Trưởng thôn nghe thấy, bèn tiếp lời: “Vừa rồi xã yêu cầu mở đường làng rộng hơn theo tiêu chí nông thôn mới, tính chuyện loại bỏ cây đa, cả làng kịch liệt phản đối nên mới không động tới”.
Cách ít lâu sau, tôi về làng. Ông Trưởng thôn mời đến nhà uống trà, tâm sự: “Việc mở rộng đường làng cho ô tô chạy vẫn nằm trong kế hoạch xây dựng nông thôn mới. Có nhiều cán bộ xã đề nghị thay vì loại bỏ cây đa thì sẽ lấp hồ ở trước cửa đình. Tôi thấy cũng không ổn, ngày xưa các cụ làm đình luôn quan tâm phong thủy. Đình phải có cây, có nước. Cây và hồ nước là di sản của đình. Phát triển kinh tế, mở rộng giao thông trong việc xây dựng nông thôn mới là điều quan trọng, nhưng việc bảo vệ văn hóa làng xã cũng quan trọng không kém. Mà văn hóa làng thì hội tụ ờ cây đa, hồ nước, mái đình.
Tôi hoàn toàn bất ngờ về nhận định của ông Trưởng thôn văn hóa chưa hết cấp 2, chủ một trang trại nuôi vịt. Ông đã gợi mở cho tôi một góc nhìn với vấn đề xây dựng nông thôn mới.
Xã hội nào, văn hóa ấy! Đó là điều tất yếu. Làng quê Việt Nam có văn hóa làng xã, cũng đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa làng xã Việt Nam. Theo cảm nhận của tôi, văn hóa làng xóm Việt Nam được kết tinh ở cụm từ “Tình làng, nghĩa xóm”. Do yếu tố thiên nhiên, lịch sử, địa lý, từ khi lập nước đến nay, mọi cộng đồng dân cư người Việt đều nương tựa vào nhau, chia sẻ cùng nhau để tồn tại, phát triển. Tình làng nghĩa xóm không chỉ là một nét đẹp, còn là một nguồn lực mạnh mẽ để phát triển.
Tôi từng thấy một làng nọ cực kỳ giàu, và thế là không còn dáng vẻ của làng nữa. Một phố thị gồm những tòa nhà sang trọng, kín cổng cao tường, nhà nhà sống khép kín. Đường làng, lối xóm khang trang rộng rãi, ô tô vào tận nhà, nhưng đời sống trong làng biến động liên miên. Số người nghiện ma túy tăng đến chóng mặt. Tình trạng bài bạc, đánh lộn, vợ chồng ly dị, con cái đi bụi cứ càng lúc càng nhiều. Một sự giàu có đau lòng.
Còn có làng nọ không biết giàu hay nghèo, nhưng trong làng chỉ còn người già và trẻ nhỏ, ngoài tiếng chim hót và tiếng gà gáy xao xác thì sự tĩnh lặng bao trùm tất cả. Hỏi ra mới biết, những người còn sức lao động đã rời làng đi làm ăn xa. Người đi xuất khẩu lao động, người làm công nhân các khu công nghiệp hoặc ra tỉnh thành bươn chải kiếm sống. Đồng ruộng bạc màu, hoang hóa. Người già lủi thủi trong nhà, trẻ con om xòm nhốn nháo ở quán bi-a, quán “nét” đầu làng. Ông già ở đầu xóm than thở: “Làng chẳng ra làng, xóm chẳng ra xóm”.
Lại nhớ tới ông Trưởng thôn ở làng tôi. Tháng tư vừa rồi tôi về làng, ông Trưởng thôn vui vẻ khoe: “Giữ được cây đa, hồ nước, sân đình rồi. Đường làng không cần phải thẳng tắp như xa lộ nữa. Sẽ uốn cong một chút và rộng rãi hơn”.
Thời gian gần đây mọi người nói nhiều đến trí tuệ nhân tạo, thời đại kỹ thuật số. Công nghệ hiện đại, kỹ thuật hiện đại dường như đang đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc phát triển. Ở làng tôi hầu hết mọi người từ trẻ tới già đều sử dụng điện thoại di động, trong đó loại “smart phone” chiếm hơn một nửa.
Thông tin, tri thức cập nhật hàng ngày. Mọi người đều biết rõ chủ trương xây dựng nông thôn mới rất đúng, rất phù hợp với xu thế hội nhập toàn cầu. Hưởng ứng, ủng hộ có thể coi là một trào lưu. Dĩ nhiên, cũng còn một số người lo ngại, băn khoăn về sự thay thế văn hóa đô thị trong nông thôn Việt.
Xin lấy lời ông Trưởng thôn để tạm kết bài viết này: “Dù phát triển đến đâu cũng phải giữ cho được cây đa, bến nước, sân đình”…
Theo Chuyện làng quê