Các Anh - những chàng trai trẻ, tuổi đời mười tám, đôi mươi, đa số là sinh viên đại học (trong đó, nhiều anh là sinh viên ĐHXD Hà Nội) mới nhập ngũ, được bổ xung quân cho trung đoàn 207 – Quân khu 8.
Đêm ngày 3.10.1973, trung đoàn 207 hành quân từ Mỏ Vẹt (giáp biên giới CPC), bí mật vượt sông Vàm Cỏ Tây để sang làm nhiệm vụ ở Bến Tre. Khi đến khu vực ấp Đá Biên, huyện Mộc Hóa (nay là huyện Thạch Hóa), tỉnh Long An thì bị máy bay trinh sát của địch phát hiện, lập tức chúng cho 12 chiếc máy bay trực thăng vũ trang đến quần đảo, bắn xối xả vào đoàn quân, rồi nhiều xe lội nước M113 xông thẳng vào đội hình hòng bắt sống cả trung đoàn. Đơn vị đã tổ chức chiến đấu, bắn rơi một máy bay trực thăng, tiêu diệt nhiều tên địch… phải mở đường máu, đưa được một bộ phận lớn thoát khỏi vòng kềm tỏa của địch. Đơn vị cảm tử của tiểu đoàn 1 và một phần tiểu đoàn 3 đã dũng cảm chiến đấu đến viên đạn cuối cùng… hơn 200 chiến sĩ đã hy sinh! Bọn địch dã man, chúng cho xe lội nước M113 quần đảo quanh khu vực suốt 12 ngày đêm, nhằm ngăn bộ đội ta trở lại cứu thương và lấy xác đồng đội. Giữa đồng nước mênh mông, khi bộ đội vào được chiến địa đó thì chỉ tìm vớt được mấy chục thi thể, nước ngập không có đất để chôn, phải bó xác vào những tấm màn tuyn chống muỗi, gác lên cây hoặc buộc vào thân cây tràm, nhờ du kích địa phương khi nước rút thì chôn giúp!!!
Sau ngày miền Nam giải phóng, bà con nông dân vào khu vực đó để khai khẩn đất hoang. Họ kể lại: “Ban đêm thường nghe thấy như có tiếng gọi vang vọng đâu đây. Họ cho rằng đó là linh hồn người chết ở đây lên tiếng”. Sáng hôm sau họ đi đến phía cây Tràm gần đó thì thấy hài cốt còn bó chặt, gác ở trên cây… Những ngày đầu cuốc đất, chỗ nào họ cũng thấy xương cốt, rất nhiều, nhiều lắm… không thể phân biệt được hài cốt của từng người nên đã chuyển tất cả về nghĩa trang đào hố chôn chung. Trong số những người nông dân đó có vợ chồng anh Tư Tờ. Anh Tư và mọi người đều biết các chiến sỹ giải phóng là bộ đội miền Bắc đã chiến đấu và hy sinh trên mảnh đất này. Anh Tư đã cưa những thân cây Tràm, dựng trên phần đất nhà anh một ngôi miếu nhỏ. Anh để trên đó một bát hương , một chiếc mũ cối còn vướng trong bụi cây anh mới lấy về. Anh Tư Tờ thắp lên đó những nén hương đầu tiên, anh bảo: “Thắp nhang cho anh em đỡ lạnh, để có chỗ anh em quây quần họp mặt!”. Anh Tư Tờ có cô con gái chừng 16 tuổi nhưng thần kinh không ổn định, hay lảm nhảm nói những câu gì không rõ, lúc đi làm, lúc lại thẩn thơ… Cô gái thấy ba lập bàn thờ các anh bộ đội giải phóng hy sinh thì cũng giúp một tay. Cô chèo xuồng theo các kênh rạch hái về những bông Sen, bông Súng để lên bàn thờ các anh… cô gái thắp tiếp những nén hương lên bàn thờ… Ngày qua ngày, cô gái hết bệnh, nhanh nhẹn, khỏe mạnh, hay hát, hay cười, làm việc hăng say. Vợ chồng anh Tư Tờ mừng lắm. Anh Tư và bà con tâm niệm rằng: các anh bộ đội trẻ hy sinh ở đây, linh thiêng phù hộ cho con anh Tư hết bệnh, phù hộ cho bà con vào đây làm ăn thuận lợi. Những người dân vào đây làm ăn ngày càng nhiều, xóm ấp phát triển. Nhớ đến công ơn của các Liệt Sĩ, bà con góp tiền mua vật liệu để xây lại ngôi miếu trên nền miếu cũ. Lúc đó họ còn nghèo lắm, tiền góp lại chỉ đủ xây được một bệ thờ, thậm chí không đủ vữa để trát cho kín mặt tường…họ viết trên tường miếu thờ mấy chữ nghệch ngoạc: HY SINH DÌ (vì) TỔ QUỐC. Bà con đặt tên cho miếu là: “Miếu Bắc Bỏ”, nói theo kiểu dân dã nam bộ nghĩa là: các anh bộ đội miền bắc bỏ mạng (hy sinh) ở nơi đây. Họ suy tôn các anh là: THÀNH HOÀNG LÀNG, gọi là “Thành Hoàng Làng Mũ Cối”. Hàng năm, đến ngày giỗ các anh (mùng 8, tháng 9 âm lịch) bà con tự động mang lễ vật, thực phẩm về làm giỗ to lắm, mấy chục ghe xuồng trong vùng về dự lễ, ăn uống, hò hát thâu đêm…
Năm 2010, mấy anh em Cựu Chiến Binh vào thăm lại chiến trường xưa mới biết là có ngôi miếu này. Đau xót trước sự hy sinh của các đồng đội, cảm ơn Nghĩa Tình của vợ chồng anh Tư Tờ cùng bà con nơi đây đối với các Liệt Sĩ. Tôi nhớ có câu:
“ VÌ DÂN, DÂN LẬP MIẾU THỜ
HẠI DÂN, DÂN ĐÁI THỐI MỒ NGẬP NƯỚC”.
Anh em đã bàn với nhau phải tuyên truyền rộng rãi, vận động sự ủng hộ, cung tiến của các đồng đội và của cả xã hội để xây đền tưởng niệm liệt sĩ trung đoàn 207 hy sinh ở Đá Biên. Được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, với số tiền quyên góp được, đầu năm 2012 bắt đầu khởi công xây dựng. Trên diện tích đất gần 5.000m2 tại ấp Đá Biên, ngôi đền thờ đã khánh thành đúng vào ngày giỗ của các anh-tháng 10.2012 (ngày 8 tháng 9 âm lịch). Tại khu đền tưởng niệm có nhà bia khắc đủ danh tính các Liệt Sĩ đã chiến đấu và hy sinh ở Đá Biên. Hôm khánh thành đền, tiếng chuông đã ngân lên vang vọng tới bưng biền để thỉnh các anh về. Tại đây, giờ đã có thêm tượng đài cao, đẹp, uy nghiêm do trường đại học Xây Dựng Hà Nội xây cung tiến.
Từ Hà Nội, nữ sỹ quan QĐNDVN: Trung Tá Trịnh Hiền Lương (là giảng viên học viện kỹ thuật quân sự) đã gửi vào đây hai cây hoa Sữa do chính tay chị ươm trồng, để trồng ở khu đền thờ mới xây dựng. Hai cây Hoa Sữa đã sống tốt ở vùng nước lợ, phát triển rất nhanh, luôn tươi xanh như tấm lòng của Hiền Lương - người con gái luôn sâu nặng nghĩa tình đồng đội. Tâm nguyện của chị muốn gửi tới những người chiến sĩ đã chiến đấu và hy sinh trên mảnh đất này “một hình bóng của Hà Nội”. Để hương Hoa Sữa hòa quyện với hương Tràm, hương Sen Đồng Tháp làm ấm hương hồn những người chiến sĩ xa quê. Để anh linh những chàng lính trẻ luôn có bên mình kỷ niệm “hoa sữa vẫn ngạt ngào đầu phố đêm đêm”… Một điều đặc biệt là cả hai cây hoa Sữa đều ra lứa hoa đầu tiên, đúng vào ngày giỗ của các Anh (ngày 8 tháng 9 âm lịch, năm 2015). Đặc biệt hơn là hai cây hoa Sữa trồng tại khu đền tưởng niệm Liệt Sĩ ở ấp Đá Biên, nơi luôn tràn đầy ánh nắng và lộng gió bốn mùa. Theo lẽ tự nhiên thì hoa nở theo hướng mặt trời, thế nhưng những chùm hoa đầu tiên này, chỉ hướng về nơi có ngôi miếu nhỏ ở trong bưng biền (miếu Bắc Bỏ), nơi các Anh đã chiến đấu và hy sinh. Ở Hà Nội, xem những hình ảnh các đồng đội chuyển từ Long An ra, tôi bàng hoàng, sửng sốt. Tôi như thấy các đồng đội của mình, hiện hình trên những chùm hoa trắng đó, hướng về ngôi miếu nhỏ đơn sơ trong bưng biền, như để tri ân những người dân đã thắp cho các Anh nén hương đầu tiên, với lòng thủy chung sau, trước của người lính…
Những bông hoa đầu tiên
Trên cành cây xanh lá
Những bông hoa đến lạ
Kệ cho phía kia thênh thang lộng gió gọi mời
Kệ cho phía kia đầy ắp ánh nắng mặt trời
Những bông hoa đầu của đời cây Hoa Sữa
Chỉ hướng về…ngôi miếu nhỏ đơn sơ!
Qua rồi những năm tháng bơ vơ
Qua rồi những tủi buồn hiu quạnh
Qua rồi những đêm dài giá lạnh
Qua rồi những năm ẩn khuất vô danh!
Mấy trăm chàng trai đẹp tựa như tranh
Đang hiện hình trên từng chùm hoa trắng
Những gương mặt rạng ngời trong nắng
Với nụ cười tươi dói tuổi hai mươi.
Đồng Đội ơi, dẫu chẳng thốt thành lời
Hoa đã nở cứ nhìn về chốn cũ
Những bông hoa kết thành đội ngũ
Yêu thương nhau gắn kết căng tròn.
Đã hiến đời trai trẻ cho nước non
Đâu màng danh vị với lầu son
Thủy chung sau trước lời người lính
Mãi mãi tri ân một chốn về.
Những bông hoa như nói hộ lời thề
Của hàng trăm Thành Hoàng Mũ Cối
Những bông hoa trên cây hoa Hà Nội
NHững bông hoa nghĩa tình đồng đội
Trổ mùa đầu tiên
Hoa Sữa Hà Nội ở rạch Đá Biên!
Kệ cho phía kia thênh thang lộng gió gọi mời
Kệ cho phía kia đầy ắp ánh nắng mặt trời
Chỉ hướng về
Nơi miếu cũ đơn sơ…!
………………………………………………………….
Mọi năm, vào dịp giỗ các chiến sĩ đã hy sinh, một số các cựu chiến binh d74.f304b, đoàn đi B 2013 cùng thân nhân một số gia đình liệt sĩ, một số Thầy Cô giáo, cựu sinh viên ĐHXD Hà Nội, các đơn vị, cơ quan khác cùng rất nhiều người dân đã vào thăm và dâng hương, dự lễ giỗ tại đền tưởng niệm Liệt Sĩ trung đoàn 207 ở ấp Đá Biên và miếu Bắc Bỏ trong bưng biền. Năm nay, vì tình hình dịch Covid 19, anh em không thể vào dự lễ giỗ các đồng đội được. Tôi đăng bài viết này thay nén tâm nhang, gửi vào Đá Biên trong ngày giỗ các đồng đội yêu quý của chúng tôi.
Theo Chuyện quê