“Nghìn ngựa ào qua đầu ngọn bút
Thân chưa khô mực, đã đường xa
Ngựa ơi đồng đất người thiên hạ
Cỏ nuôi mày vẫn cỏ lòng ta”
Đó là những câu thơ nhà thơ Vũ Quần Phương tặng họa sỹ Lê Trí Dũng.
Lê Trí Dũng có đến 3000 bức tranh ngựa. Giới sưu tập định giá mỗi bức tranh ngựa sơn dầu của ông có giá từ 3000 đến 7500 USD. Khi ra thị trường, giá còn bị đẩy lên gấp đôi, gấp ba.
Ở Việt Nam, khó có họa sỹ nào qua được Lê Trí Dũng về vẽ tranh ngựa. Họa sỹ Thành Chương còn so sánh Lê Trí Dũng với Từ Bi Hồng, danh họa thế giới người Trung Quốc chuyên vẽ tranh ngựa theo trường phái tả thực, bằng mực Nho.
Ông vẽ đủ 12 con Giáp và cả nhiều đề tài khác, nhưng người đời lại thích gọi ông là “Lão chăn ngựa”. Cách gọi dân dã ấy làm ông lính cựu xe tăng, cựu phóng viên chiến trường, Ủy viên BCHTW Hội Mỹ Thuật Việt Nam cực khoái.
Ông dân Hà thành, sinh năm 1949. Cha ông là Lê Quốc Lộc -danh họa thế kỷ XX, chuyên về tranh sơn mài, giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2000.
Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật nên khi nhập ngũ, đang là lính chiến thực thụ, cầm lái chiếc xe tăng, ông được điều lên binh chủng làm phóng viên chiến trường.
Về đề tài chiến tranh, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang trưng bày bức tranh sơn mài “Vượt trọng điểm” ông sáng tác năm 1974. “Vượt sông” (sơn mài – 1976), “Cánh rừng dioxin” (lụa-1989), “Mẹ của những người lính” (sơn dầu-1999), “Chân dung người lính” (sơn dầu – 2004) cùng nhiều tác phẩm khác của ông đã gây tiếng vang lớn trong giới Mỹ thuật Việt Nam và thế giới, được giới thiệu tại các cuộc triển lãm ở Việt Nam và Boston (Mỹ), Sydney (Úc). Năm 1992, Hội cựu chiến binh Mỹ đã mời ông sang Mỹ để triển lãm tranh. Với chủ yếu các tranh về đề tài chất độc da cam, Lê Trí Dũng đã gây ấn tượng rất mạnh tới các cựu chiến binh, giới hội họa và người yêu hội họa ở Mỹ qua các tác phẩm của mình. Tranh của ông về đề tài chiến tranh, nhưng người xem lại luôn thấy nét nhân văn hiện rõ qua những mảng màu nói lên sự khốc liệt của chiến tranh. Là người lính đã trải nghiệm trực tiếp trên chiến trường, ông tôn trọng lịch sử, không sa đà tô hồng bên chính nghĩa và bôi đen bên phi nghĩa. Ông vẽ về những con người cụ thể trong chiến tranh. Đã có lần ông gặp phiền hà khi vẽ quốc kỳ của hai bên tham chiến cao bằng nhau, to bằng nhau. Có ý kiến đề nghị ông chỉnh sửa, nhưng ông không chấp nhận.
“Tôi là tôi chứ tôi không phải là người khác”. Đó là câu ông xác định khi thể hiện trong từng bức vẽ. Ý đồ xuyên suốt đó cũng được ông khẳng định trong mấy tập tản văn “Những hòn cuội nhặt dọc đường” do Nhà sách Đông Tây phát hành.
Cơ duyên ông đến với việc chuyên vẽ tranh ngựa là lần ông vẽ bức “Quân doanh Từ Công”. Bức tranh khổ lớn vẽ Từ Hải oai phong đang ôm Thúy Kiều với cây đàn tỳ bà, có hình con ngựa làm nền ở phía sau. Thấy ông khách người Mỹ hỏi mua, ông ngỡ khách yêu và am hiểu Truyện Kiều. Sau gặng hỏi mới biết khách thích con ngựa ở phía sau hai nhân vật chính. Ông khách cho biết : “Tôi thích nhất con ngựa anh vẽ trong bức tranh này. Nó phiêu linh mờ ảo và mang cốt cách bản sắc Việt rất rõ. Tôi cũng đã từng xem tranh ngựa ở nhiều nước trên thế giới, nhưng con ngựa trong bức tranh này không giống bất cứ tranh ngựa nào vẽ ở đâu cả !”.
Từ đấy ông chuyên tâm vẽ tranh ngựa. Ông vẽ hối hả bằng nhiều chất liệu. Sơn mài, trên toan, trên giấy dó, giấy xuyến chỉ, sổ tay, mâm gỗ, thậm chí cả trên bìa các tông…Khi ngựa về trong tim là ông buông bỏ mọi việc để giữ chúng lại.
Theo người bạn Trương Nhuận và cũng là người sưu tầm tranh ngựa lớn nhất Việt Nam thì ngựa của Lê Trí Dũng rất riêng và rất có “thần”, có chiều sâu, mang cốt cách của con người. Ngựa trong tranh của Lê Trí Dũng gắn với bối cảnh Việt như mùa Sen, hoa Đào, mảnh trăng đầy hay khuyết khiến đàn ngựa của Lê Trí Dũng trở nên đa dạng, không con nào giống con nào. Khác hẳn danh họa Từ Bi Hồng chỉ chuyên về tả thực và dùng chất liệu mực Nho là chủ yếu.
Những tưởng ông yên phận “chăn ngựa” thì trong cuốn phim “Giấc mơ Kiều” của đạo diễn Nghiêm Nhan được VTV 1 phát chiều mùng 2 Tết Tân Sửu, lại thấy ông vẽ về Kiều với nét cọ tài hoa, bay bổng.
Cũng ít người biết rằng đam mê lớn nhất của ông lại là bóng đá. Nói về bóng đá, ông có thể tiếp chuyện cả ngày.
Ông đề nghị phải để chính ông phụ trách tranh minh họa cho cuốn “Tản mạn bóng đá Hà thành” sắp xuất bản.
Nếu đất nước yên hàn, có khi ông đã là cầu thủ bóng đá. Ông từng là cầu thủ của đội tuyển bóng đá cơ quan Binh chủng Tăng Thiết giáp Việt Nam. Bạn bè ông trong giới quần đùi áo số, e rằng đông không kém những người trong giới cầm cọ của nước nhà.
Chuyện làng quê