“Hoàn kiếm” xưa trong “Tác phẩm mới”

Mạc Anh Vân

27/12/2022 22:45

Theo dõi trên

Chương trình truyền hình “Tác phẩm mới” là một trong số những chương trình âm nhạc mang tính chuyên nghiệp được phát sóng định kỳ hàng tháng trên VTV1. Các nhạc sĩ đã sử dụng các điển cố, điển tích trong Văn học - Lịch sử hay cả những câu chuyện thường nhật để thông qua đó làm dày thêm Kho tàng Âm nhạc nước nhà.

tac-pham-moi-1672155658.jpg
 

          Cuộc sống hiện đại, con người càng phải làm việc căng thẳng thì nhu cầu giải trí càng cao, vì vậy các chương trình truyền hình giải trí hay các chương trình truyền hình về âm nhạc đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu của con người. Những năm gần đây, trên truyền hình xuất hiện số lượng rất nhiều các chương trình truyền hình âm nhạc giải trí đến các chương trình âm nhạc mang tính chất chuyên nghiệp,  như “Giọng ải giọng ai”, “Ca sĩ mặt nạ”, “Con đường âm nhạc”, “Sao mai điểm hẹn”, “Tác phẩm mới”,… Các chương trình âm nhạc được phát sóng trên truyền hình đa dạng cả về thể thức và cách thức hoạt động. Có chương trình được mua bản quyền hoàn toàn từ nước ngoài, nhưng có chương trình lại được hoàn toàn do người Việt biên đạo, sản xuất. Có chương trình sản xuất với mục đích tăng nhu cầu giải trí về âm nhạc, nhưng cũng có không ít những chương trình mang tính chuyên nghiệp, nhằm nâng cao thẩm mỹ của những khán giả yêu nghệ thuật hay văn thẩm mỹ nói chung. Chương trình “Tác phẩm mới” là một trong số đó.

          “Tác phẩm mới” lần đầu tiên được phát sóng vào khoảng những năm 1996, do MC Đặng Châu Anh làm người dẫn chương trình. Các số phát sóng tiếp theo được tổ chức định kỳ mỗi tháng một lần. Chương trình đã được cải biên khá nhiều so với những số đầu phát sóng, tuy nhiên, chương trình lúc bấy giờ chủ yếu là do người dẫn chương trình nói, đưa thông tin chứ không có những talk show đối thoại trực tiếp giữa tác giả và người dẫn chương trình, với các cuộc trò chuyện và sắc thái hết sức tự nhiên như bây giờ. Đây được đánh giá là chương trình truyền hình về âm nhạc tuy không mới về cách thức tổ chức nhưng lại hết sức chuyên nghiệp, chất lượng, nên chiếm trọn được tình cảm của khán giả. Chương trình là nơi giới thiệu các sản phẩm sáng tạo âm nhạc của các nhạc sĩ đương thời. Thông qua chương trình, công chúng được tiếp cận với các tác phẩm mang tính chất chuyên nghiệp cao nhưng cách thể hiện lại vô cùng “mới”, độc đáo, nhằm đáp ứng phù hợp với xu thế của thời đại. Cách thức tổ chức chương trình không có qúa nhiều sự cầu kỳ: Một dẫn chương trình và 2 đến 4 khách mời (tuỳ theo từng số) là các tác giả, nhà sản xuất âm nhạc, phối khí,… Như vậy, chất lượng của chương trình là yếu tố mà người xem cũng như ekip sản xuất tập trung và đánh giá cao.

          Chương trình được chia ra làm 3 phần chính: Phần I: Chân dung âm nhạc, phần II: Sản xuất âm nhạc và phần III là thưởng thức tác phẩm. Ở phần đầu của chương trình mang tên “Chân dung âm nhạc”, người dẫn chương trình giới thiệu sơ lược về tiểu sử các khách mời. Có chương trình chỉ có một khách mời là tác giả, nhưng cũng có những chương trình có nhà soạn nhạc, phối khí hay nhà phê bình đồng hành cùng. Các vị khách mời chia sẻ về cảm xúc khi được góp mặt tại chương trình, cũng như cảm hứng khi bắt đầu viết về bài hát. Qua đây, khán giả hiểu sâu sắc hơn về hoàn cảnh ra đời, ý nghĩa lịch sử của bài hát, cũng như tâm tư tình cảm mà các nghệ sĩ muốn gửi gắm. Cụ thể, trong chương trình “Tác phẩm mới”, tác phẩm “Hoàn kiếm” (lời: Nguyễn Vĩnh Tiến, nhạc: Giáng Son) hai nhạc sĩ đã bày tỏ lý do lựa chọn và sáng tác ca khúc. Không phải Huế, Đà Lạt, hay Sài Gòn; Hà Nội là thủ đô, là thành phố có nhiều ca khúc nhất Việt Nam được lựa chọn làm chủ đề sáng tác.  

          Nếu nhắc đến “Trái tim Hà Nội” thì ai cũng hiểu là Hoàn Kiếm, nhưng cách lựa chọn đặt tên “Hoàn Kiếm” lại rất trực diện, thể hiện tình yêu giản dị, mộc mạc nhưng cũng rất chân thật của tác giả. Câu chuyện kể về việc một chàng trai đưa cô gái đi giới thiệu một vòng Hà Nội, thông qua các phố phường và điểm bắt đầu là Hoàn Kiếm. Trên cơ sở ý tưởng văn học đó, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến bắt đầu tìm thấy các điển tích ở trong những câu ca dao cổ của Hà Nội cũng như những hình ảnh câu chuyện hoàn mỹ liên quan đến nét nhạc của nhạc sĩ Giáng Son, như “Gà gáy tinh mơ thọ xương”, hay hình ảnh cầu Long Biên với những đòn gánh của người dân lao động “Cầu Long Biên vẫn gánh bao nhiêu mây trời”. Đến đây, khán giả đã bước đầu có những nét hình dung về những nét chân dung âm nhạc, tiếp sau đó là phần “sản xuất âm nhạc”.

          Nói đến sản xuất âm nhạc, ta không thể không nhạc đến nhạc sĩ phối khí. Nếu như nói giai điệu và ca từ là những nét sáng tạo đầu tiên của một tác phẩm thì công đoạn phối khí và sản xuất âm nhạc lại là bước quan trọng không hề nhỏ. Nó được xem như yếu tố quyết định tác phẩm có được đón nhận rộng rãi bởi công chúng hay không. Ta dễ thấy trên thị trường âm nhạc, có nhiều ca khúc khi sáng tác ra chỉ phục vụ được số ít những khán giả, những đối tượng người nghe, nhưng sau khi được phối lại nhạc, hay thay đổi ca sĩ hát, tác phẩm lại như đón một luồng gió mới và nhận được sự ủng hộ đông đảo từ phía cộng đồng. Như với “Hoàn Kiếm” mà tôi nhắc đến ở trên, nhạc sĩ phối khí Minh Đạo đã dày công nghiên cứu nội dung tác phẩm và “ý đồ” tác giả để đưa nhưng nhạc cụ khí nhạc phù hợp vào trong bản phối của mình. Là một tác phẩm đong đầy ý nghĩa lịch sử, sự tự hào và cả sự ngọt ngào, lãng mạn của Hà Nội, người nghệ sĩ phối khí cũng cần tôn trọng ý tưởng để xây dựng bản phối hoà hợp với giai điệu và lời ca. Bản phối bắt đầu bằng tiếng chuông nhà thờ thánh thót, với sắc thái Crescendo từ nhỏ đến to, đã đưa người nghe về câu chuyện, về không gian của Hà Nội xưa. Dàn dây xuất hiện vào cùng rất êm ái, du dương. Mỗi một nét nhạc như vậy giống như một bức tranh quyện với lời ca và giai điệu. Sự kết hợp tuyệt vời giữa nhạc sĩ phối khí và tác giả góp phần tạo nên một tác phẩm đặc sắc phong phú, thể hiện được đúng tính chất âm nhạc lúc ban đầu.

          Phần III của chương trình là “thưởng thức tác phẩm”. Tác giả và khán giả cùng nghe lại sản phẩm âm nhạc qua sự thể hiện của ca sĩ. Tiêu chí lựa chọn ca sĩ cũng cần rất được quan tâm vì đó là người thổi hồn vào tác phẩm, là công đoạn sau cùng đưa tác phẩm đến với công chúng. Nếu như nhạc sĩ sáng tác, nhạc sĩ phối khí là những người sáng tạo nghệ thuật lần thứ nhất, thì ca sĩ thể hiện ca khúc là người nghệ sĩ sáng tạo lần thứ hai. Tác phẩm dù có hay nhưng không có phần thể hiện tốt của ca sĩ thì khó có thể tiếp cận được đến khán giả. Ca sĩ cũng cần nắm rõ tất cả các ý tưởng của nhạc sĩ sáng tác, nhạc sĩ phối khí để thể hiện kỹ thuật thanh nhạc phù hợp. Giai điệu hào hùng không thể sử dụng giọng hát bi luỵ và ngược lại. Cụ thể, trong chương trình “Tác phẩm mới” - tác phẩm “Hoàn Kiếm” này, ca sĩ Vũ Thắng Lợi đã hát rõ ràng, mạch lạc với giọng hát mang tính tự sự, kể chuyện. Kỹ thuật Bel Canto trong cách hát và chất giọng Tenor khiến người nghe cảm nhận rõ hơn nữa không khí và những nét đặc trưng của Hà Nội. Ở những câu hát nhắc tới di tích lịch sử nổi bật của Hà Nội, hay những điển tích, điển cố được lấy từ thơ ca, văn học, đây được coi là điểm nhấn của tác phẩm, ca sĩ đã thực sự thể hiện được rõ chất giọng mang âm hưởng hùng tráng, niềm tự hào mãnh liệt. Hai câu cuối của tác phẩm có xuất hiện nhiều những nốt thăng giáng bất thường nhằm miêu tả những sự kiện lịch sử và những sự thay đổi lớn nhỏ của Thủ đô, dù liên tiếp diễn ra nhưng vẫn quật cường và trở lại với sự bình dị, yêu dấu; điều này cần hơn nữa kỹ thuật xử lý luyến âm, ngắt âm, hát nốt chromatic của ca sĩ.

          Có thể nói, sự thành công của chương trình là tất cả những nỗ lực, cố gắng của ekip và các ca sĩ, nhạc sĩ làm nên. Chương trình đã không ngừng tìm tòi những tác giả, tác phẩm mới để giới thiệu rộng rãi đến truyền hình, đến công chúng. Điều này không chỉ mang lại niềm yêu âm nhạc, những phút giây thư giãn mà còn khơi dậy nhưng tình yêu, những niềm đam mê, niềm tự hào về kho tàng tri thức của đất nước nói chung và về lĩnh lực âm nhạc, nghệ thuật nói riêng.

.

Bạn đang đọc bài viết "“Hoàn kiếm” xưa trong “Tác phẩm mới”" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn