Học tập, làm theo gương Bác Hồ từ những việc cụ thể

Là người lính, từng tham gia chống Mỹ, đến ngày thắng lợi.

Nhân dân cả nước còn phải khắc phục khó khăn do cuộc chiến tranh chống xâm lược lâu dài tàn phá. Lại tồn tại cuộc sống bao cấp thì tôi đã bị thương nặng. Các vết thương gãy tay trái, gãy chân phải, mổ bụng khâu gan nối ruột, sức ép toàn thân và giảm thính lực do bom đạn. Tôi buồn lắm, nghĩ đến tương lai, tuổi trẻ….Trở nên bi quan, trách móc (thiên thời địa lợi nhân hòa) chưa để tôi xanh cỏ, cũng chẳng đỏ ngực. Thỉnh thoảng mẹ nhìn tôi, sờ vào các vết thương. Tôi lại nhớ đến mấy câu thơ thi hào Nguyễn Du từng viết:

hoc-tap-bac-ho-1645574036.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Thân sao thân đến thế này

Còn ngày nào củng Dư ngày ấy thôi

Đã không biết sống là vui

Tấm thân nào biết thiệt thòi là thương.

Có lúc tôi đã nghĩ đến một hành động nhỏ, mẹ tôi có thể chảy vài dòng nước mắt: là xong. Nhưng nhiều lúc, nghĩ đến quá khức hào hùng của mình, cùng đồng đội chiến đấu với quân thù nhiều trận. Hoàn thành mọi nhiệm vụ, được Đảng và nước tuyên dương tập thể đại đội Anh hùng các lực lượng vũ trang: Đó là C10-D15-E284 ngày 01/10/1971. Và tôi cũng được kết nạp vào Đảng ở đó. Tôi cũng đã từng hứa với các liệt sỹ trước lúc họ hy sinh là (còn sống sẽ sống xứng đáng với các liệt sỹ).

Hình ảnh người Đoàn viên cộng sản Côm – Xô- Môn của nước Nga là Fa Ven trong tác phẩm văn học Xô Viết (Thép đã tôi thế đấy) nhắc nhở tôi phải dũng cảm tiến lên! (Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận…)nhất là lời dạy của Bác Hồ (Tàn mà không phế).

Tôi đấu tranh từng phút từng ngày để vượt qua sự tự ti, yếu hèn. Quả là tôi chưa muốn rời khỏi quân đội, nghĩ rằng mình không được làm việc ở tuyến trước thì sẽ hoàn thành nhiệm vụ ở tuyến sau, phù hợp với sức khỏe để tiếp tục góp phần bảo vệ và xây dựng tổ quốc.

Đang quyết tâm rèn luyện ở đoàn an dưỡng 253-Quân khu III. Và chờ đợi sự điều động trở lại vị trí chiến đấu của người lính.

Sau đại hội Đảng toàn quốc lần thứ sáu. Có một cán bộ an ninh của tỉnh Nghệ Tĩnh (anh tên Vĩ) đến đoàn báo cáo, xem xét hồ sơ rồi gặp tôi nói:

- Ngành an ninh nội bộ tỉnh mời anh về cộng tác làm việc, giúp chúng tôi…

Tôi chưa rõ sẽ làm gì, nhưng nghe nói (Bảo vệ nội bộ) tôi vừa mừng vừa lo. Mừng là vừa được tiếp tục làm việc. Lo là vì sống với đồng đội tôi chân thật sợ lộ công tác của Đảng. Nhưng tôi phải quyết tâm làm. Anh Vĩ đã hỗ  trợ tôi tất cả mọi việc thanh toán với đoàn an dưỡng. Về đến tỉnh, gặp trưởng phòng an ninh nội bộ Minh Chương- ông khá lớn tuổi, động viên tôi:

- Được về với tỉnh nhà. Anh vừa an dưỡng vừa cùng chúng tôi, giúp đỡ một số thương binh đặc biệt mà những người bình thường như chúng tôi không nên có mặt ở đó thường xuyên…

Công việc đơn giản, nhưng cũng đầy nguy hiểm. Tôi được nhiều đồng chí chuyên viên an ninh phụ trách qua từng thời gian giúp đỡ, hướng dẫn, báo cáo hàng quý, hàng tháng và có khi từng giờ.

Chẳng là số thương binh về với khu điều dưỡng rất đông, quá tải. Trong đó cũng có rất nhiều đồng chí bị địch bắt bớ tù đày được trao trả mà ta gọi là đoàn quân chiến thắng trở về. Dù đã được an điều dưỡng nhiều năm ở các quân khu, nay quân đội phải giảm biên chế. Anh em thương binh chưa có điều kiện về với quê hương và gia đình. Đảng và Nhà nước luôn ưu tiên chế độ chính sách với người có công.  Nuôi sống họ nhưng còn thiếu thốn mọi điều kiện như thuốc thang và một số chế độ sinh hoạt khác. Có thương binh khi vết thương trái gió trở trời, đau đớn sinh ra nóng nảy trở nên công thần đòi hỏi. Có đồng chí nghiện Móc phin mà ngành dược không cung cấp đủ. Anh em phải tự đi buôn bán kiếm tiền. Vừa khắc phục cho bản thân và gia đình. Vậy là nhiều vụ mất trật tự xảy ra khắp nơi. Kẻ xấu lợi dung dựa vào anh em trên các toa tàu. Buôn cả những hàng quốc cấm..Tôi đã phát hiện có quả lựu đạn ném vào toa tàu nhưng không nổ…

Phải nói ngành an ninh nội bộ Nghệ Tĩnh phát hiện sớm và ngăn chặn được một số vụ việc, mất trật tự trong thời bình. Ngày tháng trôi qua, khi Nghệ Tĩnh phải tách ra 2 tỉnh (Nghệ An và Hà Tĩnh). Tôi được miễn nhiệm công tác bí mật. Đang là Đảng ủy viên phụ trách đội phó của một đội thương binh nặng trên trăm người. Nghe theo ý Đảng lòng dân tôi tự nguyện viết đơn xin về sống với gia đình để được chăm sóc lẫn nhau. Gia đình tôi có mẹ già, 3 con nhỏ ở cơ quan của vợ thuộc phường Hưng Dũng- thành phố Vinh- tỉnh Nghệ An. Chính quyền đoàn thể ở đây đã đón nhận tôi như ngày xưa quê hương tôi tiễn tôi đi đánh giặc. Vợ tôi cũng là quân dân của bộ đội Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Nay chuyển ngành làm nhân viên kỷ thuật y tế của bệnh viện tỉnh. Nên tôi được thông cảm và được cấp cứu sớm khi vết thương tái phát. Tôi cũng phải cố gắng để giúp đỡ vợ (đảm việc nước, giỏi việc nhà). Về sinh hoạt với bà con khối xóm một thời gian. Họ bầu tôi làm tổ trưởng tổ dân cư- Hội CCB bầu vào ban chấp hành phụ trách chi hội trưởng. Lại còn làm tổ trưởng tổ thương binh nặng của phường. Ủy viên ủy ban MTTQ cấp cơ sở. Được giao việc gì tôi cũng cố gắng nêu cao trách nhiệm gương mẫu, khắc phục tình trạng thương tật để xứng đáng là người lính cụ Hồ trên quê hương mới.

Song nền kinh tế của gia đình tôi vẫn eo hẹp, khó khăn. Mẹ già và 3 con nhỏ vẫn phải ăn sắn, ăn ngô, mặc rách. Nhà tranh vách đất dột nát, tôi phải khắc phục chăn nuôi thêm lợn, gà trong khu tập thể chật hẹp. Có việc gì ai thuê xét có thể làm được, cũng cố gắng như bóc lạc cho nông sản, đi chợ nhận hàng bỏ mối….Tôi đã dùng chiếc xe đạp vĩnh cửu (Được quân đội thanh ly cho thương binh) đến chợ Vinh chở hàng, chở người. Rồi tôi sắm được xe máy, xin công an được làm nghề xe ôm. Trước còn rày rà, e ngại nhưng quen dần sinh nghiện. Được tự do ra đường đón khách, tôi quên đi nổi đau của thương tật. Được vui vẻ với mọi người, hiểu biết thêm với xã hội. Sức khỏe tôi như được phục hồi lại có tiền chăm sóc mẹ già, tạo điều kiện cho ba con được học tập tốt hơn, mua sắm được thêm phương tiện sinh hoạt.

Tham gia giao thông tôi phải đặt ra mục tiêu để phấn đấu. Đầu tiên là phải an toàn cho khách cho mình, luôn vui vẻ với mọi người, giá cả phải chăng. Có trường hợp phải từ thiện giúp đỡ và đến nơi, đến chốn cho khách. Nhờ vậy tôi được nhiều người yêu quý. Tôi không còn phải ra đường đứng ở ngã 3, ngã tư như trước nữa. Khách tự đến hoặc điện thoại cho tôi tới phục vụ.

Hằng ngày có thêm thu nhập tôi đưa cho vợ quản lý một phần, còn một ít tôi kiếm một ống tre, đục một lỗ phía ngoài tôi ghi mấy từ: Ống tiết kiệm học tập, làm theo Bác. Mỗi năm tôi chẻ ống hai lần sử dụng cho 2 mục đích. Một là chi phí cho những lần tìm kiếm thăm hỏi đồng đội nay còn sống ở khắp mọi miền tổ quốc. Thăm đồng bào nơi các chiến trường như Quảng Trị- Thừa Thiên Huế, thắp hương tưởng niệm các liệt sỹ đã từng chiến đấu bên mình rồi họ ngã xuống. Cũng từ những lần ấy tôi đã tìm được 6 ngôi mộ của đồng đội rồi liên lạc với thân nhân của họ đưa hài cốt về quê hương.

Tiền trợ cấp thương tật với tiền lương của vợ và số tiền làm thêm đã đưa mức sống gia đình tôi tạm ổn. Làm được ngôi nhà nhỏ gọn ấm áp tôi bắt đầu thực hiện truyền thống từ tâm của ông cha là từ thiện. (Thương người như thể thương thân) Tôi mua sách vở, giấy bút, đồ dùng học tập gửi về tặng trường học nơi tôi từng lớn lên. Nay các cháu thiếu thốn vì thiên tai lũ lụt. Mua áo, quần, thuốc thang, lương thực và cả tiền mặt. Tuy nhỏ để giúp đỡ những gia đình khó khăn ở nơi tôi sinh ra và các vùng núi xa xôi. Tôi nghĩ làm từ thiện mà kể thì không phải là từ thiện nữa. Tôi chỉ vui mừng khi có lời cảm ơn của những người nhận được từ thiện.

Nhưng từ nhân dân rồi đến một số phóng viên báo chí nhanh nhạy đưa tin động viên. Bởi vậy tôi được các hội tôi sinh hoạt như CCB, hội Người cao tuổi, UBND các cấp và thủ tướng chính phủ tặng bằng khen về thành tích học tập và làm theo Bác. MTTQ Thành phố Vinh tôn vinh tôi là nhân sỹ yêu nước 20/7. Nay tôi đã gần 75 tuổi có 55 năm tuổi Đảng lại bị thương tật ngày càng yếu, thân nhân và những cán bộ văn hóa tư tưởng động viên tôi không nên làm nghề xe ôm nữa. Bởi trên mặt trận giao thông ngày nay cũng nguy hiểm như bom đạn thời chiến tranh. Họ khuyên tôi ở nhà tĩnh dưỡng vui vầy bên con cháu. Có thời gian hãy ghi lại những tấm gương của đồng bào, đồng chí từng dũng cảm quên mình, sẵn sàng hy sinh cho độc lập, tự do cho thống nhất Tổ quốc để thế hệ mai sau biết được. Tôi nghe theo.

Khi ra đi bộ đội mới học hết lớp 7 phổ thông. Rời khỏi khẩu súng mà Đảng giao, tôi không có nghiệp vụ gì nhất là báo chí. Tôi phải hỏi nhờ các nhà báo chuyên nghiệp hướng dẫn. Tôi phải đọc nghiên cứu tài liệu và cách viết báo của Bác Hồ để thực hiện. Bài đầu tiên tôi viết đi viết lại, sữa chữa từng từ, từng câu. Rồi đọc cho người thân nghe và xin họ cho ý kiến. Thấy suôn sẻ tôi mới dám gửi cho báo. Các bài tôi viết thường theo dạng ký. Kể thật những điều mắt thấy tai nghe nên các báo đã in cho tôi một số bài. Các bài được in tôi mừng lắm, lấy đó làm bài học rút kinh nghiệm nâng cấp cho bài sau. Các nhà biên tập đã đồng cảm ưu tiên sự thật nên cho đến nay tôi đã có nhiều bài báo được in. Tôi đã lấy báo nuôi sách. Tất cả tiền nhuận bút các bài tôi góp lại, tuyển chọn những bài báo hay, thuê nhà sản xuất in thành sách, rồi thân tặng những người yêu quý sách. Như vậy tôi đã thấy mình làm được một số điều có văn hóa. Trong cuộc thi viết về đồng đội của báo CCB Nghệ An tôi đạt giải đặc biệt. Cuộc thi viết mãi mãi sáng danh bộ đội cụ Hồ và cuộc thi viết hào khí Trường Sơn mới đây của báo CCB Việt Nam tôi đều đạt giải 3.

Ba năm nay, nạn dịch covid 19 hoành hành khắp thế giới. Khi đến với Việt Nam. Nghe theo các chỉ thị của cấp trên, tôi thực hiện chế độ 5k (Chống dịch như chống giặc). Vệ sinh môi trường sạch sẽ, tùy khả năng của mình. Tiếp tục cùng người thân trong gia đình, vận động thi đua xây dựng đời sống văn hóa mới ở k hu dân cư. Làm điều gì có ích vì mọi người. Cũng là học tập và làm theo gương của Bác Hồ.

Trái tim người lính