Trước đây, khi thành phố chưa đô thị nhiều, thiên nhiên đang chiếm phần diện tích lớn ngay cả trong nội đô. Chúng ta ngước mắt ra là thấy thiên nhiên gần gũi. Nhưng bây giờ, khi các tòa cao ốc mọc lên nhiều, muốn thấy thiên nhiên, phải đến công viên, hoặc đi ra khu ngoại thành.
Cỏ cây, hoa lá, luôn làm cho con người bình lặng, yên tĩnh hơn. Đối với trẻ nhỏ, khi suy nghĩ chưa sâu sắc, thì cỏ cây, hoa lá là đối tượng để các em tìm hiểu, và từ đó yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp hơn. Ở các vùng quê, với học sinh, đi dã ngoại hầu như không có, bởi các em hằng ngày đã gắn bó với biển, đồng ruộng, lưng trâu... Nếu lớp có tổ chức đi đâu đó, thì là đi du lịch ở các điểm lịch sử, thành phố lớn.
Nhưng với học sinh ở thành phố, nhất là các em lứa tuổi mầm non, thì việc đi dã ngoại thật ý nghĩa, vì một phần cuộc sống ở khu đô thị đã ngăn cản các bé đến với thiên nhiên. Và bởi trẻ em là “trang giấy trắng”, là “búp trên cành”. Vì vậy, chúng ta phải càng uốn nắn, rèn rũa ngay từ nhỏ. Trong nhiều bài học mà thầy cô, cha mẹ dạy cho trẻ để sau này các bé sống tốt hơn, tránh xa cái ác, trong đó có bài học dạy các bé yêu thiên nhiên.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra, một đứa trẻ nếu biết yêu thiên nhiên, thì sau này khi lớn lên, đứa trẻ này sẽ sống biết yêu thương. Khi sống biết yêu thương thì sẽ có trách nhiệm hơn với bản thân, với xã hội, nên công việc cũng tốt hơn. Vì vậy, một buổi đi dã ngoại ra ngoài với thiên nhiên, dù biết các bé lớp mầm non sẽ rất mệt, nhưng ý nghĩa thật lớn lao.