Khi người đàn bà mộng du

Nhân đọc tập Khi người đàn bà mộng du của Nguyễn Thị Hằng,Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2022.

                                                                                   

khi-nguoi-dan-ba-mong-du-1665414692.jpg
Khi người đàn bà mộng du của Nguyễn Thị Hằng

Khi người đàn bà mộng dulà tập thơ thứ 2 của nhà thơ Nguyễn Thị Hằng. Tập sách được viết bằng tình yêu, tấm lòng nặng nợ của một người trẻ với văn chương. Ở tập này, thơ có sự chắt lắng, đầu tư kỹ lưỡng và viết chắc tay hơn so với tập Trổ mùa hương xưa.

Khi người đàn bà mộng du, dễ gây cảm tình với người đọc bởi những vần thơ da diết, mang nhiều nỗi niềm thương cảm về cuộc đời, về con người và nhất là số phận những người phụ nữ. Họ sống hết mình vì tình yêu, sẵn sàng đổi hạnh phúc bằng niềm đau, đổi nụ cười bằng nước mắt.

Khi người đàn bà mộng du, xuất hiện dày đặc bóng dáng hình ảnh người đàn bà thua thiệt trên con đường tình ái với niềm khao khát cháy bỏng về hạnh phúc... nhưng rồi “hạnh phúc” chỉ như cơn gió thoảng qua. Và tất cả vẫn chỉ là niềm mơ ước mong manh, hoang hoải, xa vời. Vì thế, nỗi niềm khắc khoải về thời gian cứ thấm sâu vào trong tiềm thức và có lúc “em” hốt hoảng nhận ra cái tôi bản ngã của mình bị tan biến trước sự tàn bạo của dòng chảy thời gian.Thời gian đã lấy đi, đã làm bào mòn bao nhiêu thứ, nhất là tình yêu và tuổi trẻ.

Em tìm gì giữa bề bộn không tên/ Bàn tay em nhỏ với trái tim thèm nhớ/ Ôi tháng năm/ kết nên mùa cổ tích/ Những tin yêu/ ôm lấy hết muộn phiền (Xuân đã ngủ tay mềm)

Viết về tình yêu, lúc nào Nguyễn Thị Hằng cũng nhấn mạnh đến tấm lòng và sự bao dung của những người phụ nữ. Họ luôn chăm chút, yêu thương, khao khát hạnh phúc và có ý thức giữ gìn hạnh phúc. Nhưng phần nhiều nhận về là nỗi buồn đau, chua chát. Thất bại, đổ vỡ luôn rình rập, chờ sẵn bên cạnh tấm thân người đàn bà vốn yếu mềm và đa cảm.

Anh là gió em chỉ là sông vắng/ Xô vào nhau trút hết những bi thương/ Chỉ nhìn nhau nào có được chung đường/ Em là đất anh là trời biển lạ (Cánh hoa cuối mùa thu)

Những câu thơ buồn man mác, ở đó có cả những khao khát rất đỗi chân thành nhưng vì em là người đàn bà “nông nổi”, “dại khờ”: Em chỉ là người đàn bà nông nổi/ Ôm ráng chiều tìm những dấu môi hôn/ Nhung nhớ về đau mềm câu thơ cũ/ Trái tim em ngỡ hóa đá từ lâu (Người đàn bà nông nổi).

Để rồi cuối cùng “em” cũng đành “gửi lại tháng năm”: Em gửi lại tháng năm/ Màu bằng lăng tím vợi/ Và chút tình chới với/ Tan loãng vào gió mây// Em gửi nét môi gầy/ Phố đêm buồn đếm lạ/ Cơn mưa rào mùa hạ/ Đưa em đi thật xa// Em gửi một mùa hoa/ Nồng nàn hương thiếu phụ/ Và biết bao yêu dấu/ Theo ngày tháng lang thang// Còn em với mênh mang/ Tháng năm tình dang dở/ Ai vội quên mùa nhớ/ Mây rêu phong tuổi trời(Rêu phong tuổi trời).

Sự lắng đọng, độ suy tư và chất triết luận của cái tôi trữ tình trong thơ chị càng về sau càng rõ nét. Hạnh phúc hay khổ đau được nhân vật trữ tình em/ tôisẵn sàng đón nhận. Bởi hơn ai hết em/ tôiphần nào thấu được số phận của tình yêu và những ngã rẽ của cuộc đời.

Yếu tố thời gian trong thơ Nguyễn Thị Hằng được chị nhắc đến nhiều và trở thành nỗi ám ảnh, thức dậy trong lòng người sự nuối tiếc, bâng khuâng.Em tự quên tháng năm/ Tím bằng lăng ly biệt/ Có điều gì nuối tiếc/ Giữa những cánh hoa rơi.

Đôi lúc, nhân vật trữ tình “em” trong thơ Nguyễn Thị Hằng rơi vào trạng thái tương tư. Bởi “em” yêu hết lòng hết dạ nhưng “anh” có quan tâm và đáp lại xứng đáng với tình yêu mà em dành cho không? Hầu như là không, những người “anh” cứ lần lượt bỏ em ra đi để lại trong em vết thương lòng không sao có thể chữa lành được. Vì thế, ám ảnh “em” suốt cả cuộc đời.

Chiều nghiêng/ dệt những vần thơ/ Mà sao mây gió ngẩn ngơ nỗi niềm// Ngọc lan đã nở nghiêng đêm/ Còn em nghiêng những êm đềm - vỡ tan (Nghiêng).

Hệ thống những từ ngữ, hình ảnh đối lập được sử dụng với tần số cao trong thơ Nguyễn Thị Hằng. Điều đó làm nổi bật hơn cảm xúc và tâm trạng của nhân vật trữ tình em/ tôi. Đặc biệt, ngay trong cách đặt nhan đề cũng đã gợi lên nhiều ám ảnh: Rắc nỗi sầu lên phố, Khoảng lặng nắng ôm mùa về bật khóc, Lạc những mùa trăng, Tẩm liệm thanh tân cuối chiều...                                                                   

Cái tôi cô đơn được nhắc đến dày đặc trong thơ Nguyn Thị Hằng và chị gọi đó là “sự cô đơn của người đàn bà mộng du”. Nỗi cô đơn đã ăn mòn vào trong đời sống nhân vật trữ tình em/ tôivà cũng chính nhân vật trữ tình em/ tôitự gặm nhấm nỗi buồn đau ấy. Năm tháng vẫn cứ dần trôi, rồi biết bao nhiêu điều dang dở không thành, bao tiếc nuối, ngậm ngùi, đắng chát. Để rồi người đàn bà ấy phải đành lặng lẽ tự vỗ về mình, tự nhận ra mình là người đàn bà nông nổi:

Ừ thì thôi nghĩ làm gì anh nhỉ/ Bao mênh mang duyên số chẳng vẹn tròn/ Em chỉ là người đàn bà nông nổi/ Ôm ráng chiều tìm những dấu môi hôn

.....................

Em chỉ muốn thương người thương suốt kiếp/ Hứa hẹn gì khi chẳng có ngày mai/ Cứ âm thầm dâng kiệt cùng hơi thở/ Trái tim yêu mặc kệ tháng năm dài

Ừ thì thôi đừng nhắc về xưa/ Đời thương nhau biết mấy cho vừa/ Bình yên về bên cửa ngủ say sưa/ Nghe từng tiếng xuân mềm trong nhịp thở.

Sự “nông nổi” của người đàn bà có trái tim đầy bao dung và nhân ái. Đó là sự trỗi dậy mãnh liệt của tình thương khi nó đã vượt lên trên sự ích kỷ, hẹp hòi. Bởi sống ở đời này thương không biết bao nhiêu cho vừa, yêu không biết bao nhiêu cho đủ nên phải “cháy” đến kiệt cùng bằng tất cả tình thương yêu có thể! 

Khi người đàn bà mộng du, thể hiện khá rõ nét hồn thơ và lối viết chân thật của Nguyễn Thị Hằng. Chủ thể trữ tình giãi bày tất cả mọi cung bậc cảm xúc: cả trong những giây phút ngắn ngủi của hạnh phúc hay khi niềm đau đã phủ đầy.

Một mình em với biển…đêm cô độc/ Tình bơ vơ trên bảy sắc nhiệm mầu/ Trái tim tình theo sóng cuộn vào nhau/ Em cúi xuống cho con tim rơi xuống… (Chơ vơ chiều biển lạ).

Thơ Nguyễn Thị Hằng với khát vọng kiếm tìm hạnh phúc, sẵn sàng hiến dâng và sống hết mình với tình yêu của một tâm hồn nồng nàn, một trái tim giàu cảm xúc. Thế nhưng “niềm vui” “ngắn chẳng tày gang” và rồi đằng sau giây phút hạnh phúc chóng vánh ấy là sự hẫng hụt, chua chát, chạnh lòng.

Em uống cạn dòng sông/ Trong vốc tay ký ức/ Nỗi nhớ mòn cánh vạc/ Trăng lỡ thì đi hoang/ Nhớ quên thành quá vãng/ Chuyện cổ tích tình yêu (Tẩm liệm thanh tân cuối chiều).

Nỗi niềm cô đơn xuất phát từ những khao khát yêu đương cháy bỏng nhưng đôi khi là sự hờ hững của đối phương, thậm chí có lúc chỉ là tình yêu đơn phương. Đằng sau lời thú nhận đó là tấm lòng thành thực, hồn nhiên nhưng cũng không kém phần sâu sắc.

Như cánh hoa cuối mùa thu vừa nở/ Người đi rồi/ tình đó cũng ly tan/ Ngẩn ngơ rơi từng giọt giọt bàng hoàng/ Và ánh mắt nằm im theo hơi thở// Người đi rồi/ mang bao nhiêu niềm nhớ/ Câu hát ru ngày hạnh phúc ngọt ngào/ Canh bạc đời cay đắng biết ra sao/ Hai tay trắng người đàn bà câm lặng// Để đắng chiều/ sóng xô đầy biển mặn/ Cho bờ em còn khát đến bao giờ/ Ngàn nhớ thương đau đáu một vần thơ/ Chiều than thở buông mình theo nắng nhạt// Con dã tràng/ dù ngàn năm xe cát/ Sóng bạc đầu đánh vỡ nét ngây thơ/ Giấc trăm năm xé nát bóng đợi chờ/ Đem tình muộn phơi đầy trên biển lặng// Anh là gió em chỉ là sông vắng/ Xô vào nhau dùng dắng những bờ thương/ Chỉ nhìn nhau nào có được chung đường/ Em là đất anh là trời biển lạ.(Cánh hoa cuối mùa thu).

Thời gian đã làm đổi thay đi nhiều thứ, trong có tình yêu, thứ tình yêu “bạc màu”. Nhân vật trữ tình không khỏi hốt hoảng, lo âu khi nhận ra cái tôi bản ngã của mình bị bào mòn, tan biến trước sự tàn bạo của thời gian. Vì thế, nhân vật trữ tình cứ phấp phỏng lo âu đi tìm thời gian đã mất, tình yêu đã mất, niềm vui đã mất...

Đêm xanh xao quỳnh dỗi hờn chưa nở/ Con dế buồn run rẩy đoản khúc đêm/ Khói sương quyện say nồng nàn hơi thở/ Rũ áo người về một cõi mơ tìm// Đường thăm thẳm và bước chân thăm thẳm/ Chờ sóng đêm ôm lấy trọn bờ vai/ Buồn như thể con trăng đêm mòn khuyết/ Bên đời kia,thương ta một chốn này// Mong manh quá, mưa áp mình lên cỏ/ Đêm rơi dài…trong đôi mắt nằm nghiêng/ Bờ trăng rộng con thuyền tình ta vỡ/ Quên lời yêu, quên ta giữa lời nguyền// Muốn là trăng, tự tròn rồi tự khuyết/ Bay vu vơ trên những đám mây hồng/ Ta và nỗi mênh mang gió dạt/ Mỏi cuộc tình, hạnh phúc nép thương đau// Thời gian đang căng tràn mạch máu/ Như bong bóng xà phòng vỡ vụn trong ta/ Nghe nhói đau trên mười ngón ngọc ngà/ Vắt cùng kiệt những giọt xuân khờ dại// Rồi tự hỏi mùa yêu về chưa vậy/ Làm như nào san sẻ những nỗi buồn/ Thôi thì giữ một đóa hồng thật đẹp/ Giọt men nồng run rẩy chạm cô đơn (Men nồng).

Cùng với tình yêu, Nguyễn Thị Hằng cũng có những bài viết khá đằm sâu, da diết về quê hương (Hà Tĩnh) và những người thân yêu ruột thịt. Một số bài thơ viết về đất mẹ của chị đã được phổ nhạc với những ca từ hay, gây được sự cảm tình với người tiếp nhận. Đọc những câu thơ trong bài Nỗi đau của mẹ, những người trong hoàn cảnh này không khỏi rưng rưng. Ở đó là tấm lòng của một người con dành cho mẹ, sự trân trọng cảm thông trước bao nhọc nhằn, gian khó mà mẹ đã dành cho mình và cả gia đình.

Ngày ở viện đau nỗi đau của mẹ/ Con bần thần trong đôi mắt tái tê/ Kiếp con người như khói mây hoang hoải/ Vọng vào hồn đau đáu một lời thề// Ngày ở viện buồn nỗi buồn của mẹ/ Cha trao nợ duyên trên những lá trầu/ Trong lòng mẹ là một bình minh đỏ/ Và tình yêu trở dạ vặn mình đau// Ngày ở viện/ đau nỗi đau của mẹ/ Đêm thâu đêm mẹ đấm ngực nghẹn ngào/ Ấm ức duyên con buồn theo hơi thở/ Mắt ướt nhèm lạc giữa những vì sao// Đời của mẹ là trầm luân cay đắng/ Là vầng trăng bến nước con thuyền/ Là hạnh phúc bằng câu hát giao duyên/ Cánh cò trắng mông mênh trong chiều gió// Đời của mẹ - cánh diều trong giông tố/ Ôi thiêng liêng con yêu đến vô cùng/ Trong vòng tay mẹ đó với yêu thương/ Con yêu mẹ vì mẹ là hơi thở.

Mẹ là tất cả, mẹ là tình yêu thương vô bờ. Nhà thơ nhận ra trong bóng dáng của mẹ cũng thấp thoáng hình ảnh của chính mình nên chị càng yêu mẹ nhiều hơn gấp bội phần và ẩn đằng sau đó là sự ngậm ngùi thương cảm.

Thơ Nguyễn Thị Hằng để lại ấn tượngtrong lòng người đọc bởi giọng thơ da diết, đậm chất trữ tình. Ngôn ngữ thơ tự nhiên nhưng giàu cảm xúc, hình ảnh thơ độc đáo mang tính biểu tượng cao.Nhân gian vẫn cuộc rong chơi/ Em về mắt biếc nụ cười trinh nguyên/ Ngực trầm tóc thả vai hiền/ Vành môi, lưng nguyệt ngậm phiền trămnăm (Em về).

Đây có thể xem là sự thành công bước đầu của một cây bút trẻ. Tuy nhiên, đây là tập thơ thứ hai của chị nên cũng không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Giá như NguyễnThịHằng biết tiết chế lại cảm xúc ở những chỗ không cần thiết, biết đi vào trọng tâm không lan man,than vãn thì có lẽ thơ chị sẽ tạo được giọng điệu, phong cáchvà dấu ấn riêng. Nếu từng bước khắc phục những hạn chế và phát huy thế mạnh của mình thì Nguyễn Thị Hằng sẽ là cây bút thơ nữ có nhiều triển vọng trong tương lai./.