Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học: Cánh chim đầu đàn của Học viện âm nhạc Quốc gia

Trưởng thành cùng với sự phát triển không ngừng của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, 65 năm qua, Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học đã đào tạo nên nhiều thế hệ nhà giáo, nhạc sĩ, nhạc trưởng, những nhà lý luận - phê bình âm nhạc tài danh cho đất nước.
ngoc-khoi-2-1637206824.jpg

Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học hiện đang đào tạo bậc Trung cấp 4 năm, Đại học 4 năm, Cao học 2 năm và Nghiên cứu sinh 3 năm. Các chuyên ngành và môn học được giảng dạy tại khoa bao gồm: Sáng tác, Chỉ huy, Âm nhạc học, Âm nhạc dân tộc học, Phê bình âm nhạc, Phối khí, Hợp xướng, Tính năng nhạc cụ, Đọc tổng phổ...Đội ngũ giảng dạy của khoa hiện có 20 giảng viên, trong đó có 6 Phó Giáo sư, 3 Tiến sĩ,  10 Thạc sĩ, 1 Cử nhân.

NSND. Nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Giám đốc Dàn nhạc dân tộc, người được giao nhiệm vụ phụ trách Khoa cho biết: “Quá trình 65 năm, luôn là khoa đầu não của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, nơi đào tạo những cán bộ, những người làm chuyên môn, những nhà quản lý nghệ thuật, những nghệ sĩ có tên tuổi trong cả nước. Kể cả từ thời chiến, cũng như thời bình hay trong sự nghiệp phát triển và hội nhập quốc tế thì những sinh viên trưởng thành từ khoa, từ trường đã trở thành những người tài giỏi, góp phần phục vụ đất nước trên nhiều lĩnh vực và giữ những cương vị lãnh đạo quan trọng. Nhiều người vinh dự nhận những giải thưởng, danh hiệu cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng như: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, Giáo sư, Phó Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú.

ngoc-khoi-1-1637206824.jpg
NSND. Phạm Ngọc Khôi, chỉ huy dàn nhạc. Ảnh Nguyễn Đình Toán

Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học gắn liền với tên tuổi của những nhạc sĩ, nhà nghiên cứu có uy tín như: GS. Tạ Phước, GS. NSDN Nguyễn Văn Thương; GS.NSND. Nguyễn Trọng Bằng, PGS.Tô Vũ, PGS.TS Nguyễn Xinh, PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thị Nhung, PGS Ca Lê Thuần, PGS. Hoàng Đạm, PGS Tú Ngọc, PGS Chu Minh, PGS Nguyễn Vĩnh Cát, PGS.TS Vũ Nhật Thăng, PGS.TS Nguyễn Thuỵ Loan, GS.TS.NGND Phạm Minh Khang, PGS.TS Nguyễn Minh Cầm, PGS.TS.NGƯT Phạm Tú Hương, PGS.TS Đỗ Hồng Quân... PGS.TS Bùi Huyền Nga, nguyên Chủ nhiệm khoa tâm sự: “Là thế hệ sinh viên học tập tại khoa, tại trường và làm công tác giảng dạy, cho đến bây giờ là gần 50 năm. Chứng kiến cả một chặng đường dài, khoa luôn được khẳng định là cánh chim đầu đàn của trường. Các khoa khác cũng có những người rất là tài giỏi, nhưng đó là trong lĩnh vực biểu diễn, còn đối với ngành Sáng tác, Lý luận, Chỉ huy thì yêu cầu kiến thức rất sâu rộng trong nhiều lĩnh vực khác. Giảng dạy và nghiên cứu khoa học là hai vấn đề. Nó khác nhau nhưng lại tương hỗ cho nhau. Trọng trách của việc dạy học cũng quan trọng và cần thiết như việc nghiên cứu khoa học. Kết quả nghiên cứu khoa học sẽ giúp cho giảng viên đứng lớp có thêm kiến thức chuyên sâu trong giảng dạy”.

Gọi Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học là đầu não, là cánh chim đầu đàn của Học viện âm nhạc Quốc gia, theo PGS.TS Cù Lệ Duyên, Nguyên Chủ nhiệm khoa lý giải thì: “Lý luận phê bình là một lĩnh vực phức tạp, không chỉ có những kiến thức căn bản cần trang bị cho người học những kiến thức chuyên sâu, nên không phải ai tốt nghiệp ra trường cũng có thể là Nhà nghiên cứu. Và vì thế, rất nhiều người làm công tác nghiên cứu mới sinh ra được một Nhà phê bình. Còn có những người sau khi tốt nghiệp thì họ làm các công việc khác như: dàn dựng, chỉ huy, biên tập, dạy học… Tôi nghĩ tính ứng dụng của môn Phê bình âm nhạc rất cao, không chỉ học thuần túy những kiến thức, kỹ năng, đặc điểm âm nhạc, hòa thanh, phức điệu, phối khí, mà đi vào đời sống rất có hiệu quả. Để chuyên tâm nghiên cứu, ngoài việc đảm bảo kiến thức chuyên môn thì còn phải đam mê nghề nghiệp, đi sâu vào lĩnh vực nghiên cứu trong một môi trường khắc nghiệt. Lĩnh vực sáng tác cũng vậy, đây là một chuyên ngành khó nhất. Các em được đào tạo sáng tác giao hưởng, nhưng khi ra trường, chưa chắc các em đã có thể hòa nhập được. Nhưng cũng không phải vì thế mà đào tạo xô bồ. Chúng ta phải dung hòa giữa âm nhạc âm nhạc hàn lâm với âm nhạc đại chúng để có thể hòa nhập với cuộc sống. Các em học ở khoa, khi ra trường đều có thể vận dụng kiến thức một cách hiệu quả trong sáng tác, giảng dạy, nghiên cứu lý luận, hòa âm, khối khí, chỉ huy…”

ngoc-khoi-4-1637207071.jpg

Chặng đường 65 năm qua đi thật đáng tự hào bởi có những học sinh, sinh viên đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi âm nhạc, các festival âm nhạc thế giới. Cán bộ, giảng viên trong Khoa đã tham gia thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học; xuất bản nhiều sách chuyên khảo và giáo trình dạy học; tham gia các hội thảo quốc gia và quốc tế; nhiều tác phẩm âm nhạc, các chương trình, tiết mục của các nhạc sĩ, nghệ sĩ, giảng viên, học sinh, sinh viên được trao những giải thưởng âm nhạc uy tín, cùng những buổi hòa nhạc hoành tráng diễn ra trong nước và quốc tế.

Thạc sĩ Đặng Châu Anh, giảng viên môn Chỉ huy của Khoa chia sẻ: “Mỗi một giờ lên lớp, tôi luôn trân trọng và ý thức mình là một người quan trọng khi định hướng, dẫn dắt và trao cho các em học sinh kiến thức để trở thành những nhạc trưởng trong tương lai. Tôi nghĩ, hãy luôn làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm, say mê và luôn khích lệ học sinh, truyền cảm hứng, giúp các em không chỉ có kiến thức mà còn có niềm say mê. Tôi luôn Khích lệ đồng nghiệp làm việc cùng với mình để họ tự tin, thể thể hiện được mình. Tôi đau đáu gần 20 năm, kể từ khi bắt đầu làm việc với Dàn Hợp xướng Thiếu nhi của trường. Tôi nhận thấy Hợp xướng có khả năng kết nối ở chính trong dàn hợp xướng, giữa học sinh với nhau và kết nối với khán giả ở cả trong nước và quốc tế. Tôi nhìn thấy sự kết nối rộng mở đang tìm cách đưa Hợp xướng ra thế giới cũng như là đưa Hợp xướng thế giới về với Việt Nam. Thông qua các buổi biểu diễn Hợp xướng ở các dàn hợp xướng lớn: Mỹ,  Đức, Ba Lan, Thụy Sỹ, Thụy Điển đến với Việt Nam và biểu diễn tại Việt Nam, thì học sinh Việt Nam, kể cả các học sinh Chỉ huy hợp xướng lẫn các em học Hợp xướng đều học được tinh thần kỷ luật, say mê âm nhạc của các Hợp xướng viên Quốc tế. Và các hoạt động kết nối như vậy, giúp chúng tôi thảo luận, làm việc và sẽ biên soạn chương trình cho sinh viên Đại học”.

Có thể thấy, những thế hệ sinh viên của khoa đã và đang là nguồn lực chủ yếu của nền âm nhạc Việt Nam với hàng trăm nhạc sĩ, những nhà lý luận, những nhạc trưởng được Đảng, Nhà nước và nhân dân tôn vinh bằng những phần thưởng cao quý. Điều đó khẳng định giá trị của văn hóa, giá trị của âm nhạc, khẳng định vai trò vị thế của giáo dục âm nhạc trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

ngoc-khoi-3-1637206824.jpg

Giảng viên trẻ Trần Lưu Hoàng cho biết: “Tôi có 4 năm được tu nghiệp tại Học viện âm nhạc Thượng Hải về chuyên ngành Sáng tác, sau đó, năm 2011 trở về  giảng dạy bộ môn sáng tác tại khoa. Tôi thấy môi trường giáo dục của Học viện cực kỳ quan trọng cho những người sáng tác khí nhạc và nhạc hàn lâm. Ở đây, học sinh, sinh viên được tiếp cận rất nhiều thể loại âm nhạc và được tiếp xúc với rất nhiều người có trình độ chuyên môn cao. Được trở về giảng dạy tại Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học là niềm tự hào của tôi khi được mang những kiến thức học được tại nước ngoài truyền tải cho thế hệ trẻ. Qua qúa trình giảng dạy tôi thấy cần có sự gắn kết hơn nữa với các khoa biểu diễn để tạo một sân chơi có chuyên môn sâu cho cả giảng viên và sinh viên, từ đó tổ chức những giải thưởng sáng tác có tính khích lệ để học sinh tham gia và tìm ra những học sinh, sinh viên xuất sắc dự thi các cuộc thi mang tầm cỡ khu vực và quốc tế”.

 Hội nhập quốc tế là điều trăn trở của Ban Lãnh đạo khoa, bởi giao lưu văn hóa giữa các dòng âm nhạc, các luồng âm nhạc khác nhau trên thế giới sẽ tăng thêm sự gần gũi, hiểu biết và hội nhập tốt hơn. NSND. Nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi bày tỏ: “Chúng tôi là những người được tiếp nhận những thành tựu lớn của các bậc tiền nhân đã để lại, thì chúng tôi phải cố gắng, nỗ lực đoàn kết, sáng tạo, đổi mới không ngừng để thành công nối tiếp những thành công từ thế hệ cha anh đi trước. Tiếp thu một cách có chọn lọc, tự tin hội nhập sâu rộng với thế giới, để đưa âm nhạc Việt Nam có một vị trí xứng đáng trong bản đồ âm nhạc thế giới.

Chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp, sự hỗ trợ của Nhà nước, mở rộng cánh của giao lưu quốc tế. Mình mời quốc tế tới Việt Nam thì họ mới mời mình phải có sự trao đổi qua lại thì mới thúc đẩy phát triển và hội nhập toàn diện được. Chúng ta không nên bằng lòng với những gì đã có, bởi tốc độ phát triển thời công nghệ 4.0 quá mau lẹ. Muốn hội nhập tốt thì trước hết phải giữ được bản sắc Việt Nam, phải phát huy vốn cổ, cùng với việc tiếp thu những tinh hoa thế giới - Đó là khát vọng của tôi cũng như nhiều đồng nghiệp ở trường”.

Âm nhạc có một sức mạnh kỳ diệu để kết nối, lan tỏa. Khi mình nói lên tiếng nói, tâm hồn của mình thông qua biểu cảm bằng ngôn ngữ của âm nhạc - đó là điều tuyệt vời nhất đến với người dân ở mọi quốc gia, dân tộc trên Thế giới.

Chặng đường 65 năm đã qua với nhiều thành tựu, song con đường phía trước còn nhiều khó khăn bởi cơ chế thị trường trong thời đại phát triển công nghệ 4.0 đang phát triển với tốc độ nhanh, là những thách thức đòi hỏi phải đổi mới giáo dục một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, với bề dày kinh nghiệm và một niềm tin vững chắc vào sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của tập thể Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học, với những thành công đã đạt được là nền tảng vững chắc để bứt phá trên con đường đổi mới giao dục toàn diện trong giai đoạn hiện nay.