Không đầu hàng số phận

Em rất muốn có một tấm giấy khen để làm món quà tặng ba mẹ, hai năm rồi em chỉ biết đứng nhìn các bạn nhận phần thưởng, em buồn lắm thầy ơi.
1-khong-dau-hang-so-phan-1632834753.jpg
 

Em là một cậu học trò nhỏ nhắn, dễ thương với cặp kính cận khá dày trên gương mặt gầy gò, sạm đen, mái tóc vàng hoe cháy nắng. Em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, ba đi làm thuê bằng nghề phụ hồ rày đây mai đó theo công trình xây dựng, vài tháng mới về nhà một lần, mẹ em bán vé số, rong ruổi khắp các nẻo đường thành phố kiếm 100, 200 ngàn đồng tiền lời, phụ thêm vào số tiền ít ỏi của ba gửi về, cũng tạm đủ mấy mẹ con trả tiền thuê nhà trọ, rau cháo đắp đổi qua ngày, cho con được đi học để được bằng bạn bằng bè, không bị tủi thân mỗi khi thấy chúng bạn cùng trang lứa khăn quàng đỏ thắm trên vai tung tăng đến trường.

Mẹ em thường bảo, dẫu nghèo khó thế nào cũng phải cố gắng nuôi em ăn học đến nơi đến chốn để sau này không phải sống khổ sở như cha mẹ ngày xưa, sống khổ sống sở chỉ vì thất học, không được học hành đến nơi đến chốn. Âu cũng là do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên mới phải như vậy. Đời mình đã khổ, đã trải qua bao nỗi thăng trầm, đắng cay của cuộc đời, bây giờ phải cố gắng làm lụng vì đàn con để các con có tương lai sán lạn hơn, vì thế, ba mẹ quyết tâm cho em đi học và đặt nhiều niềm tin, sự kỳ vọng vào em

Khi tôi sắp xếp chỗ ngồi, em nói: -Thầy ơi cho em xin ngồi bàn nhất, vì mắt em nhìn xa không thấy rõ. Tôi cũng đã nhận ra điều đó nên xếp em ngồi chung với lớp phó học tập, em rất vui. Trong các tiết học, em hứng thú và say mê học tập, không còn rụt rè, nhút nhát khi phát biểu xây dựng bài. Cuối tuần, khi hết tiết sinh hoạt lớp, em chủ động gặp tôi, tâm sự: Em muốn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, thầy ạ, nhưng không biết em có thể đạt được hay không nữa. Em rất muốn có một tấm giấy khen để làm món quà tặng ba mẹ, hai năm rồi em chỉ biết đứng nhìn các bạn nhận phần thưởng, em buồn lắm thầy ơi.

Tôi biết em là một học sinh có học lực trung bình yếu, môn Toán tổng kết dưới 5,0 và môn Văn ở mức 5,0, các môn khác cũng không khả quan hơn là mấy. Có kết quả như vậy, có lẽ do ảnh hưởng của hoàn cảnh gia đình, ba đi làm ăn xa, mẹ bươn trải bán vé số, là con lớn trong gia đình, em phải trông và chăm sóc 3 đứa em nhỏ, tắm giặt, cho em ăn uống với nhiều công việc không tên đã choán hết thời gian học tập của em, thành tích học tập của em đạt mức trung bình cũng là điều dễ hiểu. Nhưng em không bằng lòng với học lực trung bình, em muốn mình đạt được danh hiệu học sinh tiên tiến. Để đạt kết quả ấy em cần phải cố gắng rất nhiều để đạt điểm tổng kết hai môn Văn và Toán trên 6,5 và không bị môn nào dưới 5,0 vào cuối năm học.

Hiểu tâm tư, nguyện vọng của em, tôi đã hướng dẫn em lập thời khóa biểu, vận động một số học sinh khá giỏi đến nhà em học nhóm, vừa là để hướng dẫn em cách học bài, làm bài tập, vừa phụ giúp em công việc trong nhà như quét dọn nhà cửa, nấu cơm, đi chợ, trông em…để em có thời gian chú tâm học tập.

Lúc đầu, em ngại, từ chối không cho các bạn đến nhà vì mặc cảm nhà mình nghèo, ba mẹ thì lam lũ, nhà cửa thì đi thuê, nội thất trong nhà chẳng có gì đáng giá, cái bàn học tập, cái giường ngủ là người ta không dùng đến, vứt đi, mẹ em xin về dùng, lại còn ba đứa em nữa chứ, đứa lớn 7 tuổi, đứa nhỏ 5 tuổi, các bạn đến không những không học được bài mà còn bị các em quấy rầy, ảnh hưởng đến kết quả học tập của các bạn, như vậy, thiệt thòi cho các bạn lắm.

Nhờ sự động viên của tôi, sự gần gũi, sẻ chia của các bạn, em đã hiểu ra, không còn mặc cảm, tự ti nữa mà vui vẻ, cởi mở hợp tác cùng các bạn học bài, áp dụng phương pháp học tập hợp lý, chú ý nghe giảng, ghi chép đầy đủ, hỏi thầy, hỏi bạn những điều em chưa hiểu. Để tạo thuận lợi cho em có thời gia học tập, các bạn phân công nhau, trong lúc người giỏi văn kèm văn thì giỏi toán trông em, giúp em dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, giặt đồ, phụ em gửi hai đứa em sang nhà ông bà ngoại ở gần đó trông nom giùm…

Em đã có sự tiến bộ hơn và hay nhắn tin “khoe điểm” với tôi. Đôi khi cũng có những tin nhắn “tiếc nuối” vì làm bài bị điểm thấp. Nhận những tin nhắn của em, tôi rất mừng khi thấy em có nhiều chuyển biến trong học tập, khen ngợi em có điểm tốt, động viên, khích lệ em cần cố gắng hơn để không còn có những điểm chưa đạt như ý muốn. 

Thế nhưng, những tháng ngày vui vẻ ấy không thể kéo dài với cậu học trò dễ thương, đầy ý chí. Qua lời kể của mẹ em, tôi biết là gia đình em đang gặp rất nhiều khó khăn. ba của em đã bỏ mẹ con em chạy theo người đàn bà khác mấy tháng nay. Một cú sốc quá lớn đã đốn ngã chị khiến chị chẳng còn thiết tha gì với cuộc sống. Nhưng chị nghĩ, nếu chị gục ngã, ba đứa con của chị sẽ đói khát, ai sẽ nuôn nấng, dạy đỗ đây. Các con chị đã thiếu thốn tình cảm, sự chăm sóc của người cha đã là sự thiệt thòi, mất mát quá lớn. Bây giờ, chị gục ngã, các con chị lại thiếu vắng tình yêu thương của người mẹ nữa sao. Nghĩ đến các con, chị nén nỗi đau, gồng mình bươn trải để lo cho con. Không còn nguồn thu nhập từ chồng gửi về, xấp vé số trên tay chị dày hơn, đôi dép mòn đế nhanh hơn, những nếp nhăn trên trán như dày thêm, vì thế, là anh cả nên em phải nghỉ học, ở nhà giúp mẹ phụ việc làm, chăm sóc các em.

Em nghỉ học, tôi đau lòng và thương em lắm. Thương mẹ con em và giận người đàn ông là chồng, là ba bội bạc, chỉ biết lo cho cuộc sống của bản thân mình mà bỏ rơi vợ con, đẩy vợ con đã phải sống trong cảnh khó khăn giờ lại càng khốn khó hơn khi thiếu người trụ cột của gia đình. Khi gia đình đổ vỡ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tâm lí, thể chất của trẻ em, các em sẽ bị rơi vào trạng thái tâm lí trầm cảm, tự ti, sống khép kín, dễ nổi loạn, buông xuôi cuộc đời, thiếu niềm tin vào cuộc sống…sẽ rất dễ dẫn đến con đường phạm pháp sau này.

Làm sao để em được đến trường, làm sao để em mau chóng vượt qua được cú sốc quá lớn khi người mà em kính trọng, yêu thương nhất lại là người ruồng rẫy, bỏ rơi mẹ con em. Có lẽ, em căm hận ba em lắm. Chỉ vì ba sợ đói nghèo, sợ khổ mà đã đánh đổi hạnh phúc gia đình bao năm gắn bó để đi theo người đàn bà khác. Có lẽ, người đàn bà đó phải giàu có lắm mới khiến ba dứt tình “phu thê” với mẹ, dứt tình “máu mủ” với những đứa con. Chính ba là người đã đẩy mẹ con em rơi vào cảnh khốn khó khiến em không còn được đến trường, gặp thầy, gặp bạn, vui với niềm vui tuổi thơ. Ba đã vùi dập ước mơ của mẹ, dập tắt bao hoài bão, ước vọng của em. Tương lai của em sẽ đi về đâu!?

Tôi đã mạnh dạn khuyên mẹ em hãy cho em trở lại lớp học, nếu để em nghỉ học lúc này sẽ ảnh hưởng lớn đến tương lai sau này và đặc biệt em sẽ bị sốc về tâm lí khi phải bỏ học, tương lai của em sẽ ra sao. Chị cũng đã có những kì vọng rất lớn ở đứa con trai lớn của mình, chị không thể buông xuôi kì vọng đó được, bởi, đó là niềm tin, là cuộc sống của chị và những đứa em sau này.

Dẫu cuộc sống hiện tại còn có rất nhiều khó khăn  nhưng chưa phải là bế tắc. Em kể cho chị nghe chuyện này, hy vọng chị sẽ thay đổi suy nghĩ và cố gắng vươn lên, đó là, chị Lưu Thị Hoa ở tổ 18 phường Hoa Mai, hơn 10 năm qua, gia đình thiếu vắng người đàn ông làm trụ cột nhưng chị vẫn kiên trì vươn lên chèo chống hết thảy khó khăn cả vật chất lẫn tinh thần nhằm làm điểm tựa cho các con. Ngoài công việc đồng áng, ruộng vườn, chị còn tranh thủ đi xúc cát thuê, phụ hồ, gánh đất và rất nhiều việc khác, cố bươn chải kiếm tiền để nuôi 3 đứa con ăn học.

Các con chị Hoa càng học lên cao, các khoản chi phí càng tăng, mà việc làm thuê lại ngày càng thất thường, chị bèn xoay sang nuôi lợn. Chị chạy vạy mượn tiền, xây một dãy chuồng lợn kiên cố và bắt đầu nuôi lợn nái. Khi lợn nái đẻ, chị lấy ngay đàn lợn con ấy nuôi thành lợn thịt để bán. Ban ngày, tất tả với bao nhiêu việc trong vườn, ngoài ruộng, còn buổi tối chị ngược xuôi quanh xóm để xách đồ thừa đem về nấu với rau khoai cho lợn ăn. Rau khoai của chị trồng chẳng những đảm bảo đủ nguồn thức ăn cho lợn mà còn có dư để bán trang trải cuộc sống hàng ngày.

Chị tin rằng, khi có trình độ học vấn, con chị mới có thể trở thành những người hữu ích và tương lai mới khỏi gian truân, lận đận. Ba đứa con chị, thấu hiểu nỗi lòng của mẹ nên đứa nào cũng hết sức chăm học, chăm làm. Em Thái là học sinh xuất sắc suốt 12 năm học phổ thông, hiện đang học năm cuối ở Trường Trung cấp Điện 3. Em Sơn nhỏ nhắn, gầy guộc năm nào, bây giờ đã là chàng sinh viên của Trường Đại học trên thành phố. Còn cậu con út của chị đang học lớp 7 và hàng năm đều có tên trong danh sách học sinh giỏi của Trường.

Hay như trường hợp của chị Phan Thị Lài, chồng mất vì tai nạn giao thông bỏ lại đàn con nheo nhóc còn đang tuổi ăn học đã một mình nuôi con ăn học thành tài. Có lúc chị tưởng như muốn chết đi vì nỗi mất mát quá lớn này, nhưng vì con, người phụ nữ ấy vẫn quyết tâm đứng dậy. Bốn đứa con của bà đều đã ra trường và đang bắt đầu xây dựng tương lai mới tươi đẹp cho mình, chỉ còn cậu con út Ngô Văn Đức vẫn đang cố gắng hằng ngày trên ghế giảng đường.

Còn chị Trần Ngọc Vệ, xã Phú Thạnh, Phú Tân, ly hôn trong lúc phải nuôi 3 người con, hoàn cảnh khó khăn lại càng khó khăn hơn khi gia đình đỗ vỡ. Ngoài việc làm công tác đoàn thể, chị dành dụm tiền lương của mình tích góp bán thêm tạp hóa tại nhà, những ngày nghỉ chị còn nhận đan gia công túi xách, xâu kết hạt chuỗi, hạt cườm. Nhờ đó, 3 đứa con đều thành đạt và có việc làm ổn định: Con lớn học Trường đại học An Giang, hiện là giáo viên; con gái thứ hai học đại học Ngoại thương TP. HCM, hiện là trợ lý giám đốc Công ty Singapore, chi nhánh tại TP. HCM, con trai thứ ba tình nguyện thi hành nghĩa vụ quân sự và được đơn vị giữ lại đào tạo chuyên môn, hiện đang công tác tại Huyện đội Phú Tân…

Ở họ, mỗi người đều có hoàn cảnh tương đồng như chị, nhưng họ đã cố gắng vươn lên vì những đứa con và quả ngọt đã đến với họ khi họ có tiềm tin sắt đá vào tương lai của con em mình có một ngày mai tươi sáng. Chị nghe chuyện, những giọt nước mắt lăn dài trên gò má sạm đen vì nắng gió.

Còn em, tôi động viên em hãy cố gắng vượt qua nỗi đau quá lớn mà em phải chịu đựng. Thiếu ba, bờ vai nhỏ của em sẽ trở thành trụ cột gia đình, là chỗ dựa của mẹ, là niềm tin, là tấm gương sáng về nghị lực để các em noi theo, học tập, vì vậy, em phải rắn rỏi, vững vàng, không thể gục ngã, không thể đầu hàng số phận, mà phải cố gắng vươn lên để lập thân, lập nghiệp.

Được quay lại trường lớp. Em vui lắm, tích cực trong học tập và phụ giúp gia đình khi có thời gian, để rồi đến cuối năm học, tôi và giáo viên bộ môn vui mừng khi biết em đạt danh hiệu học sinh giỏi với điểm trung bình các môn là 8.2, trong đó môn Toán là 7,3 và môn Văn là 8,1.

Nhưng người vui nhất vẫn chính là em, bởi tôi biết để đạt được kết quả ấy là do sự nỗ lực cố gắng phấn đấu hết mình của em để đạt ước mơ của mình.

Chiều nay, sau khi kết thúc tiết dạy ở trên lớp xuống phòng hội đồng nhà trường nghỉ giải lao giữa giờ ra chơi, bất ngờ tôi nhận được thư em.

Em báo cho tôi biết mình đã đậu trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.

Lá thư của em ấp trên ngực, trái tim tôi thầm thì: Ôi! Cậu học trò bé bỏng của tôi. Để đạt được thành tích đó, em đã phải nỗ lực, cố gắng hết mình để vươn lên. Em đã không đầu hàng số phận để đi đến một tương lai tươi sáng.