Không hề đáng trách

Cô Thu là giáo viên ở quê. Lần đầu tiên tôi được nghe tên cô là bởi tôi thi trượt vào cấp 3 trường tỉnh. Tối ấy, sau khi biết tôi không đủ điểm, mẹ tôi tức mình bảo: " Đưa nó về quê cho cô Thu". Bố ngơ ngác hỏi: "Thu nào ?" thì mẹ dằn giọng: " Thu ngày xưa yêu anh ấy"
ch-tri-tm1-1634961692.jpg
Ảnh minh họa do tác gia cung cấp.

 

Bố lừ mắt. Mẹ im thôi không nói gì nữa. Một tuần sau đó, trường tỉnh hạ điểm, tôi được vào. Mẹ thở phào, mắng oang oang: " Ngày xưa chơi cho lắm vào, tý nữa bố mẹ lại phải quỳ lụy người ta ".

Ngày xưa. Vừa mới năm ngoái đã bị coi là ngày xưa. Mẹ quan niệm thật buồn cười. Tối lúc bố đi vắng, mẹ lại thì thầm : " Cái nhà cô Thu ấy, ngày xưa bố mày yêu lắm nhá. Năm ngoái vẫn còn về quê thăm cô ấy đấy ". Và câu chuyện được mẹ kể hết với tôi như thế này:

Bố làm thợ may từ nhỏ, cái cửa hiệu lưu danh nhà may Tuấn Nghĩa có từ hồi Pháp thuộc ở thị xã này là cơ ngơi của ông bà nội để lại cho bố nối nghiệp gia đình. Bấy giờ, có một khách hàng rất xinh và đẹp người hay đến đây may quần áo. Lần đầu tiên đo áo cho nàng. Chàng thợ may Tuấn Nghĩa đã phải kêu lên: " Số đo chuẩn quá. Không khác nào người mẫu". Chàng hẹn nếu lần sau đến cửa hiệu nhà chàng cắt may nữa cô sẽ được thưởng. Chẳng ngờ cuối tuần cô đến thật. Cô đề nghị may cho cô chiếc áo sơ mi hoa để lên lớp và khẩn trương. Áo may xong sớm, nhưng mãi chẳng thấy cô gái quay lại. Và khi quay lại, cô còn mang theo một gã đàn ông ích kỷ, nhỏ mọn vô cùng. Gã trả tiền công may áo cho cô gái rồi nói ngay trước mặt người thợ: " Lần sau thì ra cửa hàng mậu dịch mua quần áo may sẵn nha. May đo thế này dễ bị sờ soạng". Người thợ may thoáng cau mày rồi nhìn thẳng vào mắt người yêu của cô gái bảo:

" Anh ra ngay khỏi cửa hiệu của tôi. Chỉ cô ấy được ở lại vì cô ta mới là khách hàng. Cô ấy đã may ở đây khá nhiều rồi, bây giờ anh mới cấm thì đã muộn ".

Gã người yêu cô gái nghe thế thì tức sùi bọt mép. Đoạn gã cầm lấy cánh tay cô gái lôi sềnh sệch ra ngoài, bỏ lại cả tấm áo mới may không cho cô lấy. Chàng thợ may cất tấm áo đi và từ hôm đó luôn mong cô trở lại. Đến một ngày xuân trong chợ hoa đào, tình cờ chàng thợ may gặp lại cô gái, chàng rất vui và quên hẳn chuyện cũ: " Em đến lấy áo hoa đi chứ, không phải trả tiền công đâu ". Nào ngờ gã người yêu cô gái đứng ngay đằng sau nghe được, gã khùng lên vì ghen tuông, xông vào đấm đá người thợ may túi bụi. Người thợ may tức quá tung chưởng dần cho gã kia một trận

thừa sống thiếu chết . Chuyện ẩu đả ấy, dân thị xã còn kể mãi không quên. Ngày hôm sau chiếc áo sơ mi hoa của cô gái được người thợ may lồng vào móc treo trong tủ kính làm hàng mẫu. Nhiều cô gái vào cửa hiệu nhìn ngắm chiếc áo hoa thích lắm, hỏi mua mà ông chủ quyết không bán.

Vào mùa đông năm ấy, chàng thợ may có lệnh lên đường đi bộ đội. Trước ngày lên đường một tuần, chàng lôi hết các xấp vải còn lại trong tủ ra may áo sơ mi theo số đo của cô gái. Được 11 chiếc áo trắng, 8 chiếc áo xanh sĩ lâm, 15 chiếc áo nâu gụ, 4 chiếc áo hoa và 6 chiếc áo màu xanh da trời. Tổng cộng có tất cả 44 chiếc. May xong, chàng gấp cẩn thận bỏ vào chiếc hộp thuê người mang đến tận nhà tặng cô gái. Cô gái nhận chiếc hộp toàn áo với lời tạm biệt chia tay của anh bộ đội thì khóc nức nở. Cô cắt đứt ngay tình yêu với gã người yêu mặc dù hai người sắp cưới đến nơi. Cô bảo gã:

" Chỉ khi nào anh chứng minh được rằng anh là người tốt thì hãy nói chuyện với tôi ". Gã người yêu về nhà nộp đơn xin nhập ngũ. Nhưng vào bộ đội chỉ năm sau gã đã hy sinh. Người con gái ôm nỗi ân hận từ đó với gã người yêu và nàng từ chối tất cả các mối tình nồng thắm đến với nàng. Chỉ duy nhất có một điều riêng nàng biết là với hơn bốn chục chiếc áo sơ mi, nàng đã mặc lên lớp suốt mấy năm trời rất đẹp và rất duyên dáng khiến ai cũng hỏi địa chỉ nhà may mà không còn cơ hội.

Nàng tên là Thu, làm giáo viên cấp 3 ở huyện. Ngày chiến thắng trở về, người thợ may năm xưa lại giở máy móc ra tiếp tục công việc thợ may. Đáng yêu nhất là chiếc áo sơ mi hoa ngày nào lại được chàng treo trong tủ kính làm hàng mẫu khiến ai nhìn thấy cũng thích. Rồi đến một ngày có người con gái cũng xinh đẹp xuất hiện và đứng ngắm hàng giờ không chán chiếc áo hoa hàng mẫu của cửa hiệu. Người chủ cửa hiệu đã cảm động may cho cô một chiếc áo sơ mi giống như thế và không lấy tiền. Với chiếc áo vừa vặn may có cách điệu sơ mi truyền thống này, cô gái đi đến đâu cũng được hỏi địa chỉ. Như thế cô đã giới thiệu cho ông chủ hiệu may rất nhiều khách hàng. Rồi họ yêu nhau và lấy nhau thành bố mẹ tôi bây giờ.

Năm ngoái ngày thương binh liệt sĩ, bố tôi được mời tham gia phái đoàn nhân dân thị xã đến một nghĩa trang Miền Nam viếng các liệt sĩ của quê hương. Lúc đến ngôi mộ có tên là Nguyễn Hùng Sơn, bố tôi đã chững chân lại vì thấy một chiếc áo sơ mi hoa đúng y chang như chiếc áo bố đã tặng cho người con gái năm xưa đang được đắp phủ lên ngôi mộ. Đã thế trên vạt áo lại xuất hiện mấy dòng chữ viết rất nổi:

" Anh Sơn ơi, đây là chiếc áo em đã mặc trong suốt những tháng ngày chờ đợi anh. Còn nguyên cả mùi mồ hôi của em, để anh đắp mà nhớ em ". Bố tôi đọc xong mấy dòng chữ viết bằng bút bi trên áo thì lẳng lặng cầm lấy chiếc bật lửa đốt chiếc áo đi. Ngọn lửa từ hôm đó hình như còn rực cháy mãi trong mắt bố. Bố về kể lại chuyện này với mẹ những mong mẹ hiểu mà tha thứ cho những người vốn tốt bụng với nhau nhưng mẹ không tin. Thỉnh thoảng mẹ lại chì chiết, day dã: " Cô người yêu ngày xưa của anh chẳng chịu lấy chồng gì cả, bây giờ chắc anh tiếc, muốn trở lại ngày xưa không ?"

( Viết xong ngày 17/10/2021

Trong những ngày biển động )

N-S

( Tình Biển )

Theo Trái tim người lính