Kiên Giang: 167.929 triệu đồng phòng, chống dịch Covid -19

Trương Anh Sáng

16/10/2021 17:55

Theo dõi trên

Trong đó mua trang thiết bị, sinh phẩm, hoá chất, vật tư y tế, xe cứu thương,... 165.556 triệu đồng.

1-kien-giang-167-1634381522.jpg
Người dân khai báo y tế khi trở về địa phương (Ảnh: Vũ Trâm)

Vẫn ở mức nguy cơ

Theo báo cáo Sơ kết công tác phòng, chống dịch Covid -19 đợt dịch thứ 4 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, tính đến ngày 12/10/2021 có  6.753 trường hợp mắc Covid-19. Đợt dịch thứ 4, ca bệnh xuất hiện đầu tiên ngày 21/6/2021 đến nay có 6.647 trường hợp mắc, điều trị khỏi 6.039 bệnh nhân, tử vong 75 trường hợp.

Từ ngày 05/10/2021 đến ngày 11/10/2021 có 401 ca mắc mới, giảm 136 ca, trong đó 14 ca phát sinh trong cộng đồng, tăng 04 ca; 80 ca phát sinh trong khu phong toả, giảm 07 ca và 307 ca phát sinh trong khu cách ly, giảm 133 ca. Qua sàng lọc người dân trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh từ ngày 01/10/2021 đến ngày 11/10/2021 đã phát hiện 221 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Đánh giá mức nguy cơ Kiên Giang vẫn ở mức nguy cơ (vùng màu vàng); cấp huyện, không có huyện vùng đỏ,  01/15 huyện vùng cam, 03/15 huyện vùng vàng và 11/15 huyện vùng xanh; cấp xã, không có xã vùng đỏ, không có xã vùng cam, 13/144 xã vùng vàng và 131/144 xã vùng xanh.

Nhằm đáp ứng điều trị bệnh, tỉnh có 14/20 đơn vị thu dung điều trị theo mô hình đa tầng của Bộ Y tế với  5.210 giường bệnh, trong đó, tầng 1 có 4.370 giường, tầng 2 có 530 giường, tầng 3 có 110 giường; sẽ tăng quy mô giường bệnh tầng 2 tại Trung tâm thu dung, điều trị Covid -19 tỉnh để can thiệp sớm các bệnh nhân có nguy cơ, không để vào giai đoạn nặng, suy hô hấp. Đưa vào hoạt động Trung tâm điều trị Covid-19 tỉnh quy mô 1.800 giường tại cơ sở Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũ, cơ sở điều trị Covid -19 khu vực Tứ giác Long Xuyên 1.500 giường và cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 quy mô 600 giường tại Trường Quân sự địa phương do Trung tâm Y tế huyện Châu Thành quản lý.

Ngoài ra tỉnh đang đầu tư cơ sở điều trị Covid-19 khu vực Tây Sông Hậu 400 giường, U Minh Thượng 350 giường; đưa vào sử dụng khu cách ly tập trung tại Tiểu đoàn Khu 60 Hà Tiên 1.000 giường; Công viên Văn Hoá An Hoà 432 giường; trụ sở Ban Quản lý Dự án chuyên ngành dân dụng và công nghiệp (cũ) 480 giường; huyện Giồng Riềng 500 giường;  huyện Vĩnh Thuận 600 giường và Khu Công nghiệp Thạnh Lộc 2.000 giường.

Tỉnh đã thu dung điều trị 622 bệnh nhân, tăng 85 bệnh nhân do có nhiều F0 phát hiện qua sàng lọc người về từ các tỉnh, thành phố khác; ra viện 1.020 người, giảm 513 người; tử vong 05 trường hợp, giảm 06 trường hợp. Hiện còn 539 bệnh nhân điều trị ở tầng 1, có 86 bệnh nhân điều trị ở tầng 2 và 14 bệnh nhân điều trị ở tầng 3. Đã tiêm vaccine 4 đợt với 342.908 liều; đợt 5 đến ngày 12/10/2021 đã tiêm 255.553 liều/236.115 liều. Tính chung 5 đợt có 506.365 người được tiêm mũi 1 và 95.462 người tiêm 2 mũi.

2-kien-giang-167-1634381522.jpg
Khôi phục lại các hoạt động du lịch góp phần phục hồi kinh tế

Nhằm kéo giảm sự lây lan của dịch bệnh Covid -19, tỉnh đã thành lập 4.238 Tổ Covid cộng đồng, 459 Tổ truy vết và 654 Tổ lấy mẫu xét nghiệm; thành lập 683 chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trong đó có 08 chốt đặt tại các cửa ngõ ra vào tỉnh với hơn 6.000 cán bộ, chiến sĩ công an và các lực lượng khác; kiểm soát 2.633.042 phương tiện đường bộ, 15.072 phương tiện đường thuỷ với hơn 2,987 triệu lượt người ra vào tỉnh và đi lại trong tỉnh; phát hiện 20 xe ô tô, trong đó có 08 xe luồng xanh và 03 xe cứu thương chở thuê 35 người từ vùng dịch về, xử phạt vi phạm hành chính 19 tài xế với số tiền 142.500.000 đồng, 05 người đi trên xe với số tiền 8.000.000 đồng và đưa tất cả người từ vùng dịch về cách ly theo quy định.

Tỉnh đã thực hiện hỗ trợ chính sách cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid -19, tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ các nhóm chính sách với 214.816 đối tượng, số tiền là 260.808 triệu đồng, đã chi hỗ trợ cho 182.552 người, số tiền 210.543 triệu đồng; giao nhận 2.278.170 kg gạo phân bổ về các huyện, thành phố; hỗ trợ người lao động từ các tỉnh, thành phố và Thành phố Hồ Chí Minh về Kiên Giang số tiền1.500.000đ/người.

Uỷ ban nhân dân tỉnh nhận định hiện có khoảng 18 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp vẫn còn dừng hoạt động; 136 chợ truyền thống, 06 siêu thị tổng hợp, 74 cửa hàng tiện lợi, cơ sở bán buôn, bán lẻ khác, trong đó có 14 chợ truyền thống vẫn còn tạm dừng hoạt động để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại 05 huyện, thành phố. Các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi còn lại và các cửa hàng xăng dầu, cửa hàng khí dầu mỏ hóa lỏng,... vẫn duy trì hoạt động.

Cùng với đó, có 93 doanh nghiệp, 353 hộ kinh doanh đăng ký, trong đó có 75 doanh nghiệp, 353 hộ kinh doanh đi vào hoạt động, trong đó, lĩnh vực công nghiệp có 03 doanh nghiệp, 285 hộ kinh doanh; lĩnh vực nông nghiệp có 72 doanh nghiệp; lĩnh vực thương mại có 05 doanh nghiệp, 68 hộ kinh doanh;  473 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”; 1.054 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký hoạt động theo phương án “1 cung đường 2 điểm đến”. Phú Quốc có khoảng 20% các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có một số doanh nghiệp lớn; có 72 nhà thầu hoạt động đầu tư xây dựng tại các dự án.

Trong xây dựng cơ bản hiện có 84 nhà thầu thi công 134 hạng mục, công trình đăng ký phục hồi hoạt động thi công xây dựng; 47 nhà thầu đã được phê duyệt và đang thi công 86 hạng mục, công trình phục hồi hoạt động thi công xây dựng, khối lượng hoàn thành đạt 56.568 triệu đồng chủ yếu là công trình phòng chống Covid-19; khối lượng giải ngân đạt 8.958 triệu đồng và 37 nhà thầu thi công 48 công trình đăng ký phục hồi hoạt động thi công xây dựng, đang chờ phê duyệt. Phú Quốc có khoảng 60% các dự án, công trình đang triển khai đầu tư xây dựng tại các doanh nghiệp lớn mức độ hoạt động xây dựng khoảng 70% so với trước khi thực hiện giãn cách.

Các doanh nghiệp sản xuất gạo luôn dự trữ mức từ 50.000 - 100.000 tấn gạo, hiện tại đang dự trữ 59.000 tấn gạo; các hệ thống phân phối đã tăng mức dự trữ phục vụ người dân từ 15 ngày đến 30 ngày và trên 30 ngày. Tại các chợ truyền thống, các tiểu thương chủ động tăng lượng hàng hóa dự trữ. Giá cả hàng hóa ổn định, không biến động, không có hiện tượng thu gom hàng hóa, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Nhằm chia sẻ và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tiếp nhận tiền và hiện vật trên 156,1 tỷ đồng. Với số tiền và hiện vật tiếp nhận được đã tiến hành phân bổ trên 151 tỷ đồng để hỗ trợ cho các lực lượng tham gia trực tiếp phòng, chống dịch Covid-19, các hộ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Duy trì 5.166 tổ, đội làm công tác từ thiện, trong đó 25 bếp cơm, 157 Tổ thiện nguyện, 08 Đội tình nguyện, 43 Nhóm từ thiện, 12 Ban vận động và 58 cá nhân tình nguyện ở các huyện, thành phố, các khu vực thiết lập vùng cách ly y tế, các bệnh viện.

Thích ứng an toàn, linh hoạt, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh xác định mục tiêu tăng trưởng năm 2021 từ 0,5% trở lên, phấn đấu theo kịch bản tăng trưởng từ 2,5-3%; sản lượng lúa đạt trên 507 ngàn tấn, cả năm trên 4,5 triệu tấn; sản lượng tôm đạt trên 23 ngàn tấn, cả năm là 105,000 tấn; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 14.236 tỷ đồng; giải ngân đầu tư công đạt từ 2.890 tỷ đồng trở lên; giải ngân khoảng 11.000 tỷ đồng vốn các dự án, cuối năm đạt 20.000 tỷ; khối lượng vận tải hàng hóa đạt từ 3,8 triệu tấn; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 33.906 tỷ đồng.

Hiện nay, tỉnh cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh Covid -19, tỷ lệ F0 phát hiện qua sàng lọc cộng đồng giảm mạnh, các vùng nguy cơ rất cao và nguy cơ cao được thu hẹp dần, mở rộng vùng xanh, thích ứng an toàn, linh hoạt phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó tổ chức sắp xếp việc đi lại của người dân giữa các vùng nguy cơ, tạo thuận lợi để người dân được tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.

Đồng thời kiểm soát người dân trở về từ các tỉnh, thành phố khác, cách ly y tế chặt chẽ, xét nghiệm tầm soát để kịp thời phát hiện ca bệnh, truy vết, khoanh vùng, phong toả hẹp nhất có thể để xử lý ổ dịch; đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho công nhân lao động trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp. Tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh thích ứng với điều kiện bình thường mới đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, từng bước khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và hoạt động xây dựng cơ bản.

Phục hồi và phát triển ngành du lịch, từng bước phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế, khôi phục lại các hoạt động du lịch và các ngành kinh tế, dịch vụ có liên quan, lấy Phú Quốc là điểm đến an toàn thân thiện để quảng bá đến khách du lịch trong và ngoài nước.

Tỉnh cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và các Bộ, ngành Trung ương quan tâm xem xét, ưu tiên phân bổ vắc xin phòng Covid-19 cho tỉnh Kiên Giang vì đây là địa bàn tiềm ẩn nguy cơ rất cao dịch bệnh xâm nhập từ nước ngoài và các tỉnh có dịch về địa phương.

Đồng thời cho phép doanh nghiệp dịch vụ lữ hành được giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023, giảm thời gian giải quyết hoàn trả tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 60 ngày xuống còn 30 ngày. Riêng Phú Quốc, tăng cường công tác phòng, chống dịch, ưu tiên tiêm vắc xin tạo điều kiện thuận lợi cho Phú Quốc có đủ các điều kiện để thí điểm mở cửa đón khách du lịch đến với Phú Quốc.

Là tỉnh cuối đường, hàng hóa đi, về từ thành phố Hồ Chí Minh phải qua nhiều tỉnh thành, do đó, tỉnh Kiên Giang đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện cho các phương tiện vận tải được lưu thông thuận lợi, nhanh chóng, tạo điều kiện để Kiên Giang cũng như các tỉnh thuận lợi trong vận chuyển, lưu thông giao thương hàng hóa, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch; điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất trong năm 2021 và những năm tiếp theo theo tinh thần Nghị quyết số 08- NQ/TW; gia hạn thời gian nộp tiền phạt đối với doanh nghiệp vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian giãn cách xã hội; quan tâm, hỗ trợ quảng bá, kết nối các mặt hàng nông, thủy sản của tỉnh đến các kênh phân phối trong và ngoài nước để đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, OCOP, sản phẩm nông, thủy của tỉnh.

Bạn đang đọc bài viết "Kiên Giang: 167.929 triệu đồng phòng, chống dịch Covid -19" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn