Vượt khó vươn lên
Đồng chí Võ Thanh Xuân, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Vĩnh Thuận, cho biết, tại Vĩnh Thuận có 2 vị sư là người Khơmer là đảng viên, 1 trong đó 2 số đó là Đại đức Danh Dung, trụ trì chùa Khmer Đồng Tranh, xã Vĩnh Bình Bắc.
Đại đức Danh Dung với những việc làm thiện nguyện đầy tính nhân văn đã giúp cho đồng bào nghèo ở địa phương vươn lên, góp phần cùng Đảng bộ xã Vĩnh Bình Bắc thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, 5 năm liền đạt Đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Đại đức Danh Dung, sinh năm 1977 trong một gia đình có 10 anh chị em 6 trai, 4 gái ở vùng quê nghèo xa xôi hẻo lánh ấp Hoà Thạnh, xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận. Ông là con thứ 6 trong gia đình. Trong 10 anh chị em có 4 người đi tu thì 3 người là Danh Tiến, Danh Thắng, Danh Toàn hoàn tục, chỉ còn lại đại đức đi tu cho đến bây giờ. Nhà đông người nên anh chị em ông luôn phải cùng ba má bươn trải kiếm sống nhưng gia cảnh vẫn luôn sống trong cảnh thiếu trước hụt sau.
Năm 1994, khi 16 tuổi, Đại đức Danh Dung xuất gia tu báo hiếu tại chùa Rạch Tìa, xã Định An, huyện Gò Quao.
Năm 1995, đại đức chuyển về tu ở chùa Đồng Tranh, ấp Đồng Tranh, xã Vĩnh Bình Bắc.
Trong quá trình tu tập tại chùa, đại đức đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn của bản thân tiếp tục học lên cao. Trong gia đình chỉ có đại đức và người em Danh Út là đi học đến nơi đến chốn, các anh chị em còn lại đều nghỉ học. Khi tu học tại chùa Đồng Tranh có 6 sư tu cùng đại đức và cũng đi học, nhưng sau đó 6 vị sư này cũng bỏ học và hoàn tục, chỉ còn lại mình đại đức bám trường, bám lớp chinh phục tri thức.
Để có tiền ăn học, đại đức đã phải nỗ lực rất nhiều.
Năm 1997, thầy tốt nghiệp cấp 3 tại Trung tâm Hướng nghiệp (nay là Trung tâm Giáo dục thường xuyên).
Năm 2019, thầy tốt nghiệp đại học chuyên ngành Tôn giáo học của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Năm 2023, thầy tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Tôn giáo học của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Hết lòng vì an sinh xã hội
Đồng chí Trương Văn Sáng, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Đồng Tranh, cho biết, Vĩnh Bình Bắc là xã nông thôn mới của huyện Vĩnh Thuận. Dân số của xã có 4.706 hộ, 14.992 khẩu. Dân tộc Khmer 623 hộ, 2.492 khẩu. Ấp Đồng Tranh xã Vĩnh Bình Bắc có 315 hộ, trong đó dân tộc Khmer có 130 hộ thì có đến hơn một nữa là hộ nghèo. Từ khi làm trụ trì vào năm 1998, Đại đức Danh Dung, với tấm lòng nhân ái phổ độ chúng sinh, cầu phước lành của nhà Phật cho mọi người đã vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân trong và ngoài địa phương đóng góp hiện vật, hiện kim, công sức… giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, mang lại nhiều niềm vui cho bà con ở địa phương.
Đại đức Danh Dung nhận thấy người dân nghèo ở địa phương phải sống trong những căn nhà tranh vách lá, vách tôn dột nát, xiêu vẹo, mưa tạt, gió lùa… khó có thể yên tâm làm ăn, sản xuất. Đại đức hiểu rằng, muốn đời sống của họ “an cư lạc nghiệp” thì trước hết họ phải có nơi ở vững chắc thì mới yên tâm làm ăn để vươn lên thoát nghèo. Đại đức Danh Dung đã kêu gọi mọi người chung sức, chung lòng cùng nhau cất nhà cho hộ nghèo. Từ năm 2004 đến nay, svận động cất được trên 100 căn nhà cho hộ nghèo, mỗi căn trị giá từ 30 đến 50 triệu đồng, giúp cho bà con Phật tử có nhà ở ổn định, chú tâm chăm lo việc đồng áng vươn lên thoát nghèo.
Ngồi trong căn nhà mới mái lợp tôn, nền lát gạch bông, bà Thị Phại, ngụ ấp Đồng Tranh, vui mừng cho biết, do nhà không ruộng đất, hàng ngày gia đình phải đi làm thuê làm mướn lo cái ăn, cái mặc, lo cho các con đi học nên ước mơ có được căn nhà tươm tất để ở là ước mơ quá xa vời. Nhờ có sư Dung đứng ra vận động các mạnh thường quân, nhà tài trợ ủng hộ cất nhà cho thì chưa biết đến bao giờ gia đình mới có được căn nhà khang trang để ở. Gia đình bà luôn biết ơn sự giúp đỡ của sư Dung, cảm phục tấm lòng nhân ái vì người nghèo của đại đức và gia đình bà cùng những hộ nghèo được nhận nhà đều nghe theo lời của đại đức, ra sức lao động, sản xuất, chi tiêu tiết kiệm để vươn lên trong cuộc sống.
Còn ông Danh Văn, sinh năm 1986, ngụ tại tổ 109, ấp Đồng Tranh, hồ hởi chia sẻ, nhà ông có 3 người gồm hai vợ chồng và người con 9 tuổi đang học lớp 2. Nhà nghèo, không có ruộng đất canh tác ông phải đi làm thuê làm mướn cho các chủ vuông tôm trong vùng một ngày thu nhập từ 150.00đ đến 200.000đ, nhưng không phải ngày nào cũng có người thuê. Năm 2014, ông được Đại đức Danh Dung hỗ trợ cất ngôi nhà xây, mái tôn, ngang 4,9m, dài 9m, trị giá gần 40 triệu đồng.
Cùng với đó, bà Thị Nhíu, 54 tuổi, ngụ cùng ấp, bày tỏ, gia đình bà có 4 người, gồm 2 vợ chồng cùng 2 đứa con, 1 đứa học lớp 5 và 1 đứa học lớp 4. Bà ở nhà nội trợ và đi lột tôm khô cho vựa tôm Lê Ca ở ấp Đồng Tranh vào mỗi buổi sáng khi có đơn hàng cho thu nhập 30.000đ nửa ngày, còn chồng đi làm phụ hồ một ngày kiếm được 250.000đ. Căn nhà có diện tích 42,9m2, tường xây, mái tôn được Đại đức Danh Dung hỗ trợ cất năm 2015 đã giúp gia đình bà có chỗ trú mưa trú nắng không phải lo lắng gì, yên tâm làm thuê, làm mướn nuôi con cái ăn học.
Ngoài ra, Đại đức Danh Dung còn thường xuyên vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm tặng sách, tập, viết cho học sinh nghèo; hỗ trợ gạo, mì gói, quà tết; quần áo, khám và phát thuốc chữa bệnh cho hộ nghèo.
Đồng chí Trần Thị Niềm, cán bộ phụ trách tuyên giáo xã Vĩnh Bình Bắc, chia sẻ, những năm qua, nhờ các chính sách chăm lo cho hộ nghèo của Đảng và Nhà nước, của các nhà hảo tâm, mạnh thường quân, đồng bào dân tộc Khmer ở ấp Đồng Tranh đã dần vươn lên thoát nghèo ổn định cuộc sống, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Đại đức Danh Dung.
Xã Vĩnh Bình Bắc là địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện Vĩnh Thuận đường giao thông nông thôn trên địa bàn đi lại khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự giao thương, vận chuyển hàng hoá của người dân địa phương. Bằng uy tín của mình, từ năm 2007 đến nay, cá nhân sư Dung đã vận động bắc được trên 30 cây cầu giao thông nông thôn giúp cho người dân trên địa bàn đi lại trao đổi buôn bán, giao thương, các em học sinh đến trường được thuận tiện, như cầu Lộ kênh Lô 8, Kênh Lộ Xe, cầu trên ấp Hoà Thạnh, ấp Đồng Tranh, Kênh Nước Chảy, ấp Bờ Lờ A, Hiệp Hoà,...
Sư Danh Dung bộc bạch, lúc đầu làm cầu còn phải thuê người thiết kế đo vẽ, thuê nhân công nên khi bắt tay vào làm cầu thì số tiền không còn nhiều. Để tiết kiệm chi phí, ông tự học hỏi kinh nghiệm về làm cầu giao thông nông thôn rồi tự mình đứng ra thiết kế, thi công, còn các sư sãi trong chùa và bà con pPhật tử góp công sức làm cầu miễn phí. Vì vậy, khi có người hỗ trợ 300 triệu đồng để làm cầu, sư đứng ra tự thiết kế thi công và bà con phật tử cùng nhau làm cầu thì chỉ tốn chi phí hơn 200 triệu, số tiền còn lại chuyển qua bắc thêm cây cầu ở nơi khác giúp cho nhiều nơi có cầu giao thông nông thôn đi lại được dễ dàng.
Ghi nhận tấm lòng vì cộng đồng, năm 2014, sư Danh Dung vinh dự được kết nạp vào Đảng. “Tổ chức Đảng là rất thiêng liêng nên việc phấn đấu để được đứng vào hàng ngũ của Đảng là rất cần thiết của mỗi người. Sau khi được vào Đảng, bản thân phải ra sức học tập nâng cao sự hiểu biết của mình về các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để tuyên truyền, vận động cho bà con phật tử nắm bắt kịp thời để áp dụng trong cuộc sống, cùng ra sức thi đua lao động, sản xuất, góp phần cho quê hương ngày giàu đẹp, thịnh vượng", ông nói.
Với những việc làm thiết thực, hiệu quả vì an sinh xã hội ở địa phương, Đại đức Danh Dung, nhiều năm liền được Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác từ thiện xã hội; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển dân tộc”; Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận tặng giấy khen và nhiều bằng tán dương công đức, kỷ niệm chương, giấy khen các cấp,…
Đại đức Danh Dung là Đại biểu Hội đồng nhân dân huyện Vĩnh Thuận nhiệm kỳ 2004-2009; Đại biểu Hội đồng nhân dân xã Vĩnh Bình Bắc 3 nhiệm kỳ; Uỷ viên Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc huyện Vĩnh Thuận và xã Vĩnh Bình Bắc 3 nhiệm kỳ và hiện nay, đại đức đảm nhận cương vị Hội trưởng Hội Chữ thập đỏ ấp Đồng Tranh.
Đồng chí Lý Thanh Hùng, Bí thư Đảng uỷ xã Vĩnh Bình Bắc, chia sẻ, những việc làm của đại đức Danh Dung đã giúp đồng bào Phật tử nâng cao sự hiểu biết, thay đổi nhận thức trong suy nghĩ, hành động, việc làm, cách thức sản xuất, chăn nuôi, ra sức lao động làm ra của cải, vật chất, tiết kiệm chi tiêu để giảm bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống góp phần cùng địa phương thực hiện tốt các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.