Kiên Giang: Cựu chiến binh Lê Quang Núi học tập và làm theo gương Bác Hồ

Trương Anh Sáng

02/09/2022 19:34

Theo dõi trên

Phát huy phẩm chất anh “Bộ đội cụ Hồ” bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, cựu chiến binh Lê Quang Núi (ấp Hòa Thành, xã Vĩnh Bình Nam, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) đã không quản ngại khó khăn, vất vả, tất bật ngược xuôi trong và ngoài tỉnh vận động các mạnh thường quân đóng góp kinh phí xây dựng các công trình giao thông nông thôn, giúp đỡ người nghèo khó, góp phần xây dựng nông thôn mới.

1-kien-giang-guong-sang-1662120555.jpg

Cựu chiến binh Lê Quang Núi, 58 tuổi Đảng, gương sáng trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Gia đình giàu truyền thống cách mạng

Ông Lê Quang Núi, người cựu chiến binh 80 tuổi đời, 58 tuổi Đảng, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có mười anh chị em. Nhà đông người nên anh chị em ông phải chịu cảnh cơm bữa đói bữa no là thường xuyên như bao gia đình nghèo khó khác lúc bấy giờ. Hiểu gia cảnh của gia đình mình, anh em ông giúp đỡ ba mẹ việc đồng áng, làm thuê, làm mướn, đặt dớn, mò tôm bắt cá đắp đổi qua ngày.

Sống trong cảnh chiến tranh loạn lạc, bom cày, đạn xới, nhà cửa, xóm làng bị tàn phá, người dân bị giặc Pháp bắt bớ, đánh đập, bắn giết, bức hại vô tội vạ trên quê hương Vĩnh Thuận gây bao cảnh lầm than, đau thương tang tóc cho mọi người,…khiến mọi thành viên trong gia đình ông sôi sục lòng căm thù giặc sâu sắc.

Sớm giác ngộ cách mạng, các thành viên trong gia đình đã cùng nhau tham gia lực lượng kháng chiến chiến đấu giải phóng quê hương, trả thù nước đền nợ nhà. Các anh thứ hai, thứ tư, thứ năm, chị thứ ba, chị thứ sáu, em thứ tám,… đều tham gia cách mạng. Người anh của ông là Lê Văn Giảng, Tiểu đoàn phó Đinh Thiên Hoàng đóng quân tại Sóc Trăng bị tên chiêu hồi báo địch bắt, đem thủ tiêu, hy sinh năm 1959; người chị thứ ba trong gia đình nuôi giấu cán bộ cách mạng, chị sinh được tám người con thì có ba người con hy sinh, chị được Đảng và nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng,...

Hoà trong hào khí Đông A của dân tộc, của thời đại Hồ Chí Minh, của truyền thống gia đình, từ tháng 7 năm 1950 đến năm 1953, ông học trường Thiếu sinh quân tại ấp Vĩnh Tây, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, sau đó tham gia chiến đấu trong tiểu đoàn 307. Đầu năm 1959, ông được điều động sang công tác bên lực lượng công an vũ trang với nhiệm vụ tiêu diệt những tên ác ôn, có nhiều nợ máu với nhân dân cho đến năm 1960 thì ông tham gia lực lượng đặc công tỉnh đội Rạch Giá thuộc đại đội 516 - D207.

Người chiến sĩ trẻ Lê Quang Núi luôn gan dạ, sáng tạo trong chiến đấu tiêu hao sinh lực địch, hiệu quả chiến đấu cao, được các cấp chỉ huy đánh giá cao và được đề nghị kết nạp Đảng năm 1964 khi ông 22 tuổi. Năm 1967, theo yêu cầu của nhiệm vụ, ông được cấp trên điều về công tác tại đại đội thông tin (519) tiểu đoàn 307, đến năm 1969 được phân công đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm thông tin Rạch Giá.

Tháng 6/1970 ông được điều động về công tác tại phòng thông tin quân khu 9 phụ trách TN 30, địa bàn hoạt động từ sông Trẹm đến sông Tiền và Mỏ Cày Bến Tre. Năm 1976 giữ chức vụ trợ lý tác chiến trung đoàn thông tin, trực thuộc phòng tác chiến quân khu, tham gia chiến trường Campuchia cho đến năm 1979 thì chuyển ngành.

Trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình ông đã tham gia hàng trăm trận đánh ác liệt, trong đó có một số trận đánh tiêu biểu khiến ông không thể nào quên, đó là những trận đánh tiêu diệt Chi khu Gò Quao tháng 10 năm1961; tiêu diệt Cái Văn Ngà năm 1962; Trần Văn Sang năm 1963; diệt 02 đại đội của tên Hưng tại Đường Xuồng (Giồng Riềng),…là những tên giặc ác ôn, có nhiều nợ máu với nhân dân đã gây tiếng vang lớn tạo niềm tin tưởng của quần chúng nhân dân với lực lượng cách mạng;  kìm hãm, bức phá các hoạt động kìm kẹp, chống phá của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân ta củng cố lực lượng, tổ chức những trận đánh lớn mở rộng vùng giải phóng. Những trận đánh cam go, ác liệt trong cuộc đời quân ngũ đã khiến ông 07 lần bị thương, chủ yếu ở Rạch Đốc (Giồng Riềng); Kênh 9, Kênh 9 Vàm, Kênh sáng Tân Hội (Tân Hiệp) năm 1968, Châu Thành,… trở thành thương binh hạng ¾. Hiện trong cơ thể ông vẫn còn nhiều mảnh đạn mỗi khi trái gió trở trời gây đau nhức cơ thể đến khó chịu vì thế năm 2020 khi vết thương tái phát ông phải đi bệnh viện mổ lấy 03 mảnh đạn, hiện giờ có mấy mảnh đạn đang có hiện tượng trồi lên gây đau đơn nên trong thời gian tới ông lại phải đi mổ tiếp.

Trong sự nghiệp quân ngũ của mình ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được cấp trên tin tưởng, đồng đội tin yêu. Ghi nhận những chiến công xuất sắc, to lớn của ông trong chiến đấu bảo vệ tổ quốc, ông đã được Đảng, nhà nước tặng 03 Huân chương giải phóng Hạng I, Hạng II, Hạng III; 03 Huân chương chiến sĩ vẻ vang Hạng I, Hạng II, Hạng III; 01 Huân chương kháng chiến Hạng Nhất; 04 Huy hiệu chiến sĩ quyết thắng Hạng III; 01 Huy hiệu chiến sĩ thi đua  03 năm liền (1967, 1968, 1969),…

2-kien-giang-guong-sang-1662121486.jpg

Cựu chiến binh Lê Quang Núi kể chuyện cuộc đời binh nghiệp và công tác xã hội với phóng viên Tạp chí điện tử Văn hoá và Phát triển.

Sau khi chuyển ngành về địa phương, ông tham gia công tác với cương vị Trưởng công an xã Vĩnh Bình Nam, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, Bí thư Đảng uỷ xã. Ở cương vị nào ông cũng xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ được giao, được bạn bè đồng nghiệp quý mến, người dân trân trọng, tin tưởng, khen ngợi.

Trong gia đình, ông là cha mẫu mực, cần cù, chịu khó, yêu thương vợ con, có trách nhiệm với gia đình, luôn vượt qua mọi khó khăn, gian khổ của cuộc sống nuôi dạy 5 người con, 3 trai 2 gái trưởng thành, đều là cán bộ công nhân viên nhà nước và đứng trong hàng ngũ của Đảng. Ông luôn khuyên bảo các con phải luôn luôn cố gắng phấn đấu trong sự nghiệp của mình để trở thành người cán bộ, công nhân viên gương mẫu, là đảng viên phải luôn ghi nhớ những điều đảng viên không được làm, phải luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị, giữ gìn phẩm chất của người đảng viên để không ảnh hưởng đến uy tín cá nhân và tổ chức của Đảng, phải luôn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để hoàn thiện bản thân mình, xứng đáng là người đảng viên chân chính, mẫu mực.

Ông là người ông mẫu mực, yêu thương, chăm sóc con cháu tận tình, chu đáo, dạy bảo con cháu những điều hay lẽ phải, phấn đấu trong học tập để trở thành con ngoan trò giỏi xứng đáng là cháu ngoan bác Hồ,…để sau này trở thành người công dân tốt, cống hiến sức trẻ và trí tuệ cho sự phát triển của quê hương, đất nước.

Còn sức khoẻ, còn cống hiến

Với mọi người, nghỉ hưu là về với ruộng vườn vui thú điền viên, hưởng thụ an nhàn, chẳng màng thế sự, nhưng không, người cựu chiến binh 58 tuổi đảng lại có suy nghĩ khác. Ông luôn tâm niệm còn sức khoẻ là còn lao động, còn cống hiến cho Đảng, cho cộng đồng và xã hội, làm sao cho xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu “cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải làm đầu tầu, gương mẫu,…”, “…phải hết lòng hết sức chăm lo cho đời sống của nhân dân,…”,…

3-kien-giang-guong-sang-1662121705.jpg

Cựu chiến binh Lê Quang Núi tham gia góp ý với Sở văn hoá thể thao tỉnh Kiên Giang và Uỷ ban nhân dân huyện Vĩnh Thuận về Khu chứng tích tích tội ác kẻ thù tại Vườn tràm Ban Biện Phú và Khu tập kết 200 ngày đêm – Vàm Chắc Băng tại huyện Vĩnh Thuận ngày 16/8/2022.

Là đảng viên sinh hoạt tại chi bộ ấp Hòa Thành, cựu chiến binh Lê Quang Núi luôn tích cực tham gia đóng góp trí lực, vật lực nhằm xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh. Trong công tác xây dựng đảng tại cơ sở, ông luôn quan niệm mỗi cán bộ, đảng viên phải làm tốt công tác tự phê bình, phê bình để giúp nhau tiến bộ. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ông quan niệm, mỗi người đảng viên phải học Bác để rèn luyện mình thành người phải thật sự cần, kiệm, liêm chính, phải vì dân, vì đảng mà phục vụ, phải nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách, pháp luật của đảng, nhà nước để từ đó vận dụng vào các vấn đề thực tế tại địa phương mình mà thực hiện cho phù hợp, hiệu quả, từ đó góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên gương mẫu, tận tụy, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân như lời căn dặn của Bác Hồ Chí Minh vĩ đại.

Cựu chiến binh Lê Quang Núi luôn canh cánh bên lòng những trăn trở của bản thân khi thấy những cây cầu, con đường trên địa bàn nơi mình sinh sống chưa được đầu tư khiến việc đi lại của người dân và các cháu học sinh gặp nhiều khó khăn, việc giao thương trao đổi hàng hoá bị cản trở, đã ngăn trở công cuộc xoá đói giảm nghèo, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của quê hương. Vì thế, ông luôn suy nghĩ mình phải có những hành động, việc làm gì đó thật thiết thực để người dân và các cháu học sinh đi lại được thuận lợi, sự giao thương hàng hoá được dễ dàng, giúp đỡ những người có gia cảnh khó khăn có cuộc sống khá giả hơn, …đóng góp một phần nhỏ công sức của mình vào công cuộc đổi mới của quê hương.

Bằng các mối quan hệ quen biết và bằng uy tín của mình, ông lặn lội đi nhiều địa phương để vận động mạnh thường quân, bạn bè, đồng đội,…đóng góp xây dựng cầu, làm đường trên quê hương để người dân đi lại được thuận tiện. Công việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” tốn khá nhiều thời gian và rất vất vả nhưng không thể ngăn cản được lòng quyết tâm, bước chân không mệt mỏi của ông trong công tác nhân đạo, bởi, mỗi khi nhìn thấy cây cầu, con đường được hình thành, mỗi người dân được giúp đỡ,…ông thấy mọi vất vả mệt nhọc tan biến, cảm thấy lòng mình thật sảng khoái, nhẹ nhàng, thư thái khi thấy mình đã làm được những công việc có ích cho quê hương, cho xã hội.

Thấy ông đã lớn tuổi, đi lại vất vả vì đi xa phải có người chở, các con ông đều khuyên nên nghỉ để đảm bảo sức khoẻ nhưng ông vẫn như con ong cần mẫn, miệt mài đem mật về tổ, bởi, với ông còn sức khoẻ là còn cống hiến vì cộng đồng bởi ở nơi này hay nơi khác trên quê hương Vĩnh Thuận vẫn còn không ít những cảnh đời nghèo khó cần được giúp đỡ, có địa phương vẫn cần nhận được sự trợ giúp trong xây dựng cầu, làm đường để từng bước hoàn thiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Gắn bó với công tác an sinh xã hội ở địa phương nhiều năm liền, ông bảo chẳng thể nhớ hết được những việc làm nhân ái của mình, chỉ biết rằng, nơi này nơi kia, người này người kia có hoàn cảnh khó khăn cần nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ là ông lại hối hả đi vận động tài trợ để giúp đỡ họ.

Nghe ông kể, tôi thật sự cảm phục tấm chân tình, mộc mạc “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ” của người đảng viên 58 tuổi đảng. Những việc làm, hành động của người cựu chiến binh 58 tuổi đảng thật đáng khâm phục khi những con đường, cây cầu do ông vận động xây dựng như một luồng gió mới từng bước làm thay đổi diện mạo làng quê, góp phần xây dựng Nông thôn mới.

Ông tham gia hoạt động xã hội đã nhiều năm, đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, ông đã vận động xây dựng được 02 cây cầu bằng thép, trong đó có 01 cây bắc ngang Vàm Kinh Tắc, xã Vĩnh Bình Nam để thông thương tuyến lộ Vĩnh Bình Nam - Vĩnh Bình Bắc trị giá 1 tỷ 700 triệu đồng; 01 cây cầu trên tuyến lộ từ xã Vĩnh Bình Nam xuống Vàm Kênh Tắc trị giá 1 tỷ 300 triệu đồng.

Ngoài ra, ông còn vận động mạnh thường quân hỗ trợ cho xã Vĩnh Bình Bắc huyện Vĩnh Thuận 30.000.000đ để xây cầu tuyến lộ nông thôn; vận động hỗ trợ cho các cháu học sinh nghèo và con hội viên Cựu chiến binh trong xã được 5.300 quyển tập trị giá 26 triệu 500 ngàn đồng; 90 cái cặp da học sinh trị giá 18 triệu đồng.

Vận động quà tết cho hộ nghèo, cận  nghèo, hội viên cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn trong xã Vĩnh Bình Nam được 335 suất quà trị giá 134 triệu đồng; vận động các mạnh thường quân hỗ trợ cho huyện An Biên 200 suất quà tết cho hộ nghèo trị giá 100 triệu đồng; vận động giúp cho xã Vĩnh Thuận 40 suất quà tết trị giá 20 triệu đồng.

Vận động xây dựng được 01 căn nhà tình thương cho hộ nghèo trên địa bàn xã trị giá 45 triệu đồng, trong đó gia đình đóng góp 5 triệu đồng; vận động hỗ trợ cho Hội CCB huyện 10 triệu đồng để cất nhà đồng đội tại xã Phong Đông.

Gia đình ông hỗ trợ cho các cháu học sinh nghèo, con hội viên Cựu chiến binh đang học trường TH-THCS Vĩnh Bình Nam 10 chiếc xe đạp trị giá 17 triệu đồng. Mua 10 suất quà tết trị giá 5 triệu đồng hỗ trợ cho hộ nghèo ở ấp Minh Tân, xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng. Mua quà tết hỗ trợ cho Chi bộ ấp Hòa Thạnh xã Vĩnh Bình Bắc tặng cho đảng viên già yếu có hoàn cảnh khó khăn trị giá 01 triệu đồng; hỗ trợ quà Tết Trung thu cho các cháu Trường Mẫu giáo xã Vĩnh Phong trị giá 4 triệu đồng.

Sự nỗ lực không mệt mỏi của ông vì cộng đồng đã tạo sự tin tưởng “trọn mặt gửi vàng” để các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đồng hành cùng ông và gia đình đóng góp tiền và vật chất để hỗ trợ cho huyện nhà và huyện bạn, đặc biệt là xã Vĩnh Bình Nam, với tổng trị giá trên 3 tỷ 500 triệu đồng để góp phần thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới và làm công tác xã hội ở địa phương.

5-kien-giang-guong-sang-1662121822.jpg

Cựu chiến binh 58 tuổi Đảng (người đội mũ tai bèo – thứ 2 từ trái qua) cùng người dân đi trên cây cầu mà mình vận động xây dựng nối nhịp bờ vui góp phần thay đổi diện mạo làng quê, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, với kinh nghiệm trong sản xuất của gia đình mình, ông đã sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người dân nghèo những kinh nghiệm trong canh tác, chăn nuôi nhằm nâng cao hiệu quả lao động sản xuất, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững, giữ vững ổn định an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Ông Cao Hoàng Nguyên, hội viên cựu chiến binh ấp Hòa Thành, trước đây là hộ nghèo, vợ thường xuyên đau ốm, nhờ được ông Núi cho mượn vốn và chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm, trồng lúa... nên ông Nguyên đã bớt khó khăn, thoát khỏi hộ nghèo. Anh Đặng Thanh Vân, nhờ ông hướng dẫn cách làm ăn đã vươn lên thoát khỏi hộ nghèo; hội viên cựu chiến binh ấp Hòa Thành không còn hộ nghèo,...

4-kien-giang-guong-sang-1662121988.jpg

Cựu chiến binh Lê Quang Núi (người ngoài cùng, bên trái) chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với hội viên.

Nói về người đồng đội của mình, đồng chí Hồ Văn Đấu, Chủ tịch Hội cựu chiến binh huyện Vĩnh Thuận cho biết, đồng chí Lê Quang Núi tuy tuổi đã cao nhưng đồng chí vẫn nhiệt tình tham gia các công tác từ thiện nhân đạo tại địa phương, là tấm gương sáng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần giúp đỡ nhiều người dân trên địa bàn có hoàn cảnh khó khăn thoát nghèo vươn lên trong cuộc sống, đồng thời, với những công trình cầu, đường mà đồng chí đã vận động các mạnh thường quân đóng góp xây dựng đã từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn ở địa phương góp phần xây dựng nông thôn mới. Những đóng góp của đồng chí là rất đáng trân trọng.

Với những cống hiến tích cực của người Cựu chiến binh Bảy Núi (tên gọi thường ngày của ông Lê Quang Núi) trong tham gia phong trào xây dựng Nông thôn mới và làm tốt công tác xã hội, ông đã vinh dự được Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tặng nhiều bằng khen, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Vĩnh Thuận tặng nhiều giấy khen. Đặc biệt, năm 2021, ông được Ban chấp hành Trung ương Hội cựu chiến binh Việt Nam tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 05 - CT/TW của Bộ chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2016-2021; Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích đột xuất, xuất sắc lao động, sản xuất, kinh doanh và đóng góp, giúp đỡ nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi giai đoạn 2016 - 2021.

Việc làm thiện nguyện của Cựu chiến binh - đảng viên Lê Quang Núi đã thể hiện tinh thần vì lợi ích chung của cộng đồng, sự đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau “một nắm khi đói bằng một gói khi no” của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch của kẻ thù trong tình hình mới; thực hiện tốt 3 việc “việc nhà, việc hội, việc nước” đóng góp công sức nhỏ bé của mình để cùng chính quyền địa phương và nhân dân xây dựng quê hương Vĩnh Thuận ngày càng giàu đẹp.

Bạn đang đọc bài viết "Kiên Giang: Cựu chiến binh Lê Quang Núi học tập và làm theo gương Bác Hồ" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn