Tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ huynh và học sinh
Qua 03 năm thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông” (gọi tắt là Đề án 522) trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã có những chuyến biến tích cực về nhận thức của phụ huynh và học sinh trong việc chọn trường, chọn nghề sau tốt nghiệp THCS.
Để nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và các cơ sở giáo dục, đào tạo đổi mới công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong phụ huynh, học sinh và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; lồng ghép giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông vào chủ trương, kế hoạch chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đồng thời xây dựng trang thông tin giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; hình thành cơ sở dữ liệu về nghề nghiệp, thị trường lao động của các địa phương trong tỉnh để học sinh tham gia tìm hiểu, lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực sở trường và nhu cầu lao động của mỗi địa phương; các cơ chế chính sách đối với học sinh đi học nghề, học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo, học sinh thuộc diện chính sách, học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tạo điều kiện và khích lệ học sinh tích cực, chủ động tham gia vào hoạt động tư vấn hướng nghiệp để tìm hiểu thông tin về thế giới nghề nghiệp, khám phá năng lực, sở trường bản thân.
Cùng với đó, các trường trung học tăng cường tư vấn hướng nghiệp và định hướng phân luồng bằng nhiều hình thức như: Đổi mới nội dung dạy học trong chương trình theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi; tăng cường thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; bổ sung, cập nhật các nội dung giáo dục hướng nghiệp, giáo dục khởi nghiệp trong các môn học và hoạt động giáo dục phù hợp với thực tiễn; tổ chức tốt các tiết học về hoạt động hướng nghiệp theo chương trình khung của Bộ GDĐT; lồng ghép nội dung hướng nghiệp và định hướng trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Năm học 2021-2022, ngành giáo dục tỉnh có 652 đơn vị, trường học, huy động 351.303 học sinh và 21.433 cán bộ, giáo viên, nhân viên. So với cùng kỳ năm học 2020-2021, toàn ngành giảm 08 trường, tăng 2.109 học sinh; tăng 82 lớp, có 21.443 cán bộ, giáo viên và nhân viên; so với cùng kỳ tăng 42 CBQL, giảm 359 giáo viên, giảm 341 nhân viên. Ngoài hệ thống trường phổ thông, toàn tỉnh hiện có 01 trường đại học, 04 trường cao đẳng và 06 trường trung cấp cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập và định hướng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT trên địa bàn tỉnh. |
Nhằm tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT, ngành Giáo dục đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện đa dạng hình thức học tập, chú ý các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh; triển khai thí điểm dạy học gắn với sản xuất, kinh doanh tại địa phương nhằm nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông. Đồng thời tiến hành rà soát, điều chỉnh nội dung chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng giảm tải; giao quyền chủ động cho các nhà trường, giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học, thực hiện chương trình giáo dục một cách linh hoạt, góp phần nâng cao hiệu quả phân luồng học sinh.
Mạng lưới các trường dạy nghề, trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh tiếp tục được củng cố, phát triển. Hệ thống trường nghề, trung tâm GDNN-GDTX được bố trí rộng khắp đáp ứng mọi nhu cầu học tập của học sinh. Quy mô đào tạo của các trường nghề không ngừng mở rộng với các ngành nghề đào tạo đa dạng trên nhiều lĩnh vực, góp phần cung ứng nhân lực có trình độ kỹ thuật, nghiệp vụ phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Cử trên 200 cán bộ, giáo viên tham gia các lớp tập huấn về hoạt động khởi nghiệp trong học sinh phổ thông do các cấp tổ chức; tổ chức 02 buổi hội thảo về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong ngành Giáo dục và Đào tạo với sự tham gia của hơn 400 cán bộ quản lí, giáo viên trong tỉnh, 01 diễn đàn đối thoại về khởi nghiệp cho hơn 1.300 em học sinh trung học phổ thông đã góp phần thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp trong học sinh trung học của các trường THCS, THPT trong tỉnh.
Qua đó đã có 52/52 trường THPT, THCS&THPT và 158 trường có học sinh THCS trên địa bàn tỉnh thực hiện hoạt động trải nghiệm với nhiều hình thức phong phú như: Tham quan, trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống; tham gia các hoạt động trải nghiệm tại Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên tỉnh; tham quan các địa điểm nuôi trồng thủy, hải sản; các nhà máy xí nghiệp; các trường đại học,...
Từ năm 2019 đến nay, UBND tỉnh đã cấp kinh phí thực hiện kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp cho các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh với số tiền 2.154,324 triệu đồng.
Phấn đấu 30% học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học nghề
Trong giai đoạn 2021-2022 của đề án 522, Kiên Giang sẽ đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông để góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý các cấp, các ngành và toàn xã hội về tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông hiện nay.
Cùng với đó tăng cường đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh phổ thông như: Ngày hội tư vấn, hướng nghiệp; thi tìm hiểu về thế giới nghề nghiệp; các hoạt động giao lưu của học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục với các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin ở các cơ sở giáo dục trong việc trao đổi kinh nghiệm giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh phổ thông, nhu cầu lao động và thị trường lao động. Đổi mới nội dung chương trình dạy học theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi; bổ sung cập nhật nội dung giáo dục hướng nghiệp trong các môn học và hoạt động giáo dục phù hợp với thực tiễn.
Chú trọng đưa nội dung giáo dục hướng nghiệp tích hợp trong chương trình các môn học và hoạt động giáo dục theo định hướng giáo dục tích hợp khoa học trong chương trình phù hợp với xu hướng phát triển ngành nghề của tỉnh, đáp ứng thị trường lao động, chuẩn bị điều kiện đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Tăng cường tích hợp giáo dục hướng nghiệp, giáo dục khởi nghiệp, lồng ghép, gắn với sản xuất kinh doanh tại địa phương trong các môn học có liên quan; tích hợp nội dung giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh với giáo dục kinh tế - xã hội địa phương; hình thành ở học sinh những thông tin đúng đắn về những ngành nghề cần thiết phải phát triển ở địa phương mình, giúp học sinh hình thành năng lực nghề nghiệp tương ứng và kỹ năng kinh doanh, khởi nghiệp.
Duy trì và hoàn thiện các hoạt động đã triển khai thực hiện trong giai đoạn 2018-2020 đặc biệt là nâng cao tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tham gia học nghề đạt từ 30% trở lên.