Kiên Giang: Kiên Hải phát huy lợi thế phát triển kinh tế nhanh và bền vững

Phấn đấu đến năm 2025 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có 01 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu và không còn hộ nghèo.
1-kien-giang-kien-hai-1640082601.jpgBãi Bàng, một bãi biển đẹp quyến rũ du khách

 

Trong 5 năm tới (2021-2025) huyện đảo Kiên Hải phấn đấu giá trị sản xuất một số ngành chủ yếu đạt 29.536 tỷ đồng, tăng bình quân 11,21%/năm, trong đó, Nông - lâm - thủy sản đạt 20.277 tỷ đồng, tăng bình quân 12,49%/năm; công nghiệp - xây dựng đạt 9.258 tỷ đồng, tăng bình quân 8,8%/năm.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 22.984 tỷ đồng, tăng bình quân 14,72%/năm. Sản lượng nuôi trồng thủy sản 66.000 tấn, tăng bình quân 85,25%/năm; giá trị sản xuất đạt 7.102 tỷ đồng. Sản lượng khai thác hải sản đạt 269.543 tấn, giá trị sản xuất 13.085 tỷ đồng. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 5.054 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách 58,445 tỷ đồng và tổng chi ngân sách trên địa bàn 1.059 tỷ đồng.

Tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99%, có thêm 01 trường đạt chuẩn quốc gia; thu gom, xử lý rác thải đạt 90%; hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99% và 100% xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới. Giới thiệu việc làm cho 2.000 lượt lao động; giảm 5% vụ phạm pháp hình sự; điều tra khám phá các loại tội phạm đạt trên 75%; tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 95%; giữ vững xã đạt chuẩn quốc gia về y tế với 11,34 bác sĩ/vạn dân.

Để hoàn thành tốt một số mục tiêu đặt ra, huyện đảo Kiên Hải sẽ khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy kinh tế với việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế về nuôi trồng thủy sản, du lịch, thương mại; quy hoạch phát triển của huyện trong tổng thể phát triển của tỉnh và các vùng du lịch trọng điểm để tăng cường sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng du lịch trọng điểm của tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế biển theo Nghị quyết Trung ương về Chiến lược biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về đất đai, môi trường rừng, mặt nước biển, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ - du lịch, công nghiệp chế biến thủy sản, thủ công mỹ nghệ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển nông - lâm - ngư nghiệp và thương mại - dịch vụ,... nhằm thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh.

Cùng với đó sẽ có các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với tình hình thực tế của huyện đảo gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường thuận lợi thu hút các nhà đầu tư lớn. Phối hợp với các sở, ngành cấp tỉnh nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi thu hút mạnh đầu tư cho huyện đảo Kiên Hải, nhất là cơ chế về sử dụng đất đai, đất rừng phòng hộ, mặt nước biển để đầu tư các dự án du lịch, nuôi trồng thủy sản; công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục, chính sách hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn.

Huyện cũng sẽ huy động nguồn lực phát triển xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo đột phá để phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới với việc huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển; đa dạng hóa các hình thức huy động tạo nguồn vốn đầu tư, trước hết phát huy tối đa nội lực của địa phương, tranh thủ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư theo các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn chương trình Biển đông - Hải đảo; vốn đầu tư các doanh nghiệp, vốn dân bằng nhiều hình thức phù hợp. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư đi đôi với thực hiện cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Tích cực huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các công trình trọng điểm, nhất là nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-kỹ thuật tại các khu, điểm du lịch, các tiêu chí xã nông thôn mới và xây dựng đề án dời Trung tâm Hành chính huyện về Lại Sơn. Vận dụng phù hợp, linh hoạt các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh để huy động các nguồn vốn trong và ngoài tỉnh, vốn từ các doanh nghiệp, vốn tín dụng, vốn trong dân, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ khi được cấp trên hỗ trợ... để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện theo hướng đồng bộ. Đề xuất Tổng Công ty Điện lực II Miền Nam sớm triển khai Dự án đầu tư kéo điện lưới quốc gia ra Quần đảo Nam Du theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ; đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí vốn để triển khai thực hiện dự án khu tránh trú bão Nam Du. Phấn đấu đến năm 2025 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có 01 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 01 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, có 1/4 xã đạt đô thị loại IV và 3/4 xã được công nhận Đô thị loại V.

Chú trọng xúc tiến đầu tư, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia các dự án đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế của huyện về du lịch, nuôi trồng thủy sản quanh các đảo và trên biển; tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty cổ phần Tập đoàn Mavin thực hiện dự án nuôi cá lồng bè trên biển; các dự án: Du lịch Bãi Cây Mến xã An Sơn, Bãi Thiên Tuế - xã Lại Sơn; dự án lấn biển Lại Sơn và An Sơn. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng kết cấu hạ tầng tại các các dự án: Đường lên đỉnh Rada, đường quanh đảo giai đoạn 2 An Sơn; dự án lấn biển Hòn Ngang, xã Nam Du, dự án lấn biển 3,2ha An Sơn và dự án lấn biển Cảng cá Nam Du, xã An Sơn.

Tập trung phát triển nông - lâm - ngư nghiệp toàn diện với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của từng loại hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm có giá trị kinh tế cao vừa có tác dụng phủ xanh trên các đảo, phù hợp với điều kiện tự nhiên và theo quy mô hộ gia đình với việc tập trung đối với các sản phẩm chủ lực của huyện nhằm nâng cao chất lượng, giá trị, tính cạnh tranh cao gắn với xây dựng thương hiệu, nhẵn hiệu một số sản phầm theo mô hình OCOP (xoài, hồ tiêu, cá bóp, cá mú...).

2-kien-giang-kien-hai-1640082601.jpg
Phát triển nuôi biển những thuỷ sản mang hiệu quả kinh tế cao

Đẩy mạnh phát triển nuôi biển theo hướng tập trung, quanh các đảo gắn với dịch vụ du lịch ổn định lâu dài, đa dạng, nhất là những loại thuỷ sản mang lại hiệu quả kinh tế cao phù hợp với đặc thù của địa phương (cá mú, cá bóp, cá chẽm, vẹm xanh, hàu, ốc, ghẹ, tôm tích). Tạo mối liên kết chặt chẽ, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa hộ nuôi và doanh nghiệp; kết hợp nuôi truyền thống và nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ mới đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng dụng công nghệ và vốn đầu tư vào phát triển nuôi thủy sản; thực hành nuôi trồng thủy sản sạch, VietGAP; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông - hải sản; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng cho Nhân dân, kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy thu mua, chế biến hải sản, duy trì ổn định đầu ra cho sản phẩm nuôi trồng; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có chủ trương dự án, đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện thực hiện.

Khai thác tối đa thế mạnh tiềm năng kinh tế biển gắn với bảo vệ tốt nguồn lợi hải sản, khai thác. Tái cơ cấu lại nghề khai thác hải sản theo hướng hiện đại về trang thiết bị, không tăng thêm số lượng tàu thuyền, khuyến khích các chủ tàu cá khai thác kém hiệu quả chuyển sang nghề nuôi biển; vận động ngư dân bám biển ổn định sản xuất, chuyển đổi ngành nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với những ngành nghề Nhà nước khuyến khích đầu tư có tính chọn lọc cao (rê, câu, vây) và hạn chế phát triển nghề cào; không để xảy ra tình trạng khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Phát huy tốt tiềm năng, lợi thế về du lịch, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong phát triển du lịch; quy hoạch vùng bảo tồn sinh thái biển phục vụ cho phát triển du lịch; huy động nguồn lực để tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng khu du lịch trọng điểm Lại Sơn, quần đảo Nam Du thành khu du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá có chất lượng.

Tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước; xây dựng các tour, tuyến du lịch bằng đường biển kết nối nội bộ, khu vực và liên vùng, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch; tăng cường công tác quảng bá, thu hút các dự án đầu tư phát triển các loại hình: du lịch sinh thái gắn với tài nguyên du lịch biển ngắm rạn san hô; du lịch làng nghề; du lịch sinh thái vườn; sinh thái rừng; du lịch cộng đồng homestay; du lịch gắn với lễ hội, tín ngưỡng dân gian. Chú trọng phát triển nhanh nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch trong những năm sắp tới.

Phát triển đa dạng các ngành thương mại, dịch vụ phục vụ khai thác tiềm năng, thế mạnh của huyện như: Dịch vụ nghề cá, dịch vụ du lịch; dịch vụ sản xuất nông - thủy sản. Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển và nâng cao chất lượng các dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ để phát triển mạnh kinh tế tập thể với nhiều loại hình hợp tác đa dạng.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đầu tư phát triển và nâng cao năng lực các ngành có lợi thế, nhất là công nghiệp nuôi biển, công nghiệp chế biến nông thủy sản, công nghiệp xây dựng, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, ít tiêu tốn nguyên liệu, năng lượng và thân thiện với môi trường như: Công nghiệp hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ, cơ khí nông - ngư nghiệp,... tạo ra các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường nhằm giải quyết việc làm cho lao động địa phương, nhất là lao động nữ.

Chú trọng việc quy hoạch và xây dựng, vận dụng, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách khuyến khích và thu hút đầu tư của các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành tiểu thủ công nghiệp,  công nghiệp chế biến thực phẩm, thân thiện với môi trường. Hoàn thành quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025, bảng giá các loại đất giai đoạn 2020-2024; quy hoạch chung xây dựng các xã đảo đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2050. Thực hiện tốt công tác quản lý đất đai, xây dựng theo quy hoạch; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân theo quy định. Quản lý chặt chẽ việc xây dựng, xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm, bao chiếm đất trái phép, xây dựng không đúng theo quy định. Khai thác, sử dụng hợp lý, có hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phấn đấu không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều.

Cải cách hành chính hiệu lực, hiệu quả, công khai, minh bạch lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo để đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính; thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội IX Đảng bộ huyện đề ra.