Kiên Giang: Ngành du lịch đạt doanh thu hơn 10.500 tỷ đồng

Ngày 20/12, tại Hội trường Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, Sở du lịch tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.
1-kien-giang-1671589184.jpg
Quang cảnh Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, bà Quảng Xuân Lụa, Phó giám đốc Sở du lịch, thông tin, năm 2022, tổng lượng khách du lịch đến Kiên Giang ước đạt gần 7,6 triệu lượt, tăng 142% so cùng kỳ năm 2021, trong đó, khách quốc tế ước hơn 223 nghìn lượt, vượt 11,6% kế hoạch năm. Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 10.585 tỷ đồng, tăng 230,9% so cùng kỳ năm 2021.

Kết cấu hạ tầng thiết yếu cho phát triển du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành du lịch được đầu tư, chất lượng ngày càng nâng lên. Năng lực vận tải, đặc biệt là đường hàng không, đường bộ đến các vùng du lịch trọng điểm của tỉnh được tăng cường, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân địa phương và du khách. Các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, kêu gọi đầu tư của tỉnh được quan tâm, đã thu hút khá nhiều lượng khách du lịch đến với tỉnh và một số dự án du lịch đi vào hoạt động.

Công tác quy hoạch, phát triển sản phẩm du lịch và triển khai thực hiện các dự án đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được quan tâm chú trọng. Nghiên cứu lập quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh tích hợp vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo Luật Quy hoạch 2017. 

Đến nay, Kiên Giang thu hút 328 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng diện tích hơn 10.000ha, vốn đầu tư hơn 380 nghìn tỷ đồng; riêng thành phố Phú Quốc có 286 dự án đầu tư du lịch (chiếm 86% dự án đầu tư du lịch toàn tỉnh) với diện tích hơn 9.656ha và tổng vốn đầu tư gần 374.500 tỷ đồng. Hiện, toàn tỉnh Kiên Giang có 920 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch với 31.900 phòng.

5-kien-giang-1671589271.jpg
Ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở du lịch công bố các Đề án phát triển du lịch

Ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở du lịch công bố 04 Đề án phát triển du lịch đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, gồm: Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang” nhằm tạo bước đột phá phát triển toàn diện của du lịch tỉnh cả về phạm vi, quy mô và chất lượng dịch vụ, đáp ứng các tiêu chí ngành kinh tế mũi nhọn. Đến năm 2025 đón 12.100.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 1.573.000 lượt, đến năm 2030 đón 23.000.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 5.750.000 lượt. Năm 2025 tạo việc làm cho 38.600 lao động trực tiếp và đến năm 2030 đạt 65.500 lao động trực tiếp. Cơ sở lưu trú đến năm 2025 có 32.800 phòng và năm 2030 có 54.600 phòng. Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2025 đạt 38.000 tỷ đồng và đến năm 2030 đạt 105.000 tỷ đồng.

Đề án “Phát triển các ngành nghề truyền thống gắn với du lịch tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, với mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 08 ngành nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được dưa vào khai thác du lịch. Năm 2030, toàn tỉnh có 22 ngành nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được đưa vào khai thác du lịch.

Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 04 điểm du lịch cộng đồng được tham gia đánh giá, phân hạng về mức hài lòng của khách du lịch đạt mức đánh giá trung bình trở lên, trong đó, ít nhất 01 điểm du lịch cộng đồng đạt mức tốt. Đến năm 2030 có ít nhất 10 điểm du lịch cộng đồng tham gia đánh giá, phân hạng về mức hài lòng của khách du lịch đạt mức đánh giá trung bình trở lên, trong đó, ít nhất 03 điểm du lịch cộng đồng đạt mức tốt.

Đề án “Phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm của Bộ NN&PTNT) trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” nhằm hát huy hiệu quả giá trị bản địa, góp phần khai thác tiềm năng về du lịch tại khu vực nông thôn theo hướng bền vững, phát triển cơ sở hạ tầng, thu nhập và hiện trạng kinh tế - xã hội ở các khu vực nông thôn, nâng cao cuộc sống người nông dân, phát triển kinh tế nông nghiệp, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP với mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 04 điểm du lịch nông thôn được tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao, định hướng 5 sao. Đến năm 2030 có ít nhất 12 điểm du lịch nông thôn được tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao, trong đó có sản phẩm được tham gia, đánh giá phân hạng 5 sao quốc gia.

Năm 2023, ngành du lịch tỉnh Kiên Giang phấn đấu đón 8,3 triệu lượt khách; trong đó, khách quốc tế 350 nghìn lượt; doanh thu du lịch hơn 13 nghìn tỷ đồng.

4-kien-giang-1671589354.jpg
Ông Nguyễn Lưu Trung, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang mong rằng trong năm 2023 ngành du lịch tỉnh Kiên Giang giữ vững nhịp độ tăng trưởng, phục hồi nhanh và phát triển

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Lưu Trung, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, đánh giá trong năm qua ngành Du lịch đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, từng bước phục hồi trở lại ngành du lịch. Tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá, tham gia các hoạt động liên kết hợp tác, tổ chức triển khai các chưong trình, kế hoạch thu hút khách du lịch nội địa, đặc biệt là sau khi mở cửa trở lại đón khách.

Tuy nhiên, phát triển du lịch trong bối cảnh hiện nay chắc chắn sẽ còn nhiều những khó khăn, thách thức đan xen, tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, suy thoái kinh tế, bất ổn chính trị, chiến tranh...xảy ra ở một số quốc gia đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch, đặc biệt là tác động trực tiếp đến quyết định lựa chọn điểm đến du lịch của du khách quốc tế.

Năm 2023, để tiếp tục giữ vững nhịp độ tăng trưởng, phục hồi nhanh và phát triển trở lại ngành du lịch, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung mong rằng ngành du lịch cần rà soát các chương trình, đề án, dự án về phát triển du lịch đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt, đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án, dự án giao Sở Du lịch làm chủ đầu tư.

Chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn thuộc các Bộ, ngành Trung ương, các cấp, các ngành, các địa phương, Hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp du lịch triển khai thực hiện các giải pháp phục hồi và phát triển trở lại ngành Du lịch. Riêng về thu hút khách quốc tế, lưu ý ngành du lịch cần có giải pháp khôi phục lại các thị trường truyền thống, có kế hoạch thu hút khách từ các thị trường tiệm năng.

Tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch, truyền thông về các điểm đến an toàn. Củng cố và phát triển các điểm đến du lịch, đề xuất công nhận một số khu, điểm du lịch để tạo điểm nhấn phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Phối hợp với Sở lao động thương binh và Xã hội, Uỷ ban nhân dân các địa phương, các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp triển khai có hiệu quả việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển du lịch; quan tâm hỗ trợ đào tạo lực lượng lao động của các cơ sở kinh doanh du lịch; liên kết chặt chẽ chương trình đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động,…

Nhân dịp này, 06 tập thể và 02 cá nhân được Bộ văn hoá thể thao và Du lịch tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng và tổ chức hoạt động du lịch tại địa phương năm 2022 và Trao giải Cuộc thi ảnh đẹp du lịch Kiên Giang cho 10 tác giả đạt giải.