Kiên Giang: Phát triển kinh tế trang trại nâng giá trị nông sản

Trương Anh Sáng

18/12/2021 22:41

Theo dõi trên

Phát triển kinh tế trang trại sẽ thúc đẩy phát triển nông nghiệp với qui mô lớn góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

1-kien-giang-phat-trien-1639842046.jpg
Ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ đảm bảo năng suất, chất lượng nông sản

 

Xoá đói giảm nghèo

Tỉnh Kiên Giang xác định kinh tế trang trại là hình thức tổ chức sản xuất hàng hoá trong nông nghiệp nông thôn, chủ yếu dựa vào hộ gia đình nhằm mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông, lâm, thủy sản.

Cùng với đó, phát triển kinh tế trang trại nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý góp phần phát triển nông nghiệp bền vững; tạo việc làm, tăng thu nhập; khuyến khích làm giàu đi đôi với xoá đói giảm nghèo; phân bổ lại lao động, dân cư, xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời chuyển dịch, tích tụ ruộng đất hình thành các trang trại gắn liền với quá trình phân công lại lao động ở nông thôn, từng bước chuyển dịch lao động nông nghiệp sang làm các ngành phi nông nghiệp, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá trong nông nghiệp và nông thôn, tạo ra sản phẩm nông sản khối lượng lớn, tập trung phục vụ cho liên doanh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Với những lợi ích và hiệu quả kinh tế của kinh tế trang trại mang lại, cuối năm 2010, tổng số trang trại trên địa bàn tỉnh có 9.060 trang trại, tăng 7.717 trang trại so với năm 2000, trong đó có 8.066 trang trại trồng cây hàng năm, 757 trang trại thủy sản, 05 trang trại lâm nghiệp và 229 trang trại tổng hợp. Đất sản xuất bình quân của các loại hình trang trại đạt 4,61 ha/trang trại; vốn sản xuất bình quân là 81,8 triệu đồng/trang trại; số lao động bình quân là 17 lao động/trang trại.

Do thay đổi phương thức đánh giá trang trại theo Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT, đến cuối năm 2020, tổng số trang trại trên địa bàn tỉnh là 998 trang trại, giảm 8.062 trang trại so với năm 2010; trong đó có 899 trang trại trồng trọt, 70 trang trại thủy sản, 29 trang trại chăn nuôi; thu nhập bình quân một trang trại 1.414,9 triệu đồng/năm.

Theo tiêu chí xác định trang trại được quy định theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT  của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 29 trang trại với tổng diện tích 82,88ha, tổng kinh phí đầu tư là 103.250 triệu đồng với khoảng 170 lao động làm việc thường xuyên, trong đó có 26 trang trại chăn nuôi và 02 trang trại thủy sản, 01 trang trại nông nghiệp kết hợp du lịch nông thôn.

Thực hiện việc lồng ghép Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, các chương trình tạo việc làm, giảm nghèo bên vững góp phàn nâng cao mức sống của người dân nông thôn. Đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn là 50 triệu đồng (khoảng 2.418 USD), tăng gấp 1,2 lần so năm 2008 (tăng 9,77 triệu đồng/người/năm).

Từ năm 2008 đến năm 2020, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí chuyển giao và ứng dụng khoa học và công nghệ cho 27 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp với tổng kinh phí 14,47 tỷ đồng. Trong đó có 52 mô hình sản xuất có hiệu quả với 44 mô hình đã được chuyên giao; toàn tỉnh có 21 sản phẩm Nhãn hiệu tập thể có nguồn gốc từ nông nghiệp được đánh giá cao như: khóm Tắc Cậu, khô cá Sặc rằn U Minh Thượng, gạo một bụi trắng U Minh Thượng, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm truyền thống nước mắm Phú Quốc được Cộng đồng Châu Âu chấp nhận, nông thủy sản được cấp giấy chứng nhận VietGAP, mô hình sản xuất lúa hữu cơ đạt chứng nhận quốc tế USDA; giá trị sản phẩm 1 héc ta đất canh tác lúa đạt trên 83,83 triệu đồng/năm; giá trị thủy sản xuất khẩu đạt 242,87 triệu USD, chiếm 34,33% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tăng 223,01% so với năm 2008.

Giai đoạn 2011 - 2020, các cơ sở dạy nghề trong tỉnh đã tổ chức đào tạo và dạy nghề cho 103.338 lao động nông thôn. Bình quân hằng năm có từ 30.000 - 35.000 lượt người dân được tập huấn về kỹ năng sản xuất giống cây trồng vật nuôi, phòng trừ sâu bệnh, phổ biến kinh nghiệm sản xuất và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao hiệu quả khả năng phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ tốt năng suất cây trồng, vật nuôi.

2-kien-giang-phat-trien-1639842045.jpg
Phát triển HTX sẽ mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sản xuất

Phát triển nông nghiệp bền vững

Phát triển kinh tế trang trại của tỉnh chủ yếu là lồng ghép vào các đề án, dự án và kế hoạch về nông nghiệp, nông thôn như: Quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Kiên Giang theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển nông nghiệp - nông thôn gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; Kế hoạch của UBND tỉnh Kiên Giang về thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Do đó, trong những năm tiếp theo, Kiên Giang chú trọng xây dựng các trang trại sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, nguồn lực sẵn có và là thế mạnh của địa phương.

Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng các chủ trang trại có đủ năng lực trong công tác quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của trang trại, thương mại, sơ chế, chế biến tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Cùng với đó, chủ trang trại được học tập để đẩy mạnh việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao tay nghề, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, liên kết tiêu thụ phù hợp với tình hình mới.

Hình thành và phát triển quan hệ hợp tác giữa các trang trại nhằm trao đổi kinh nghiệm, trình độ quản lý, trao đổi sản phẩm, dịch vụ để nâng cao hiệu quả kinh tế. Tạo các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nhằm kiểm soát chất lượng từ khâu giống, vật tư nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra đảm bảo năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường.

Hỗ trợ vay vốn trung và dài hạn, tư liệu sản xuất cho các trang trại phát triển theo hướng ưu tiên ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, sản xuất hàng hóa theo các tiêu chuẩn sản xuất, hỗ trợ liên kết sản xuất theo hướng đầu vào và đầu ra để ổn định, chặt chẽ, phát triển bền vững.

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Kiên Giang: Phát triển kinh tế trang trại nâng giá trị nông sản" tại chuyên mục Nông nghiệp mới. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn