Kiên Giang: Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp

Trương Anh Sáng

04/10/2021 11:19

Theo dõi trên

Để tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động, thu hút các nhà đầu tư đến Kiên Giang, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, quy định và chỉ đạo chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận thông tin, thị trường, đổi mới công nghệ, chính sách uu đãi,...

1-kien-giang-tao-moi-truong-1633352803.jpg

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (hiện là Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam) phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang năm 2019

Tiếp cận thông tin bình đẳng

Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị công khai đầy đủ thông tin những thay đổi về chính sách, phát triển kết cấu hạ tầng, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, các công trình dự án kêu gọi đầu tư để doanh nhân các thành phần kinh tế được tiếp cận bình đẳng. Hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa trên sóng phát thanh và truyền hình tỉnh. Hỗ trợ cho các hội viên và doanh nghiệp trong tỉnh thông qua Website, Zalo liên kết các hội viên Hiệp hội doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long; Zalo hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.

Giới thiệu về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, thương hiệu, nhãn hiệu và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến doanh nghiệp. Triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, các quy định pháp luật có liên quan đến doanh nghiệp, doanh nhân; thực hiện đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đến làm việc và đầu tư sản xuất kinh doanh tại tỉnh.

Hàng năm, tỉnh đã tổ chức đối thoại doanh nghiệp định kỳ ít nhất hai lần/năm. Lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các huyện, thành phố thường xuyên tiếp xúc, tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, doanh nhân, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực đất đai, vay vốn, cấp phép lao động cho người nước ngoài, các thủ tục hải quan, các cơ chế chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn... tạo điều kiện thuận cho doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động. Trong 10 năm, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã tổ chức 18 cuộc đối thoại, có 446 lượt doanh nghiệp tham dự và 583 ý kiến kiến nghị cần giải quyết.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều chính sách như: Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2021, Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, Kế hoạch về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; quy định về ngày tiếp doanh nghiệp; quy chế phối hợp thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” trong việc giải quyết thủ tục đầu tư; xây dựng và đưa vào vận hành công thông tin hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh; quy định về trình tự, việc ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư trên địa tỉnh,...

Cùng với đó, Đảng ủy Khối các doanh nghiệp tỉnh, nay là Đảng ủy khối các Cơ quan- Doanh nghiệp tỉnh, đã tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham dự. Qua đó, tạo môi trường kết nối giữa các doanh nghiệp trong hợp tác và cùng nhau phát triển, đẩy mạnh việc ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ lẫn nhau. Quan tâm và có chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp phát triển, mở rộng quy mô sản xuất.

Việc hỗ trợ đội ngũ doanh nhân mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, khuyến khích phát triển doanh nhân khu vực nông thôn cũng đã được các cấp, các ngành quan tâm với việc xây dựng và công khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về tiếp cận nguồn vốn đầu tư, thông tin thị trường, tiếp cận khoa học công nghệ... giúp doanh nghiệp, doanh nhân có điều kiện hoạt động hiệu quả và mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.

Đồng thời quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh, phát triển thị trường sản phẩm mới; hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, sản phẩm (nước mắm Phú Quốc, hồ tiêu...); tổ chức nhiều chương trình kết nối giao thương, hợp tác đầu tư, xúc tiến du lịch, thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo điều kiện cho doanh nhân, doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, địa phương trên các lĩnh vực thuộc thế mạnh kinh tế của tỉnh.

Các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh thường xuyên vận động, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, doanh nhân tích cực tham gia “Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn”, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ doanh nhân, cung cấp kịp thời thông tin thị trường sản xuất, kinh doanh trong và ngoài nước, phổ biến các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước.

Tập huấn phương pháp, nghiệp vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, toàn tỉnh đã tổ chức 521 lớp đào tạo, bồi dưỡng năng lực lãnh đạo, điều hành và quản trị doanh nghiệp, công tác quản lý và phát triển kinh doanh của doanh nghiệp, kinh nghiệm khởi nghiệp; marketing cho khởi nghiệp; thiết kế thương hiệu cho sản phẩm; cách viết kế hoạch, dự án kinh doanh, xây dựng nhãn hiệu. Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức 15 lớp cho 672 lượt doanh nghiệp và 12 hội thảo có 542 doanh nhân tham dự.

Thông qua các buổi tập huấn, hội thảo đã góp phần nâng cao nhận thức của doanh nhân, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp với việc phối hợp với các trường đại học, cao đẳng... đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, cập nhật kiến thức cho doanh nhân; tuyên truyền, giáo dục doanh nhân nâng cao phẩm chất đạo đức trong kinh doanh, có trách nhiệm đối với cộng đồng, có hoài bão, ý chí tự lực tự cường, có tầm nhìn dài hạn trong phát triển doanh nghiệp, có khả năng tiếp cận công nghệ mới, cơ hội mới; nâng cao ý thức đoàn kết, hợp tác, tinh thần dân tộc trong xu hướng hội nhập, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tính dân tộc của doanh nhân, doanh nghiệp, người lao động.

Với những chính sách, quy định cụ thể, công khai, minh bạch, trong 10 năm qua, các doanh nghiệp trong tỉnh không vi phạm, tranh chấp thương mại lớn ở trong nước, khu vực và quốc tế; tổ chức Công đoàn các cấp được phát huy trong việc quan tâm, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề, ý thức tổ chức kỷ luật của người lao động được nâng lên; tiền lương, môi trường lao động được cải thiện góp phần nâng cao đời sống của người lao động. Toàn tỉnh hiện có 15 doanh nghiệp nằm trong tốp doanh nghiệp lớn của nước và khu vực, 429 doanh nghiệp vừa nằm trong tốp cấp tỉnh.

Các doanh nghiệp trong tỉnh đã ý thức được trách nhiệm của mình, quan tâm, tạo điều kiện để hình thành và phát triển các tổ chức chính trị-xã hội trong doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, thường xuyên tổ chức các hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ nhằm chăm lo tốt đời sống tinh thần cho người lao động, thực hiện tốt các hoạt động vì cộng đồng, đồng hành cùng với địa phương hỗ trợ các chương trình an sinh xã hội.

Vai trò của đội ngũ doanh nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế được phát huy; phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên trong các doanh nghiệp được quan tâm. Đội ngũ doanh nhân từng bước phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng, uy tín, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp được nâng cao. Các doanh nghiệp ngày càng gắn bó hơn với giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức góp phần tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong quá trình xây dựng và phát triển chung của tỉnh, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước, đóng góp vào GRDP hàng năm từ 21,18%.

Toàn tỉnh đã quy hoạch phát triển 14 cụm công nghiệp với tổng diện tích 607,97 ha. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 11.232 doanh nghiệp với 109.077 lao động, trong đó có 2.556 doanh nghiệp tư nhân; 1.316 Công ty cổ phần; 4.607 Công ty TNHH MTV; 2.753 Công ty TNHH hai thành viên trở lên. Số lượng doanh nghiệp mới thành lập giai đoạn 2011-2020 tăng bình quân 1.208 DN/năm.

Phần lớn các doanh nghiệp trong tỉnh đăng ký đa ngành, nghề, tập trung vào các lĩnh vực thương mại và dịch vụ, du lịch, chế biến thủy sản, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tiểu thủ công nghiệp, nông-lâm nghiệp, công nghiệp-xây dựng; cơ cấu ngành nghề doanh nghiệp thương mại và dịch vụ chiếm 48,4%, công nghiệp-xây dựng chiếm 20,06%, nông-lâm nghiệp chiếm 31,54%.

Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh thu hút được 811 dự án với quy mô 40.631,54 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư 535.471,72 tỷ đồng, trong đó, có 374 dự án đầu tư hoàn thành đi vào hoạt động, chiếm 45,78%/tổng số dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 63.796,90 tỷ đồng, chiếm 11,83%/tổng vốn đầu tư đăng ký. 

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 hiện toàn tỉnh có 7.723 doanh nghiệp đang hoạt động, sản xuất chiếm 68,85% tổng số doanh nghiệp đăng ký. Giai đoạn 2011 - 2020 có 5.492 doanh nghiệp giải thể và bị thu hồi, tăng 2,3 lần về số lượng so với giai đoạn 2001-2010; tổng dự án thu hồi đến hết năm 2020 là 270 dự án, quy mô 9.680,9ha.

2-kien-giang-tao-moi-truong-1633352803.jpg

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (hiện là Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam) thăm gian hàng giới thiệu sản phẩm gạo hữu cơ tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang năm 2019. (Ảnh: Trương Anh Sáng)

Đến năm 2025 có trên 18.000 doanh nghiệp

Để doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng phát triển, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh xác định mục tiêu từ nay đến năm 2025 là kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, doanh nhân tận dụng và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh; nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Phấn đấu số lượng doanh nhân của tỉnh tăng bình quân 10%/ năm trở lên, đến năm 2025 tỉnh có trên 18.000 doanh nghiệp (hiện nay 11.232), có 30-50 doanh nghiệp có thương hiệu đạt tầm cỡ vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; trên 20 doanh nghiệp đạt tầm cỡ Châu Á và quốc tế.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực thực thi công vụ của bộ máy chính quyền, hoàn thiện các cơ chế chính sách phát triển doanh nghiệp; sử dụng nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển nhanh, bền vững. Nâng lên năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, chất lượng phục vụ của các cơ quan nhà nước.

Để đạt hiệu quả mục tiêu đã đề ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, doanh nghiệp về vị trí, vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân; tạo điều kiện và đồng hành cùng doanh nghiệp trong phát triển kinh tế-xã hội góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và các phong trào, cuộc vận động khác do Đảng và Nhà nước phát động.

Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư, đẩy mạnh các hoạt động trợ giúp đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế hỗ trợ và khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi và đăng ký hoạt động theo Luật doanh nghiệp. Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu.

Đồng thời tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách về hỗ trợ cho phát triển doanh nghiệp để điều chỉnh, hoặc đề xuất điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế, tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển. Vận dụng cơ chế, chính sách của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp về tài chính, mặt bằng sản xuất, tiếp cận nguồn lực đất đai, đổi mới nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật, liên kết, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hoá, phát triển nguồn nhân lực.

Tăng cường gặp gỡ đối thoại, nắm bắt thông tin để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng măc cho doanh nghiệp; nâng cao vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp. Đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, hình ảnh doanh nhân của tỉnh năng động, sáng tạo, nghĩa tình, quan tâm đến người lao động, có trách nhiệm với cộng đồng xã hội.

Cùng với đó, các cấp uỷ, chính quyền các cấp chủ động, sâu sát, nắm chắc  tâm tư, nguyện vọng, có các giải pháp giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nhân, doanh nghiệp; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các ngành; đồng hành cùng doanh nhân, doanh nghiệp, coi trọng doanh nghiệp, doanh nhân là đối tượng phục vụ, tạo điều kiện, kinh phí cho doanh nghiệp phát triển.

Xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới, chú trọng củng cố và thành lập tổ chức đảng, đoàn thể, phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên trong các loại hình doanh nghiệp; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và các đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực kinh tế nhà nước bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phục vụ lợi ích của doanh nghiệp và người lao động.

Tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho người lao động, nhất là lao động nữ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp; luôn lắng nghe ý kiến của doanh nhân, tổ chức cho doanh nhân tham gia ý kiến giám sát, phản biện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là những cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp đến doanh nhân, doanh nghiệp.

Nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động thực hiện phong trào thi đua doanh nghiệp làm “Dân vận khéo”, xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định và phát triển; xây dựng hình ảnh doanh nhân trong thời kỳ mới - Thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập nền kinh tế thế giới.

 

 

 

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Kiên Giang: Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn
Phạm Minh Phong

Phạm Minh Phong

21:54 04/10/2021

Rất tuyệt vời