Kiên Giang: Trường khuyết tật tình thương Mỹ Lâm - Nơi chắp cánh ước mơ trẻ em kém may mắn

29 năm qua (1994 – 2023), 29 thầy cô và nhân viên Trường khuyết tật tình thương Mỹ Lâm huyện Hòn Đất luôn gắn bó với nghề, tận tụy cưu mang, nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em khuyết tật, chắp cánh ước mơ cho các em nhỏ kém may mắn bay cao, bay xa trong tương lai.

1-kien-giang-1681134368.jpg

Tập thể giáo viên, học sinh Trường khuyết tật tình thương Mỹ Lâm

Sơ Phạm Nguyễn Minh Hiếu, Phó hiệu trưởng Trường khuyết tật tình thương Mỹ Lâm cho biết, Trường có diện tích hơn 2ha, do linh mục Giuse Nguyễn Văn Việt, Giáo xứ Đền thánh Giuse, số 13 Nguyễn Thái Bình, phường Vĩnh Quang (Tp. Rạch Giá) (Giáo phận Long Xuyên) xây dựng và thành lập năm 1994 với sự cộng tác tích cực của các nữ tu Dòng Thánh Phaolô Mỹ Tho trong việc điều hành, chăm sóc các em khuyết tật và giáo dục các em phát triển ngôn ngữ, định hướng nghề nghiệp để hoà nhập cộng đồng. 

Trước đây, nguồn kinh phí do linh mục Giuse Nguyễn Văn Việt, hiệu trưởng của trường huy động và từ thu nhập từ hàng thêu tay khăn trải bàn, khăn ăn, áo gối,…được ông bà Dalle người Pháp tiêu thụ sản phẩm cho các em và hỗ trợ thêm phần tiền ăn cho các em, nhờ đó trường được ổn định trong việc nuôi dạy các em. Năm 2015, linh mục Giuse Nguyễn Văn Việt qua đời, ông Dalle mất năm 2018 nên không còn tiếp tục thiêu thụ sản phẩm của các em được nữa. Nguồn kinh phí của trường bị suy giảm dẫn đến việc nuôi dạy các em khuyết tật gặp nhiều khó khăn.

Đến nay, nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, ngôi trường được xây dựng khang trang với đầy đủ phương tiện dạy và học đã tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh có nơi học tập, sinh hoạt, vui chơi, giải trí. Ngoài ra, phía sau trường còn có chuồng trại chăn nuôi heo, dê, ao cá và vườn cây ăn quả để cải thiện bữa ăn hàng ngày cho các em.

Với 29 cán bộ giáo viên trong đó, Ban giám hiệu 02 người, 13 giáo viên, 14 nhân viên. Các giáo viên đều có trình độ đại học sư phạm và cao đẳng sư phạm chuyên biệt, mầm non có nhiều kinh nghiệm về công tác chuyên môn và tâm lý học sinh khuyết tật. Hiện tại, Trường có 11 lớp, từ mẫu giáo đến lớp 5, trong đó có 04 lớp các em chậm phát triển, tự kỷ, 07 lớp các em khiếm thính. Với 120 em học sinh, trong đó, học sinh khiếm thính 84 em, học sinh chậm phát triển và tự kỷ 36 em.

Những năm qua, cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường luôn chú trọng công tác giáo dục toàn diện, giáo dục đạo dức, lối sống văn minh lịch sự, kỹ năng sống, kỹ năng thực hành, ý thức trách nhiệm xã hội cho các em. Nhà trường thường xuyên, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao nhằm nâng cao sức khỏe học đường, phòng chống dịch bệnh, giáo dục an toàn giao thông, phòng tránh các tệ nạn xã hội cho học sinh.

Học tập ở trường, các em còn được tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao do trường tổ chức nhân dịp lễ, tết của dân tộc, được tham quan, du lịch, được tham dự các cuộc thi, nhận được sự quan tâm thăm hỏi, tặng quà của các mạnh thường quân,…đã giúp các em xua tan nỗi mặc cảm, tự ti của bản thân. Những hoạt động nhân ái đó đã sưởi ấm những trái tim bất hạnh, giúp các em có niềm tin trong cuộc sống, cố gắng học tập, vươn tới tương lai tươi sáng.

Sơ Minh Hiếu chia sẻ, học sinh khuyết tật khi mới đến trường còn nhút nhát, tự ti, năng lực học tập của các em còn hạn chế, nhiều em không có máy trợ thính vì gia đình không có khả năng mua máy trợ thính cho các em, khá đông các em bị điếc sâu nên không được cấp máy nghe, do vậy, việc tiếp thu ngôn ngữ của các em bị hạn chế gây rất nhiều khó khăn trong dạy và học của giáo viên và học sinh.  Điều đó đã khiến thầy cô luôn mang nặng nỗi ưu tư, trăn trở là làm sao để có thể giúp các em học sinh khiếm thính vốn bị hạn chế về ngôn ngữ, tư duy có được một kiến thức cơ bản nhưng vững chắc về văn hóa, có khả năng giao tiếp tốt và một nghề nghiệp vững chãi để các em có thể vui sống và hòa nhập với xã hội trong tương lai.

Những năm gần đây tình hình học tập của các em được tiến triển hơn nhờ sự giúp đỡ của nhiều ân nhân, bác sĩ trong và ngoài nước, một số học sinh còn khả năng nghe tốt được các bác sĩ, các chuyên viên kỹ thuật đến đo thính lực và cấp máy trợ thính.

2-kien-giang-1681134470.jpg

Một giờ dạy của cô và trò nhà trường

Với lòng yêu nghề, yêu trẻ, không muốn để các em chịu nhiều thiệt thòi, thầy cô như những chú ong cần mẫn đã kiên nhẫn, miệt mài chuẩn bị đồ dùng học tập; dự giờ chéo chia theo hai khối lớn và bé nhằm trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và nâng cao phương pháp giảng dạy; luôn tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp, tài liệu chuyên ngành để soạn chương trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với sự tiếp thu, khả năng tư duy của các em nhằm giúp học sinh hiểu sâu bài học một cách tự nhiên, tạo hứng thú tham gia xây dựng bài, khắc sâu kiến thức mới, đạt kết quả tốt trong học tập.

Cùng với đó, các thầy cô giáo thường xuyên luyện tập khả năng nghe - nhìn - nói - viết thành câu hoàn chỉnh; rèn luyện các kỹ năng để các em trở thành những người có văn hóa, có phẩm chất đạo đức, đồng thời coi hướng nghiệp là mục đích mà nhà trường luôn cố gắng thực hiện nhằm giúp các em có tay nghề vững chắc, vững tin vào cuộc sống, để với chính đôi bàn tay của mình, các em có thể nuôi sống bản thân, giúp ích cho gia đình và xã hội. Để đạt được yêu cầu này, nhà trường cho các em học các nghề như: thêu, may, hội hoạ dành cho học sinh từ lớp 4 đến lớp 5... và thành lập tổ thêu, may cho học sinh khuyết tật khiếm thính và khuyết tật vận động tự cắt và may thành thạo đồng phục của học sinh, áo sơ mi, quần tây. Sản phẩm của các em làm ra đều được nhiều người mua ủng hộ nên nhà trường đã trang trải được một phần nào kinh phí hoạt động.

Từ mái trường thân yêu này, nhiều em đã trưởng thành, lập gia đình, cuộc sống hạnh phúc, có công việc làm ổn định với công việc làm công nhân cho xí nghiệp may, nhân viên kéo lụa, sản xuất bia, làm nước mắm, làm cửa kính, chế biến cá, đồ gỗ, lưỡi câu ở trong và ngoài tỉnh. Thật hạnh phúc khi trường có 15 em lựa chọn cho mình ở lại gắn bó với ngôi trường đã cưu mang, dạy dỗ mình nên người với công việc là giáo viên, thợ thêu, thợ may, họa sĩ phục vụ cho tổ thêu của trường, như: Trần Thị Ngọc Bích, Trần Đức Hoà, Đỗ Thị Hồng Hoa, Nguyễn Thanh Tuấn, Bùi Thị Mai Như,... “Chúng tôi rất vui mừng khi thấy các em đã trưởng thành, vững bước vào đời, có cuộc sống tự lập ở nhiều tỉnh, thành như: Bình Dương, Cà Mau, Tp. Phú Quốc, Tp. Hồ Chí Minh,…với mức lương trên 10 triệu đồng, có em mức lương từ 7 đến 8 triệu, với thu nhập ổn định các em không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội”, Sơ Phạm Nguyễn Minh Hiếu, Phó hiệu trưởng, tâm sự.

3-kien-giang-1681134551.jpg

Các em được học thêu tạo nghề nghiệp cho tương lai

Chặng đường đã qua, Trường khuyết tật tình thương Mỹ Lâm đã giáo dục, tạo nghề cho hơn 400 học sinh khuyết tật trong và ngoài tỉnh. Các sơ, các thầy cô giáo với lòng nhiệt huyết với nghề, yêu trẻ, mến trường đã luôn cố gắng khắc phục mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Nữ tu Nguyễn Thị Hồng, Phạm Thị Ngọc Thế, Phó hiệu trưởng Phạm Nguyễn Minh Hiếu và nhà trường nhiều năm liền được Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác vận động, đóng góp an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Ngoài ra, nữ tu Nguyễn Thị Hồng, hiệu trưởng Trường khuyết tật tình thương Mỹ Lâm được Bộ lao động thương binh và xã hội tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2012.  Trường được Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen với thành tích đạt giải Nhất trong Hội diễn văn nghệ học sinh khuyết tật toàn quốc lần thứ hai năm 2014 và nhiều giáo viên của trường cũng được Sở giáo dục tặng giấy khen.

Với mong muốn đem đến những điều tốt đẹp nhất có thể đến với học sinh khuyết tật, kém may mắn, Trường khuyết tật tình thương Mỹ Lâm rất mong nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân để các em chắp cánh ước mơ của mình. Mọi thông tin xin liên hệ: Sơ Phạm Nguyễn Minh Hiếu, Phó hiệu trưởng Trường khuyết tật tình thương Mỹ Lâm, số ĐT: 0919.461.204.