Kiên Giang: Vĩnh Thuận không để sự ách tắc cản trở phát triển kinh tế - xã hội

Trương Anh Sáng

20/12/2022 08:10

Theo dõi trên

Sáng ngày 19/12, Huyện uỷ Vĩnh Thuận tổ chức Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ huyện (Mở rộng) và Tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2022.

1-kien-giang-1671498736.jpg
Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ huyện đề ra những quyết sách phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

Hội nghị có sự tham dự của Lãnh đạo Đảng uỷ các xã, Thị trấn, Hội nông dân, Trung tâm y tế huyện, Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, công an huyện cùng lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện,…

Đồng chí Nguyễn Văn Thoàn, Phó bí thư thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện đã báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022 và Nghị Quyết phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của Huyện uỷ.

Theo đó, năm 2022, là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ huyện, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025 với sự phát triển các thành phần kinh tế, nhất là hoạt động Công nghiệp - Tiêu thủ công nghiệp và dịch vụ, nông nghiệp và đạt được kết quả khá tích cực với 17/20 chỉ tiêu đạt so với kế hoạch, trong đó có 11 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tổng giá trị sản xuất một số ngành chủ yếu đạt 6.303,04 tỷ đồng.

Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và hội quần chúng thực hiện tốt công tác dân vận với kết quả vận động, tiếp nhận, phân bổ, trao 4.479 suất quà cho các gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân chất độc màu da cam. Tổng trị giá hơn 2,473 tỷ đồng.

Ban vận động “Quỹ vì người nghèo” huyện và các xã phân bổ xây dựng 56 căn nhà Đại đoàn kết trị giá 2,524 tỷ đồng. Các xã, thị trấn tiếp nhận và bàn giao 15 cây cầu giao thông nông thôn trị giá 3,7 tỷ đồng.

Năm 2023 huyện Vĩnh Thuận tập trung nguồn lực thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết XII Đảng bộ huyện và các giải pháp phục hồi phát triển kinh tế, phát triển nông nghiệp bền vững, đẩy mạnh cải cách hành chính.

Phấn đấu tổng giá trị sản xuất một số ngành chủ yếu đạt 6.841 tỷ đồng; tổng sản lượng lúa đạt 107 ngàn tấn, trong đó lúa chất lượng cao chiếm 90%. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 37 ngàn tấn, trong đó sản lượng tôm 21 ngàn tấn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ và ăn uống đạt 3.031 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 653 tỷ đồng. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 1.000 tỷ đồng.

Thu ngân sách đạt 40,5 tỷ đồng, chi ngân sách theo Nghị quyết HĐND tỉnh giao; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình giao thông, thủy lợi; có 99,98% hộ dân sử dụng điện an toàn đạt và 100% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh.

Giữ vững, nâng lên chất lượng các tiêu chí xã, huyện nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao xã Bình Minh và Vĩnh Phong. Giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1% trở lên. Giới thiệu việc làm trong và ngoài nước cho 3.500 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67,5%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 49,5%; 91,5% dân số tham gia bảo hiểm y tế,…

2-kien-giang-1671498889.jpg
Đồng chí Lê Trung Hồ - Bí thư Huyện uỷ - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện phát biểu Tổng kết Hội nghị

Để đạt được các chỉ tiêu đã đề ra, phát biểu tổng kết Hội nghị, Đồng chí Lê Trung Hồ, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện yêu cầu các cấp, các ngành trong huyện cần quyết liệt và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đột phá của Nghị quyết Đại hội và các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023.

Cụ thể hóa và thực hiện tốt Chương trình hành động số 33-CTr/TU, ngày 08/11/2022 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp phù hợp với biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản.

Đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường. Phát triển các vùng nuôi thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao, nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; hỗ trợ nông dân phát triển nuôi quảng canh cải tiến.

Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Việc nào thuộc thẩm quyền của xã, thị trấn, của ngành thì phối hợp giải quyết ngay. Việc nào khó khăn, vướng mắc, vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên để chỉ đạo giải quyết kịp thời, không để ách tắc, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tích cực huy động các nguồn lực và tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là tranh thủ sự đầu tư các dự án trọng điểm của tỉnh trên địa bàn huyện góp phần cải thiện điều kiện sản xuất và nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, trật tự đô thị, giải tỏa lấn chiếm vỉa hè, hành lang lộ giới và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Sử dụng tốt nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu. Sử dụng có hiệu quả, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Quản lý chặt chẽ, nuôi dưỡng các nguồn thu bảo đảm tính ổn định, chống thất thu, nợ đọng thuế. Chi ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả, tăng chi đầu tư phát triển, cắt giảm những khoản chi thường xuyên không thật sự cần thiết, bảo đảm chi cho con người, an sinh xã hội,...

Các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng triển khai có hiệu quả chính sách tiền tệ và các giải pháp tín dụng, ngân hàng; cho vay phải gắn với yêu cầu phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện.

Bạn đang đọc bài viết "Kiên Giang: Vĩnh Thuận không để sự ách tắc cản trở phát triển kinh tế - xã hội" tại chuyên mục Thời cuộc. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn