Kiên Giang: Vườn hoa Văn nghệ ngày càng nở rộ, thắm đầy hương sắc

Trương Anh Sáng

16/02/2022 15:58

Theo dõi trên

Tối ngày 15/2 Nhâm dần năm 2022, Hội văn học nghệ thuật tỉnh Kiên Giang đã tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ XX – 2022 với chủ đề “Hãy sống và hy vọng”.

1-kien-giang-vuon-hoa-1645001875.jpg

Phóng viên Tạp chí điện tử Văn hoá và Phát triển (người ngoài cùng bên trái) cùng các tác giả nhận Bằng chứng nhận đạt giải Ba. (Ảnh: Nhạc sĩ Dương Minh Đức)

 

Năm 2021, khi đại dịch Covid -19 hoành hành đã ảnh hưởng không nhỏ đến mọi hoạt động của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động văn học nghệ thuật trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Mặc dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, Hội văn học nghệ thuật tỉnh đã tổ các cuộc thi như: Cuộc thi ảnh nghệ thuật truyền thống tỉnh Kiên Giang, Cuộc thi sáng tác văn học, Cuộc thi sáng tác ca khúc, Cuộc thi bài ca vọng cổ, Cuộc thi sáng tác tác phẩm mĩ thuật, Cuộc thi ảnh nghệ thuật Xuân Nhâm Dần năm 2022, Cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật góp phần tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid -19,… đã thu hút đông đảo văn nghệ sĩ tham gia, sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao.

Soạn giả Nguyễn Thiện Cẩn, phó trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh Uỷ, Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật tỉnh Kiên Giang đánh giá, thơ đã cùng sống với dân tộc Việt Nam suốt mấy ngàn năm, hay nói cách khác, Người Việt Nam đã biết làm thơ từ rất lâu, thơ có mặt hầu hết trong các sinh hoạt, hoạt động, trong đời sống, trong tâm tư tình cảm của con người.

Từ thế kỷ XI, trong khoa cử Nho giáo, các kỳ thi Hương, thi Hội đều có đề bài về thơ và sáng tác thơ, từ đó đào tạo biết bao thi nhân nổi tiếng cho nước nhà như: Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Đặng Trần Côn, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Đình Chiểu,...

Những thi phẩm nối tiếng trong kho tàng thơ ca Việt Nam thì rất nhiều nhưng có lẽ điển hình nhất mà mọi người chúng ta đều biết đến như bài thơ “Thần Thi” của Lý Thường Kiệt và bài Nguyên Tiêu của Hồ Chí Minh cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị cả về tư tưởng lẫn văn chương.

Ở cuối trời Tây Nam của tổ quốc Việt Nam, trên dải đất biên thùy này, Hà Tiên thập cảnh đã làm đề tài cho biết bao nhà thơ ngâm vịnh, xướng họa. Tao đàn Chiêu Anh Các được Mạc Thiên Tích dựng cờ khai sáng từ năm 1736 đến nay đã trải qua 286 năm vẫn còn vang mãi tiếng thơm với 2 câu thơ: “Từ phú tăng hoa văn hiến quốc- Văn chương cao ngật Trúc Bằng Thành”.

Nối tiếp truyền thống văn học của cha ông, ngày nay những người con ưu tú trên quê hương Kiên Giang và của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long đã góp mặt trên văn đàn cả nước, làm phong phú thêm kho tàng văn chương Việt Nam, đồng thời cũng làm sáng thêm cái chất Chiêu Anh của quê hương thơ mộng miền biên ải.

Hồn thơ văn Chiêu Anh Các một thời lừng danh, với những cảnh sắc Hà Tiên được khắc họa, chính là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận của nhiều thế hệ tao nhân, mặc khách trong gần ba thế kỷ qua.

Ngày thơ Việt Nam lần thứ XX - năm 2022, văn nghệ sĩ Kiên Giang cùng nhau họp mặt kỷ niệm trong tiết Nguyên tiêu để thưởng trăng, vịnh nguyệt, để hồn Chiêu Anh sống lại trong mỗi con người, và cũng để tâm hồn nghệ sĩ thăng hoa sáng tạo thêm cho đời những tác phẩm văn chương, nghệ thuật, góp phần điểm tô cho vườn hoa nghệ thuật thêm hương sắc, cho truyền thống Chiêu Anh Các được gìn giữ và phát huy đến tận đời sau.

Thiên nhiên đã ban tặng một Hà Tiên với thập cảnh hữu tình quyến rũ khách thơ. Tiền nhân đã khai sáng hội tao đàn Chiêu Anh Các làm nền tảng cho thế hệ văn nghệ sĩ hôm nay tiếp bước và vườn hoa Văn nghệ Kiên Giang ngày càng nở rộ và thắm đầy hương sắc.

Đến với đêm thơ, khán giả yêu thơ được thưởng thức các tiết mục ngâm thơ cùng nhiều giai điệu mượt mà, thiết tha của các văn nghệ sỹ tỉnh Kiên Giang, do chính tác giả thể hiện.

Đêm thơ, dịch giả Trần Hót Lái giới thiệu nguyên tác chữ Hán, dịch chữ và dịch nghĩa bài thơ “Đông Hồ ấn nguyệt,” một tác phẩm xuất sắc trong chùm thơ Hà Tiên thập vịnh của Mạc Thiên Tích.

Tại đêm thơ - Ngày thơ Việt Nam lần thứ XX  với chủ đề “Hãy sống và hy vọng”, Ban tổ chức Cuộc thi đã trao 19 tác phẩm đạt giải, gồm 10 tác phẩm thơ, 09 ca khúc phổ thơ. Ban tổ chức trao 01 giải Nhất, 04 giải Nhì, 06 giải Ba và 08 giải Khuyến khích cho các tác giả có các tác phẩm xuất sắc tham dự cuộc thi.

Thể loại thơ, tác phẩm “Chiếc tổ mùa xuân” của tác giả Song Nguyễn đạt giải Nhất. Phóng viên Tạp chí điện tử Văn hoá và Phát Triển Trương Anh Sáng đạt giải Ba thể loại thơ với tác phẩm “Nhân rộng nghĩa tình lan toả nhịp yêu thương”.

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Kiên Giang: Vườn hoa Văn nghệ ngày càng nở rộ, thắm đầy hương sắc" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn