Kon Tum một thời để nhớ

   Lê Văn Hy*

25/03/2022 17:39

Theo dõi trên

“Không để xe chờ đường" là nhiệm vụ và cũng là quyết tâm của các chiến sĩ công binh đoàn An Bình, phân đọi 25, 31… Họ hiểu rằng trong chiến tranh nếu để xe chậm 1 phút là có thể ảnh hưởng đến trận đánh thì trong giai đoạn đấu tranh củng cố hòa bình này  cũng không thể để cho xe chậm trễ được, các chiến sĩ lái xe đang đặt niềm tin ở họ. Đồng bào Tây Nguyên đang hy vọng ở họ.

le-van-hy-1648204723.jpg
 

 

 

        Cách đây 48 năm, khi tôi làm phóng viên Quân giải phóng mặt trận Tây Nguyên, được Phòng Tuyên huấn B3  cử đi viết về đợt vận chuyển đột xuất gạo, thuốc men vào giúp đồng bào vùng mới giải phóng Kon Tum.

        Giữa ngày kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ (19-5-1973), chúng tôi đến cụm kho F4  đón những chuyến xe của phân đội 990, đoàn vận tải 11.  Đây toàn là xe Zin 130 (1 cầu) leo dốc mùa mưa rất chật vật. Cứ 5, 6 xe lại phải kèm 1 xe tời đi hộ tống.

        Họ tiếp thêm được dù chỉ 1 kg đã là góp phần nâng cao đời  sống nhân dân vùng giải phóng. Phân đội 52, đơn vị anh hùng đã đến cụm kho A vào một ngày cuối tháng 5. Đồng chí Phạm Xuyên, chính trị viên cho biết đoàn xe của đồng chí xuất phát vào lúc  Trường Sơn bắt đầu có những trận mưa dữ dội, nhưng tất cả đều chở tăng trọng tải, có xe chở tăng đến 2, 3 tạ. Xe nặng, đường trơn, dốc cao, vực thẳm  nhưng tất cả đều phải khuất phục trước quyết tâm gang thép và tay lái vững vàng của các chiến sĩ  đoàn xe anh hùng này. Có lần chỉ vượt một quãng đường lầy, anh em đã phải chặt đến 200 bó le để lót đường. Cũng như đoàn xe 52, các đoàn xe đã nói trên  và nhiều đoàn xe khác đã từng chiến trắng những “Thần Sấm“, “Con Ma“ của đế quốc Mỹ trong những năm chiến tranh để “xe vẫn chậy vì miền Nam phía trước“. Và bây giờ họ lại đang hướng về đồng bào Tây Nguyên, đạp bằng mọi khó khăn trong mùa mưa để đi trọn vẹn những chuyến xe vì đồng bào miền Nam ruột thịt. Đồng chí Lê Duy Mai ở trạm gác Ba ri e này đã viết:

        Hôm nay những chuyến xe vào

        Vui như mở hội dạt dào yêu thương

        Đoàn xe đầu tiên đến cụm kho B là phân đội xe 70. Trải qua nhiều đêm mất nhủ nhưng trên gương mặt các chiến sĩ lái xe vẫn rạng lên một niềm vui vinh dự.

        Những con đường từ các kho tiếp nhận tỏa về các khu căn cứ, các buôn làng vùng giải phóng ngày đêm ầm ầm tiếng máy. Các chiến sĩ quân giải phóng Tây Nguyên đàng chuyển nhanh những gao muối, thuốc men… mà hậu phương gửi gắm đến tận tay đồng bào thân yêu của mình. Ai quên được những ngày cách mạng còn trong trứng nước, đồng bào Tây Nguyên đã từng chắt chiu từng bát cơm củ sắn để nuôi cán bộ. Những chuyện đồng bào bỏ ra đến 60% thu hoạch của mình đóng góp cho cách mạng, làm hàng ngàn hec-ta  “rẫy cách mạng“ dành riêng để nuôi bộ đội, du kích còn in sâu trong lòng mỗi cán bộ chiến sĩ Tây Nguyên. Nghe theo lời Đảng và đền đáp công ơn của nhân dân, các lực lượng vũ trang quân giải phóng Tây Nguyên đang dồn hết  công sức vào công việc phục vụ đợt vận chuyển này. Có bao nhiêu xe vận tải dùng cả cho vạn chuyển. Có bao nhiêu xe kéo pháo chưa dùng đến cũng được huy động đi. Các chiến sĩ lái xe đoàn Trung Dũng đã tự nhận chở tăng  20o/o khối lượng hàng được giao. Các chiến sĩ lái xe đoàn Trung Kiên được vinh dự chở những chuyến xe đầu tiên về vùng giải phóng  Kon  Tum. Anh em đã hành quân từ 3 giờ sáng, đưa toàn bộ số xe của mình rầm rập lên đường. Ở Phân đội ô tô vận tải  thuộc đoàn Thái Bạch có nhiều xe cũ, lại cuối mùa nhưng nhờ có sự bảo dưỡng trung tu kịp thời nên đã huy dộng được toàn bộ số xe cho công tác vận chuyển. Nguyễn Anh Nhu, người có thân hình mảnh khảnh, nhỏ vào loại nhất phân đội đã có thành tích chậy giật lùi từ đỉnh dốc 500 mét giữa ban đêm cứu được xe không chạm vòng lửa bom “Na pan“ hồi chiến dịch hè năm 1972, giờ đây lại dẫn đầu trong đoàn vận chuyển này. Trong khi chờ sửa xe, anh xin lái xe khác. Trên quy định chậy 2 chuyến 1 ngày, anh xin được chở lên 3 chuyến. Tính ra cả đi lẫn về anh đã phải chậy 174 km trong điều kiện mưa trơn và lắm dốc. Tại một cung vận chuyển ở vùng giải phóng bắc thị xã Kon Tum có một đoàn xe toàn là xe GMC lấy được của địch trong trận đánh Đắc Tô – Tân Cảnh. Những chiếc xe ở trong tay địch ngày nào còn kéo pháo chở lính ngụy đi bắn giết đồng bào thì bây giờ về tay các chiến sĩ quân lái xe quân giải phóng lại chở đầy ắp những gạo muối mang đến cho đồng bào huyện 80.

        Đồng chí Nguyễn Mạnh Toàn, phụ trách đoàn xe đã kể lại việc cải tạo những chiếc xe này  một cách say sưa: Để nâng trọng tải và để chậy được cả trên những đoạn đường đất hoặc đá tai mèo, các chiến sĩ ta phải thay những chiếc lốp pha ni lông bằng những lốp xe Zin bền chắc  có thể chở gấp rưỡi trước đây.

        “Không để xe chờ đường" là nhiệm vụ và cũng là quyết tâm của các chiến sĩ công binh đoàn An Bình, phân đọi 25, 31… Họ hiểu rằng trong chiến tranh nếu để xe chậm 1 phút là có thể ảnh hưởng đến trận đánh thì trong giai đoạn đấu tranh củng cố hòa bình này  cũng không thể để cho xe chậm trễ được, các chiến sĩ lái xe đang đặt niềm tin ở họ. Đồng bào Tây Nguyên đang hy vọng ở họ. Xe có vượt được qua mùa mưa này không, một phần là công lao của công binh. Là những người đã từng vượt qua bom đạn ác liệt của địch để làm nên những con đường, làm nên chiến thắng vang dội năm 1972 thì mưa lũ, đường trơn dốc cao này cũng không thể nào làm chùn bước họ. Họ hứa với các chiến sĩ lái xe trong này ngoài ấy, với đồng bào Tây Nguyên rằng: Đồng bào và các đồng chí hãy tin tưởng. Đảm bảo xe là của các tay lái, còn bảo đảm đường đã có chúng tô. Trên các con đường đến các cụm kho A  B  D, và các con đường tỏa rộng, đi sâu vào các vùng giải phóng, ở đâu các chiến sĩ công binh cũng có mặt. Đường dốc đường trơn, anh em chặt hàng vạn cọc gỗ đóng “vệt hoa dâu“. Đường lún anh em chặt hàng trăm cây gỗ, bó le để chống lầy. Đường úng nước, anh em xẻ rãnh cho tiêu nước, và đường hẹp, anh em bạt núi san đồi để mở rộng. Không một đơn vị nào, một cá nhân nào chịu để năng xuất thấp trong lúc này. Thấy đoạn đường bị sạt lở, giữa nửa đêm và chỉ sau ít giờ, các chiến sĩ phân đội 7 công binh  đã dùng xẻng hất tung 150 mét khối đất để kịp đến sáng giải phóng đoàn xe. Trên con đường đi vào cụm kho A, tổ đóng cọc làm “vệt hoa dâu“ của đồng chí Doanh, đồng chí Niệm  ở đoàn Củ Chi xoay trần ra để nâng mức đóng cọc từ 8 mét đường lên 10 mét đường bình quân mỗi người. Tổ đồng chí Tính làm việc cả trưa không nghỉ để nâng mức chặt cọc từ  từ 250 chiếc lên 400 chiếc.

        Đi đến Tiểu đoàn 2 vận tải, đến phân đội M1, tôi trở về  kho Đắc Mót bằng ô tô. Ở Đắc Mót, trước là cái vị trí đầu cầu của địch bảo vệ căn cứ Tân Cảnh, bây giờ đặt một kho lớn chứa đầy gạo muối thuốc men dành riêng cho đồng bào  vùng mới giải phóng Bắc thị xã Kon Tum./.

____________________________________

  *Thị trấn Mỹ Lộc huyện Mỹ Lộc Nam Định

Nguyên phóng viên  quân đội tại mặt trận B3 Tây Nguyên.

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Kon Tum một thời để nhớ" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn