Dừng chân trên chặng hải hành
A.Yersin sinh ngày 22-9-1863 tại tổng Vaud hạt Lavaux, Thụy Sĩ. Ở tuổi 25, ông đã nhận bằng Tiến sĩ Y khoa với luận án: Nghiên cứu về sự phát triển của bệnh lao bằng thực nghiệm. Để có thể làm bác sĩ ở Paris, ông đã nhập quốc tịch Pháp.
Để lại đằng sau những danh vọng đối với một nhà khoa học trẻ, A.Yersin quyết định rời nước Pháp đến Đông Dương vào năm 1890. Được sự giúp đỡ của người thầy Louis Pasteur, ông đã được nhận vào làm ở Công ty Vận tải hàng hải với nhiệm vụ của một bác sĩ trên tàu Volga chạy tuyến Sài Gòn - Manila (Philippines). Năm 1891, ông được thuyên chuyển sang tàu chạy tuyến hàng hải Sài Gòn - Hải Phòng vừa được mở.
Trong những chuyến hải hành đó, lần nào con tàu cũng neo dừng ở Nha Trang và lần nào đến vịnh Nha Trang, A.Yersin đều bị mê hoặc bởi vùng đất hoang sơ. Trong sổ nhật ký ghi ngày 6-5-1891, ông viết: “Rời Sài Gòn phải mất 28 tiếng đồng hồ mới tới Nha Trang, tàu phải neo cách bờ một dặm, và chỉ đậu lại một giờ, vì thế không lên được bờ. Thật đáng tiếc vì vùng này có nhiều núi non và phong cảnh rất ngoạn mục…”. Trong lần dừng chân tại Nha Trang tiếp theo, A.Yersin xin phép lên bờ với một chiếc thuyền nhỏ, đó là ngày 29-7-1891. Phong cảnh hữu tình, bờ biển, cửa sông, các đảo gần bờ, màu sắc rực rỡ của một vùng quê nhiệt đới, khí hậu ôn hòa đã nhanh chóng chinh phục được ông. Và ông quyết định chọn Nha Trang - Khánh Hòa làm nơi để sống, làm việc, cống hiến và nằm lại vùng đất này.
Cuộc sống giản dị, nghĩa tình dành cho người dân địa phương, cùng những đóng góp, cống hiến vĩ đại của ông đối với khoa học nhân loại đã trở thành huyền thoại. Người dân Nha Trang yêu mến gọi ông bằng tên gọi thân thuộc - ông Năm Yersin; di nguyện cuối đời của ông là được nằm lại trên vùng đất này; người dân đem di ảnh của ông vào thờ trong chùa… Và còn nhiều câu chuyện đẫm tính nhân văn khác được người dân bao đời lưu truyền.
Lan tỏa tinh thần A.Yersin
Alexandre Emile John Yersin (1863 - 1943) là người Pháp - gốc Thụy Sĩ. Ông là học trò xuất sắc của Louis Pasteur. A.Yersin là người đã tìm ra vi trùng dịch hạch được thế giới đặt tên là Yersinina Pestis và điều chế thành công huyết thanh chữa bệnh dịch hạch. Tại Việt Nam, ông là người sáng lập ra Viện Pasteur Nha Trang; sáng lập và là hiệu trưởng đầu tiên Trường Y khoa Đông Dương (tiền thân Trường Đại học Y Hà Nội). Ông đã khám phá ra cao nguyên Lang Biang, đỉnh Hòn Bà; là người đầu tiên nhập và trồng thành công cây cao su, cây canh ki na vào Việt Nam… |
Theo ông Đống Lương Sơn - Chủ tịch Hội Ái mộ bác sĩ A.Yersin tỉnh Khánh Hòa, ở A.Yersin chứa đựng nhiều yếu tố đặc biệt. Ông là một nhà khoa học, nhà thám hiểm phương Tây nhưng lại có nhiều cống hiến để đời đối với phương Đông; ông làm cho chính quyền thực dân Pháp nhưng lại được người dân của nước thuộc địa vô cùng yêu mến, quý trọng. Từ suy nghĩ và hành động của A.Yersin đã truyền đi tinh thần tận hiến với khoa học, tận tụy với nhân loại. Nhà nước đã dành tặng danh hiệu Công dân danh dự Việt Nam đối với bác sĩ A.Yersin. Để lan tỏa tinh thần của bác sĩ A.Yersin, nhiều năm qua, những người ái mộ ông đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm mang tầm quốc gia, quốc tế liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của ông; xây dựng quỹ khuyến học mang tên ông; thành lập phòng khám nhân đạo Yersin; tổ chức các ngày kỷ niệm liên quan đến bác sĩ A.Yersin…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình liên quan đến A.Yersin, như: Quần thể di tích lưu niệm bác sĩ A.Yersin đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia (Thư viện A.Yersin, chùa Linh Sơn, khu mộ của A.Yersin); nhà làm việc của ông trên đỉnh Hòn Bà; công viên Alexandre Yersin; đường Yersin, đường Xóm Cồn; Trường THCS Yersin ở TP. Nha Trang và huyện Cam Lâm… Những người yêu mến ông vẫn đang mong muốn tại Nha Trang - Khánh Hòa sẽ có một trường đại học y khoa và một bệnh viện mang tên ông.
Ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết: “Những công trình, di tích hiện có đã thể hiện phần nào tình cảm của người dân Nha Trang - Khánh Hòa đối với bác sĩ A.Yersin; đồng thời góp phần giới thiệu, quảng bá đến bạn bè trong nước và quốc tế hình ảnh về ông Năm Yersin. Để góp phần bảo tồn, phát huy các di tích liên quan đến bác sĩ Yersin, thời gian qua, ngành Văn hóa đã đặt bia giới thiệu tổng quát về thân thế, sự nghiệp A.Yersin trong khu vực công viên Alexandre Yersin; hoàn thành việc trùng tu nhà làm việc của bác sĩ A.Yersin tại chùa Linh Sơn; lập dự án xây dựng đường vào khu mộ A.Yersin ở Suối Dầu. Các cơ quan chuyên môn của sở thường xuyên phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp liên quan để triển khai việc chăm sóc, tôn tạo, giới thiệu các di tích trong chuỗi di tích cấp quốc gia về A.Yersin”.