Tổ chức Nam đồng thư xã là nhà xuất bản tiến bộ với nòng cốt là Phó Đức Chính, Phạm Tuấn Lâm, Phạm Tuấn Tài, và Hoàng Phạm Trân (Nhượng Tống), sau thêm Hồ Văn Mịch. Ngày 25/12/1927, Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính,… đã thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng tại đây.
Nguyễn Thái Học (sinh 1901 – mất 1930) là người sáng lập và làm thủ lĩnh Việt Nam Quốc dân đảng lúc ông mới có 26 tuổi. Ông quê ở làng Phổ Tang, nay thuộc huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Lúc ông học Cao đẳng Sư phạm và Cao đẳng Thương mại Đông Dương tại Hà Nội đã viết thư đòi nhà cầm quyền Pháp một số yêu sách về chính trị, xã hội; yêu cầu Pháp cải tổ nền hành chính thuộc địa, ban hành tự do ngôn luận. Năm 1927, ông thành lập Việt Nam Quốc dân đảng chủ trương dùng bạo lực giành lại quyền độc lập dân tộc. Cuộc khởi nghĩa từ10/2/1930 đến 20/2/1930 bị thực dân Pháp trấn áp quyết liệt, lãnh tụ Nguyễn Thái Học cùng nhiều đồng chí nòng cốt bị thực dân Pháp đem lên máy chém tại Yên Bái lúc 29 tuổi. Đường Nguyễn Thái Học tại thành phố Huế được hình thành vào đầu thế kỷ 20, trước năm 1955 đường có tên Légation. Năm 1956 đặt tên mới là đường Nguyễn Thái Học cho đến ngày nay.
Phó Đức Chính sinh 1907 – mất 1930 là lãnh tụ Việt Nam Quốc dân đảng; quê ở làng Đa Ngưu, nay thuộc huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên. Ông học ở Hà Nội, tốt nghiệp Cao đẳng Công chánh, được bổ làm Cán sự tại Lào. Năm 1928, lúc mới 21 tuổi ông liên hệ với Nguyễn Thái Học, tổ chức thành lập Việt Nam Quốc dân đảng, ông phụ trách công tác an ninh cán bộ. Sau vụ ám sát tên Bazin ở Hà Nội, ông bị bắt giam ở Hoả Lò, và bị bãi chức. Ông trực tiếp chỉ huy cuộc khởi nghĩa vùng Yên Bái. Thất bại, ông bị địch bắt rồi đưa ra pháp trường hành hình tại Yên Bái cùng với Nguyễn Thái Học và 11 chiến hữu lúc 23 tuổi. Tại Huế, đường Phó Đức Chính nằm trên địa bàn phường Phú Hội, về phía Nam sông Hương, từ sau năm 1956 đến nay.
Bà Nguyễn Thị Giang sinh năm 1906 tại thị xã Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang, là hôn thê của Nguyễn Thái Học – lãnh tụ của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Bà cùng nhóm trí thức trẻ trong Nam Đồng thư xã đứng ra thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng, được cử làm Tổng thư ký. Khi cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái thất bại, bà từ Hà Nội lên Yên Bái đến tận pháp trường chứng kiến cái chết của đảng trưởng và 12 đồng chí. Ngày 18 tháng 6 năm 1930, về làng Thổ Tang, lạy tạ bố mẹ chồng và từ giã mọi người. Trên đường đi cách Thổ Tang một cây số bà đã tự sát bằng súng lục hôm ấy là ngày 18 tháng 6 năm 1930. Tại Quận 1 TP. HCM phường mang tên cô Giang có từ năm 1988, khi sát nhập hai phường 21 và 23 cũ. Phường nằm trên tuyến đường Trần Hưng Đạo và đại lộ Võ Văn Kiệt giữa các quận 1, 4, 5 và 8.
Di tích lịch sử Nguyễn Thái Học và cuộc “Khởi nghĩa Yên Bái” hiện nay gồm khu lăng mộ, khu tượng đài, khu nhà khách, bia tưởng niệm và khuôn viên cây cảnh. Với ý tưởng tôn vinh tinh thần yêu nước, cho nên mọi chi tiết kiến trúc đều nhất quán, mang tính lịch sử, văn hóa. Khu tượng đài đặt tại Công viên Yên Hòa, thành phố Yên Bái. Nổi bật nhất là câu nói nổi tiếng của Nguyễn Thái Học:
- Không thành công cũng thành nhân.
Pháp phải thừa nhận khởi nghĩa Yên Bái đã giáng một đòn chí mạng vào chính quyền thuộc địa. Nhà thơ Pháp Louis Aragon xúc động trước cuộc khởi nghĩa Yên Bái với tinh thần bất khuất của người dân Việt Nam đã viết:
"Yên Bái
Đây là điều nhắc nhở ta rằng
không thể bịt miệng một dân tộc
mà người ta không thể khuất phục bằng lưỡi kiếm của đao phủ
Yên Bái,
Xin gửi tới những người anh em da vàng lời nguyền này
để mỗi giọt cuộc sống các bạn đều tràn máu của một tên Varenne".