Kỷ niệm về Hoa Sơn Tịnh Thất và Đại trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ

Trong một lần đến chùa Quán Sứ, tôi được gặp và trò chuyện với bà chủ của thương hiệu tôn Ngọc Dần. Trong câu chuyện bà nhắc nhiều về hai vị cao niên một đời, một đạo mà bà hết lòng tôn kính, là GS Vũ Khiêu và Đại trưởng lão hoà thượng Phổ Tuệ. Khi biết tôi cũng là người có nhân duyên với hai vị, bà đề nghị tôi về làm trợ lý giúp việc bà tôn tạo cảnh quan khu sinh thái tâm linh Hoa Sơn Tịnh Thất tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Trong thời gian giúp việc cho cư sĩ Mai Thị Dần, chủ thương hiệu Ngọc Dần, người viết bài này có cơ hội được hiểu thêm về những đóng góp to lớn cho Phật pháp của Đại trưởng lão hoà thượng Thích Phổ Tuệ, cùng những lời huấn thị của ngài và Giáo sư Vũ Khiêu về khu sinh thái tâm linh Hoa Sơn Tịnh Thất!

Những tư liệu và lời kể của đệ tử gần gũi ngài cho thấy, Đại trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, thế danh: Bùi Văn Chước (tức Bùi Văn Quý), sinh ngày 12 tháng 4 năm 1917 tại thôn 5, xã Phùng Thiện, tổng Bồng Hải, nay là thôn Phùng Thiện, xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Thân phụ là cụ Bùi Quang Oánh, thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Thinh, song thân của Ngài đều là những Phật tử thuần thành. Ngài sinh trưởng trong gia đình có 3 anh em, Ngài là người con thứ 2 trong gia đình.

246034113-1444743852577740-3799141444354598922-n-1634999497.jpg

Đại trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ (1917 - 2021)

Vốn được sinh ra trong gia đình có truyền thống thâm tín Phật Pháp, cho nên hạt giống Bồ đề của Ngài sớm nảy nở, năm lên 9 tuổi (1925) Ngài được song thân cho đến xuất gia với Sư cụ Thích Đàm Cơ, trụ trì chùa Phúc Long (chùa Quán), thôn Phú An, xã Khánh Phú, tính Ninh Bình và được Sư cụ cho theo học chữ Nho với cụ đồ Hiêng.

Năm 13 tuổi (1929) Đại lão Hòa thượng được Sư cụ cho đến làm đệ tử Sư tổ Thích Tâm An, trụ trì chùa Dương Phạm, xã Khánh Khê, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, (nay là xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Trải qua thời gian tu học, đến năm 16 tuổi (1932) Ngài được Sư tổ cho thụ giới Sa Di tại Giới đàn hạ trường chùa Đống Cao, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Năm 18 tuổi (1934) Đại lão Hòa thượng lên tham học và y chỉ vào Sư tổ Thích Quảng Tốn, kế đăng trụ trì Tổ đình Viên Minh, thôn Khai Thái, xã Tầm Khê, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông (nay là xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội).

Khi vừa tròn 20 tuổi (1936), Ngài được thụ Cụ Túc giới và Bồ Tát giới tại Đại giới đàn chùa Bút Tháp, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh do Sư tổ Thích Quảng Tốn làm Đàn đầu Hòa thượng.

Sau khi giới pháp đầy đủ, Ngài bắt đầu quá trình sam phương cầu đạo, Ngài đi sam học ở hầu hết các Sơn môn lớn thời bấy giờ như Sơn môn Tê Xuyên, Sơn môn Hương Tích... Ngài không theo trào lưu du học Nhật Bản những năm 1950 như các vị Tăng thời đó, Ngài ở lại trong nước và luôn chọn nơi thôn dã để ẩn cư tu hành.

Từ năm 1952 Ngài vân du hành đạo tại chùa Linh ứng, thôn Kim Đới I, xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy, Thành phố Hải Phòng, đến năm 1957 Ngài lại trờ về hầu thầy phụng Phật tại Tổ đình Viên Minh, xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội.

Năm 1961 Sư tổ Thích Quảng Tốn, Trụ trì đời thứ hai Tổ đình Viên Minh viên tịch, Ngài kế đăng làm trụ tri đời thứ ba Tổ đình Viên Minh và làm Trưởng Sơn môn Đa Bảo từ đó cho đến nay.

hoason11-1635001084.jpg

Phối cảnh về Hoa Sơn Tịnh Thất có quy mô trên 30ha tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội

hoathuong11-1634996057.jpg

Hòa thượng Thích Phổ Tuệ trồng cây Bồ Đề tại Hoa Sơn Tịnh Thất

Đến năm 1987, Đức Đệ nhất Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam cử ba vị cao tăng là cố Hòa thượng Thích Kim Cương Tử, cố Hòa thượng Thích Thiện Siêu và Cố Hòa thượng Thích Tâm Thông về Tổ đình Viên Minh mời Ngài lên Hà Nội chủ trì hiệu đính Đại tạng kinh Việt Nam và tham gia các hoạt động Phật sự của Giáo hội. Từ đó Ngài đã đảm nhiệm nhiều chức vụ trong các cấp Giáo hội: Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Tây (1993 - 2008); Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học Hà Tây (1993 - 2008); Ủy viên Kiêm soát Hội đông Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (1992 - 1997); Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự GHPGVN (1997 - 2007); Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội (2003 - 2007); Tổng Biên tập tạp chí Nghiên cứu Phật học (2003 - 2007); Phó Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương GHPGVN; Phó ban Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN (1997 - 2007); Phó Pháp chủ kiêm Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2002 - 2007); Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2007-2021).

Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VI (2007), Ngài được Đại hội suy tôn ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trở thành Pháp chủ thứ ba của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Từ đó đến nay trải qua các nhiệm kỳ Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VII (2012), VIII (2017) Ngài luôn luôn được Đại hội suy tôn ngôi vị Thiền gia Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Đồng thời Ngài cũng nhiêu năm liền giữ ngôi vị Đường chủ của các trường hạ tại Hà Nội, Hưng Yên... cũng như ngôi Đàn đầu Hòa thượng trong rất nhiều Đại Giới Đàn tại các tỉnh, thành phố. Bên canh việc đảm nhiệm các chức vụ Giáo hội, Ngài cũng tích cực tham gia tổ chức xã hội như: ủy viên ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tây; ủy viên ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quôc Việt Nam (nhiều khoá). Do niên cao, lạp trưởng, Đại lão Hòa thượng đã thu thần viên tịch vào lúc 03h22 phút, ngày 21 tháng 10 năm 2021 tức ngày 16 tháng 9 năm Tân Sửu, tại Tổ đình Viên Minh (chùa Ráng), xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội.

Trải qua 105 năm trụ thế, Hạ lạp 85 năm, Đại trưởng lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ, bậc cao Tăng thông tuệ am hiểu Tam tạng Thánh giáo, đặc biệt Ngài tinh thông kim cổ và là người có những đóng góp không nhỏ trong việc biên soạn, dịch thuật và trước tác các tác phẩm về Phật học ở Việt Nam như: Đại Từ điển Phật học; Đề cương kinh Pháp Hoa; Kinh Bách Dụ; Phật Tổ tam kinh; Phật học là tuệ học; Kinh Di Đà Viên Trung sao; Bát Nhã Dư Âm; Luật Tỷ Khiêu Ni lược ký...

Tư liệu về Đại trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ của đồng nghiệp

Ngoài những tác phẩm biên soạn, dịch thuật và trước tác về Phật học nêu trên, Ngài cũng sáng tác một số bài thơ Đường luật, theo thể thất ngôn bát cú để sách tiến hàng hậu học như: Mừng khai giảng khóa II, Trường Trung cấp Phật học Hà Tây; Cỗ tết nhà Chùa và Cảnh chùa Viên Minh.

Đại trưởng lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ được biết đến là bậc chân tu, thực tu, thực học; một nhà tu hành yêu nước, suốt đời tu dưỡng, phần đấu cho dân tộc - đạo pháp - chủ nghĩa xã hội. Qua đó, góp phần phát huy truyền thống yêu nước, yêu dân tộc của Phật giáo Việt Nam. Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, thể hiện rõ vai trò, vị trí trong mối quan hệ Phật giáo - Dân tộc và Thời đại, thực hiện những việc làm thiết thực ích đạo, lợi đời, khẳng định mối quan hệ gắn bó không thể tách rời giữa dân tộc và đạo pháp vì lợi ích của quần sinh đại chúng. Ngài có công trong việc phát huy truyền thống hộ quốc an dân, Phật giáo góp phần giải quyết nhiều vấn nạn mà xã hội Việt Nam đang phải đối mặt như sự xuống cấp về đạo đức và lối sống tha hóa của một bộ phận không nhỏ các thành phần xã hội, sự lạm dụng thái quá vật chất để thõa mãn nhu cầu cá nhân, sự lãng phí, vô cảm trước nỗi đau đồng loại… Bằng triết lý nhập thế tích cực, Phật giáo chú trọng xây dựng con người thông qua những nguyên tắc đạo đức căn bản như từ bi, bác ái, cứu khổ, cứu nạn, không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối…, góp phần vào công cuộc phát triển đất nước bền vững.

Với những cống hiến đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, sự nghiệp chấn hưng văn hóa và phật giáo nước nhà, Đại trưởng lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng nhì; Huân chương đại đoàn kết dân tộc; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng tuyên dương công đức của Giáo hội và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Có thể nói, suốt đời ngài chỉ mong được niệm Phật, cầu kinh, không mong cầu danh lợi và có một mong ước rất đỗi giản dị: "Xin các vị đừng gọi tôi là Pháp chủ mà hãy cứ nhìn tôi như một lão tăng thanh bần sống trong ngôi chùa làng là tôi mãn nguyện". 

Trước hiện tượng nhiều nơi thi nhau xây dựng chùa to phật lớn, đón xá lợi từ nước ngoài về, ngài đã khéo léo nhắc nhở: "Chùa to, cảnh lớn, giảng đường đẹp, phòng ốc sang dù sao cũng chỉ là phương tiện. Linh hồn của nó là thầy và trò trong quan hệ tu tập và hành trì".

Khi đệ tử hỏi về bí quyết sống đại thọ thì ngài chia sẻ: "Muốn sống lâu trước hết phải sạch sẽ từ thân đến tâm...Về tinh thần, cần tu tâm dưỡng tính, tiết chế mọi ham muốn dục vọng, sống trong tinh thần lục hòa thì sẽ tăng được tuổi thọ. Nhưng dù sao, cũng không thể loại trừ được vô thường của sinh lão bệnh tử, vì đó là quy luật của mọi kiếp nhân sinh".

Đồng thời ngài cũng chỉ dạy thêm rằng: "Sống ở trên đời này được bao nhiêu năm, theo tôi, không phải là thước đo giá trị của đời người. Con rùa nó sống hàng ngàn năm thì đã sao? Vấn đề là sống để thực hiện sứ mệnh gì, mang lại lợi ích gì cho Đời, cho Đạo, ngài Trần Nhân Tông chỉ ở đời có 51 năm, Ngài Pháp Loa có 47 năm mà công nghiệm thì bất khả tư nghì. Tôi trụ thế đến nay đã 91 năm, ở chùa 85 năm, thụ Đại giới được 71 năm, nghiệp là tu hành, nuôi thân thể chủ yếu bằng nghề làm ruộng, chưa từng dám lạm dụng một bát gạo, một đồng tiền của tín thí thập phương, khi nào chư Phật, chư Tổ cho gọi thì về thôi...".

gs1-1634999634.jpg

Hòa thượng Thích Phổ Tuệ và Giáo sư Vũ Khiêu

Trước lúc lâm chung, ngài đã để lại khẩu dụ rằng: sau khi tôi theo hầu Phật Tổ thì không được tổ chức tang lễ linh đình, nghi lễ hết sức giản đơn, ngắn ngày theo truyền thống đạo Phât và tổ chức tại chùa Viên Minh. Đề nghị không vòng hoa phúng điếu, không tiểu sử dài dòng, không tiêu tốn thời gian và tổn hại công đức của Tăng Ni và Phật tử. Nếu quý vị tưởng nhớ tới tôi thì niệm danh hiệu Phật và tụng thời kinh tại trụ xứ của mình hồi hướng công đức cho thế giới hoà bình, nhân sinh an lạc...

Dù là bậc chân tu đắc đạo được tăng ni, phật tử, cư sĩ, tín đồ và đồng bào trong, ngoài nước hết lòng tôn kính ngưỡng mộ, nhưng ngài luôn kiên trì giữ gìn nền nếp các trường an cư kết hạ, nơi không chỉ học tập, tu tập và hành trì nếp sống cộng đồng, dân chủ, có kỷ cương, “lục hòa” của tăng, ni chúng. Ngài chưa từng lạm dụng một bát gạo, một đồng tiền của tín thí thập phương. Ngài là tấm gương tu hành, đạo hạnh để hậu thế noi theo.

Thời gian trôi thật nhanh, thấm thoắt đã 10 năm kể từ những ngày đầu doanh nhân Mai Thị Dần (Pháp danh Ngọc Dần), xây dựng Hoa Sơn Tịnh Thất, nơi in dấu những kỷ niệm và những lời huấn thị của Giáo sư Vũ Khiêu và Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ. Ngay ngoài cổng dẫn vào Hoa Sơn Tịnh Thất là đôi câu đối của Giáo sư Vũ Khiêu nói về ý nghĩa văn hóa của công trình tâm linh huyền tích này. Ở giữa khuân viên Hoa Sơn Tịnh Thất giữa bạt ngàn cây trái hòa trong tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông, là bóng bồ đề do Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ trồng vào mùa Phật Đản năm 2012.

Nói về sự kiện này, đạo diễn Mai An Anh Tuấn viết lời bình cho bộ phim về Hoa Sơn Tịnh Thất, trong đó có đoạn: Vì cảm mến lòng yêu thiên nhiên cũng như lòng mộ đạo chân thành của Phật tử, Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ đã đích thân quang lâm trên đỉnh núi Hoa Sơn khai pháp bảo truyền tam quy ngũ giới cho đại chúng hướng tâm tu hành theo lời Phật dạy: ”Nên làm các việc lành, không nên làm các việc ác, giữ tâm ý trong sạch”; và đại lão hòa thượng đã trồng lưu niệm một cây Bồ đề gieo duyên Phật pháp buổi đầu, ghi lại dấu ấn thiêng liêng nhiệm màu cho Hoa Sơn Tịnh thất. Ngài đã tự tay vun những viên đất đầu tiên, tưới giọt nước thanh lương cho cây Bồ đề - như một minh chứng linh ứng của lịch sử Hoa Sơn Tịnh thất. Hôm nay, cây Bồ đề đã toả rợp bóng, đêm ngày thầm thì nhắc lại thời “khai sơn” đầy gian khổ của những nguời chinh phục Hoa Sơn, tạo nên cảnh Bụt nên thơ cho bao con người với tâm Phật sẽ về đây để hội tụ tinh hoa, để thụ hưởng thiên cảnh, để tinh tấn tu hành Giới – Định – Tuệ...

Khu sinh thái Hoa Sơn Tịnh Thất nay đã hoàn thành gắn với những giá trị văn hoá và phật giáo của dân tộc đang được gìn giữ phát triển cho mai sau. "Những ai đến đây dù chỉ lần đầu, ngắm những hàng cây ăn quả đan xen vườn cây hoa bản địa mới trồng được chăm chút, bên những tán thông rừng được bảo vệ, sẽ càng thấm hiểu tình yêu thiên nhiên sâu nặng của những người đã dày công tạo nên không gian này. Tình yêu thiên nhiên ấy lại là cái gốc của tính thiện trong đời, là nền tảng của lòng nhân ái, sự khoan hòa, niềm khát ngưỡng hướng tới sự thanh cao. Mà đạo Phật từ xưa cũng như ngày nay đều mang sứ mệnh gieo nhân thiện, nảy mầm thiện dâng hiến cho đời! Khung cảnh thơ mộng vừa thiên tạo, vừa nhân tạo nơi đây dường như có sức hút khiến bất kỳ ai đến nơi đây cũng phải chợt lắng lòng lại trong bao cảm xúc diệu kỳ..." (Mai An Anh Tuấn).

Vào những ngày tháng 10 này, cảnh và người nơi đây trầm lắng bùi ngùi tiếc thương tiễn hai vị cao niên khả kính là Giáo sư Vũ Khiêu và Đại trưởng lão hoà thượng Thích Phổ Tuệ đã về với Tổ!

---

Xin đón đọc các bài viết về cùng chủ đề trên Chuyên trang Hội nhập Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển - https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/