Kỷ niệm với Cộng Hòa Séc (Czech)

Văn hóa bia tươi hay (draft beer) ở Praha (hay Séc) gần giống văn hóa bia hơi ở Hà Nội; cứ chiều đến, sau giờ làm việc là cánh đàn ông thường tụ tập ở các quán bia tươi. Khác với bia hơi Hà Nội là mỗi quán bia tươi ở Praha thường có sản phẩm bia vàng, bia đen riêng của họ được thể hiện ở nhãn sản phẩm và in vào lót cốc.
272763908-5672161956131391-6967485196564447588-n-1643461956.jpg

        "Chuyên Cơ”

        Chuyến đi công tác nước ngoài của chúng tôi; những cán bộ làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử năm 1999 có lẽ với tôi là đáng nhớ nhất.“

Thứ nhất; đó là chuyến đi công tác nước ngoài dài ngày nhất của tôi (2 tháng), từ tháng Chạp năm Mậu Dần sang tháng Giêng năm Kỷ Mão (đón Tết ta ở trời Tây). Thứ hai; đó là chuyến đi công tác nước ngoài có nhiều cán bộ trong ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam mà tôi được tham gia (7 người). Thứ ba; đó là chuyến đi công tác nhẹ nhàng nhất về chuyên môn nhưng lại được trải nghiệm nhiều nhất về cuộc sống; được lang thang trong các phố cổ của Praha vào cuối tuần hoặc sau giờ làm việc; được đi đến nhiều vùng của đất nước Cộng hòa Séc (Czech) mà tôi và các đồng nghiệp của tôi vẫn quen với tên gọi là Tiệp Khắc hơn.

Đoàn công tác chúng tôi được cử sang Cộng hòa Séc để thực tập về thanh tra an toàn bức xạ; Chuyến đi này là do GS. Trần Hữu Phát - Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử đề xuất với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA); được phía IAEA đồng thuận và đài thọ toàn bộ kinh phí cho đoàn công tác theo chế độ Fellowship. Trưởng đoàn công tác là TS. Trần Ứng – Trưởng Ban an toàn và kiểm soát bức xạ; 6 thành viên còn lại bao gồm anh Vũ Đăng Ninh (Ban an toàn và kiểm soát bức xạ); anh Nguyễn Văn Ngọc; Hoàng Hoa Mai; Trần Ngọc Toàn; Nguyễn Văn Nọi (Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân) và Trần Hữu Diệp (Trung tâm hạt nhân tp. HCM). Trong 7 cán bộ được cử đi công tác thì chỉ có tôi là người được cử bổ sung thay thế cho anh Phạm Quang Điện – Phó Viện trưởng Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân vào phút chót vì lý do bất khả kháng còn 6 người còn lại là được đề cử theo kế hoạch. Trần Hữu Diệp bay từ TP. HCM sang Cộng hòa Séc bằng máy bay của hãng Air France; còn 6 chúng tôi bay từ Nội Bài sang Praha bằng máy bay của Nga (chuyển tiếp ở sân bay quốc tế Sheremetyevo; Moscow). Trước chuyến đi khoảng 2 tuần; TS. Trần Ứng và anh Vũ Đăng Ninh đã liên hệ với Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc để đề nghị hỗ trợ cho đoàn công tác về việc đón đoàn tại sân bay Praha và bố trí chỗ ở cho đoàn trong những ngày đầu tiên.

272617162-5672162222798031-3888954313800031901-n-1643461983.jpg

Chuyến bay của Aeroflot của Nga chở 6 chúng tôi từ Sân bay Sheremetyevo sang Praha chỉ có 6 chúng tôi và một đội bóng đá Cộng hòa Séc là hành khách; mỗi người chúng tôi thoải mái chọn một dãy ghế để nằm trong suốt chuyến bay; chúng tôi gọi đó là “Chuyên Cơ” của đoàn công tác. Chuyến bay khởi hành vào nửa đêm; đến mờ sang hôm sau thì đến sân bay quốc tế ở Praha, một chiếc xe 12 chỗ của Đại sứ quán đã đón và đưa chúng tôi về thẳng Đại sứ quán Việt Nam.

Trải nghiệm thú vị

Nhờ sự giúp đỡ của các cán bộ ĐSQ; ngay ngày hôm sau chúng tôi đã tìm được nơi trú ngụ cho 6 thành viên của đoàn công tác trong 2 tháng ở Cộng hòa Séc (riêng Trần Hữu Diệp vì có người quen ở Praha nên không ở cùng chúng tôi). Nhà trọ của chúng tôi nằm ở Praha 4, cách trung tâm thành phố hơn 10km và cách chợ Sapa (chợ bán buôn của người Việt) khoảng 2km. Khu nhà trọ nơi chúng tôi thuê có chừng 5 – 6 ngôi nhà cấp 4, giống nhà xưởng của các khu công nghiệp hiện nay ở Việt Nam. Cửa mỗi ngôi nhà nằm ở đầu hồi nhà; một hành lang chạy dọc giữa nhà, hai bên là các căn phòng cho người thuê (mỗi phòng rộng chừng 30m2; cửa đi mở ra hành lang và một cửa sổ hướng ra khoảng đất trống nằm giữa hai ngôi nhà). Cuối hành lang là khu bếp và nhà vệ sinh dùng chung cho toàn bộ người thuê ở các phòng trọ (các phòng trọ không có khu phụ riêng). Mỗi người đến trọ được phát một tấm đệm cá nhân để nằm ngay trên sàn nhà; thật may là hệ thống sưởi của ngôi nhà chúng tôi khá tốt nên mặc dù ngoài trời âm 8 độ mà trong phòng luôn ấm áp, dễ chịu. Đây là khu nhà trọ dành cho người Việt Nam mới sang; những người sang lâu nhưng kinh tế vẫn eo hẹp chưa đủ tiền thuê những căn hộ chung cư ở trong thành phố; những nhóm bạn độc thân hoặc những cặp vợ chồng hờ (nương tựa nhau để kiếm sống; để đỡ cô đơn và để đảm bảo an ninh). Đoàn công tác chúng tôi có lẽ là nhóm đặc biệt thuê trọ ở đây vì chúng tôi được IAEA hỗ trợ cho mỗi người khoảng 2.000USD mỗi tháng nên có thể thuê những chung cư khang trang hơn; tuy nhiên chúng tôi vẫn chọn thuê trọ nơi đây vì để tiết kiệm tiền mang về nhà sau đợt công tác (những cán bộ đi công tác nước ngoài của Việt Nam thường là vậy; luôn tiết kiệm); với lại chúng tôi đi suốt ngày, chỉ về nhà trọ sau giờ làm việc. Hai ngày nghỉ cuối tuần chúng tôi thường đi tham quan phố cổ Praha; đến các bảo tàng hoặc ra chợ Sapa để giao lưu với cộng đồng người Việt và ăn các món ăn Việt cho đỡ nhớ nhà; ở trọ chung với những người đồng hương luôn cảm thấy bình an. Chắc cũng nhận thấy chúng tôi là những khách trọ “đặc biệt” nên anh Thanh – chủ nhà trọ và chị Ngọc - “vợ” anh, một phụ nữ Hải Phòng (khoảng 30 tuổi) luôn quan tâm đến chúng tôi; luôn ưu tiên chúng tôi đăng ký gọi điện thoại về nhà vào cuối tuần. Hồi đấy; chưa có điện thoại di động; chúng tôi phải gọi bằng điện thoại bàn và qua một tổng đài nào đó (do chủ nhà trọ liên hệ) để có giá cước rẻ hơn nhiều so với ra bưu điện ở Praha; người Việt Nam ở đâu cũng “giỏi lách luật”. Trước khi đoàn chúng tôi trở về nước sau đợt công tác; chủ nhà trọ đã tổ chức một buổi tiệc chia tay hoành tráng và ấm cúng.

272628883-5676047525742834-3467709712848340443-n-1643462085.jpg
Chị Ngọc (áo xanh) người Hải Phòng - chủ nhà trọ

Chợ đầu mối Sapa hồi đầu năm 1999 còn sơ sài lắm; chỉ là những dãy container 20 feet đặt trên một bãi đất trống khá lầy lội khi tuyết tan. Mỗi container vừa làm kho hàng vừa làm nơi bán hàng với đủ loại hàng hóa được chuyển từ Việt Nam; Trung Quốc sang hoặc các hàng hóa “khai thác” được từ trong Cộng hòa Séc như bình hoa, ly cốc, đèn chum… thủy tinh hay pha lê; có nhiều quầy hàng của người Hoa trong chợ Sapa. Cứ mỗi cuối tuần; xe ô tô, đa phần của người Việt Nam từ các vùng khác của Cộng hòa Séc thường đổ về chợ Sapa để mua buôn hàng hóa về bán lẻ; bên cạnh đó là để cảm nhận không khí quê hương qua tiếp cận con người, âm thanh ngôn ngữ đủ các vùng (Bắc; Trung; Nam); bổ cập thông tin Việt Nam; lắng nghe vài bài hát tiếng Việt ở sạp bán băng đĩa; ăn một gói xôi nóng, uống một ly cà phê nóng và cuối ngày, sau khi đóng hàng xong lại lên xe trở về nơi đang cư ngụ, để chờ cuối tuần sau lại gặp nhau ở chợ đầu mối Sapa này. Trước khi lên xe; hầu như ai cũng cầm một tờ báo “văn hóa thể thao” hay “tuần tin tức” số mới nhất vừa mua được. Đúng là Quê hương mỗi người chỉ một.

Do công tác đặc thù nên đoàn công tác chúng tôi được các chuyên gia ngành năng lượng nguyên tử Cộng hòa Séc đưa đến các bện viện lớn ở Praha và vùng phụ cận; đưa đến các các mỏ than; các kho lưu giữ bã thải phóng xạ ở ven biên giới Séc – Cộng hòa liên bang Đức hoặc Séc – Ba Lan để tham quan và trao đổi kinh nghiệm. Cũng nhờ những chuyến đi này mà chúng tôi có cơ hội được đến những khu chợ bán lẻ của người Việt Nam; Trung Quốc ở biên giới Séc – Đức và thấu hiểu nỗi vất vả của những lao động Việt Nam ở Séc cũng như ở các nước Đông Âu thời kỳ đó. Dưới cái lạnh âm 8 – 10 độ, tuyết luôn ngập bàn chân; những người bán hàng ở những chợ bán lẻ luôn phải đứng hoặc ngồi trước quầy hàng ngoài trời của mình khoảng 10 tiếng mỗi ngày. Chiếc lò sưởi điện cơ động chỉ đủ làm ấm đôi bàn tay và khuôn mặt một chút khi vắng khách; còn đôi chân thì luôn lạnh cóng dù mang ủng dày. Một ngày đứng bán hàng như vậy của một quầy hàng người Việt Nam thu lời khoảng 100 – 150USD; một tháng có thể dành dụm được 2.000 – 3.000USD. Đổi lại; đa phần những người lao động Việt Nam phải chấp nhận xa chồng, vợ, con cái, xa gia đình, xa người thân, làm việc không ngày nghỉ trong cả những điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất. Một cặp vợ chồng người Việt ở khu chợ bán lẻ vùng biên tâm sự với tôi; họ may mắn hơn nhiều người là họ được ở bên nhau cùng hai đứa con trong một căn hộ ấm cúng thuê được. Tuy nhiên; cả ngày họ phải ra chợ bán hàng nên hai đứa con phải gửi nhà trẻ của Séc, những năm tiếp theo các cháu học tiểu học của Séc và vì vậy các cháu thường xuyên nói tiếng Séc với nhau và với cả bố mẹ. Bố mẹ chỉ nói tiếng bồi Séc ở chợ chứ đâu có được học hành như các cháu; hai đứa con nói chuyện thì bố mẹ không hiểu; bố mẹ nói tiếng Việt thì các cháu hiểu lõm bõm. Tôi chợt nhớ câu chuyện cố nhạc sỹ Phú Quang kể trên TV; ông nói về một lao động nam Việt Nam ở Nga mà ông gặp ở một chợ bán lẻ ở Nga trong một ngày Đông giá buốt. Anh lao động Việt Nam đó đang đứng bán hàng ở chợ thì phát hiện ra nhạc sỹ Phú Quang dạo chơi trong chợ; anh ấy chào nhạc sỹ và muốn xin nhạc sỹ một đĩa nhạc. Nhạc sỹ không mang theo đĩa nhạc nên hẹn sẽ gửi đĩa nhạc cho anh bạn ấy vào ngày hôm sau. Khi nhạc sỹ định gửi đĩa nhạc tặng anh bạn bán hàng ở chợ thì hay tin anh bạn đó đã qua đời vì giá rét của nước Nga; tôi tin câu chuyện kể của nhạc sỹ Phú Quang là có thật vì tôi đã chứng kiến cái giá rét của Cộng hòa Séc đang bào mòn sức khỏe của những người lao động Việt Nam. Theo thông tin đại chúng; lượng kiều hối về Việt Nam năm 2021 ước tính khoảng 12 đến 18 tỷ USD; những đồng tiền thấm bao mồ hôi công sức, hy sinh, dành dụm của những người lao động Việt Nam ở nước ngoài gửi về cho người thân, gia đình ở việt Nam. Rất mong mỗi người nhận được kiều hối luôn hiểu được những điều đó để luôn trân trọng và đừng phung phí những đồng tiền nhận được.

Khu nhà trọ chúng tôi thuê ở Praha chắc cũng giống nhiều khu nhà trọ khác ở Praha thời ấy; không có TV, không có đài. Những người lao động Việt nam sau một ngày lao động kiếm sống, khi trở về nhà trọ chỉ có những bữa ăn nấu vội rồi tắm giặt, nằm nghỉ. Thú vui duy nhất của cánh đàn ông trong nhà trọ là sát phạt nhau bằng đánh tá lả. Tôi đã từng ngồi đánh tá lả với mấy anh cùng đoàn từ 8 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sang hôm sau; chẳng thấy buồn ngủ (đó là tối thứ Bảy để hôm sau có thể ngủ bù). Tất nhiên là đánh bằng tiền (koruna; tiền Séc) nhưng là với mệnh giá thấp nhất. Tôi nhớ sau khi kết thúc một đêm sát phạt ấy tôi thắng 20 koruna (30 koruna thời gian ấy mới đổi được 1USD). Trong đoàn công tác của chúng tôi có anh Vũ Đăng Ninh là người mê đánh bài nhất. Đoàn chúng tôi có sáu người nên thuê trọ hai phòng; một phòng cho bốn người và một phòng cho hai anh Trần Ứng và Vũ Đăng Ninh. Một hôm; quá nửa đêm, bốn chúng tôi bên phòng trọ 4 người bị anh Trần Ứng dựng dậy báo tin là anh VĐN mất tích nên phải chia nhau đi tìm (chắc vì anh Trần Ứng nằm một mình buồn quá nên muốn có anh Ninh để trò chuyện thôi). Chúng tôi biết anh Ninh đang đánh bài ở một phòng trọ nào đó mà không thể tìm nổi bởi vì anh Ninh đã rất tỉnh táo mang luôn cả đôi dép thường đi vào trong phòng (bình thường mọi người đều để giày dép ngoài hành lang, trước cửa phòng). Không lẽ gõ cửa tất cả các phòng nên chúng tôi đành chịu thua anh Ninh và anh Trần Ứng đành phải nói chuyện một mình đêm ấy vậy.

272711275-5676045632409690-3858300900311513492-n-1643462279.jpg
Tác giả và TS. Trần Ứng

Ở khu nhà trọ chúng tôi ở có một cặp đôi sống chung phòng; anh là Phó Tiến sỹ còn chị là kỹ sư tốt nghiệp Bách Khoa Hà Nội. Hai người có một quầy hàng ở trung tâm Praha nên cũng đỡ vất vả hơn những người Việt Nam bán hàng ở các chợ vùng biên nhưng tôi thấy cuộc sống của họ ở nhà trọ sao mà tạm bợ, chẳng phải một gia đình. Tôi cũng đã gặp ở chợ Sapa một anh Phó Tiến sỹ đẩy xe cà phê bán dạo; những kiến thức mà anh thu lượm trong gần 10 năm đèn sách xứ người sẽ chẳng có cơ hội được dùng đến. Tôi cũng đã chứng kiến nhiều bạn trẻ ở Việt Nam đã tốn 3.000 – 5.000USD để sang được Séc (đa phần gia đình phải vay mượn tiền để các bạn ấy được xuất khẩu lao động) nhưng đã nhiều năm vẫn không dành dụm được tiền để gửi về thanh toán khoản tiền vay của gia đình để cho họ được sang Đông Âu. Lao động Việt Nam ở Đông âu thập kỷ 90 của thế kỷ trước chắc được nhà văn Nguyễn Văn Thọ miêu tả chân thực trong những tác phẩm của ông (vì ông là một người trong cuộc) và nhiều bạn fb đã từng đọc. Tôi chỉ có những nét chấm phá của một người đứng ngoài nhìn vào mà thôi.

Văn hóa bia tươi hay (draft beer) ở Praha (hay Séc) gần giống văn hóa bia hơi ở Hà Nội; cứ chiều đến, sau giờ làm việc là cánh đàn ông thường tụ tập ở các quán bia tươi. Khác với bia hơi Hà Nội là mỗi quán bia tươi ở Praha thường có sản phẩm bia vàng, bia đen riêng của họ được thể hiện ở nhãn sản phẩm và in vào lót cốc. Tôi không nghiện bia nhưng lại thích sưu tập những tấm lót cốc của những nhãn hàng bia khác nhau của Séc nên tôi cùng mấy anh trong đoàn thường thay đổi quán uống bia mỗi ngày. Bia tươi của Séc năm 1999 chỉ 7 – 8 Koruna một cốc nửa lít (1 USD mua được 4 cốc); và với phụ cấp của chúng tôi được IAEA cấp thì có thể nói là uống nhòe bia Séc. Theo thống kê thì 90% đàn ông Séc; 50% phụ nữ Séc thích uống bia; mỗi năm nước Séc tiêu thụ bia khoảng 130 lít trên đầu người (Đức và Ba Lan tiêu thụ khoảng 100 lít bia trên đầu người mỗi năm). Vậy nhưng trong những quán bia chúng tôi thường ghé vào mỗi chiều tối thường chỉ thấy đàn ông Séc; phụ nữ Séc chắc uống bia ở nhà hoặc ở những quán dành riêng cho họ. Một điểm khác nữa là các quán bia hơi ở Hà Nội thường luôn ồn ào và thỉnh thoảng nghe những tiếng hô dzô..dzô, còn ở các quán bia ở Praha dù rất đông người nhưng khá tĩnh lặng (tất nhiên người say xỉn luôn có).

Praha là thành phố của những ngọn tháp; là thành phố được đánh giá là đẹp thứ hai châu Âu (sau Paris). Tôi thích Praha hơn vì những đường phố nhỏ, những ngôi nhà đẹp trải theo các triền đồi, gần giống cảnh quan Đà Lạt nhưng rộng và đẹp hơn. Khu phố cổ của Praha là đáng khám phá nhất vì có nhiều cửa hàng bán sản phẩm thủy tinh, pha lê nổi tiếng của Séc; tôi đã mua được một bình pha lê có dát vàng 10 ở miệng bình với giá khá rẻ (100USD; tất nhiên là hàng secondhand). Quảng trường Vaclav với tượng thánh Wenceslas cưỡi ngựa bằng đá; Thành cổ Praha (hay Lâu đài Pra ha); Cầu Sác lơ (cầu tình) và Đồng hồ thiên văn Praha (đồng hồ con Gà) có lẽ những nơi du khách không thể bỏ qua khi đặt chân đến Praha. Đoàn chúng tôi đã được nữ chuyên gia người Séc và Chồng dẫn đi thăm Thành cổ và chiêu đãi bia tươi trong một quán bia nằm bên Thành cổ; rất đáng nhớ.

272769857-5676047059076214-2374808053298569345-n-1643462399.jpg

Mất cắp ở Praha

Một buổi trưa ở Praha; trong giờ nghỉ trưa; tôi, Toàn, Diệp, anh Ngọc ghé vào một cửa hàng KFC bên phố để ăn trưa. Món gà rán (KFC) là món ăn ngon, phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam nên thường là lựa chọn đầu tiên của chúng tôi cho những bữa trưa. Bốn chúng tôi lựa chọn một chiếc bàn ngay cạnh cửa ra vào để ngồi; T.H. Diệp sau khi để chiếc cặp Diplomat lên cạnh bàn, liền đi vào quầy để đặt món; tôi cũng đứng dậy ngó nghiêng quan sát khung cảnh cửa hàng; Toàn và anh Ngọc chắc cũng trong trạng thái như tôi, chẳng ai để ý đến chiếc cặp cả. Ngay khi quay lại bàn thì Diệp phát hiện mất chiếc cặp, trong cặp có đựng chiếc máy ảnh cơ Canon có giá hơn 1.000USD và một vé máy bay chiều về Praha – Tân Sơn Nhất của Air France. Mặc dù đã nhờ sự hỗ trợ hết sức của nữ chuyên gia người Séc (được giao là người hướng dẫn Đoàn cán bộ Việt Nam), chiếc cặp vẫn mất tích. Sau này chúng tôi mới biết khả năng lớn là chiếc cặp bị những người Digan (người Anbani) lấy cắp; người Digan di cư được xem là chuyên gia trộm cắp ở các nước Đông Âu hồi ấy. Không chỉ mất chiếc cặp và tài sản đựng trong chiếc cặp đó; anh Diệp còn phải bỏ tiền ra để mua chiếc vé máy bay khác cho chuyến bay về mặc dù đã cố gắng liên lạc nhiều lần với hãng Air France để hủy chiếc vé đã mất mà không được (hàng không Pháp hồi ấy mà lạc hậu vậy đấy). Tuy vậy; cũng nhờ vụ mất cắp ấy mà nữ chuyên gia người Séc sau này đã tạo điều kiện và trực tiếp hướng dẫn cho anh Diệp bảo vệ thành công tiến sỹ ở Séc (bên cái rủi có cái may là vậy). Anh Ngọc ngay sau đó có hỏi Diệp là có cần để anh chia sẻ sự mất mát với; tất nhiên là Diệp đã từ chối vì vẫn đủ khả năng tài chính để mua vé trở về Việt Nam nhưng Diệp rất cảm động và nhớ nghĩa cử đẹp mà anh Ngọc đã làm. Sau này tôi và Diệp khá thân với nhau; tôi hay ngồi uống bia hơi với Diệp ở Hà Nội và mỗi khi nhắc lại những kỷ niệm ở Séc là Diệp lại nhắc tới anh Ngọc. Tôi và Toàn chắc cũng sẵn sang chia sẻ tài chính với Diệp nhưng chúng tôi lại thiếu cái nghĩa cử cần có như anh Ngọc; đó là bài học thấm thía đối với tôi.

Gặp đồng đội cũ ở chợ Sapa

Một ngày thứ Bảy; như thường lệ tôi và vài đồng nghiệp lại ra chợ Sapa để ngó nghiêng, giao lưu với cộng đồng người Việt ở chợ. Đang mải dương máy ảnh lên chụp một khung cảnh thì tôi bỗng thấy đau nhói ở cẳng chân; một cú đá của ai đó và một tiếng gọi lạc giọng “ơ Nọi; sao mày ở đây?”. Tôi giật mình, ngẩng lên thì thấy trước mặt mình là Tuấn Hùng. Tuấn Hùng vốn là lính sinh viên; cùng nhập ngũ và cùng vào chiến trường, cùng một đơn vị chiến đấu với tôi. Sau 1975, Tuấn Hùng trở về học tiếp K20 khoa Hóa, trường ĐHTH Hà Nội. Tốt nghiệp ĐH; tôi và Tuấn Hùng lại tái ngũ vào làm việc tại B21 Viện Kỹ thuật quân sự, sau này B21 phát triển thành Viện 481. Tuấn Hùng được cử sang làm nghiên cứu sinh ở Tiệp khắc năm 1986; tuy nhiên cũng giống rất nhiều nghiên cứu sinh hồi ấy anh đã bỏ nghiên cứu và chọn ở lại Séc để kinh doanh (bán hàng). Đồng đội cũ mà gặp nhau ngẫu nhiên ở trời Tây thật hiếm; tôi đã lôi Tuấn Hùng về khu trọ của tôi để gặp các đồng nghiệp, huyên thuyên cả buổi chiều. Tuấn Hùng định cư ở một thành phố cách Praha khoảng 200km; khoảng 1 – 2 tuần anh lại phải lên chợ Sapa để lấy hàng về bán. Trước khi chia tay; Tuấn Hùng mời tôi đến thăm thành phó nơi anh đang ở vào thứ Bảy, Chủ Nhật tuần tới; Hoàng Hoa Mai (một người trong Đoàn) đề nghị “anh Nọi cho em đi với”, tôi và Tuấn Hùng nhận lời.

272661874-5676046645742922-7923447046887613924-n-1643462181.jpg
Tác giả và Tuấn Hùng gặp nhau ở chợ Sapa

Thứ Bảy tuần kế tiếp; tôi và Mai rời Praha bằng tàu hỏa để đến thành phố nơi Tuấn Hùng sinh sống (quá lâu rồi nên tôi quên tên thành phố đó). Trên đường đi; khi tôi và Mai đang đứng ở hành lang tàu để nói chuyện và ngắm cảnh thì có hai cảnh sát Séc đến bên và yêu cầu kiểm tra giấy tờ tùy thân. Sau khi lật đi lật lại hai cuốn hộ chiếu công vụ của hai chúng tôi; hai viên cảnh sát đã lịch sự rời đi sau khi trả lại hộ chiếu cho chúng tôi. Tuấn Hùng đón chúng tôi ở cửa ga và đưa chúng tôi về căn hộ chung cư nơi anh thuê để sống trong nhiều năm. Một căn hộ hai buồng ngủ rộng hơn 70m2, ở tầng 4 trong một chung cư không còn mới. Trên bàn bếp, tôi và Mai thấy một bộ lòng lợn luộc đang còn bốc hơi nóng đựng trong một rổ nhựa; đủ cả tim, gan, ruột non, dồi, dạ dày – chợt thấy quê hương ở đấy. Chắc biết chúng tôi thích món ăn dân dã của Việt Nam nên Tuấn Hùng đã lùng mua bằng được; bộ lòng lợn quá ngon và quá to đối với 3 chúng tôi cho hai bữa ăn chính. Ngày hôm sau, Tuấn Hùng đưa tôi và Mai đến thăm ba sạp hàng của Tuấn Hùng ở tầng một và tầng hai của một siêu thị; ba quầy hàng có ba cô gái người Séc đứng bán; Tuấn Hùng chỉ là người thu tiền sau mỗi ngày và lo bổ sung hàng hóa sau mỗi tuần. Ngôn ngữ thông thạo và kiến thức thực tế đã khiến cho việc kinh doanh của Tuấn Hùng đỡ vất vả hơn nhiều so với nhiều lao động Việt Nam cùng thời ở Séc. Trước khi chúng tôi trở về Praha; Tuấn Hùng đưa tôi và Mai vào một siêu thị và muốn mua quà tặng tôi và vợ con tôi ở nhà. Nể tấm lòng của Tuấn Hùng nên tôi chọn cho tôi một đôi giày khoảng 40USD, kính bơi, áo bơi cho con gái và vợ; Mai cũng được Tuấn Hùng mua tặng một đôi giày giống của tôi. Trên đường đưa chúng tôi ra ga tàu để trở về Praha; tôi thấy Tuấn Hùng dừng xe trước cửa hàng bán sổ số lô tô, đó là thú chơi mỗi ngày của anh.

Tết Ta ở trời Tây

Tết Kỷ Mão (1999) là cái Tết duy nhất của tôi phải xa gia đình kể từ sau 1975. Đoàn chúng tôi đã được Đại sứ quán Việt Nam ở Séc mời tham dự buổi họp mặt mừng xuân với cộng đồng người Việt được tổ chức tại Đại sứ quán. Chỉ những đại diện Việt kiều của các vùng được mời về tham dự; một khán phòng chật kín đại biểu, mặc đẹp, hoan hỷ tay bắt mặt mừng; phát biểu của ngài Đại sứ, phát biểu của đại diện các vùng. Những bài phát biểu được chuẩn bị công phu; một vài bài có vẻ tung hô nhưng tất cả đều chứa đựng nỗi lòng của những người Việt Nam xa xứ luôn hướng về gia đình, người thân; hướng về Tổ quốc. Anh Ninh đã xin được hai bài phát biểu hay nhất; một của ngài Đại sứ, một của cộng đồng người Việt ở Séc về làm kỷ niệm. Ngày 30 Tết, đoàn chúng tôi vẫn phải đi làm việc; chiều tối hôm đó, vào khoảng giao thừa ở Việt Nam; 6 chúng tôi ghé vào một cửa hàng bán bít tết, mỗi người làm một suất bít tết và một ly rượu vang để đón giao thừa. Tôi đề nghị được chụp ảnh với cô bán hàng để kỷ niệm thời khắc đáng nhớ đó, bức ảnh với khuôn mặt còn đỏ vì rượu của tôi.

272929124-5676047605742826-5564809603208198328-n-1643462236.jpg

Chia tay

Chỉ lưu lại nhà trọ khoảng 2 tháng; chỉ thỉnh thoảng gặp nhau sau giờ làm việc vậy mà khi biết chúng tôi chuẩn bị về nước cả “xóm trọ” đã xôn xao, lưu luyến (người Viêt Nam mình luôn vậy). Đầu tiên là sự ngạc nhiên là tại sao chúng tôi lại trở về Việt Nam trong khi họ và nhiều người khác phải tốn vài nghìn đô để sang được Séc; sau đó là sự thấu hiểu, muốn gửi gắm nỗi lòng của họ về quê hương. Chúng tôi đã có một buổi tiệc chia tay ấm cúng do chị Ngọc – Hải Phòng tổ chức. Sáng hôm sau, xe của Đại sứ quán đến đón chúng tôi tại khu nhà trọ để đưa ra sân bay; dân cư khu nhà trọ đã lội tuyết lạnh để tiễn chúng tôi.

Nhớ lắm những ngày ở Cộng hòa Séc; nhớ lắm những tấm lòng người Việt Nam ở Séc.

 

Chuyện Làng quê