Ký ức quê hương: Nghề nạo giắt quê tôi

nghe-nao-giat-1699180803.jpg
 

Quê tôi ở vùng đất ven biển Quỳnh Lưu - Nghệ An. Có bờ biển bị khuyết vào thành vịnh nên rất lặng sóng. Vùng biển này cạn nên không thuận lợi cho tàu thuyền vào neo đậu, hay đánh bắt xa bờ. Nhưng vùng biển này lại rất thích hợp cho nuôi trồng thủy hải sản và đánh bắt nhỏ lẻ ven bờ. Tuy là dân cư ven biến, vậy mà dân quê tôi lại không làm nghề biển. Nghề chính quê tôi là làm muối và làm ruộng khô. Mùa màng thường thất bát nên đời sống khi xưa thật khó khăn. Ngoài làm muối và làm ruộng ra, thì quê tôi có thêm một nghề phụ nữa, đó là nghề đi "nạo giằt".

Nghề nạo giắt thường giành cho những người mạnh khỏe đi đánh bắt vào những ngày nông nhàn. Nghề này là nghề truyền thống của cha ông từ ngày xưa. Nay đời sống tăng lên, nên không ai làm nghề này nữa. Một nghề truyền thống đã bị thất truyền. Nay tôi kể lại chỉ là một phần trong ký ức tuổi thơ mà thôi...

Nạo giắt là một nghề dễ làm, không cần có kỹ thuật gì cả, chỉ cần sức khỏe và chịu khó là được. Ngày xưa đời sống còn khó khăn, thì nghề này đã nuôi sống dân làng tôi vượt qua nạn đói. Những người chịu khó làm họ còn tích lũy được một số tiền đáng kể. Nạo giắt cũng giống như nạo ngao mà chúng ta thường thấy trên phim ảnh, tin tức đời sống hàng ngày. Có điều dụng cụ nạo giắt có cải tiến thêm một chút. Dụng cụ nạo giắt làm bằng một khúc thân tre già, dài chừng hơn 2m. Một đầu được chẻ đôi thân tre ra cho tới phân nửa. Phần này được tách ra và định hình lại bằng một then ngang cho có hình chữ V. Phía đầu dưới người ta làm một lưỡi dao bằng thép (gọi là lưỡi nạo). Ở giữa thân cây tre ta buộc một sợi dây để hỗ trợ việc kéo nạo. Cái khác với nạo ngao ở đây là phía sau lưỡi nạo người ta gắn thêm một túi lưới. Khi ta nạo thì những con giắt sẽ lọt vào đó. Kéo đầy túi ta giũ vào nước cho cát trôi đi. Phần giắt còn lại sẽ đổ vào bồn chứa. Nạo giắt chỉ thực hiện được ở dưới nước, chứ không làm được trên cát khô hay ướt. Bởi nạo giắt là ta cào cả cát vào túi, nên phải có nước rửa. Mức nước phù hợp nhất để nạo giắt là từ khoảng ngang bụng chân tới đâu gối. Có khi phải nạo ở mức nước cao hơn nữa, là tới bụng hay tới ngực tùy theo thủy triều. Để chứa được thành phẩm khi đánh bắt được, người ta lại phải làm một cái bồn để chứa. Cái bồn này ta đan bằng nan tre. Thường thì người ta đan thành hình con vịt. Một đầu tóp lại làm đuôi. Đầu còn lại đan loe ra làm miệng để cho dễ đổ giắt vào. Khi đan xong ta đặt con vịt lên bốn khúc tre khô thật to để làm phao. Khi đi làm ta kéo con vịt theo xuống nước. Vịt sẽ nổi lênh bềnh trên mặt nước rất hay. Vịt to hay nhỏ ta phải thêm ống tre vào làm phao cho tương xứng. Theo tôi thường thấy họ hay làm vịt chứa được khoảng 100kg và phải gắn 4 ống phao.

Con giắt là loại nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, có họ với ngao sò, là loại nhuyễn thể có thân hình nhỏ bé nhất. Giắt cũng có nhiều loại lớn nhỏ và màu sắc khác nhau. Ở đây là tôi viết về loài giắt bé nhất, nhưng lại là loài có nhiều nhất ở bờ biển đó là giắt trắng. Giắt trắng con chỉ nhỏ bằng hạt đậu trắng, nhưng có hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Chúng sống giày đặc dưới mặt cát, vì vậy khi ta đạp xuống cát sẽ nghe tiếng lạo xạo dưới chân. Ngày xưa chúng tôi bắt về để nấu canh. Nước luộc giắt rất ngọt. Ta nấu canh với rau vặt rất ngon mà không cần bỏ mỳ chính. Còn được nhiều thì ta đãi lấy ruột xào lên xúc bánh tráng ăn rất ngon. Tôi vẫn nhớ hồi xưa ông nội tôi đi nạo về được rất nhiều. Bà tôi gánh đi chợ bán phần nhiều. Còn lại cô tôi đem bỏ vào cái bung to để luộc lên. Khi giắt chín thì miệng chúng mở ra hết làm cái bung đầy ú lên. Cô tôi chắt bớt đi một phần nước cốt để giành nấu canh, hay nấu cháo. Còn lại cô chế thêm nước sôi vào khuấy lên cho ruột giắt bung ra. Một tay cô cầm đôi đũa bếp khuấy, một tay cầm cái "mủng đũi" chao vào trong nước để vớt những ruột giắt đang trôi lơ lửng trong nước. Anh em chúng tôi đứng quanh nồi giắt luộc còn bốc hơi nóng, chờ cô chia phần cho ăn tại chỗ. Ôi những ruột giắt bé li ti như những hạt gạo sao mà ngon đến thế. Ngày xưa đói kém ta phải luộc nó lên lấy nước để nấu cháo. Nếu ai đã từng ăn cháo giắt rồi thì nhớ mãi. Theo tôi cảm nhận cháo giắt có thể ngon và bổ hơn cả cháo gà hay cháo xương bò nữa đấy. Khi một người bị ốm, mà được ăn một tô cháo giắt sẽ tỉnh người lại rất nhanh.

Ngày xưa các cụ làm được nhiều đem bán khắp các chợ xa, chợ gần để lấy tiền đong gạo. Theo các cụ kể lại thời còn chiến tranh. Các cụ đi nạo đêm gặp phải cá heo nó ủi vào mông. Các cụ tưởng là biệt kích địch cho người nhái do thám. Các cụ hoảng loạn chạy về báo ban trực chiến.

Ngày xưa ông nội tôi cũng làm nghề này. Ông rất chăm chỉ làm việc, nên gom góp tiền mua được cái đồng hồ để bàn có chuông báo thức. Thời đó cả xóm chỉ có một vài nhà là có đồng hồ thôi. Sau Ông mua được cả xe đạp. Hồi đó ai mua được xe đạp còn quý hiếm hơn bây giờ mua xe hơi. Có xe rồi ông tập đi xe không may bị ngã gãy mất một răng cửa. Vậy là ông phải làm nhiều hơn để lấy tiền làm răng. Ngày ông còn sống tôi cũng thấy ông có một cái răng bằng vàng. Cái răng vàng ấy tôi cũng được nghe kể rất nhiều chuyện vui và ly kỳ. Ông thường có sở thích đi xem phim và kịch. Một lần ông đi xem kịch, khi hết màn diễn người ta kéo phông lại, đèn phía ngoài bật sáng làm ông chói mắt, nên ông hắc xì. Cái răng vàng của ông bay mất. Ông rất tiếc mà không biết làm sao được. Sáng hôm sau ông vào bãi lại tìm được. Lần thứ hai ông đi xem phim. Khi hết cuốn họ bật đèn sáng bất ngờ. Ông lại hắc xì và răng cũng văng mất. Lần này ông vẫn tìm lại được. Lần thứ ba ông đi nạo giắt dưới biển. Chiều hôm đó có một chiếc máy bay do thám của Mỹ bay từ biển vào. Nó lượn một vòng trên đầu các cụ để xem xét tình hình. Các cụ ta rất mưu trí là dương hết các đầu nạo lên giả làm nòng súng và các cụ cũng rê theo máy bay. Khi ông tôi rê theo thì đến khoảng có chói nắng mặt trời. Ông lại hắc xì một cái rất to. Răng của ông bắn thẳng lên phía máy bay. Không hiểu sao chiếc máy bay đổi hướng bay thẳng ra biển. Các ông trở lại làm việc như không có gì xẩy ra. Lần đó ông nghĩ là mất răng rồi. Vì ai mà mò được kim đáy bể. Không ngờ ông nạo xung quanh đó một lúc chiếc răng vàng của ông lại trở về với chủ. Đúng là của thương người hiền lành đức độ nên không nỡ rời đi. Việc nạo giắt của các cụ ngày xưa, cũng là góp phần để bảo vệ biển trời quê hương Tổ Quốc...

Sau này giá trị của con giắt không cao nên người ta bỏ dần còn ít người làm. Còn một người làm duy nhất gần nhà tôi làm thôi. Ông ấy rất chịu khó làm để nuôi một đàn con khôn lớn. Khi ông tuổi cao không đủ sức làm nữa mới thôi. Khi đó tôi thấy họ bắt về chủ yếu là cho vịt ăn, và bán cho những người nuôi vịt thôi...

Bây giờ đời sống cao sang nên không còn ai làm nghề nạo giắt nữa. Nó đã đi vào dĩ vãng hơn 30 năm trước. Nhưng bây giờ nó vẫn là một phần ký ức tuổi thơ tôi. Con giắt đã góp phần nuôi tôi và ngươi dân quê tôi khôn lớn. Món canh giắt, cháo giắt, và giắt xào mỡ hành không bao giờ quên. Ước gì ta lại được ăn một tô cháo giắt nóng hổi giữa lòng thành phố phồn hoa này nhỉ...

CON GIẮT

có nơi gọi là don

Quê tôi gọi con giắt

Cứ mùa hè nắng gắt

Giắt từ biển áp vào

Chúng tôi xuống biển cào

Được cả bao cả gánh

Về rửa sạch nhặt sảnh

Gánh chợ đổi sắn khoai

Còn một phần để lại

Nấu sôi đãi ruột ra

Hái nắm rau quanh nhà

Thành món canh dân dã

Canh giắt ăn thật đã

Nước ngọt lịm ruột non

Nay thấy lại vẫn còn

Thèm canh don, canh giắt

Còn hôm nào đãi được

Ruột don mà hơi nhiều

Xào hành mỡ hạt tiêu

Rắc đều lên don giắt

Rượu nếp nấu trong vắt

Rót ra nhậu lai rai

Bánh khô bẻ vui tai

Cùng với vài người bạn

Mồi ngon ăn uống cạn

Mà nỏ có bị say

Nay nhìn thấy món này

Lại ngất ngây don giắt.

TH

bai-bien-1699181445.jfif
Minh họa: Bing

Chuyện làng quê