Lại thử cảm nhận thơ

Vinhhungbill

01/09/2021 17:23

Theo dõi trên

Ông đừng nói đọc xong lại bình thơ nữa nhé. Tôi lại bảo: Bình thì chả dám, nhưng viết đôi điều về cảm nhận của riêng mình sau khi đọc xong một chùm thơ, cũng tốt mà. Coi như mình đang tập làm văn.

lai-thu-cam-nhan-tho-1630467311.jpg
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Ở nhà chống dịch. Bà xã coi phim Hàn quốc, cứ mỗi khi hết tập, bả lại ngó qua hỏi: Ông đang làm gì đấy ? Tôi bảo: Đọc thơ. Bả bảo: Đọc say mê thế chắc là thơ của bồ cũ. Tôi bảo: bồ tèo gì, thơ của Lê Hải Châu. Bả hỏi: Châu nào?. Tôi bảo: Không biết, thấy hay hay thì đọc, xem có gì học tập được không. Bả bảo: Ông đừng nói đọc xong lại bình thơ nữa nhé. Tôi lại bảo: Bình thì chả giám, nhưng viết đôi điều về cảm nhận của riêng mình sau khi đọc xong một chùm thơ, cũng tốt mà. Coi như mình đang tập làm văn.

Thế là tôi vào trang Facebook mang tên Lê Hải Châu, đọc một mạch 26 bài thơ gần đây nhất. Quả tình cũng muốn tìm hiểu đôi chút về thân thế và sự nghiệp của tác giả. Tuy nhiên, với một người chỉ vô tình gặp trên mạng, việc đó kể cũng khó. Hơn nữa, tôi muốn thử một lần cảm nhận thơ khi không có thông tin gì về tác giả.

- Cảm giác đầu tiên của tôi: hình như Lê Hải Châu là một nhà thơ chuyên về thể loại lục bát. Vẫn biết đó là một thể thơ độc đáo, là gia tài riêng của thi ca Việt nam. Nhiều nhà thơ lớn đã dành không ít thời gian, công sức và trí tuệ để có những tác phẩm đồ sộ như truyện Kiều, truyện Lục Vân Tiên và Lỡ bước sang ngang. Nhưng, đầu tư gần như toàn tâm, toàn lực vào lục bát, tôi mới thấy một người; đó là Lê Hải Châu. Tôi đã đếm cụ thể: 26 bài gần đây, chỉ duy nhất có bài “Hạ tàn” là ở thể tự do. 25 bài còn lại, toàn là thơ lục bát.

+ Chưa tính đến các dạng biến thể, mỗi bài thơ lục bát gồm một hay nhiều cặp nối nhau, mỗi cặp được tạo bởi một câu sáu và một câu tám sao cho tiếng thứ sáu của câu lục vần với tiếng tứ sáu của câu bát và tiếng thứ tám của câu bát liền kề lại vần với tiếng thứ sáu của câu lục liền kề. Cứ như thế, cách hiệp vần này có thể làm một bài lục bát rất dài. Đến nay, bài dài nhất là Truyện Kiều với 1.627 cặp lục bát. Xem như thế, làm thơ lục bát tưởng cũng chẳng khó gì. Nhưng thực ra, khó lắm, bởi không cẩn thận, may lắm chỉ được mấy câu “Vè”, sao mà thành lục bát. Bố tôi bảo, muốn lục bát hay, vượt qua trình độ “Vè” thì câu thơ phải có hồn, có cảm xúc.

+ Tôi khẳng định 26 bài thơ của Lê Hải Châu tôi đã đọc, đó là thơ lục bát; thậm chí nó còn là lục bát rất hay. Hãy thử phân tích vài câu để làm rõ nhận định này:

+ Từng thưởng thức nhiều tác phẩm về mùa thu: nhìn thì thấy trời cao xanh ngắt: (Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao) Nghe thì ra: (Một tiếng trên không ngỗng nước nào), cảm nhận lại thấy gió thu lành lạnh, hanh hao... Nhưng cũng có lẽ đây là lần đầu tiên Lê Hải Châu cho người đọc nếm thử vị thu : “Lạ kỳ cái nắng mùa thu/vàng như mật rót ngọt lừ đầu môi”

+ Nói về màu sắc của mùa thu, chắc hẳn phải là mầu vàng. Nếu Lưu trọng Lư nhanh chóng nhuộm vàng cho Thu bằng “Con nai vàng ngơ ngác/đạp lên lá vàng rơi” thì Lê Hải Châu lại nhởn nhơ thưởng thức bằng cách nhuộm từng thứ một, cũng mầu vàng đấy thôi nhưng đậm lợt mỗi thứ khác nhau, mỗi lúc mỗi khác. Thoạt đầu thì chúng chỉ nhuốm vàng (Ngoài hiên trái bưởi nhuốm vàng/Heo may phơ phất thổi ngang góc vườn) và (Nắng to, Sen vẫn nhanh tàn/Buồng cau tròn quả, trái xoan nhuốm vàng). Rồi sau lại chuyển sang màu vàng chanh “Sông Ngân giờ đã nằm ngang/Tua Rua mọc lại, trái bàng vàng chanh). Và màu trái thị thì vàng hơn nhiều lắm: “Thị vàng thơm ngõ nhà ai/Đã nghe câu kết cho bài vào Thu”. Màu vàng của mùa thu tưởng đến thế cũng đủ lắm rồi. Nhưng khi cảm xúc lên đến cao trào, màu vàng đặc trưng của mùa thu mới được dịp tuôn ra dào dạt: “Thu sang trời đất giao hòa /Triền đê vàng rực màu hoa cúc quỳ. Viết đến đây tôi cứ hình dung một lễ hội bắn pháo hoa mà Lê Hải Châu chính là đạo diễn. Một, hai chùm đầu chỉ hơi nhuốm vàng; ba bốn chùm sau là vàng chanh tươi mát và các chùm sau nữa, màu vàng cứ thế đậm dần, đậm dần...để rồi cuối cùng cả một “Mùa thu vàng nắng, vàng hoa Cúc quỳ”. Tôi nói thơ Lê Hải Châu có hồn và giàu cảm xúc là ở những lẽ như thế.

- Lê Hải Châu mê đến mức say đắm và hầu như chỉ viết về mùa thu

+ Vẫn biết, mùa thu là nguồn cảm hứng vô tận cho các văn nghệ sỹ; nhưng mê đến mức say đắm và hầu như chỉ viết về mùa thu như Lê Hải Châu, cũng là hiếm có và xứng đáng được xếp vào hàng những thi sỹ của mùa thu. Trong đó, đứng đầu vẫn là Nguyễn Khuyến với 3 bài thơ mùa thu tuyệt tác. Kế đến là 52 bài trong tập “Tiếng Thu” của Lưu trọng Lư. Gần đây là Phú Sỹ với một chùm 9 bài thơ thu suất sắc. Thế mà, trong 25 bài thơ tôi đọc được gần đây, Lê Hải Châu đã có đến 14 bài viết về mùa thu; xin nhắc lại, trong thời gian chưa đầy hai tháng. Bạn đọc có thể xếp Lê Hải Châu ở vị trí thứ mấy cũng là tùy ở cảm nhận mỗi người nhưng quyết phải ở trong hàng những thi sỹ mùa thu.

+ Người đang yêu tính khí kỳ lạ lắm, gặp nhau cả ngày đấy nhưng vừa xa nhau đã thấy nhớ nhung, mong đợi. Không phải chỉ tình yêu trai gái đâu, với tình yêu mùa thu cũng thế. Mỗi người một kiểu nhớ nhung, mỗi người một mục tiêu mong đợi. Thường thì khổ đau thống thiết như Nguyên Thạch: “Mắt biếc mòn trông/Lê thê thu đợi” và mục tiêu lớn nhất là: “Hoài vọng chờ mong thu tới xe duyên” Hay với Huỳnh Minh Nhật thì: “Ôi thu đợi chờ thu ước ao/Người ấy về đây khép áo chào”. Lê Hải Châu lại có kiểu nhớ nhung mong đợi rất khác, cũng da diết đấy, cũng khắc khoải đấy nhưng thật cụ thể và gần gũi. Hỏi có ai chỉ vì mong mùa thu về mà tính từng ngày, từng tháng như Lê Hải Châu: “Tính âm là tháng sáu ta” và chăm chú dõi theo từng chút, từng chút thay đổi của thiên nhiên: “Vẫn còn đôi chút gió nồm” và “Ngoài sông gió đã đổi chiều”... Không chỉ mong mỏi, ông còn kêu gọi và gần như năn nỉ: “Cuốc kêu vài bữa rồi thôi/Con ve mệt mỏi đã rời bờ cây”. Và khi chợt thấy “Vườn ưng ửng trái Bổ Quân/Nửa phần sắp chín, nửa phần còn xanh/Đôi ba trái thị vàng chanh/Gió ru gió vỗ trên cành đong đưa” là vội vã nhảy ra, vồ lấy quả quý báu ấy mà say sưa mà ngây ngất bảo chúng nó rằng: mùa thu yêu quý của ta đã về rồi.

+ Nhưng quy luật vẫn là quy luật, tính âm mới chỉ là tháng sau ta cho nên vẫn còn “Mấy hôm nắng dữ, nắng dài/Đám Kê héo rũ, đám khoai vật vờ. Tưởng là tẽn tò lắm, tưởng là thất vọng lắm. Nhưng không, chỉ ngập ngừng một tí, rồi ông vẫn quả quyết “Ngập ngừng mùa hạ dần qua/ Chỉ đôi tuần nữa chắc là lập thu. Yêu cũng đến thế là cùng, chờ mong cũng đến thế là cùng.

Tôi nói Lê Hải Châu mê mùa Thu đến mức say đắm là ở lẽ đó.

- Cách tiếp cận mùa thu của Lê Hải Châu cũng thật là thú vị

+ Dường như đã tồn tại từ lâu một công thức chung trong tiếp cận mùa thu là các tác giả thường phóng to một điểm nào đó trong bức tranh tổng thể, để rồi gửi gắm tâm trạng của mình. Ta hãy xem họ mượn những gì của mùa thu để gửi gắm những gì của họ: Nếu nhóm Tự lực văn đoàn gửi cả nỗi buồn và sự mong manh của mình vào những “rặng liễu đìu hiu”, những “mây vẩn tầng không” vào cả “cành bàng còn hai chiếc lá” thì những nhà thơ cách mạng lại cho rằng: “Mùa thu đó đã bắt đầu trái ngọt/và bắt đầu nở rộ những vườn hoa. Để cho Hoàng Nhuận Cầm phải ngơ ngác nhìn: “Viên súc xắc xoay tròn trong gió xé/Sáu mặt đời lắc cắc tiếng thơ anh.

+ Lê Hải Châu lại có cách tiếp cận mùa thu hoàn toàn khác, ông cố gắng phác họa bức tranh mùa thu càng đầy đủ càng tốt, càng chân thực càng hay. Hãy nhìn đi, nó cao đến nỗi thấy được cả: “Sông Ngân giờ đã nằm ngang/Tua rua lại mọc trái bàng vàng chanh”. Và nó rộng đấy chứ, không rộng sao thấy “Trời cao vài cánh chim gầy/vẽ đôi vòng lượn trong mây kiếm mồi.” Và ở dưới sâu thì: “Ao thu nước lặng như tờ/chuồn chuồn đạp nước ngẩn ngơ cánh bèo”.

+ Tưởng bức tranh như thế đã là hoàn hảo lắm rồi. Nhưng không, trong cái không gian mênh mông ấy, ông vẫn xắp xếp những gì đặc trưng nhất của mùa Thu vào đúng những nơi nó vốn thế. Đấy, nhìn đi: Ở dưới ao thì có: “Khóm sen cuối vụ đã tàn” rồi “chuồn chuồn đạp nước ngẩn ngơ cánh bèo”; và sâu xuống nữa, ta thấy cả “ Đôi con cá chép lượn lờ ngắm trăng”. Rồi, hãy nhìn lên cao đi, không chỉ có sông Ngân Hà và tua rua đâu mà còn có cả: “Trên cao chú Cuội, chị Hằng/Ung dung nhàn nhã với trăng giữa trời”. Mỏi cổ chưa ? nhìn gần đây này, thôi thì đủ cả: đương nhiên là có đồng lúa, có bãi ngô, có cả những bẫy chim đặc trưng của mùa thu. Tuy nhiên, cái đặc trưng hơn cả, đó là trái cây, thử đếm xem có bao nhiêu loại: có bưởi đốm vàng, có bàng vàng chanh, có cả buồng cau tròn quả và trái xoan nhuốm vàng...

+ Hãy thử so sánh cách tiếp cận theo công thức chung như đã trình bày trên với cách tiếp cận của Lê Hải Châu. Vẫn biết theo công thức chung thì chỉ đưa những nét chấm phá, người đọc thỏa sức mà tưởng tượng để tác giả gửi gắm cái hồn, cái cảm xúc của mình trong đó. Nhưng sao tôi vẫn thấy bức tranh bằng thơ Lê Hải Châu có vẻ như đầy đủ hơn, hoàn thiện hơn. Người đọc muốn tưởng tượng ư ? thì không gian bao la đó, muốn thêm gì, mặc lòng. Nhưng chắc chắn người đọc tin rằng đây là bức tranh của Lê Hải Châu vẽ về mùa thu trên quê hương Lê Hải Châu chứ không phải mùa thu ở một nơi nào khác.

+ Nhiều người cho rằng, với cách tiếp cận như thế, Lê Hải Châu khó mà gửi gắm được điều gì. Tôi lại cho rằng: chỉ khác nhau ở cách gửi, lúc gửi và thứ để gửi mà thôi. Muốn biết Lê Hải Châu định gửi thông điệp gì. Hãy tưởng tượng xem, ngoài thực địa có còn đầy đủ và hoàn hảo như bức tranh Lê Hải Châu đang vẽ không? Câu trả lời của tôi là không. Khi mà hóa chất vẫn rải trên đồng, thì đôi cá chép có còn chỗ để lượn lờ ngắm trăng. Khi mà chính tác giả cũng phải thốt lên “Trời ơi quốc giả - ai ngờ” thì làm gì có “Đôi nhà đã dựng vàng anh”. Khi mà khói bụi công nghiệp ngày đêm xả lên bầu trời thì tài gì mà nhìn thấy “vài cánh chim gầy/Vẽ đôi vòng lượn trong mây kiếm mồi. Viết đến đây, tôi hình dung ra một Lê Hải Châu đang buồn vì môi trường bị xâm hại, đang tiếc vì bức tranh thu hoàn hảo ngày xưa cứ rách mảng này lại rơi mảng nọ và than một câu vu vơ rằng: “Buồn thay nước chảy bèo trôi/Đâu rồi văn chỉ, đâu rồi cây đa”. Và tôi tin rằng Lê Hải Châu đang gom những cái buồn, cái tiếc ấy gửi đến các nhà hữu trách, gửi cả cho độc giả mà bảo với họ rằng hãy trả cho dân môi trường trong sạch, hãy trả cho bạn đọc yêu quý của tôi bức tranh mùa thu vốn hoàn hảo như ngày xưa ở ngay ngoài thực địa. Thông điệp ấy thật là chính đáng, thật là nhân văn, thế thì làm sao mà gửi theo kiểu lắt nhắt được. Tôi nói cách tiếp cận mùa thu của Lê Hải Châu thật thú vị là ở những lẽ đó.

- Lê Hải Châu yêu nhiều và yêu bởi một thứ tình yêu nhẹ nhàng, chân chất. Nói đến yêu, rất nhiều người tưởng ngay đến tình yêu nam nữ. Với Lê Hải Châu thì không vì đọc đến bài thứ hai mươi tư tôi mới biết ông đang “Loay hoay khổ cái thân già”. Thế thì không nhắc đến mảng này âu cũng là bình thường (dù vẫn hơi tiêng tiếc). Tôi nói Lê Hải Châu yêu nhiều là yêu những thứ khác kìa.

+ Trước hết là yêu Mẹ; dù mẹ đã về cõi vĩnh hằng nhưng ông vẫn tâm sự những câu rất thân quen, gần gũi: “Dạo này phía bắc mưa nhiều” hay là “Mẹ ơi làng xóm mình đây/Ấm no đã hẳn, đủ đầy còn dư”... Ông cứ trò chuyện như thể Mẹ vẫn còn đang thổi cơm dưới bếp, với mong muốn duy nhất là “Con mừng vì thấy dường như/Mẹ vui nên nét ưu tư đỡ nhiều”.

+ Đọc bài thơ “Lời ru buồn”, tôi càng khẳng định cách tiếp cận vấn đề của Lê Hải Châu thật thú vị. Rõ ràng chiều nay, làng ấy có đám cưới, dù chỉ là đám “Mẹ về với dượng chiều nay” nhưng ông lại nhìn thấy “Con buồn ra ngõ ngồi trông/Mẹ ơi chỉ mỗi cánh đồng mà xa” và cảm thông với nỗi lòng con trẻ “Sao giờ buồn thế mẹ ơi/Nến hồng đã tắt, ai mồi lửa lên”. Cách nhìn và thương những đứa trẻ trong hoàn cảnh ấy, đáng trân trọng lắm thay.

+ Đối với bà cụ Tốn thì ông yêu từ “Cái Tâm của Cụ vẫn còn vẹn nguyên” yêu đến “Nước chè Cụ nấu Cụ pha/Cứ xanh cứ đậm như là bùa mê” và yêu nhất là “Trong làng hay dở điều gì/Cụ đều tỏ ý khen chê kịp thời”. Vẫn biết “Cụ về với Tổ tiên rồi/Mà sao vẫn sống trong tôi tháng ngày”. Hỏi là hỏi thế thôi, ai cũng biết những cụ già làng quê hiền lành đôn hậu, khi về với cõi tiên cõi Phật đều hóa ra những gì tinh túy nhất mà người ta gọi là bản sắc văn hóa. Người có tình như Lê Hải Châu chẳng lẽ lại không yêu.

+ Và còn nữa, cứ mỗi khi nhìn thấy “Lũ từ mạn ngược tràn về/Đồng quê bữa ấy bốn bề nước dâng” là lòng ông lại “Cứ như dao cứa vào lòng người dân” và lo lắng cho người dân vì “Thóc còn đâu nữa mà ăn”.

Tôi nói Lê Hải Châu yêu nhiều và yêu bởi một thứ tình yêu nhẹ nhàng và chân chất là ở những nhẽ đó.

- Hôm trước, khi viết về bạn tôi, tác giả Xuân Trường cũng trong nhóm “Chuyện làng quê”, trong ba tháng bạn tôi viết 17 bài thơ, tôi đã phải thốt lên rằng “sức cày như thế, kém chi lực điền”. Hôm nay, mới chỉ lướt từ ngày 10/7 đến hôm nay là 28/8, có hơn tháng rưỡi thôi, chính xác là một tháng mười tám ngày Lê Hải Châu đã có đến 26 bài thơ (xa nhất là bài “Hạ chiều” ngày 10/7 và gần nhất là bài “Lục bát mùa thu”, ngày hôm nay 28/8/2021). Tôi đang băn khoăn không biết mệnh danh Lê Hải Châu với cái tên gì khi đã gọi Xuân Trường là “lực điền” thì may mắn thay, một trong những đứa con cưng của Lê Hải Châu mang tên “Nhà nông thời @” nhẹ nhàng bảo với tôi rằng: “ Nhà nông thời buổi a còng/Cũng ngồi máy cấy thong dong nhẹ nhàng”. À, thế thì tôi đã hiểu: Lê Hải Châu đúng là cày như máy.

- Ngoài những bài thơ tả cảnh, tả tình, đâu đó, tôi vẫn thấy những câu như: “Lựa vần, chọn ý, đặt câu/Gập ghềnh con chữ như tàu vào ga” và đặc biệt là câu: “Ai buôn thần dược linh đan/Mình mua trả góp sẽ hoàn lại sau”. Thế nên, tôi mới mạnh dạn có đôi điều gọi là thảo luận cùng tác giả.

+ Như trên đã nói: “Lục bát là một thể thơ độc đáo, là gia tài riêng của thi ca Việt Nam”. Làm lục bát được như Lê Hải Châu thật là đáng quý, đáng trân trọng. Nhưng giá như, thỉnh thoảng kèm thêm một vài thể loại thơ khác thì tính đa dạng và khả năng truyền cảm trong thơ sẽ tăng lên nhiều lắm. Ai dám bảo Lê Hải Châu không viết thơ tự do, hãy đọc 2 câu này: “Ve thôi hờn dỗi, vườn im ắng/Vũ trụ nghiêng mình trao ý thơ” đã xứng để đem so với Tự lực văn đoàn chưa? Nếu được, tôi sẵn sàng so hẳn với Xuân Diệu. Ừ thì chưa bằng, nhưng nếu có kém, cũng chỉ là đôi chút. Thế mà Lê Hải Châu không viết thơ tự do, có phải là tiếc lắm thay ?

+ Về cách dùng câu từ để diễn đạt, tôi cho rằng đây là lĩnh vực sáng tạo, tác giả muốn viết sao, mặc lòng, nhưng nhìn vào lo gích, hình như tôi thấy có đôi điều lấn cấn. Thông thường thì cảnh mùa thu sẽ là trời xanh thăm thẳm, nắng vàng lung linh, nước lăn tăn sóng, mây nhè nhẹ trôi... Thế mà trong bức tranh mùa thu của Lê Hải Châu không ít lần lại có: “chút ráng mỡ gà” làm tôi giật mình tưởng trời sắp bão. Các cụ đã có câu “Ráng mỡ gà, ai có nhà thì chống”. Vẫn biết ở Việt Nam, mùa thu thường trùng với mùa bão, vậy nên, nếu có vài cơn bão âu cũng là chuyện bình thường. Chả biết ý tác giả thế nào nhưng việc đánh đồng ráng mỡ gà (là tín hiệu dự báo thiên tai) với cảnh đẹp mê hồn của mùa Thu, tôi nghe mà cứ hơi ngài ngại. Nói thế không phải tôi chê cụm từ “chút ráng mỡ gà” mà chỉ bàn về bối cảnh dùng sao cho đúng. Ví như trong bài “Mưa chiều”, cụm từ “Chút dáng mỡ gà” mới đáng giá làm sao. Chính cái dáng mỡ gà ở đầu bài đã dự báo trước những: “Cơn giông từ phía rừng xa đổ về/ Mịt mù gió cuốn tung hê/Bờ cây vật vã bốn bề gió reo” và: “Sấm rền tưởng vỡ trời tây/Gió run rẩy cánh chim gầy đồng xa/Gặp kỳ mưa núi mưa ra/Nước trôi ngập khóm cỏ gà triền đê.

Đến đây, tôi mới lờ mờ đoán ra, hình như tác giả ở Thanh Hóa và hình như đã có tên trong hội người cao tuổi, cộng với 26 bài thơ tôi mới được đọc. Thật là quá ít thông tin để có một bài bình trọn vẹn. Chính vì thế tôi mới bảo: Chỉ là thử cảm nhận. Có gì sai, xin tác giả và mọi người lượng thứ.

Vinhhungbill, Viết ở Sài Gòn trong những ngày “Ai ở đâu, ở đó”

Theo Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Lại thử cảm nhận thơ" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn