Lắng đọng cùng “Hương thơ Quảng Ngãi”

Tập thơ “Hương thơ Quảng Ngãi” tập VII có 33 tác giả với 170 bài thơ được chiếu xạ từ những mảnh ghép của quá khứ, của hiện tại và những mong ước tới tương lai
bia-tap-tho-huong-tho-quang-ngai-tap-vii-1-1713151320.jpg

Có người nói rằng tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung, thơ nói riêng đều có vẻ đẹp mang dáng vóc hình thể và diện mạo tâm hồn. Ở đó, bóng dáng của người cầm bút như một sự phản chiếu tâm thức, quyết định sự sinh tồn của tác phẩm. Vâng. Thành công của tác phẩm nhờ vào giá trị đạt được từ nghệ thuật và nội dung.

Tập thơ “Hương thơ Quảng Ngãi” tập VII của Chi hội thơ Đường luật tỉnh Quảng Ngãi, được Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành vào tháng 03 năm 2024 phần lớn đã thành công trên hai bình diện đó.

Tập thơ “Hương thơ Quảng Ngãi” tập VII có 33 tác giả với 170 bài thơ được chiếu xạ từ những mảnh ghép của quá khứ, của hiện tại và những mong ước tới tương lai. Tập thơ được viết với nhiều thể thơ khác nhau, từ thất ngôn bát cú Đường luật, năm chữ, bảy chữ, tám chữ, lục bát đến tự do, tất cả đều thành công, đã đem đến cho người đọc những xúc cảm về tình yêu quê hương, đất nước, gia đình, tình yêu lứa đôi...

Viết về đề tài tình yêu quê hương, đất nước, ta thấy mỗi bài thơ trong “Hương thơ Quảng Ngãi” tập VII là một cảm xúc bất chợt của các tác giả khi được hòa mình vào thiên nhiên, nó được tuôn ra từ trái tim của những con người sống vì tình, vì nghĩa. Tình yêu của họ như dòng sông Vệ chảy mãi không bao giờ cạn, càng chảy càng thấm, càng ngấm vào vùng cảm thụ của độc giả và độc giả càng đọc càng hoan ca với những cung bậc sắc thái tình cảm mà các tác giả đã gửi gắm vào trang thơ.

“Ngày hạ mãn dòng Vệ Giang xanh biếc/ Ngắm quê mình Đức Nhuận miệt bờ Nam/ Phía triền tây vũ trụ tỏa màu lam/ Trời, mây ,nước… khoe một vòm diễm tuyệt” (“Sông Vệ quê mình”- Bùi Thị Kim Tuyến). Với ngôn ngữ thơ bình dị, giọng thơ tự nhiên, thân thiện, khổ thơ đã vẽ nên một bức tranh đầy cảm xúc ngọt ngào, sâu đậm, chất chứa tình yêu quê hương, đất nước của tác giả. Có thể nói phần lớn các bài thơ viết về tình yêu quê hương đất nước trong tập thơ này đã đem đến cho người đọc một sự nhẹ nhàng, thanh thoát, giúp họ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đất trời quê hương. Đọc “Biển Sa Huỳnh” của Nguyễn Thị Kim Thanh, “Quê tôi ven sông Trà” của Nguyễn Giàu, “Quê hương tôi” của Võ Tấn Thường, “Tuyệt cảnh Savan” của Từ Thế Vinh, “Nhớ Cao Muôn” của Nguyễn Đức Ba, “Dòng sông quê” của Trần Đức Trung... ta sẽ cảm nhận như mình được đến tận nơi, được tận mắt nhìn thấy cảnh đẹp của quê hương Quảng Ngãi. “Quê Quảng Ngãi có sông Trà núi Ấn,/ Mãi nghìn năm luôn vững trấn phương trời/ …Có Thạch Bích như ngọc quý xanh lam/ Đồi Thiên Bút vẽ lên vòm mây tím” (Quê hương tôi”- Võ Tấn Thương).

Còn viết về tình yêu đôi lứa, phần lớn các tác giả viết theo thể lục bát và thất ngôn bát cú Đường luật. Những câu thơ ngắn dài tuôn trào như những cung bậc cảm xúc, lúc cồn cào, lúc âm ỉ, lúc man mác u buồn… “Có biết từ khi giã biệt về/ Là muôn trùng lệ đẫm sơn khê/ Đá thương phiến lá vương đầy lối/ Cuội tiếc màu trăng tỏa khắp bề/ Trăm bể ngàn dâu lòng mãi nhớ/ Năm đời bảy kiếp dạ hoài mê/ Nữa là bao nữa, nghìn sau nữa/ Cũng biết chờ nhau vẹn ước thề” (“Nghìn sau”- Hoàng Thân).

Bài thơ giản dị, giàu hình ảnh mà không có chút gì lên gân đã giúp người đọc thấy được tình yêu lứa đôi luôn mang hơi thở vĩnh cửu, cho dù nó có cách biệt trong chiều dài và chiều rộng của trăm ngàn dâu bể, trong chiều cao vời vợi của sơn khê hay trong chiều dài của đời người. Còn Phạm Thảo với cái nhìn đối sánh giữa thực và ảo, đã nói được những điều cần nói với người yêu. “Phải chăng lời hẹn ngả chiều/ Trên tay vàng úa lá diêu bông rồi/ Chưa lần chạm chén giao bôi/ Trách chi con sáo xa rồi bến mơ” (“Suy tư chiều”- Phạm Thảo). Lá diêu bông từ lâu đã là biểu tượng của tình yêu buồn trong nền văn học Việt Nam. Trong bài thơ này Phạm Thảo đã sử dụng nó để gởi gắm nỗi buồn của mình về một cuộc tình đơn phương.

Bên cạnh tình yêu lứa đôi và tình yêu quê hương đất nước, trong tập thơ này còn thể hiện tình yêu cha, mẹ, anh, chị, em, bạn bè…  gói trọn trong những lời thơ đầy trìu mến, thân thương. “Xuân về vắng bóng cha tôi/ Cảm thương thân mẹ đơn côi lạnh lùng” (“Nhớ cha”- Lê Tửu).

Và còn nhiều bài thơ như thế, người viết bài này không thể giới thiệu hết được, mong độc giả hãy tìm đọc tập thơ “Hương thơ Quảng Ngãi” tập VII để hiểu rõ hơn vẻ đẹp trong tâm hồn của các tác giả, cũng như về tình yêu quê hương, đất nước, con người mà họ thể hiện ở tập thơ này.