Sáng nay, lễ hội Điện Huệ Nam bắt đầu diễn ra với nghi thức Cung nghinh rước Thánh Mẫu bằng đường thủy từ 352 Chi Lăng đi ngược dòng sông Hương lên Điện Huệ Nam. Lễ hội Điện Huệ Nam là sự kiện văn hóa tiêu biểu của festival mùa Thu của Festival Huế 2022. Thời gian diễn ra lễ hội 3 ngày, từ 5-8/8/2022 (8-10/7 âm lịch).
Các bằng neo đậu từ sớm tại 352 Chi Lăng – Tp Huế
Lễ hội Điện Huệ Nam là sinh hoạt truyền thống mang yếu tố văn hoá tâm linh thờ phụng Thánh Mẫu Thiên Y A Na được cử hành vào đầu tháng Ba và tháng Bảy hàng năm. Lễ hội luôn mang đầy màu sắc và tính sôi động, thu hút hàng vạn tín đồ trong nước của tín ngưỡng Thờ Mẫu về tham dự. Đây cũng được xem là một Festival văn hóa dân gian, cộng đồng đặc trưng của vùng đất Cố đô Huế và nằm trong chuỗi sự kiện Festival Huế mùa Thu. Dự kiến có khoảng 70 bằng án (50 bằng và 15 án) tham gia lễ cung nghinh Thánh mẫu từ Thánh đường Thiên Tiên Thánh Giáo (252 Chi Lăng, TP Huế) đến điện Huệ Nam.
Nghi thức rước Thánh Mẫu xuống bằng
Điện Huệ Nam là điện thờ tọa lạc bên sườn núi Hòn Chén, tên chữ là Ngọc Trãn sơn, một quả núi đất tròn trịa, hình dáng tựa cái chén úp ngược, tên núi vì thế mà có. Nhưng nhìn trên tổng thể, Ngọc Trãn sơn có địa thế rất hùng vỹ. Đây là ngọn núi cuối cùng trong một rặng núi dài phóng ra từ dãy Đông Trường Sơn, đến khi gặp dòng sông Hương xinh đẹp thì dừng lại. Cả dãy núi trông như một con rồng đang uốn khúc lô nhô mà Ngọc Trãn sơn là phần đầu rồng đang ngẩng cao. Vua Đồng Khánh lại ví dãy núi này như một con sư tử đang cúi đầu xuống uống nước sông Hương. Còn dòng sông, sau khi bị núi chặn lại phải uốn mình đổi dòng, chảy thêm một đoạn ngắn nữa lại bị núi Vọng Cảnh cản lại buộc phải uốn khúc lần thứ hai. Theo quan niệm phong thủy của người xưa, từ gò Long Thọ nối đến đây là “Thiên Địa trục” (trục nối liền trời đất) nên hết sức linh thiêng. Bởi vậy, đền thờ Thánh Mẫu không phải vô cớ mà xuất hiện…
Điện Hòn Chén tấp nập bằng, thuyền
Ngày hội, dọc theo dòng sông Hương, suốt từ thành phố lên đến điện Hòn Chén tấp nập ghe thuyền của các tín đồ đến từ khắp nơi trong nước. Họ kết đôi những con thuyền thành những chiếc “bằng” rộng rãi, trên đó đặt những hương án được trang trí lộng lẫy bằng các loại cờ phướn, hoa, đèn... Thánh Mẫu Thiên Yana được dân làng Hải Cát gần đó tôn làm Thành hoàng của làng, nên dịp lễ cũng gắn liền với ngày hội tế đình của Hải Cát. Lễ tế được tổ chức rất long trọng. Trước ngày Chánh tế, dân làng tổ chức lễ rước Thánh Mẫu từ điện Huệ Nam về đình làng; sau lễ lại rước bà về điện Huệ Nam. Điều độc đáo là tham dự lễ rước này, ngoài dân làng Hải Cát còn có hàng ngàn tín đồ khác của Mẫu.
Những chiếc thuyền được trang trí lộng lẫy nối đuôi nhau
Hình ảnh hấp dẫn nhất có lẽ là đám rước Mẫu được cử hành trên những chiếc “bằng”. Trên chiếc “bằng” lớn đặt hương án có thêm long kiệu, trên đặt hòm sắc vua ban cho Thánh Mẫu. Những chiếc “bằng” đi sau rước hương án, long kiệu của các Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Hỏa, Mẫu Thủy, các đồ tự khí, lọng, tàn, gối, quạt... có cả phường bát âm với các nhạc cụ truyền thống đi theo. Tất cả tạo nên một đám rước đầy màu sắc nhưng vẫn giữ được không khí trang nghiêm, thành kính.
Sau phần lễ là phần hội diễn ra tưng bừng với vô vàn loại âm thanh, nhưng vút lên cao nhất vẫn là tiếng nhạc chầu văn sôi động. Trên sàn của rất nhiều chiếc “bằng”, các bà các cô trong trang phục sặc sỡ thoải mái nhún nhảy lắc lư theo tiếng nhạc. Dường như khi tham dự lễ hội này, họ đã hoàn toàn để lại đằng sau sự e ngại, rụt rè vốn có. Đây cũng là một nét độc đáo của lễ hội Hòn Chén ở Huế, vùng đất nổi tiếng của những phụ nữ hiền thục và sống khép kín.
Nghi thức cúng trong phần rước Thánh Mẫu
Những ai đã từng đến đến thăm điện Hòn Chén và nhất là đã từng tham dự lễ hội điện Hòn Chén thì chắc chắn sẽ rất khó quên cảnh đẹp và những nét văn hóa đáng yêu của lễ hội này. Người Huế vẫn gọi lễ hội điện Hòn Chén là Lễ Vía Mẹ, lễ của đạo hiếu, của lòng biết ơn đối với Thánh Mẫu.
Dâng lễ, dâng hoa phần lễ
Nhờ những đặc sắc và ý nghĩa mang lại, Lễ hội Điện Huệ Nam còn được xem như một Festival về văn hóa dân gian trên sông Hương, thu hút hàng trăm chiếc thuyền ngược dòng Hương với đông đảo du khách đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước tìm đến để cúng bái và cầu xin bình an, tiền tài, sức khỏe gia đình…Đồng thời, Lễ hội truyền thống này đã đưa mọi người đến gần nhau hơn, góp phần làm cho văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.