Lễ hội vì hòa bình 2024: Thiêng liêng hai tiếng hòa bình

Tháng 7 của nhiều năm qua, tôi thường hay chọn Quảng Trị là điểm đến để thăm viếng nhiều di tích lịch sử, nhiều địa danh đã ghi dấu những chiến công bi hùng của quân và dân ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Tháng 7 năm nay, tôi lại vào Quảng Trị đúng vào dịp tỉnh tổ chức nhiều hoạt động hướng đến 77 năm ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2024), 70 năm ngày ký Hiệp định Giơ ne vơ (21/7/1954 - 21/7/2024), tiến tới kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

hoa-binh-0-1721212398.jpg
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại Lễ hội Vì hoà bình 2024. Ảnh: VGP/Đức Tuân
 

Là những giáo viên Sử đến từ xứ Thanh - Nghệ được trải nghiệm nhiều hoạt động tại Quảng Trị, đặc biệt là có may mắn được mời tham dự Chương trình nghệ thuật đặc biệt khai mạc “Lễ hội vì hòa bình năm 2024” tại Di tích Quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương tối 6/7/2024, tôi cho rằng đây là một chương trình lễ hội chứa đựng nhiều điều đặc biệt bởi những điểm nhấn làm nên những dấu ấn của chương trình.

Có lẽ chưa từng có một sự kiện lễ hội nào của tỉnh Quảng Trị tổ chức mà dành được sự nhiều quan tâm, thu hút đông đảo Nhân dân đến như vậy. Quan sát kỹ khi chúng tôi đi dọc quốc lộ 1A  từ Đông Hà, Cam lộ, Gio Linh vào, từ Vĩnh Linh ra, nhiều dòng người đủ mọi phương tiện, lứa tuổi kết thành làn sóng người kéo dài nhiêu cây số. Họ đã chờ đợi, háo hức, hân hoan râm ran tiếng cười nói vui vẻ về hội tụ bên bờ sông Bến Hải, cầu Hiền Lương.

Ban tổ chức của lễ khai mạc “Lễ hội vì hòa bình năm 2024” tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao đã không phụ lòng của Nhân dân Quảng Trị bằng một chương trình nghệ thuật đặc sắc, đặc biệt, kết hợp đa không gian từ trên bờ xuống dưới sông, kết nối trục Bắc - Nam của cầu Hiền Lương với điểm nhấn là màn trình diễn số lượng lớn các thiết bị bay không người lái tạo nên hệ thống âm thanh, ánh sáng, hình ảnh phối hợp nhịp nhàng, hoàn hảo, lung linh, lộng lẫy. Đó là những điểm nổi bật có được bởi từ những điều đặc biệt.

1.Đây là lễ hội vì hòa bình đầu tiên của tỉnh Quảng Trị và cũng là lễ hội vì hòa bình đầu tiên của cả nước

Dân tộc Việt Nam, Nhân dân Việt Nam để có hòa bình, độc lập, tự do đã phải trải qua nhiều cuộc kháng chiến trường khổ, gian khổ, ác liệt để bảo vệ nền độc lập, giải phóng non sông.

hoa-binh-4-1721212413.jpg
Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng lễ hội. Ảnh: VGP/Đức Tuân
 

Ý nghĩa thiêng liêng của lễ hội này như tên gọi của nó là một sự tôn vinh giá trị của hòa bình, chuyển tải thông điệp về hòa bình của Nhân dân Quảng Trị trong dòng chảy khát vọng của dân tộc Việt Nam và các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.

Thế giới và quan hệ quốc tế đang diễn ra nhiều biến động, phức tạp, khó lường, chiến tranh vẫn diễn ra ở nhiều quốc gia, khu vực. Hòa bình để ổn định và phát triển luôn vẫn là một khát khao của nhiều dân tộc. Việc Quảng Trị tổ chức “Lễ hội vì hòa bình” sẽ càng trở nên ý nghĩa hơn, không chỉ có ý nghĩa với quốc gia dân tộc Việt Nam mà còn mang ý nghĩa mang tính quốc tế.

Quảng Trị là hình ảnh thu nhỏ tiêu biểu của đất nước Việt Nam và một trong những địa phương phải chịu đựng lớn nhất về sự khốc liệt của chiến tranh. Hủy diệt, mất mát lớn lao bao giờ cũng gắn liền với nhiều đau thương vô hạn.

Chiến tranh đã dần lùi xa những những vết thương bởi bom đạn vẫn còn hiện hữu hầu khắp vùng miền của Quảng Trị. 72 xã của Quảng Trị là đồng thời có 72 nghĩa trang liệt sỹ, trong đó có 2 nghĩa trang liệt sỹ quốc gia là Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sỹ Đường 9. Một tỉnh có dân số ít, hẹp về bề ngang, rộng về chiều dài nhưng số lượng và mật độ các di tích lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì không địa phương nào bằng.

Quảng Trị được mệnh danh là bảo tàng sinh động nhất về di tích lịch sử chiến tranh cách mạng với hơn 500 di tích, cụm di tích. Nổi bật nhất là các địa danh: Cồn Tiên, Dốc Miếu, Khe Sanh, Tà Cơn, Làng Vây, Đường 9, Đường mòn Hồ Chí Minh, sông Đắc Rông, sông Hiếu, sông Thạch Hãn, đôi bờ sông Bến Hải - cầu Hiền Lương, địa đạo Vịnh Mốc, Thành cổ Quảng Trị, Cửa Việt, Cửa Tùng… Chẳng nơi nào trên đất nước này lại có mật độ di tích cách mạng dày đặc và mang ý nghĩa sâu sắc như Quảng Trị. Đây là nguồn tài nguyên vô giá để địa phương bảo tồn và phát triển, phát huy loại hình du lịch tâm linh, du lịch về nguồn tìm hiểu lịch sử chiến tranh cách mạng, góp phần quan trọng bồi đắp và giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Xét trên nhiều tiêu chí, Quảng Trị xứng đáng được tôn vinh là vùng đất vì hòa bình và khát vọng về hòa bình thì có lẽ không đâu bằng Quảng Trị. Tỉnh Quảng Trị được Chính phủ cho phép tổ chức một lễ hội với thông điệp hòa bình nhằm tôn vinh các giá trị hòa bình, chuyển tải thông điệp vì hòa bình là một sự lựa chọn sáng suốt.

Điều rất quan trọng và ý nghĩa nữa là thời gian tổ chức “Lễ hội vì hòa bình” là vào tháng 7 linh thiêng, tháng cho nhiều hoạt động tưởng nhớ, tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ, nguyện cầu thế giới hòa bình. Từ đó, lễ hội vì hòa bình khi được tổ chức có quy mô quốc gia và quốc tế, nằm trong danh mục các lễ hội của Nhà nước thì sẽ đạt được mục tiêu vô cùng quan trọng là tôn vinh giá trị của hòa bình, kêu gọi mọi người cùng chung tay xây dựng, gìn giữ hòa bình cho quê hương, đất nước và nhân loại.

Lễ hội vì hòa bình diễn ra vào dịp kỷ niệm 70 năm ký kết Hiệp định Giơ ne vơ về đình chiến, lập lại hòa bình ở Đông Dương (1954-2024); kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (1947-2024) và hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (1975-2025). Lễ hội vì hòa bình năm 2024 còn là một hoạt động 25 năm ngày Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Tuyên bố và Chương trình hành động về văn hóa hòa bình; Ngày Quốc tế hòa bình và hưởng ứng “Năm của Hòa bình và Niềm tin quốc tế 2025” Liên hợp quốc.

2.Chuỗi hoạt động lễ hội đều mang thông điệp “hòa bình”, có ngày khai mạc chứ không thời gian kết thúc, bởi hòa bình luôn là khát vọng trường tồn của nhân loại, hòa bình là đích đến cuối cùng cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng

hoa-binh-2-1721212397.jpg

Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng lễ hội. Ảnh: VGP/Đức Tuân

Có lẽ đó cũng là cách mà Quảng Trị gửi đi một thông điệp: Bất cứ lúc nào, công chúng cũng có thể tận hưởng không khí lễ hội, không khí vì hòa bình tại Quảng Trị.

Từ lễ khai mạc của lễ hội gắn liền với những vũ điệu hòa bình sẽ là chuỗi liên tiếp các sự kiện mang tên “hòa bình”: Chương trình Giao lưu âm nhạc “Giai điệu hòa bình”- Đêm nhạc Trịnh Công Sơn sẽ diễn ra tại Công viên Fidel ở thành phố Đông Hà với sự góp mặt của nhiều nghệ sỹ tên tuổi như Cẩm Vân, Hồng Nhung, Quang Dũng, Trần Mạnh Tuấn, An Trần, Kyo York, Jmiko…; Chương trình nghệ thuật chính luận do Báo Nhân dân phối hợp tỉnh Quảng Trị tổ chức với chủ đề “Vĩ tuyến 17 - Khát vọng hòa bình”; Chương trình Giao lưu âm nhạc quốc tế mang tên “Giai điệu hòa bình” với sự tham gia của nhiều gương mặt nghệ sỹ đến từ các quốc gia: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Cu Ba, Australia, Lào, Campuchia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam; Chương trình “Ước nguyện hòa bình” diễn ra tại Bến thả hoa bờ bắc sông Thạch Hãn và Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị.

Điều đặc biệt trong đợt lễ hội này là Nhân dân, du khách mọi miền của đất nước khi đến Quảng Trị sẽ được nghe tiếng chuông cầu nguyện hòa bình diễn ra đồng thời với các hoạt động tri ân tại tất cả các nghĩa trang liệt sỹ, bia tưởng niệm, đền thờ các anh hùng liệt sỹ.

Nhìn các tiết mục nghệ thuật được phối hợp nhịp nhàng, uyển chuyển trong đêm khai mạc “Lễ hội vì hòa bình”, nhiều khán giả dễ dàng nhận ra lễ hội này được Ban Tổ chức triển khai theo hướng “mở”, chỉ có ngày bắt đầu chứ không có ngày kết thúc. Có lẽ đây cũng là cách mà tỉnh Quảng Trị gửi đến mọi người một thông điệp với mục tiêu lớn nhất của lễ hội là quảng bá hình ảnh Quảng Trị, những nét đặc trưng, đặc thù, đặc biệt của đất và người Quảng Trị lên bản đồ du lịch thế giới cho du khách và những mối quan tâm khác nhau đến với Quảng Trị.

3. Từ một cây cầu kết nối những nhịp cầu

Trong chương trình nghệ thuật đặc biệt khai mạc với chủ đề “Kết nối những nhịp cầu”, NSND Phạm Phương Thảo thể hiện ca khúc “Câu hò bên bờ Hiền Lương” của nhạc sỹ Hoàng Hiệp. Cô không đứng trên sân khấu lớn của lễ khai mạc mà biểu diễn trên một “sân khấu” rất đặc biệt gây xúc động mạnh cho hàng vạn khán giả. Ban Tổ chức đã vô cùng tinh tế khi để người nghệ sỹ xứ Nghệ này đứng hát trên con thuyền đang được người chèo trên sông Bến Hải dưới cầu Hiền Lương.

Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải đã từng trở thành nơi “chia mặt, cách lòng”, niềm thương nỗi nhớ cho nhân dân đôi bờ, sự chia cắt đất nước suốt 20 năm chiến tranh. Cầu Hiền Lương đã trở thành biểu tượng cho ý chí, quyết tâm, khát vọng thống nhất non sông cho cả một dân tộc.

Cầu Hiền Lương trong quá khứ và cầu Hiền Lương mới song song với chiếc cầu lịch sử ấy như là sự kết nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai.

Bài hát “Nhịp cầu nỗi những bờ vui” - một ý tưởng nghệ thuật của chương trình là những điểm đã chạm đến cảm xúc kết nối giữa lịch sử và tương lai, chuyên chở tinh thần chủ động hội nhập của Quảng Trị.

Từ cây cầu Hiền Lương trong lịch sử đến cây cầu trong bài hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương” của nhạc sỹ Hoàng Hiệp đến bài hát “Nhịp cầu nối những bờ vui” của nhạc sỹ Văn An, lời thơ Phan Văn Từ đã làm nổi bật rõ cái tiêu đề “Gắn kết những nhịp cầu” cho “Lễ hội vì hòa bình năm 2024”.

Có lẽ đó cũng là lý do đặc biệt để Quảng Trị chọn Di tích Quốc gia đặc biệt đôi bờ cầu Hiền Lương - sông Bến Hải là không gian đặc biệt tổ chức khai mạc Lễ hội vì hòa bình năm 2024.

4. Tiếng chuông hòa bình và cánh chim hòa bình mang khát vọng hòa bình

Trong chương trình nghệ thuật đặc biệt tại Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương tối 6/7/2024, ngoài những “khoảnh khắc hòa bình” trên dòng lịch sử dân tộc như hình ảnh Thánh Gióng cởi giáp bay về trời, Lê Thái Tổ hoàn trả gươm báu cho rùa thần, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tôi thật sự ấn tượng và xúc động với 2 hình ảnh được hiện thị trên không trung là cái chuông và chim bồ câu trắng tung bay.

Khi hình ảnh cái chuông hòa bình được ghép từ những chiếc drone light được gióng lên, khi đội hình drone biến đổi từ chuông hòa bình thành hình tượng chim bồ câu tung cánh cũng là thời khắc của Lễ hội vì hòa bình được tổ chức theo quy mô quốc gia, hướng tầm quốc tế lần đầu tiên chính thức khai mạc.

hoa-binh-3-1721212413.jpg

Chương trình khai mạc Lễ hội diễn ra tại khu di tích Hiền Lương - Bến Hải. Ảnh: VGP/Đức Tuân

Tiếng chuông ngân lên ngoài sự thể hiện cách tưởng nhớ, tưởng niệm những người đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất non sông, thì tiếng chuông đó ngân lên như là những lợi cầu nguyện, ước nguyện cho hòa bình luôn đến với mọi người, mọi quốc gia dân tộc.

Những cánh chim bồ câu luôn mãi là biểu tượng của tự do và hòa bình như lời bài hát “Tự nguyện” của nhạc sỹ Trương Quốc Khánh mà ca sỹ Hồ Quỳnh Hương đã hát trong đêm vì hòa bình: “Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng… Là chim, tôi sẽ cất cao đôi cánh mềm, từ Nam ra ngoài Bắc báo tin nối liền…”

Đất và người Quảng Trị trong chiến tranh đã từng phải chịu quá nhiều đau thương, mất mát. Trong hòa bình, Quảng Trị cần nhiều sự đồng cảm, sẻ chia của Nhân dân cả nước để từng bước hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa xã hội. Hình ảnh cái chuông cùng âm thanh vang lên của nó và đàn chim bồ câu trắng bay lên không trung trong khai mạc như là một mong muốn truyền tải thông điệp về góc nhìn mới, rằng hòa bình không chỉ là trạng thái không có xung đột và mở rộng ra, hòa bình còn là tình yêu giữa cá nhân và cộng đồng.

Hòa bình là khúc hoan ca, là niềm hạnh phúc, là những điều bình dị trong cuộc sống. Một thế giới hòa bình luôn đòi hỏi tất cả mọi người cùng chung sức, chung lòng, chung tay cùng nhau vượt qua sự khác biệt về ranh giới địa lý, dân tộc, tôn giáo, văn hóa để cùng nhau xây dựng một thế giới đầy yêu thương, chia sẻ.

Ban Tổ chức thật sự giúp người xem có cơ hội hiểu rõ hơn khát vọng hòa bình luôn tồn tại chính là giá trị tuyệt đối tạo nên nền tảng vững chắc để kiến tạo nên những điều kỳ diệu. Hòa bình không chỉ mang giá trị nhân văn sâu sắc mà còn là điều kiện căn bản, cốt lõi cho sự phát triển bền vững cho mỗi quốc gia dân tộc. Hòa bình cũng là mục tiêu cao nhất của hợp tác quốc tế và là giá trị chung của nhân loại.

Việt Nam là quốc gia chịu nhiều hậu quả nặng nề của chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất non sông. Đau thương, mất mát là vô cùng lớn lao, nên hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới, Việt Nam là quốc gia thấu hiểu giá trị của hòa bình và quyết tâm hành động bảo vệ hòa bình.

5. Pháo hoa được bắn lên trong nhạc điệu, ca từ của bài hát “Nối vòng tay lớn” để “chung tay kiến tạo thế giới hòa bình”

Tỉnh Quảng Trị đã làm rất tốt công tác giới thiệu, quảng bá, truyền thông về những nội dung sẽ có của lễ khai mạc “Lễ hội vì hòa bình năm 2024” trước ngày khai mạc. Khắp các con đường, tuyến phố, cây cầu, nơi giao nhau các con đường, ngã rẽ của thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh đến hòn đảo Cồn Cỏ anh hùng, các không gian công cộng, các di tích lịch sử cách mạng được trang trí nhiều băng rôn, biểu ngữ, biểu trưng.

hoa-binh-1-1721212397.jpg

Các đại biểu thực hiện một nghi thức đặc biệt tại chương trình. Ảnh: VGP/Đức Tuân

Kết thúc lễ khai mạc, trên bầu trời đất thiêng Quảng Trị, bên bờ đôi bờ cầu Hiền Lương và sông Bến Hải đã bừng sáng một góc trời bởi dàn pháo hoa tuyệt đẹp, thiết kế tinh tế lên trời cao trong âm vang nhịp điệu bài hát “Nối vòng tay lớn” của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã mang lại những cảm xúc thiêng liêng cho người dân địa phương và du khách.

Những chùm pháo hoa lung linh, rực rỡ từ Di tích Quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương trong tháng 7 linh thiêng đã thắp lên một niềm tin vào tương lai tươi sáng và khát vọng về một nền hòa bình bền vững cho Việt Nam cũng như các quốc gia dân tộc trên toàn thế giới.

Trong và sau lễ hội, hy vọng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị yêu thương cần đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển du lịch chuyên đề vì hòa bình trên cơ sở sẵn có thế mạnh du lịch tâm linh, về nguồn kết hợp với các tài nguyên du lịch tự nhiên, nhân văn khác của địa phương để đa dang hóa các sản phẩm và tìm ra nhiều cách trải nghiệm ý nghĩa cho du khách trong và ngoài nước.

Trong chiến tranh, Quảng Trị đau thương và anh hùng. Trong hòa bình, Quảng Trị cần nhiều yêu thương, sẻ chia, đồng hành của nhân dân cả nước vì hòa bình và phát triển.

Tôi chỉ muốn kết bài viết này bằng việc trích một đoạn trong bài hát “Khát vọng Quảng Trị” của nhạc sỹ Võ Thế Hùng mà ca sỹ Tùng Dương đã hát trong đêm vì hòa bình: “Sau tất cả trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị. Ta đến ôm nhau mừng ngày thống nhất, Quảng Trị ơi, miền đất thiêng. Bao máu xương nở hoa hòa bình”.