Lễ Khánh thành công trình tu bổ và tôn tạo chùa Giai – Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh

Ngày 11/12/2024, tại xã Minh Tiến (trước đây là xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), UBND xã Minh Tiến đã phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ Khánh thành công trình tu bổ và tôn tạo Di tích Lịch sử cấp tỉnh - Chùa Giai. Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm, thu hút sự tham dự của chư tôn đức, lãnh đạo các cấp, đại diện đơn vị công đức, Phật tử và đông đảo nhân dân địa phương.

Lịch sử lâu đời và giá trị văn hóa của chùa Giai

Chùa Giai là một công trình kiến trúc tâm linh cổ kính, tọa lạc tại xóm Ngọc Chùa, xã Thanh Khai, trên nền đất thiêng của vùng địa linh nhân kiệt. Chùa được xây dựng vào thời Hậu Lê, ban đầu mang tên Văn Hoa tự, sau đổi thành Văn Giai dưới triều vua Thiệu Trị do kiêng tên húy của mẹ vua. Chùa thờ các vị Phật và Bồ Tát theo hệ phái Bắc Tông.

z6122096917096-841614fd5fa5bac2a3ec4d0e372f77f3-1733976563.jpg
Chương trình diễn ra trang trọng trong hai ngày 10 và 11 tháng 12 năm 2024, bao gồm các nghi thức tâm linh và hành chính.

Trong quá trình phát triển, chùa Giai không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân mà còn gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Giai đoạn 1930-1931, chùa là nơi hoạt động bí mật của Đảng viên, thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của xã Thanh Khai (Chi bộ Kiên Tiền). Năm 1945, chùa là nơi thành lập Mặt trận Việt Minh, vận động nhân dân đứng lên giành chính quyền. Trong kháng chiến chống Mỹ, chùa được sử dụng làm nơi cất giấu vũ khí và thiết bị cơ khí từ Vinh.

z6122105460274-64154008aa632e2cb9ab9e1b67c4b887-1733976674.jpg
Chùa còn lưu giữ nhiều pho tượng Phật cổ quý báu

Chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật, tiêu biểu như hệ thống tượng Phật với hơn 10 pho, trong đó có hai pho tượng Phật Thích Ca lớn tại chính điện, cùng các đại tự, câu đối và biển rước. 

Năm 2013, Chùa Giai được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh, đánh dấu bước ngoặt trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản này.

Công trình tu bổ và mở rộng khuôn viên

Với sự phát tâm công đức của gia đình ông Bùi Mạnh Cường, bà Nguyễn Thị Tố Quyên cùng với sự hỗ trợ từ Quỹ Thiện Tâm (thuộc Tập đoàn Vingroup) và sự chung tay của cộng đồng địa phương, dự án trùng tu và tôn tạo chùa Giai đã được triển khai, mở rộng khuôn viên từ 464m2 lên 3.800m2. Công trình bao gồm các hạng mục chính như:

Tòa Tam Bảo: Không gian chính thờ tượng Phật.

Nhà Tổ và Điện Mẫu: Nơi thờ các vị tổ sư và thần linh.

z6122105852311-480892957bd68d6d420f9f44405be74d-1733976718.jpg
Chùa còn lưu giữ nhiều pho tượng Phật cổ quý báu

Nhà khách, cảnh quan sân vườn và các công trình phụ trợ: Đáp ứng nhu cầu tham quan, sinh hoạt văn hóa tâm linh.

Công trình mang dấu ấn của kiến trúc chùa cổ Bắc Trung Bộ thời Hậu Lê, kết hợp với phong cách hiện đại, tạo nên một biểu tượng văn hóa thời đại Hồ Chí Minh.

Chương trình nghi lễ khánh thành

z6122096941222-3fbcfd7816aa4e7afcff5b3b5aed3109-1733976902.jpg
Chương trình diễn ra trang trọng trong hai ngày 10 và 11 tháng 12 năm 2024, bao gồm các nghi thức tâm linh và hành chính.

Ngày 10/12, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Nghệ An tổ chức các nghi lễ truyền thống như Lễ Điền Hoàn Long Mạch, Hô Thần Nhập Tượng, Khai Quang Yên Vị và tụng kinh cầu an, nhằm cầu chúc sự an lành, thịnh vượng cho chùa và cộng đồng. Sang ngày 11/12, lễ hành chính được tổ chức với sự tham gia của chư tôn đức, lãnh đạo chính quyền, Phật tử và đông đảo nhân dân. Chương trình mở đầu bằng văn nghệ chào mừng, tiếp đó là nghi thức chào cờ, tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu. Diễn văn khánh thành và báo cáo quá trình thi công được trình bày, ghi nhận sự đóng góp công đức của các tổ chức và cá nhân. Sau đó, đại diện lãnh đạo địa phương và các đơn vị công đức phát biểu, trao quà an sinh và thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành. Kết thúc, các đại biểu và nhân dân dâng hương cầu phúc và thụ lộc tại 100 mâm cỗ chay do gia đình tín chủ chuẩn bị. Chương trình không chỉ là sự kiện quan trọng đánh dấu sự hoàn thành công trình tu bổ mà còn là dịp để cộng đồng cùng nhìn lại và tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa của Chùa Giai. văn hóa dân tộc.

Lễ khánh thành đánh dấu sự hoàn thành của công trình tâm linh quan trọng, tiếp tục khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa của chùa Giai. Đây không chỉ là nơi hội tụ văn hóa tâm linh, mà còn là biểu tượng cho sự gắn kết cộng đồng và bảo tồn truyền thống của người dân xứ Nghệ. 

Trong tương lai, chùa Giai hứa hẹn sẽ là điểm đến văn hóa tâm linh thu hút du khách, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.