Phiên âm:
KINH BÁI HUYỆN TỨ ĐÌNH DỊCH,
CẢM HÁN CAO DI TÍCH
Phát tích tằng do Thập lý đình,
Phiếm Dương quả tự nghiệm long thành.
Hán đình công cẩu dung tương cạnh,
Thương lĩnh minh hồng túng viễn chinh.
Đắc quốc mạn ngôn tam xích thủ,
Thù công khước niệm nhị tiền doanh.
Ca Phong đài ngoại tầm dư điệu,
Duy hữu dương dương Tứ Thủy thanh.
Dịch nghĩa:
QUA TRẠM DỊCH ĐÌNH TỨ THỦY, HUYỆN BÁI,
CẢM KHÁI VỀ DI TÍCH HÁN CAO TỔ
Phát tích từ (chức Đình trưởng), Thập lý đình,
Ở Phiếm Dương, quả đã tự nghiệm thấy thành rồng.
Trong triều đình Hán, những con chó có công chấp nhận tranh giành với nhau,
Chim hồng bay cao ở Thương Lĩnh mặc sức bay đi xa.
Lấy được nước, nói bừa rằng lấy bằng ba thước kiếm,
Báo đáp công lao lại nhớ đến hơn hai tiền.
Tìm âm điệu còn sót lại ngoài đài Ca Phong,
Chỉ có tiếng sông Tứ chảy dào dạt.
Dịch thơ
Lưu Đình trưởng, Thập lý đình,
Phiếm Dương, đã nghiệm thấy mình hóa long.
Chó săn triều Hán tranh công,
Ở Thương Sơn, cánh chim hồng bay xa.
Hai tiền, ơn trước làm quà,
Mạn ngôn “Dựng nước bằng ba thước vàng”…
Ca Phong âm sắc tiêu tan,
Còn đây sông Tứ chứa chan dạt dào..
(VŨ BÌNH LỤC dịch)
Chuyến đi sứ lên Yên Kinh (Bắc Kinh) của sứ đoàn nước ta, khởi đầu từ mùa xuân năm Canh Thìn (1760). Sau Nguyên Đán năm Tân Tỵ (1761), mùa xuân, sứ đoàn bắt đầu lên đường trở về. Kết thúc chuyến đi và về, dềnh dàng tổng cộng gần tới 3 năm trời đằng đẵng.
Ba năm đi sứ sang nhà Thanh, Lê Quý Đôn đã xông xáo đi rất nhiều nơi, thưởng lãm rất nhiều danh lam thắng cảnh, nghe rất nhiều chuyện, nghĩ rất nhiều điều, sáng tác khá nhiều thơ ca. Một nhiệm vụ quan trọng của sứ thần, là phải quan sát phong tục tập quán, nghiên cứu lịch sử, văn hóa của nước sở tại. Để làm gì? Là để có đủ tri thức mà đối đáp giao lưu với người ta, thể hiện rõ bản lĩnh của sứ thần, quyết không để họ coi thường nước nhỏ. Lê Qúy Đôn đã chứa đầy sách vở trong bụng, lại may mắn được trực tiếp kiểm chứng trên đường đi và về, nên ông rất tự tin. Và thực tế trong chuyến đi này, hình ảnh Lê Quý Đôn, sứ thần một “thuộc quốc”, một “Di quan”, đã được trí thức quan lại nhà Thanh và cả Triều Tiên, hết sức ngưỡng mộ. Ông đã làm vẻ vang cho văn hóa nước Đại Việt, một quốc gia có truyền thống văn hiến lâu đời, khiến đối tác phải nghiêng mình nể phục.
Căn cứ vào số liệu sưu tập hiện có, ngoài những trước tác khảo cứu công phu, Quế Đường tiên sinh còn viết khoảng 550 bài thơ. Chỉ riêng chuyến đi sứ, Lê Quế Đường cũng đã để lại khoảng ba trăm bài thơ. Trong đó, “Tiêu Tương bách vịnh” (Một trăm bài viết về Tiêu Tương), Ba chục bài viết về hồ Động Đình… Có thể nói không ngoa rằng, Lê Quý Đôn là nhà thơ Đại Việt viết về Trung Hoa nhiều nhất, sâu nhất. Văn minh, văn hóa Trung Hoa tập trung ở phía Nam, lại chủ yếu là ở vùng Việt Tây, Việt Đông, tức lãnh thổ của người Bách Việt, tức Nam Việt thời Triệu Vũ Đế (Triệu Đà) lãnh đạo. Lại cũng có thể nói không ngoa rằng, văn hóa Trung Hoa nằm gọn trong lòng bàn tay kỳ diệu của Lê Quý Đôn, nhà bác học vĩ đại, kiêm thi sĩ tài hoa vậy!
Cũng trong lần đi sứ này, Lê Quý Đôn đã giúp tìm ra 10 bài thơ viết trên vách chùa của hai vị quan Thượng thư nước ta từng đi sứ qua đây, trong đó, có 5 bài thơ của Thượng thư Trương Công Tán (chưa rõ ở triều đại nào) và 5 bài của quan Thượng thư Lê Hữu Kiều, cha vợ Lê Quý Đôn. Quế Đường, theo mạch cảm hứng, cũng làm luôn 5 bài thơ họa. Tổng cộng, ba vị là 15 bài thơ bàn luận sâu sắc về những yếu chỉ đặc sắc của Phật giáo. Hóa ra, trong mỗi nhà Nho nước ta, lại còn có một Thiền sư tiềm ẩn bên trong cái vỏ Nho gia. Đấy là chưa nói còn cả đạo Lão luôn tiềm tàng. Chính các cụ là những người đã giải thích rất hay về thuật ngữ “Tam giáo đồng nguyên”, chứ không phải mấy bác nghiên cứu đời mới đâu nhé!
Thôi chuyện này tôi sẽ viết đầy đủ trong bài Tổng quan cho cuốn thơ đi sứ, tiếp sứ, tiễn người đi sứ đang hoàn thiện bản thảo, ít nhất cũng hàng ngàn trang. Trở lại bài thơ QUA TRẠM DỊCH ĐÌNH TỨ THỦY, HUYỆN BÁI, CẢM KHÁI VỀ DI TÍCH HÁN CAO TỔ của Lê Quý Đôn.
Hai câu thơ đầu, tóm tắt về “lý lịch trích ngang” của Lưu Bang (Hán Cao Tổ). Ông ta xuất thân từ chức Đình trưởng một vùng đất nhỏ. Thời xưa, cứ 10 dặm thì người ta lập ra một Đình. Lưu Bang là Đình trưởng, phụ trách về an ninh, phòng ngừa chuyện trộm cướp trong địa phận một Đình. Mưu sự thành công, Lưu Bang lên ngôi ở Phiếm Dương.
Câu 3, “thuật” chuyện Lưu Bang lên ngôi, khi bàn luận về công lao giúp rập của bề tôi văn võ. Tác giả viết: “Trong triều Hán, những con chó có công chấp nhận tranh giành với nhau”. Là sao vậy? Chả là Lưu Bang từng tuyên bố một câu “xanh rờn”, khiến các võ tướng tái mặt, nhục nhã. Ông ta nói rằng các vị tướng võ chẳng qua cũng chỉ như con chó săn, “Khi đi săn, đuổi bắt giết con thú con thỏ là chó săn. Nhưng phát hiện ra dấu vết rồi ra hiệu cho chó săn truy nùng tận nơi là con người. Nay các ông có thể đuổi bắt con thú thôi, là chó săn có công vậy. Còn Tiêu Hà phát hiện ra tung tích và ra hiệu, là người có công vậy!”. Sử Ký Tư Mã Thiên viết như vậy đấy.
Câu bốn, “Chim hồng bay cao ở Thương Lĩnh mặc sức bay đi xa” là nói về bốn ông già, bốn người hiền ẩn dật ở núi Thương Lĩnh, hay còn gọi là Thương Sơn, không chịu ra cộng tác với Lưu Bang. Họ chả thèm tranh công với ai, nhưng cả thiên hạ đều ngưỡng mộ. Nhà thơ sứ thần viết tiếp:
Lấy được nước, nói bừa rằng lấy bằng ba thước kiếm,
Báo đáp công lao lại nhớ đến (người đã ủng hộ) hơn hai tiền.
Lưu Bang khi đắc thế, nắm được cả thiên hạ trong tay, ngạo mạn (mạn ngôn) nói bừa rằng ông ta lấy được thiên hạ bằng ba thước kiếm. Sách Sử Ký của Tư Mã Thiên chép câu nói của Lưu Bang, rằng “Ta từ kẻ áo vải, cầm ba thước kiếm mà lấy được thiên hạ, đó chẳng phải mệnh trời ư?”. Đúng là trời đã đem đến cho Lưu Bang những nhân tài kiệt xuất, như Trương Lương, Tiêu Hà. Chính Tiêu Hà đã giúp Lưu Bang nhận ra và sử dụng tài năng cầm quân kiệt xuất của Hàn Tín, mà Hạng Vũ chỉ dùng Hàn Tín ở chức nhỏ. Tín bỏ Hạng Vũ vì Vũ không dùng đúng tài năng của mình. Tiêu Hà nhìn rõ tài năng của Tín, đem Tín về cho Lưu Bang. Và cũng chính Hàn Tín đã thu về cho Lưu Bang hơn một nửa giang sơn. Kẻ đắc thắng thì lộng ngôn nói bừa là phải, ai cãi được nào? Lại cũng khi ban thưởng cho những người có ơn giúp đỡ tài chính khi Lưu Bang đang lúc khốn quẫn, ông ta đã ban thưởng thêm cho Tiêu Hà hơn hai nghìn hộ. Sao vậy? Là vì Tiêu Hà khi tiễn Lưu Bang đi lao dịch ở Hàm Dương, đã đưa cho Lưu thêm 2 tiền, so với người khác.Thế thôi. Tôi dịch hai câu thơ này, đã chuyển đổi vị trí, trộm nghĩ, cũng không phương hại gì đến cấu trúc nội hàm và nội dung tác phẩm.
Lịch sử đã trôi qua quá lâu rồi. Thời thế đã đổi thay như một quy luật tất yếu. Nhà Hán thịnh rồi suy, hưng rồi lại phế. Bài “Đại phong ca” của Lưu Bang, bây giờ còn âm hưởng gì nữa đâu. Thi nhân Lê Quế Đường than thở, rằng:
“Tìm âm điệu còn sót lại bên ngoài đài Ca Phong,
Chỉ có tiếng sông Tứ chảy dào dạt” mà thôi!
Đến đây, lại chợt nhớ bài thơ chữ Hán ĐỀ KIẾM của Nguyễn Trãi, có nhắc đến câu chuyện của Lưu Bang. Dịch nghĩa:
“Rồng thần từ xưa còn nằm ở Lam Sơn,
Việc đời đã biết trước rõ như ở trong lòng bàn tay.
Việc lớn đã chọn người, trời báo cho thánh nhân biết,
Thời thịnh mà gặp được, thì hùm sinh gió.
Thù nước đã rửa sạch mối hận hàng nghìn năm,
Trong hộp vàng xếp công muôn thuở.
Chỉnh đốn càn khôn từ đó là xong,
Thế gian lại có đếm xỉa gì đến những bậc anh hùng nữa”?
Tôi dịch bài thơ này ra thơ lục bát:
“Rồng thần nằm náu Lam Sơn,
Việc đời đã nắm ngọn nguồn trong tay.
Trời báo tin, chọn người hay,
Gặp thời thịnh, hổ có ngày bay lên.
Quốc thù rửa hận ngàn năm,
Hộp vàng kia cất giữ công vĩnh hằng.
Càn khôn chỉnh đốn đã xong,
Anh hùng xếp xó, ấy lòng thế gian”.
Bạn đọc nếu tinh ý sẽ dễ dàng nhận ra tình ý sâu thẳm của Nguyễn Trãi. Ông nhấn mạnh vào nguyên nhân thành công của cuộc kháng chiến chống giặc Minh vĩ đại, ấy là ở cả ba điều THIÊN THỜI, ĐỊA LỢI, NHÂN HÒA, ta đều có cả. Tội ác của giặc Minh đối với dân ta, đến cả trời đất, quỷ thần đều nghiến răng căm hận, huống nữa là người. Chỉ cần một đốm lửa nhỏ, có thể đốt cháy cả cánh đồng rộng lớn. Có cả “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, thì “hổ cũng có thể mọc cánh mà bay lên”. Hầu như tất cả nhân tài, vật lực của cả nước đều hội tụ chung một ý chí, một hướng tiến công, thắng lợi tất sẽ đến. Đó là thắng lợi, là máu xương của cả dân tộc, chứ đâu phải của riêng ai? Chính Nguyễn Trãi đã dùng trí tuệ, văn chương của ông để thu phục 11 thành trì, trong tổng số 14 thành trì của giặc Minh chiếm đóng hồi đó. Không cần tốn một mũi tên hòn đạn nào. Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đã chép như vậy. Ngoài một số trận bao vây diệt viện như Tốt Động, Chi Lăng,… quân ta chỉ phải tấn công đánh phá 3 thành, ác liệt nhất là thành Xương Giang. Đích thân Nguyễn Trãi đã 5 lần một mình vào thành Đông Quan thuyết phục Vương Thông phải đầu hàng. Công lao vô cùng lớn của Nguyễn Trãi, sau chiến tranh, những kẻ cầm quyền có biết đến không? Biết đấy, nhưng hiện thời đã hết chiến tranh, là thời điểm chia chác lợi quyền, thì chúng cũng coi như không biết, không cần biết. Thi nhân than thở:
Thù nước đã rửa sạch mối hận ngàn năm,.
Trong hộp vàng xếp công muôn thuở.
Hộp vàng (Kim quỹ) nào vậy? Hán Cao Tổ Lưu Bang ghi công các công thần, cho vào hòm vàng rồi cất vào nhà đá. Sau, Lưu Bang giết những công thần tài giỏi đã giúp ông ta dựng lên cơ nghiệp lẫy lừng. Hàn Tín thu về hơn một nửa giang sơn, cuối cùng cũng bị tru di tam tộc. Còn có nỗi uất hận nào hơn? Lê Lợi giết các công thần khai quốc như Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn. Lộng thần Lê Sát âm mưu hèn hạ đầu độc giết Tể tướng Lưu Nhân Chú. Lê Sát đồng mưu với hoàng hậu Nguyễn Thị Anh giết cả ba họ Nguyễn Trãi. Hình như Nguyễn Trãi đã linh cảm thấy điều gì sẽ xảy ra tương tự như ở thời Lưu Bang, cho nên, ông mới chiêm nghiệm rằng:
Chỉnh đốn càn khôn là xong,
Thế gian còn ai đếm xỉa gì đến những anh hùng nữa?
Lê Quý Đôn đến thăm huyện Bái, nghĩ đến câu chuyện Lưu Bang bạc đãi công thần mà đau lòng cảm khái. Ôi chao! Lịch sử ẩn chứa biết bao câu chuyện bi tráng, thế nhân ai mà chẳng đau lòng !