Đọc hai câu thơ của thi sỹ Huỳnh Văn Nghệ:
Từ thuở mang gươm đi mở nước,
Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long.
Tôi chợt nhớ tới công lao của những người đi mở cõi phương Nam. Nếu Chúa Tiên Nguyễn Hoàng có công đầu xác lập đất Thuận Hóa, Thừa Thiên Huế, thì Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh là người có công giữ đất Đồng Nai, mở cõi phương Nam, một vùng đất rộng lớn, làm nên hình dáng chữ S đất mẹ Việt Nam.
Công cuộc khai phá phương Nam bắt đầu từ năm 1558, dưới thời Chúa Nguyễn Hoàng. Trải qua 8 đời Chúa kéo dài 200 năm, lãnh thổ xứ Đàng Trong, mảnh đất phương Nam kéo dài đến tận Sài Gòn như hiện nay, phải mãi đến thời Chúa Nguyễn Phúc Chu mới được khai phá. Việc mở cõi của các Chúa Nguyễn đã tạo điều kiện định hình cơ bản lãnh thổ nước Việt. Trong quá trình mở mang bờ cõi, không thiếu những vị quan, tướng công đã đóng góp công sức, trong đó nổi bật nhất trước hết phải kể đến Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh.
Nguyễn Hữu Cảnh nguyên danh là Nguyễn Hữu Kính còn có các tên khác Nguyễn Hữu Lễ, Nguyễn Hữu Thành, Lễ Công, Lễ Tài Hầu, Thượng Đẳng Lễ, Chưởng Bình Lễ. Tước Lễ Thành Hầu.
Do lòng ngưỡng mộ công lao của ông, dân gian đọc trại húy Kính thành các âm: Kiếng, Kiến. Dưới thời Nguyễn vì kỵ húy Hoàng Tử Cảnh, nên âm Cảnh đọc trại thành Kính. Nhưng cách đọc trại này, ngày càng phai mờ, tên gọi Nguyễn Hữu Cảnh trở nên thông dụng hơn, ít người dùng tên Kính.
Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh sinh năm 1650 tại thôn Phước Long, xã Chương Tín, huyện Phong Lộc (nay xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), là người con thứ 3 của danh tướng Nguyễn Hữu Dật và bà Nguyễn Thị Thiên. Nguyễn Hữu Cảnh là cháu 9 đời của Nguyễn Công Duẩn.
Ông nội của Hữu Cảnh là Nguyễn Triều Văn (dòng Nguyễn Hữu tước Triều Văn Hầu, phò triều Lê và Nguyễn sơ), theo Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa. Nguyễn Hữu Cảnh là cháu 9 đời của Đức Nhị Khê Nguyễn Trãi, Khai quốc công thần của nhà Lê. Nguyễn Hữu Cảnh xuất thân dòng dõi con nhà tướng, trong một gia đình trâm anh thế phiệt lâu đời, có nguồn gốc cùng tổ với Chúa Nguyễn ở trang Gia Miêu Ngoại, huyện Tống Sơn, Thanh Hóa, lớn lên trong thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh, lại say sưa luyện tập võ nghệ. Sống ở xứ Đàng Trong, luôn luôn phải đối mặt với sự đe dọa từ xứ Đàng Ngoài. Nguyễn Hữu Cảnh được cha quan tâm dạy dỗ. Đến tuổi 20, ông đã nổi tiếng khắp nơi, bởi văn võ song toàn. Cha là danh tướng của Chúa Nguyễn, mỗi lần đi chặn đánh quân Trịnh ở phía Bắc, Nguyễn Hữu Dật đều cho cả con là Nguyễn Hữu Cảnh đi theo. Nên ngay lúc còn trẻ, Nguyễn Hữu Cảnh đã lập được nhiều chiến công.
Bởi vậy, tuy còn trẻ, nhưng ông đã được Chúa Nguyễn Phúc Tần đặc biệt chú ý đến Nguyễn Hữu Cảnh, phong cho ông chức Cai cơ, một cấp bậc cao của võ quan. Vẽ ngoài với vóc dáng hùng dũng, nước da ngăm đen, lại sinh vào năm Dần, nên thời đó thay vì gọi tên, người ta tôn ông là “Hắc Hổ”. Lịch sử cũng đã ghi nhận ông từng nhiều lần đem quân đi dẹp nhà Chiêm Thành:
Năm 1692, Chúa Nguyễn Phúc Chu, cử Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống binh đi đánh Chiêm Thành, mở mang và an định bờ cõi. Ông từng ra quân đánh bại quân Chiêm, truy đuổi đến tận kinh thành nước Chiêm, bắt được vua Chiêm là Bà Tranh và bọn thần tử là Tả Trà Viên, Kế Bà Tử, cùng các thân thuộc là Bà Ân đem về Phú Xuân hỏi tội. Chúa Nguyễn Phúc Chu cho sát nhập đất Chiêm vừa chiếm được vào lãnh thổ mình, lập trấn Thuận Thành và phủ Bình Thuận (nay là tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận), đồng thời cho Tả Trà Viên, Kế Bà Tử làm chức Khâm Lý và 3 người con của Bà Ân làm đề đốc, giữ Thuận Phủ và bắt đổi y phục theo người Việt Nam.
Cuộc bình định vừa xong, một người của nhà Mãn Thanh đã kết bè kết đảng, dấy loạn,.. Nguyễn Hữu Cảnh lại nhận lệnh Chúa Nguyễn đi đánh dẹp. Và được cử làm Trấn Thủ dinh Bình Khương (nay là Khánh Hòa – Ninh Thuận). Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh đã nhanh chóng thiết lập hệ thống cai quản, tổ chức nhân dân khai hoang, ổn định cuộc sống. Đề ra chính sách hòa đồng sắc tộc Chăm – Việt. Nhờ chính sách này đã góp phần to lớn vào việc ổn định, hòa hợp những điểm bất đồng trong cuộc sống của các tộc người.
Mùa Xuân năm 1698, Cao Miên cho quân đi cướp bóc dân buôn bán người Việt, triều đình sai Nguyễn Hữu Cảnh đi kinh lược đất Cao Miên. Vua Miên không chống cự nổi, phải đầu hàng và xin cống nạp như cũ trước đây.
Tháng 2 năm Mậu Dần (1698), để mở rộng đất đai, Nguyễn Hữu Cảnh lập một đoàn thuyền, men theo đường biển, rồi ngược dòng sông Đồng Nai đến Cù Lao Phố (Biên Hòa, Đồng Nai ngày nay), lập kế chiêu mộ lưu dân gồm nhiều thành phần: tù binh, người Hoa lưu vong… đến khẩn hoang. Biết tin Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược Đồng Nai, người dân quê ông Quảng Bình cũng như người dân Phú Xuân tin tưởng theo ông đến Đồng Nai khai hoang, lập nghiệp rất đông. Vì thế thời bấy giờ dân gian có câu ca:
Làm trai cho đáng nên trai,
Phú Xuân cũng trải, Đồng Nai cũng tường.
Trước tỉnh hình đó, Nguyễn Hữu Cảnh đã nhanh chóng thiết lập cơ sở hành chính thôn xã, lập Gia Định phủ, trên vùng đất từ Đồng Nai đến sông Tiền và chính thức cho sát nhập vào đất Đại Việt. Cuộc sống của dân cư nhanh chóng ổn địnhvà phát triển. Từng bước chủ quyền của người Việt được xác lập trên vùng đất đai Nam Bộ. Sài Gòn – Gia Định trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng đất mới.
Năm 1699, vua Chân Lạp là Nặc Thu, cho đắp lũy Bích Đôi, Cầu Nam, Nam Vang (Phnôm Pênh ngày nay) và quấy rối cướp bóc người Việt, Chúa Nguyễn Phúc Chu một lần nữa phái Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống suất đem quân, chiến thuyền chinh phạt quân Nặc Thu. Vua Chân Lạp buộc phải đầu hàng.
Tháng 4 năm 1700, Nguyễn Hữu Cảnh đem quân đến đóng ở đồn Cây Sao còn gọi Cù Lao Sao Mộc (nay thuộc huyện Chợ Mới, An Giang), đánh tan quân phiến loạn, rồi báo tin thắng trận về kinh. Tại đây, Nguyễn Hữu Cảnh bị nhiễm bệnh, hai chân tê liệt, ăn uống không được. Đúng vào dịp Tết Đoan Ngọ, ông miễn cưỡng đến dự tiệc để khích lệ ba quân và tướng sỹ, không may ông bị trúng phong, thổ huyết và qua đời tại Sầm Giang (Rạch Gầm) vào nhày 9/5 năm Canh Thìn (năm 1700), hưởng thọ 50 tuổi. Ngày 16/5 Âm lịch, trên đường chuyển quan về quê Quảng Bình, linh cửu ông tạm dừng ở Cù Lao Phố, để nhân dân Biên Hòa lập mộ huyền táng để tưởng nhớ công lao ông. Linh hài ông được đưa về an táng tại Thác Ro, thuộc huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Mới đây, được hậu duệ đời thứ 10, của ông đã tìm thấy ngôi mộ ông nằm trên một ngọn đồi cao thuộc dãy An Mã, xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Và đã được dòng họ Nguyễn Hữu và chính quyền địa phương tôn tạo khang trang trong một khuôn viên rộng lớn. Lăng mộ ông được xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia. Hiện trong khuôn viên lăng mộ ông có một tấm bia rất có giá trị. Bia mộ Nguyễn Hữu Cảnh được tạc bằng đá cẩm thạch, bia cao 1,2 m, mặt trước bia có khắc 3 dòng chữ Hán:
Dòng phải: Người mở mang miền Nam đầu tiên, bậc khai quốc thần thượng
Cấp của triều Nguyễn.\
Dòng giữa: Mộ của Vĩnh An Hầu Nguyễn Hữu Kính.
Dòng trái: Người cháu 4 đời của quý hương, quan đạo quân hưng nghĩa Ngũ
Đức Hầu Nguyễn Hữu Mạn lập bia mộ vào đời Gia Long sơ niên.
Mặt sau bia: Ngày 16/7/1925, Nguyễn Hữu Bài, Viện trưởng Viện Cơ mật, Đại thần thái tứ thái phó, Phúc môn bá Đại học sỹ điện Võ Hiện đã mang con là Thị Dương tôn kính phụng lập bia mộ này.
Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh là người đóng góp công sức rất lớn trong công cuộc mở cõi phương Nam, không chỉ vùng đất Đồng Nai – Gia Định trên bản đồ Việt Nam mà cả vùng Bình Thuận, Vĩnh Long, An Giang, định hình lãnh thổ Việt Nam trong một quốc gia thống nhất. Đặc biệt, lịch sử đánh giá cuộc kinh lược của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh mở cương vực mới cho đất nước không phải bằng chiến tranh, bạo lực, bằng súng đạn mà bằng uy đức, diễn ra trong hòa bình hòa hợp dân tộc và tôn giáo.
Sau khi qua đời Chúa Nguyễn Phúc Chu vô cùng thương tiếc, truy tặng ông tước “Hiệp Tán Công Thần, ĐặcTiến Dinh Chưởng, Tráng Hoàng Hầu”. Đến thời các vua Nguyễn (1802 – 1945) lại phong tước cho ông: “Khai Quốc Công Thần Võ Tráng, Võ TườngQuân Vĩnh An Hầu”; “Thượng Đẳng Công Thần Đặc Trấn Thủ Quốc Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu”. Năm 1852, vua Tự Đức ban sắc phong ông là “Thượng Đẳng Thần”.
Còn nhân dân vùng đất mới tôn kính tưởng nhớ ông vào cuối thế kỷ XVIII đã lập đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh còn gọi Đình Bình Kính, thuộc phường Hiệp Hòa (Cù Lao Phố), Biên Hòa, Đồng Nai, là di tích lịch sử được Nhà nước xếp hạng di tích cấp Quốc gia đặc biệt ngày 25/3/1991.
Để tưởng nhớ công đức của Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, nhân dân những nơi ông đến an dân, đã lập đền thờ hoặc bài vị như ở Campuchia, Quảng Bình, Quảng Nam, Tp. Sài Gòn.
Đặc biệt vùng đất Sài Gòn (nay Tp.Hồ Chí Minh) tên tuổi Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã đi vào lịch sử của vùng đất này, bởi năm 1698, quyền lực Nhà nước Đại Việt mới được xác lập ở đây, mà Nguyễn Hữu Cảnh là người góp công đầu trong việc tạo quyền lực đó./.