Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cấp xã bao gồm các Trung tâm Văn hóa - Thể thao (VH-TT) của các xã, phường, thị trấn và Nhà Văn hóa - Khu Thể thao của các ấp, khu phố[1]. Thời gian qua, hầu hết hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở của tỉnh Long An đã có sự phát triển mạnh mẽ và ngày càng hoàn thiện. Việc quan tâm đầu tư xây dựng và từng bước phát huy hiệu quả tính năng của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) tỉnh Long An, đến thời điểm cuối năm 2023 các thiết chế văn hóa, thể thao ở cấp xã và ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, đảm bảo chức năng hoạt động[2]. Nhiều công trình văn hóa, thể thao được quan tâm xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp và đang hoạt động với nhiều loại hình sinh hoạt cộng đồng đa dạng, phong phú. Cụ thể:
Tại các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh có 146/188 đơn vị có Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng[3] (VH-TT&HTCĐ) được ngân sách đầu tư xây dựng, trong đó một số được các huyện đầu tư bằng vốn đối ứng xây dựng với quy mô đạt chuẩn theo quy định (đạt tỷ lệ 77,6%). Các trung tâm cơ bản đảm bảo các tiêu chí được quy định của Bộ VH, TT&DL[4]. Trong đó, 93 trung tâm cơ bản đạt chuẩn được xây dựng mới hoặc sửa chữa nâng cấp, 53 trung tâm cải tạo từ hội trường hoặc ghép với hội trường UBND xã; 72/188 trung tâm nằm trong khuôn viên UBND xã, 74 trung tâm nằm ngoài khuôn viên UBND xã; 93 trung tâm trên 200 chỗ ngồi, 53 trung tâm dưới 200 chỗ ngồi.
Tại các ấp, khu phố toàn tỉnh có 992/996 đơn vị có Nhà Văn hóa - Khu Thể thao, (đạt tỷ lệ 99,5%), trong đó 782 nhà kiên cố được xây dựng mới hoặc cải tạo cơ sở cũ và 210 nhà bán kiên cố và sử dụng Đình, Miếu, cơ sở thờ tự và mượn nhà người dân; đa số chỉ đảm bảo chức năng hội họp, một số ít Nhà văn hóa có diện tích và cơ sở vật chất đảm bảo cho tổ chức văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và tổ chức các hoạt động khác. Mặc dù chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn của Bộ VH, TT& DL quy định[5]. Nhưng với sự nỗ lực phấn đấu của các địa phương, cơ sở, một số xã đã từng bước tiến hành xây dựng mới hoặc cải tạo cơ sở cũ với phương thức xã hội hóa hoặc theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từ đó nhiều Nhà Văn hóa - Khu Thể thao ấp tương đối khang trang và tổ chức hoạt động hiệu quả như: Huyện Bến Lức, Đức Hòa, Châu Thành, Cần Đước, Cần Giuộc, Mộc Hóa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, thị xã Kiến Tường, thành phố Tân An,…
Hàng năm, số lượt người dân đến tham gia các hoạt động của trung tâm, nhà văn hóa ngày càng tăng. Các thiết chế trên đã góp phần tạo cơ sở và điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao nhằm thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh giao và phục vụ nhu cầu thụ hưởng văn hóa của Nhân dân. Tại các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, nhiều lớp học, hội nghị, hội thảo chuyên đề, sinh hoạt văn hoá, chương trình trung thu, quốc tế thiếu nhi, mừng Đảng mừng Xuân,… được tổ chức với hàng triệu lượt người tham dự. Qua đó, góp phần bồi dưỡng, nâng cao trình độ dân trí, tạo nhiều cơ hội hưởng thụ về văn hóa cho cán bộ và bà con Nhân dân trên nhiều lĩnh vực về văn hóa, chính trị, xã hội, thời sự, pháp luật, học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh,… Trong đó, thu hút nhiều nhất là các hội thảo chuyên đề về khuyến nông, khuyến ngư, ứng dụng khoa học kỹ thuật nông nghiệp, vì đây là những chuyên đề gắn bó thiết thực với cuộc sống lao động sản xuất của người dân, nên được bà con nông dân tham gia đông đảo. Các lớp tập huấn, dạy nghề ngắn hạn cho người lao động ở nông thôn cũng được nhiều trung tâm phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức khá tốt. Ngoài ra, các câu lạc bộ được hình thành tại các trung tâm như: Câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, Đờn ca tài tử, Câu lạc bộ thơ ca, cây cảnh, khiêu vũ, thể dục dưỡng sinh, võ thuật, thể thao,… thu hút đông đảo quần chúng tham gia.
Về sân chơi thể thao, toàn tỉnh hiện có trên 1680 sân bãi cơ sở tập luyện các môn thể thao gồm: 319 sân bóng đá (24 sân bóng đá 11 người), 253 sân bóng chuyền, 18 sân bóng rổ, 247 sân cầu lông và đá cầu, 64 sân quần vợt, 42 hồ bơi (21 hồ cố định), 29 phòng tập thể dục thẩm mỹ và thể hình, 579 điểm bida, 12 sân patin, 74 sân tập luyện võ thuật, 40 tụ điểm bóng bàn, 03 nhà tập luyện thể thao; có 13 doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể dục thể thao góp phần phục vụ nhu cầu tập luyện thể dục thể thao trong quần chúng nhân dân và thanh thiếu nhi tham gia. Hệ thống sân bãi, cơ sở, tụ điểm sinh hoạt thể dục thể thao nói trên nằm rải rác ở cơ sở, nhưng phần lớn đặt tại thành phố, thị xã, thị trấn và gần với Trung tâm VH-TT&HTCĐ xã.
Có thể thấy, nhờ có các thiết chế văn hóa này mà nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và giáo dục đa dạng, phong phú được tổ chức thường xuyên; người dân địa phương được thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng ở cơ sở góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của quần chúng nhân dân, tạo diện mạo mới ở các khu dân cư, góp phần nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và là phương tiện tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Qua khảo sát thực tế ý kiến Nhân dân trên địa bàn tỉnh cho thấy hiệu quả thu hút của các trung tâm và nhà văn hóa ở cơ sở là khá lớn, tỷ lệ người dân được hỏi thường đến sinh hoạt tại các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa chiếm đa số so với các thiết chế khác[6]. Kết quả này cũng khá tương đồng với kết quả đánh giá tại báo cáo của Sở VH, TT&DL (Theo báo cáo có khoảng 72/188 trung tâm hoạt động thường xuyên, hiệu quả chiếm tỷ lệ 38,2%).
Còn về phía chính quyền cơ sở, khi được hỏi về kết quả hoạt động của các thiết chế văn hóa trên địa bàn, phần lớn các địa phương đều cho rằng các thiết chế được phát huy và khai thác rất hiệu quả.
Bên cạnh các kết quả đạt được, việc phát huy hiệu quả của các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa hiện tại trên địa bàn còn một số hạn chế như: Phần lớn các thiết chế ở cơ sở trong tỉnh đều chưa đạt yêu cầu về diện tích, trang thiết bị, hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí cho trẻ em (53/146 tương đương 36% Trung tâm VH-TT&HTCĐ chưa đạt chuẩn theo quy định, 42/188 đơn vị cấp xã chưa có Trung tâm VH-TT&HTCĐ, 701/996 tương đương 70% Nhà văn hóa ấp, khu phố chưa đạt chuẩn theo quy định). Hầu hết các trung tâm, nhà văn hóa ấp chỉ phát huy hiệu quả của hội trường (sử dụng làm nơi tổ chức hội họp, diễn ra các hoạt động của bộ máy chính trị địa phương, nơi học tập, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân hoặc tổ chức văn nghệ, hội diễn,...), chỉ có gần 40% các trung tâm, nhà văn hóa tổ chức tốt và hiệu quả các câu lạc bộ dưỡng sinh, võ thuật, đờn ca tài tử và các lớp năng khiếu cho thanh, thiếu niên, số còn lại vẫn chưa phát huy công năng của mình. Ngoài ra, theo kết quả khảo sát thực tế thì việc đầu tư và khai thác cũng như thu hút Nhân dân đến sinh hoạt của các loại hình thiết chế khác cũng chưa mang lại hiệu quả thiết thực, thậm chí còn có dấu hiệu lãng phí (có khoảng 31,7% người dân được khảo sát không quan tâm đến bất kỳ thiết chế văn hóa cơ sở nào).
Có một số nguyên nhân chính dẫn đến các hạn chế này: Vị trí xây dựng các thiết chế văn hóa không thuận lợi do thiếu quỹ đất công; bộ máy quản lý kiêm nhiệm nên tổ chức hoạt động còn hạn chế; thiếu kinh phí hoạt động; thiếu loại hình hoạt động thu hút người dân; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Đảng ủy, chính quyền ở cơ sở một số nơi chưa kịp thời; sự dịch chuyển và biến động của đời sống Nhân dân ngày càng phong phú đa dạng hơn do quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Thời gian tới, để tiếp tục phát huy hiệu quả cũng như khắc phục những hạn chế tồn tại của thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trong thời gian tới, Long An cần thực hiện tốt một số giải pháp cụ thể sau:
Một là, tăng cường hơn nữa sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và sự phối hợp của các cấp chính quyền địa phương với các ban ngành, đoàn thể trong việc đầu tư về cơ sở vật chất kỹ thuật và bố trí nguồn nhân lực, kinh phí phù hợp để tổ chức hiệu quả các hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.
Hai là, tiếp tục quan tâm công tác quy hoạch, tạo quỹ đất, bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách và huy động xã hội hóa xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp, mở rộng sửa chữa, nâng cấp về cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị cho hệ thống Trung tâm VH-TT&HTCĐ cấp xã và Nhà Văn hóa - Khu Thể thao ấp, khu phố đảm bảo đạt chuẩn theo quy định. Thực tiễn, khi khảo sát ý kiến chính quyền cơ sở về những loại hình thiết chế văn hóa, thể thao cần được ưu tiên xây dựng và cải tạo, phát huy trên địa bàn trong thời gian tới, đa số đều xác định là cần ưu tiên đầu tư các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa.
Ba là, Sở VH, TT&DL, các Phòng VH-TT cần thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn về phương pháp tổ chức hoạt động chuyên môn nghiệp vụ đối đội ngũ cán bộ văn hóa ở cơ sở. Sở Nội vụ nghiên cứu, tham mưu chính sách bố trí biên chế chuyên trách cho trung tâm văn hóa, nhà văn hóa vì hiện nay đa số là kiêm nhiệm.
Bốn là, ban giám đốc, ban chủ nhiệm và cán bộ phụ trách công tác văn hóa, thể thao ở cơ sở cần chủ động đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tổ chức phong phú, đa dạng các loại hình hoạt động, chú trọng xây dựng, phát huy các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí nhằm thu hút người dân tham gia sinh hoạt tại hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, đặc biệt là ở Trung tâm VH-TT&HTCĐ cấp xã và Nhà Văn hóa - Khu Thể thao ấp, khu phố.
Năm là, thường xuyên tiến hành kiểm tra đánh giá hiệu quả việc sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, kịp thời khắc phục khó khăn, vướng mắc; lồng ghép việc sơ, tổng kết đánh giá hàng năm trong hội nghị tổng kết ở địa phương. Đồng thời, đưa ra mô hình cụ thể nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức tổ chức hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa văn hóa, thể thao cơ sở đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí và học tập của người dân góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, trong đó chú trọng đến đối tượng người cao tuổi và trẻ em và phù hợp với đặc thù đời sống kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Tóm lại, việc phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân của tỉnh Long An trong thời gian qua. Chính vì thế, các cấp, các ngành, địa phương cần quan tâm đến công tác đầu tư và phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động cũng như tổ chức quản lý trung tâm VH-TT&HTCĐ, nhà văn hóa - khu thể thao./.
[1] Quyết định 2164/QĐ-TTg ngày 25/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030.
[2] Báo cáo số 2428/BC-SVHTTDL ngày 10/10/2023 của Sở VH, TT&DL tỉnh Long An về Thực trạng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh.
[3] Từ năm 2011 đến khi Quyết định 2164/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 03/2011/QĐ-UBND ngày 09/02/2011 về việc ban hành Chương trình phát triển văn hóa nông thôn trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020; Đồng thời UBND tỉnh chủ trương sáp nhập Trung tâm Học tập cộng đồng cấp xã của ngành giáo dục quản lý vào Trung tâm Văn hóa - Thể thao với tên gọi chung là Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng nhằm kiện toàn bộ máy hành chính cấp xã và nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao.
[4] Điều 6, Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010 quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Trung tâm VH-TT xã và Điều 1, Thông tư 05/2014/TTBVHTTDL ngày 30/5/2014 về sửa đổi, bổ sung Điều 6 của Thông tư số 12/2010/TTBVHTTDL ngày 22/12/2010 của Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Trung tâm VH-TT xã
[5] Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 08/3/2011 của Bộ VH, TT và DL về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Nhà Văn hóa - Khu Thể thao thôn và Thông tư số 05/2014/TTBVHTTDL ngày 30/5/2014 của Bộ VH, TT và DL
[6] Số liệu của các Biểu đồ 1, 2 và 3 được tổng hợp từ kết quả khảo sát của Trường Chính trị tỉnh Long An công bố cuối năm 2023 khi thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Long An đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá”.