Lồng bàn “màn tuyn” - Nét đẹp độc nhất tại làng mây tre đan Phú Vinh

Từ hơn 1.200 sợi nan mỏng như những sợi chỉ, dưới bàn tay vợ chồng nghệ nhân Trần Văn Khá và Nguyễn Thị Tiến, những chiếc lồng bàn “màn tuyn” chỉ nặng vỏn vẹn 290g độc nhất vô nhị ra đời.
anh-1-chiec-long-ban-man-tuyn-1701791929.jpg
Chiếc lồng bàn màn tuyn độc lạ mỏng nhẹ chỉ nặng 290g. Ảnh: Mai Trang

Với hơn 40 năm truyền thống làm nghề mây tre đan, làng Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội nổi tiếng khắp cả nước với hàng trăm mẫu mã đan lát thủ công tỉ mỉ và bắt mắt. Là một người con lớn lên nơi đất nghề cha ông, bà Nguyễn Thị Tiến đã theo bố mẹ làm nghề đan từ khi 6-7 tuổi, sau dần dần quen và giữ cho mình cái nghề để kiếm sống.

Qua đôi bàn tay của bà Tiến, hàng trăm vật dụng, sản phẩm thủ công như khay đựng, làn, túi xách,... được ra đời. Với khát khao đổi mới và sáng tạo nghề truyền thống, ông Trần Văn Khá và bà Nguyễn Thị Tiến đã tìm hiểu và sáng chế ra chiếc lồng bàn “màn tuyn” mỏng nhẹ và đầy nghệ thuật.

Từ những ý tưởng ban đầu với hai ba trăm sợi nan đến khi hoàn thiện ý tưởng, chiếc lồng bàn độc đáo này thu hút khách hàng bởi sự tỉ mỉ, khéo léo và chắc chắn với hơn 1.200 sợi nan mỏng. Những sợi nan được đan vào nhau dày dặn như chiếc màn tuyn (màn chống muỗi), từ đó mà mọi người truyền tai nhau tên gọi “màn tuyn” cho chiếc lồng bàn ấy.

Mỗi sản phẩm đan lát đều phải trải qua rất nhiều công đoạn như mua mây, cạo vỏ, chẻ nan, phơi sợi,.... Tuy nhiên với lồng bàn màn tuyn, việc lựa chọn cây mây rất quan trọng vì nó có thể ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm. Ông Khá tâm sự: “Một cây mây đạt chuẩn ống phải nhỏ, gióng phải dài đều, không có nhánh quả và phải già đến độ vừa phải. Để chẻ được những sợi nan đẹp thì phải chẻ từng công riêng phù hợp với từng họa tiết, chứ không phải cứ thích chẻ thế nào cũng được” .

anh-2-soi-nan-nho-dai-va-mong-1701792012.jpg
Sợi nan nhỏ, dài và mỏng như sợi chỉ. Ảnh: Mai Trang

Mỗi chiếc lồng bàn phải mất trung bình từ 5 đến 6kg mây tươi, sau khi mua mây về ông Khá phải chọn lựa, sau đó, bà Tiến sẽ róc hết những mấu còn thừa, tiếp đó mây được chẻ đều rồi đem đi hun sấy. Khâu sấy sợi mây, ông Khá sử dụng lưu huỳnh nhằm tạo độ bền và tạo màu trắng tinh.

Sau đó đem đi phơi khô, phơi mây không được phơi ngoài trời nắng sẽ khiến mây bị đỏ màu. Để hoàn thiện được một tác phẩm lồng bàn màn tuyn phải phải mất từ 15-16 ngày, thậm chí hai mươi ngày mới có thể giao đến cho khách. Chính vì thế, khách đến mua hàng đều cần phải đặt trước, có khi còn không thể đặt vì ông bà không làm kịp.

anh-3-ong-tran-van-kha-1701792075.jpg
Ông Trần Văn Khá cạo mây bằng lưỡi dao tự chế. Ảnh: Mai Trang

 Mỗi ngày, hai người thợ ấy lại cùng nhau làm việc, ông cạo mây, bà đan sợi nhuần nhuyễn và thuần thục. Mỗi sản phẩm làm ra đều chứa đựng cả cái tâm và tình của hai vợ chồng ông Khá. “Dù có nhiều người đặt hàng nhưng chúng tôi không bao giờ làm ồ ạt, không bao giờ nghĩ làm xấu đi, phải cái nào như cái đấy. Mình làm xấu đi người ta cũng không biết nhưng cái tâm của mình không cho phép” Ông Khá trải lòng.

anh-4-ba-nguyen-thi-tien-1701792140.jpg
Bà Nguyễn Thị Tiến nổi tiếng là người sáng tạo và đan lát giỏi trong làng. Ảnh: Mai Trang

Chia sẻ về lý do lựa chọn sáng tạo lồng bàn, ông Khá cho biết, lồng bàn là một vật dụng rất thân thuộc với gia đình người dân Bắc Bộ, là nếp sống văn hóa sinh hoạt và tâm linh của người dân Việt. Khách hàng mua lồng bàn thường đem tặng lưu niệm, hoặc trưng bày trên bàn thờ gia tiên.

Thu hút bởi sự độc đáo và tinh xảo của tác phẩm lồng bàn “màn tuyn”, vợ chồng ông Trần Văn Khá đã được mời đi giao lưu, biểu diễn ở nước ngoài, giúp lan tỏa văn hóa truyền thống của Việt Nam ra thị trường quốc tế. Cuối năm 2020, lồng bàn “màn tuyn” của vợ chồng ông Khá đạt giải nhất Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2020 do Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tổ chức với trọng lượng chỉ 290g. Hiện nay, mỗi chiếc như thế ông bà bán với giá hơn 30 triệu đồng.

anh-5-bo-nong-nghiep-va-phat-trien-nong-thon-1701792214.jpg
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chứng nhận chiếc lồng bàn của ông Trần Văn Khá đoạt giải nhất Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2020. Ảnh: Mai Trang

Tuy nhiên, hiện nay kinh tế thị trường thay đổi, nghề thủ công truyền thống gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển kéo theo đó là nguy cơ dần mai một. Đó cũng chính là niềm trăn trở lớn của hai nghệ nhân lồng bàn Phú Vinh ấy. Ông Khá tâm sự “Trong làng cũng nhiều người đan nhưng không ai làm được cái này. Tôi chỉ tiếc là tôi già rồi, trăn trở là con cái không theo nghề mình.”

Niềm trăn trở của hai vợ chồng ông Khá cũng là niềm trăn trở của rất nhiều nghệ nhân làng nghề thủ công truyền thống xứ Phú Hoa Trang (làng Phú Vinh nay) về sự trao truyền tiếp nối cho thế hệ sau. Nhưng, với tình yêu và niềm đam mê, có lẽ vợ chồng nghệ nhân Trần Văn Khá và Nguyễn Thị Tiến vẫn sẽ trân trọng theo đuổi cái nghề của cha ông truyền dạy cho đến khi tay yếu mắt mờ.