Mắt máu (Tri ân các anh hùng, liệt sĩ nhân ngày TBLS 27/7)

Lượng( cụt ) cùng Lý( béo) khiêng nước lên chốt nói với tôi rằng: - Anh ơi, anh Trọng và Yên chết rồi !
b1tbls1-1690425279.jpg
 

b2tbls2a-1690425449.jpg

Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

 

Tôi đang ngồi trên tảng đá ở đỉnh quả đồi mà chúng tôi đang chốt bật dậy nói to :

-Ai chết, mày nói ai chết ?

Lượng thở hổn hển, mặt đẫm mồ hôi vì khiêng nước lên đồi nói rành rọt :

-Anh Trọng và anh Yên chết rồi ..

-Tôi gằn giọng : vì sao chết, giờ đang ở đâu???

- Lượng nói: Bị phục, xác đang dưới trung đoàn

Tôi với khẩu AK nhẩy qua mấy quả mìn mà chúng tôi gài trên lối mòn lên đồi và chạy như bay xuống dưới. Vẳng lại sau lưng tiếng Lượng và Lý kêu to:

-Anh ơi…cẩn thận

Ngày chúng tôi mới vào: Trung đội trinh sát, kế toán C18 E55 F341 thì anh Trọng là trung đội trưởng. Anh là người Quảng bình nhập ngũ năm 1974 khi mà cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào một cao trào mới, dân tộc ta hoàn toàn thống nhất sau 30 năm Bắc - Nam chia cắt. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi chưa được bao lâu, thì bè lũ Pon pốt được sự tiếp tay của Trung nam hải bắt đầu xâm lấn nước ta. Chúng gây ra cái chết của hàng ngàn người dân vô tội. Chúng xâm lấn dọc tuyến biên giới đặc biệt là Tây Ninh, An Giang và Kiên Giang. Tội ác tột cùng là ngày 18/4/1978 quân Khơ me đỏ tràn vào Ba chúc huyện tri tôn tỉnh An Giang. Chúng chém giết, tàn sát 3157 người dân vô tội. Chúng ta muốn hoà bình, nhưng kẻ thù buộc ta ôm cây súng để chiến đấu, bảo vệ đồng bào và giữ yên bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc. Anh lại cùng đồng đội bước vào cuộc chiến mới ở biên giới tây nam

Anh Trọng có dáng người đậm, cao khoảng 1m65 khuôn mặt chữ điền nam tính và nước da bánh mật. Anh bảo ban chúng tôi, những chàng trai người Hà nội vừa mới rời ghế nhà trường vẫn đang ngơ ngác giữa khói lửa của cuộc chiến.

Ngày đó chúng tôi đang ở đường 13, con đường từ Bến Sỏi tỉnh Tây Ninh chạy sâu vào trong tỉnh Xvay Riêng của Căm pu Chia. Đang là mùa mưa nên con đường được lát bằng những thân cây nằm ngang và cột chặt bằng dây thép cho xe chạy. Ngoài việc học tập huấn luyện nghiệp vụ trinh sát pháo binh, anh còn dậy chúng tôi làm hầm, đắp luỹ quanh nhà.

Điều mà tôi ấn tượng với anh nhất là ngày 12/11/1978. Khi đó, chúng tôi đã hành quân sang đường 1 qua cửa khẩu Mộc Bài đóng quân ở rừng Sở sâu trong đất Căm pu Chia khoảng 10 km và gần với Ba Véc 2. Chắc anh đã đọc lý lịch của tôi nên sáng hôm đó khoảng hơn 9 h, anh tập trung 20 thằng lính Hà nội chúng tôi lại và nói:

-Hôm nay sinh nhật Quyết, chúng ta đi cải thiện một tý. Thế rồi anh dẫn chúng tôi đi theo một con mương nhỏ hướng về phía Ba véc. Đi khoảng hơn 1 km đến một hố bom nằm ở bãi đất trên cao, chung quanh là ruộng nước. Chúng tôi chưa hiểu chuyện gì thì anh đặt cái gùi đeo trên lưng xuống và lôi ra một đầu đạn pháo 105mm. Quả đạn to như một cái bắp chuối nhưng dài hơn. Một ưu điểm của đạn 105mm ( pháo của Mỹ ) là ngoài độ sát thương cao, sức công phá lớn với rất nhiều loại đầu đạn ( đạn khói, đạn pháo sáng, đạn xuyên, đạn chạm nổ, đạn hoá học, đạn đinh vvv ) Trong đó đạn đinh và đạn hoá học bị cấm do là vũ khí giết người hàng loạt. Ưu điểm đó là: đạn và cát tút rời nhau. Khi bắn, kế toán xác định cự ly, thước tầm, hướng bắn và cả liều thuốc ( Đạn 105 mm có 7 liều, trong đó liều 7 là mạnh và bắn xa nhất, liều 1 là bắn gần nhất. Tuỳ theo độ xa gần, cao thấp của mục tiêu mà kế toán pháo binh chỉ định liều bắn. Liều phóng được đựng trong 7 túi vải liên kết bằng các sợi dây. Khi bắn ở liều 7 người pháo thủ cho cả 7 liều phóng vào trong cát tút và lắp đầu đạn vào. Khi bắn ở liều 6 thì bỏ bớt ra một túi và cứ thế liều 5 thì bỏ ra hai túi, đến liều 1 là còn một túi liều phóng ) Một ưu điểm nữa là cát tút của đạn 105 mm không làm bằng kim loại mà bằng giấy ép nên rất nhẹ và đỡ tốn kém.

Lúc này anh Trọng lôi ra quả đạn 105 mm và lấy một quả lựu đạn US loại chỉ xanh và buộc vào phía mặt cắt của quả đạn. Khi buộc xong anh nói:

- Hôm nay sinh nhật Quyết cho nên anh em mình đánh cá bằng quả đạn này nhé. Thế rồi anh thận trọng đưa quả đạn đã buộc lựu đạn cho tôi và bảo. Khi nào anh hô thì ném ra giữa hố bom nhé. Cái hố bom này chắc từ thời Mỹ và là loại bom tấn nên hố bom rộng và gần đầy nước. Anh hô tất cả anh em tản ra chung quanh và nằm xuống. Khi tất cả đã vào vị trí an toàn thì anh bảo tôi :

- Chuẩn bị nhé, tôi gật đầu và duỗi thẳng cái chốt an toàn của quả US đồng thời nắm chặt lấy mỏ vịt. Quả đạn nặng lên tôi phải dùng cả hai tay để nắm, anh đứng cạnh hơi vỗ nhẹ vào vai tôi như động viên và rút chốt quả lựu đạn ra.

-Anh hô to: một .. hai .. ba .. Tôi dùng cả hai tay ném quả đạn ra giữa hố bom, mỏ vịt của quả Us bung ra và quả đạn theo hình vòng cung rơi giữa hố bom một cột nước nhỏ tung lên. Cùng lúc anh kéo tôi nằm xuống ...rồi Rầm ... một tiếng nổ lớn và một cột nước cao dựng lên, nước bắn tung toé ra xung quanh. Chúng tôi lồm cồm đứng dậy và chuẩn bị vớt cá. Nhưng thật lạ, đợi một lúc lâu mà chẳng có mống cá nào nổi lên.

-Anh nói: lỗi do mình, hố bom ở trên khu đất cao mà ruộng chung quanh lại thấp nên cá ra đồng hết rồi, thôi về nhà ăn cá khô vậy. Tất cả chúng tôi đều cười, trên đường về thì Hưởng ( nhà ở Khâm Thiên đến tận giờ vẫn chưa lấy vợ ) ngắt một bông hoa Mua đưa tôi và nói:

-Tặng sinh nhật này !

Khi bước vào chiến dịch giải phóng Căm pu Chia. Buổi trưa 22/12/1978 tại khu rừng Phước Vinh huyện Châu Thành tỉnh Tây Ninh. Bên dòng sông Vàm cỏ Đông Trần Việt Hùng bị dính quả K58. Một chân bay mất, một chân lủng lẳng dính tý da được Cường ( già ) Tùng ( gầy )Trọng (đen ), anh Huyền khiêng ra đến ngã ba hầm chông thì dừng lại để anh Long y tá tiêm thuốc trợ lực. Mắt Hùng nhắm nghiền, mặt đầy thuốc súng, tay quấn băng mồm kêu : Nước, nước. Lúc này tôi cùng Quý ( béo ) anh Thắng, anh Hoè và Hán đang ở đó để chuẩn bị đi đài luồn sâu đánh địch. Tôi cầm cái bát sắt chạy đi lấy nước mang về thì anh Long quát lớn:

-Mày giết nó à?!

Tôi bật khóc, mắt tôi nhoè đi, người run lên. Một cảm giác đau xót và bất lực. Lúc này anh Trọng đi ngang qua ( thời gian này anh được đề bạt lên làm C phó C1 của D10 ) anh bỏ chiếc mũ cối đang đội xuống và nói:

-Hùng chết thôi vì nó tỉnh quá. Tất cả chúng tôi lúc này đều rơm rớm nước mắt

Rồi cuộc chiến dần vào sâu trong đất nước Cam pu chia. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn gặp anh - một người anh đáng kính

Không như anh Trọng, tôi và Yên quen và thân nhau muộn hơn. Nơi đây đất rừng Tà Sanh, Săm lốt giáp biên giới Thái lan của tỉnh Bát tăm băng. Nơi đây ruồi muỗi nhiều vô kể và căn bệnh sốt rét không chừa một ai. Yên người Hà bắc đi làm công nhân ở Hải Phòng. Đi lính 8/1978 ở cơ quan nên chúng tôi vẫn gọi là lính Hải Phòng. Yên là lính vệ binh trung đoàn, tôi là kế toán pháo trực ở sở chỉ huy nên biết nhau và quen thân với nhau. Thỉnh thoảng tôi vẫn hay lên chỗ chốt của trung đội vệ binh chơi với Yên, Hưởng và một số đồng đội khác. Hôm Yên điều chuyển xuống C1 D10 làm pháo thủ thì chúng tôi gặp nhau. Tôi có đưa cho Yên cái bật lừa zip bô của Thái lan làm kỷ niệm.

Thế mà anh Trọng ơi, Yên ơi mới có mấy ngày. Tôi chạy như bay xuống Trung đoàn mà không chú ý đến lối đi có bị gài mìn hay không.

Hai người nằm đó trên chiếc phản gỗ, người trần truồng nham nhở vết mìn, sạm đen thuốc súng. Tiến ( Lợn ) người làng Kẹo ( Lủ ) đang lấy gáo múc nước tắm cho hai người. Từng giọt nước lẫn máu lại chẩy xuống hồ ( một cái hồ nhỏ nước đục ngầu mà hàng ngày chúng tôi vẫn phải lấy nước để ăn uống ). Hai anh cùng với anh Vân chính trị viên C1 D10 E55 hy sinh, hai người nữa bị thương lãnh trọn một quả Claymo vào buổi sáng. ( Rồi cũng nơi này thời gian sau tôi chứng kiến Hán người Thái bình bị quả KP2, cả miếng mông phải lột lên như miếng giò lây )

Một lần nữa người tôi như sôi lên, nước mắt lại trào ra. Tôi đã chứng kiến những đồng đội thân yêu của mình ra đi. Một hình ảnh thật đau thương: Người trần truồng, nham nhở vết mìn và xám xịt màu thuốc súng .

Tôi xách súng chạy thẳng vào rừng. Rồi: Tằng tằng tằng ... tằng tằng tằng ... tằng tằng. Tôi nã đạn lên trời, tiếng chim xao xác bay. Tiếng súng dội vào rừng, vào vào vách núi, vào đồi, vang vọng lên trời xanh như khóc, như than, như oán hận căm hờn. Tôi bắn hết một băng rồi lộn lại băng tiếp theo bắn khoảng 10 viên nữa thì dừng lại thất thểu xách súng đi lên đồi chốt. Lúc đó tôi không nhớ rõ ai : Trình, Việt ( lính Sài Gòn mới bổ sung ) hay là Lượng, Lý( béo) Tùng( béo ) kêu lên:

-Nhìn cái mắt kìa - đỏ ngầu như hai cục máu - MẮT MÁU

Chúng tôi chiến đấu nơi ở đây đến 29-30/10/1980 thì về nước nhận nhiệm vụ mới.

Năm tháng có trôi đi, các thế hệ sau này được sống trong hoà bình, hạnh phúc. Đó chính là mục đích và lẽ sống của những người lính đã ra đi, các anh mãi mãi tuổi 20. Nhân ngày kỷ niệm Thương Binh, Liệt Sĩ 27/7 Xin thắp nén nhang thơm tưởng nhớ

Trái tim người lính