Mấy cảm nhận về tập thơ “Tình yêu còn lại” của Phạm Quốc Cường

Thơ ca chính là tiếng nói muôn thuở của tâm hồn con người. Thông qua các phương thức biểu đạt trữ tình, thơ chính là nói lên tình cảm, cảm xúc, cảm quan của chủ thể thơ với muôn màu cuộc sống. Cho nên không khó để nhận ra khả năng sáng tác dạt dào của Phạm Quốc Cường- một con người luôn coi tình cảm là thứ đáng trân quý nhất, thiêng liêng nhất- khi liên tiếp nhiều tập thơ lần lượt ra đời. Tình yêu còn lại là tập thơ nối tiếp mạch tình cảm của tác giả với 2 phần riêng biệt: xúc cảm và cảm quan. Bằng cách sử dụng ngôn từ riêng của bản thân, với những hình ảnh mang tính cảm xúc, được viết bằng chính những rung cảm chân thật từ trái tim, Phạm Quốc Cường đã đưa người đọc vào một thế giới thơ đầy màu sắc của tình yêu.

Tình yêu trong thơ Phạm Quốc Cường

Nhà thơ Bằng Việt từng nói: “Tiêu chuẩn vĩnh cửu của nhà thơ là tình cảm”.Tình yêu trong thơ Phạm Quốc Cường là một tình yêu lớn, không chỉ dừng lại ở tình yêu nam nữ, mà còn là tình yêu gia đình, quê hương đất nước, tình thầy trò, tình đồng nghiệp. Và dù đứng ở phương diện tình cảm nào, ta cũng thấy đó là một trái tim yêu sãn sàng cho hết, trao hết đi, “sẵn sàng đồng hành xuyên suốt qua từng giây phút sống trong hành trang cuộc đời” giống như anh đã từng chia sẻ.

11-1720104129.jpg

Tác giả và nhà thơ Phạm Quốc Cường (bên trái).

Tình yêu lứa đôi trong thơ Phạm Quốc Cường cũng có nhiều cung bậc, cảm xúc lắm. Mới yêu thì thơ thẩn, nhung nhớ, lúc nào cũng mộng mị như trong cơn say “sướt mướt tình say mũi thở phồng”, yêu rồi thì “rạo rực”, tha thiết, mãnh liệt “Kề môi hồng say đắm/ Ngắm nhau mãi không rời”, “Ái ân chưa đủ đầy bờ”. Đó là một tình yêu không hề có điểm dừng, bất kể ngày hay đêm, nắng hay mưa, thức hay mộng, dù là đơn phương hay bị dòng đời xô đẩy thì tình yêu ấy vẫn luôn âm thầm, nảy nở, yêu càng thêm yêu: “Chia tay người ấy lâu rồi/ Mà sao ta vẫn bồi hồi nhớ nhung/ Cung đường đếm bước mông lung/ Tình cùng nghĩa cử sao chưa thấy dừng” (Tình mộng mơ); “Thôi chúng mình nhung nhớ/ Tình chờ sao sáng đêm/ Chờ duyên khẽ lay tình/ Để êm đềm yêu mãi” (Yêu êm đềm). Với Phạm Quốc Cường tình yêu từ lúc bắt đầu đã không có hồi kết, luôn tồn tại song hành “yêu từ thuở hồng hoang” “Ngàn năm ta đợi hoài nơi ấy/ Có thấy rêu phong lệ đá rồi”.

Tình yêu là thế âm thầm, chờ đợi, nhớ mong nhưng đôi lúc lại không phân định được, đau buồn, nguội lạnh, lang thang, vô định “tình chàng em yêu nơi biển sóng”, “lóng ngóng đợi duyên mãi không về”. Chủ thể trong thơ Phạm Quốc Cường luôn yêu tha thiết, mãnh liệt. Nhưng ngay cả khi đang yêu, trái tim ấy vẫn nhận về mình những phần thua thiệt kiểu “cho thì nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu”: “Hôm nay ta đón tình hoa/ Để mai mang tặng người xa không về”, “Dù ta vẫn còn yêu màu mắt ấy/ Nhưng vội vàng em đã kéo tình xa”. Trong tình yêu, những thứ đã qua rồi trở thành những điều hối tiếc, tiếc vì đã từng “hy vọng”, tiếc “tuổi xuân”, tiếc cả “thân ta” vì “Một nỗi căm hờn đau thể xác”. Nhưng chàng trai ở đây đích thị là một chính nhân quân tử, có thể yêu mạnh mẽ như “Hổ rừng vang tiếng nơi sông núi/ Ngủ thức thì vẫn giương oai hùng” nhưng vẫn luôn muốn “Xin em nhớ chọn bờ vai êm đềm”, “Cầu cho nơi ấy em giầu nhớ thương”, trả lại em trở về thiên đường của em: cách sống riêng tư, vui chơi thỏa thích mặc cho bản thân mình “Biết đâu có lúc đang gầm thét/ Mà nước mắt lòng cứ chảy xuôi”, “Cất nén lòng đau quặn tháng ngày”.

Tiếc cho thân ta, nhưng cũng tiếc cho cả “người đàn bà ta từng yêu dấu”. Bởi lẽ cuộc đời vẫn đang rất đẹp, đáng sống cho nên không thể vì niềm đau cũ mà buồn rầu, mà bỏ mặc mọi thứ xung qunh mình: “Viết cho em, nguời đàn bà ta từng yêu dấu/ Đừng có sầu, đừng khóc thét vì những thương đau/ Hãy cứ sống/ Hãy hồn nhiên căng tràn nhựa sống/ Đời thanh tao, đời cao đẹp đến vô cùng” (Vết thương không rỉ máu). Trái tim yêu ấy trải qua những thăng trầm trong tình yêu tự thấy mình già cỗi “chạm buốt trái tim già” nhưng tình yêu thì vẫn cứ thấy “bồi hồi nhớ nhung”, vẫn muốn yêu tiếp và mộng mơ như để “an ủi một thời nở hoa” của mình. Đó là tình yêu của một người trưởng thành: yêu, hết mình vì yêu và cũng chấp nhận mọi kết cục trong tình yêu ở một tâm thế chủ động, không bi lụy, trân trọng quá khứ và hướng về tương lai: “Em về đi, đừng cố thêm mà chờ đợi/ Bởi con đường có dấu vết bánh xe/ Lăn qua rồi, em cũng nên đừng oán trách/ Anh thấy mình chẳng thể bước cùng nhau” (Em về đi). Bởi anh tin, hạnh phúc ở cuối đường cho những ai yêu một cách chân thánh: “Yêu cho đủ kín tình thư trong mắt/ Ôm màu xanh hy vọng chốn rông dài/ Cài thương nhớ vào đường yêu khắp lối/ Đợi ngày sang ta đón gió trăng vàng” (Nốt nhạc đời).

Ở khía cạnh tình cảm gia đình, bạn bè, quê hương, đất nước, vẫn là một Phạm Quốc Cường đặt nặng chữ “tình”. “Tình cha mẹ bao la biển lớn”, “Nhân gian dù có thế nào/ Làm sao tính nổi biển trời mẹ cha”. Là một người con, luôn dặn lòng mình phải hiếu thuận, thảo kính cha mẹ, trân trọng tuổi già cha mẹ. Trong tình cảm vợ chồng “nặng tình nghĩa phu thê”. dù có bôn ba vạn dặm vẫn một lòng chung thủy “Sáng trưa chiều tối đi về có nhau”. Lập nghiệp nơi xứ người, nhưng Phạm Quốc Cường không bao giờ quên nơi chôn rau cắt rốn của mình đó là quê hương xứ Nghệ đậm tình người, có núi Bác Hồ, có dòng Lam chảy hiền hòa. Từ yêu quê hương minh, đến yêu đất nước mình. Ở mỗi nơi anh đi qua, đều thấy đẹp và đáng sống: từ những địa danh gắn với những người anh hùng dân tộc như Quảng Bình, đến những vùng đất mang giá trị tâm linh như chùa Thầy. Với bạn bè, đồng nghiệp, đó là một tinh thần “hào sảng”. kết giao, đoàn kết và trách nhiệm “Tình anh em lớn song hành cùng nhau/ Trước sau nghĩa cử ơn sâu/ Hát câu sống đẹp cho lâu cho bền” (Tình anh em 2).

Năm 2020 là một dấu mốc lịch sử của thế giới với sự càn quét của covit-19. Được tận mắt chứng kiến thảm cảnh đó, trực tiếp cảm nhận sự ngột ngạt trong những ngày giãn cách xã hội, thấy được sự hy sinh của bao nhân viên y bác sĩ, sự đoàn kết trên dưới đồng lòng của nhân dân cả nước trong việc chống dịch, và hơn hết, sự sống còn của một đời người trở nên thật mong manh. Cho nên,với đời, ở Phạm Quốc Cường là một đời sống thức tỉnh, không u mê, ý thức được trách nhiệm của bản thân với gia đình, quê hương đất nước: “Đừng ngủ mê khi mà ta đang sống/ Cho chính ta và cho cả muôn loài/ Đừng mặc kệ với hình hài đất nước/ Hãy gắng lên mặc sức bước song hành” (Đừng ngủ mê). Đó là một kiểu sống đẹp, sống có tâm đức “Ta vui trọn vẹn giữ hoa cho đời”, “Trước sau nghĩa cử ơn sâu”, “Trước nên phải sống ân cần” bới anh luôn tin “Tâm ta an bình/ Thân tình gõ cửa”, “Làm người tử tế được đời yêu thương”.

Đôi điều cảm nhận về nghệ thuật trong Tình yêu còn lại

Giáo sư Trần Đình Sử, nhà văn, nhà nghiên cứu lý luân văn học từng đưa ra nhận định: “Nếu hiểu thơ ca là sự cảm nhận thế giới và con người thì thời gian, không gian chính là hình thức để con người cảm nhận thế giới và con người”. Không gian trong Tình yêu còn lại được mở ra ở mọi chiều kích: cao, thấp, xa, gần: trăng, trời, mây, sao, nắng, mưa, đỉnh trời, chốn phiêu bồng, góc chân trời, cuối trời, biển trời, cuối đường, cuối dòng sông, mặt đất, bãi ngô, đường quê, bờ ao, đồi núi. Không gian vừa cụ thể, vừa trừu tượng được mở ra bởi khoảng thời gian trong không gian: đêm, nửa đêm, đêm khuya, đêm tối, chiều, sáng, trưa, hoàng hôn, bình minh, rồi các mùa trong năm: xuân, hè, thu, đông, tháng tư, tháng bảy, tháng sáu... Không gian và thời gian đan xen nhau tạo nên một thế giới riêng cho chủ thể trữ tình tự do thưởng ngoạn, đắm chìm và phiêu lưu trong thế giới cảm xúc của riêng mình: “Bâng khuâng một góc cuối trời/ Lời yêu ấy cũng xa vời khá lâu”, “Đêm nay gió đẩy từng cơn/ Lạnh da thấu dạ ta thương nhớ nàng”, “Đông chuyển xuân trời mưa lất phất/ Cất nỗi niềm cho khỏa tơ vương”, “Lệ rơi đã thấm đất rồi/ Trời khuya gió lạnh tìm em mộng tình”…

“Màu sắc trong văn học chẳng những là phương tiện miêu tả thế giới, mà còn là phương tiện thể hiện cái nhìn nghệ thuật đối với cuộc đời. mang đậm màu sắc thời đại và cá tính” (Những thế giới nghệ thuật thơ, Trần Đình Sử). Từ nhận định trên có thể thấy không khó để nhận ra màu sắc trong thơ Phạm Quốc cường đa dạng: xanh, đỏ, hồng, vàng, trắng, tím, đen, nâu. Ngoài ra còn có những màu sắc không hề có màu sắc, mà là màu của tâm trạng như: màu nhung nhớ, màu thương nhớ, màu thời gian. Mỗi mầu mang một sắc thái biểu cảm khác nhau, tùy vào sự sắp xếp theo từng ngữ cảnh riêng. Trong Tình yêu còn lại, màu xanh, hồng, vàng là ba màu xuất hiện nhiều hơn cả. Màu xanh có: xanh xanh mướt, xanh xanh, trong xanh, trời xanh nắng, sắc xanh, xanh trời, lá xanh, vạn vật xanh, trời xanh trong sáng, đường xanh, sóng non xanh, mộng ước xanh, màu xanh kỳ diệu, xanh màu chờ đợi. Màu hồng thì có: má hồng, môi hồng, vai hồng, dáng hồng, vườn hồng, tình hồng, áo hồng, nắng hồng, hồng trần, phúc hồng. Màu vàng có: lá cây vàng, nắng vàng, tình vàng, hoa vàng, bữa tiệc vàng, thảm vàng, nắng hanh vàng. Ngoài hình ảnh “lá cây vàng” gắn với tâm trạng buồn “rơi ngang giữa trời” thì dường như cả ba màu xanh, hồng, vàng đều mang sự tươi mới, sức sống, ấm nóng, lấp lánh, đủ đầy của vạn vật, con người, tình người, rất đáng sống, đáng để yêu như chính cách Phạm Quốc Cường cảm nhận về thế giới quan, nhân sinh quan của mình.

Tình yêu còn lại là tập thơ Phạm Quốc Cường sáng tác bằng rất nhiều thể loại thơ: lục bát, 7 chữ, 8 chữ, 5 chữ, 6 chữ, 4 chữ, tự do nhưng chủ yếu là thể thơ lục bát. Tuy đa dạng về thể loại nhưng đều mang một đặc điểm chung là nhịp điệu thơ nhẹ nhàng, du dương, tinh tế, gần gũi, dễ đọc, dễ nhớ nhờ vào sự thay đổi linh hoạt cách gieo vần, ngắt nhịp không gò bó vào khuôn mẫu thể loại. Qua đó giúp cho người đọc tự cảm nhận nhịp điệu thơ mà phát hiện ra những nốt nhạc lòng của chủ thể thơ. Đúng như câu nói của Tố Hữu: “Thơ ca là âm nhạc của tâm hồn, nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm”.

“Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học” (Gorki), nó luôn được làm mới theo lối viết của chủ thể sáng tác. Ngôn ngữ trong Tình yêu còn lại khá phong phú, đa dạng, từ ngôn ngữ đời thường: giặt áo, mở mắt ăn bát bún gà, đến ngôn  ngữ giàu hình ảnh nghệ thuật: quân tử đỏ lông tơ đào, áng trăng tình, hoa xanh giữa trời, mắt em biển nước, bông hồng trong tim, rêu phong lệ đá, trắng lòng quân tử, ngàn mây chốn phiêu bồng, nước trổ thành hoa… Đi cùng với những từ nhữ giàu tính biểu tượng ấy là những động từ, tính từ, từ láy, từ ghép chỉ sự chuyển động, sự thay đổi tính chất, những biện pháp tu từ ẩn dụ, hoán dụ làm cho vạn vật trở nên có hồn, tạo nên sự gắn kết giữa người và vật, giao hòa và gửi gắm tâm trạng của mình vào khoảng thiên nhiên bao la, sâu lắng: “Gió xuân hây hẩy lá cây vàng/ Tình mang tâm sự rơi ngang giữa trời”, “Tình yêu chợt lướt qua khe gió/ Đợi nắng hồng soi sáng bước chân đi”, “Chiếc lá xanh im trên cành chờ gió/ Bỏ tâm tình hiu quạnh giữa trời xuân”, “mua một ít nắng vàng”, “mua một ít niềm tin”, “Bán đi một chút tình chiều”…

Có thể thấy, tình yêu nghệ thuật đã ngấm vào máu của Phạm Quốc Cường dù rằng anh rong ruổi với nghề báo. Tưởng rằng con người anh sẽ khô khan nguội lạnh nhưng hóa ra lại rất trữ tình. Những câu thơ với những vần điệu, hình ảnh, tuy đôi chỗ có hơi gấp gáp, vấp nhịp một chút, nhưng trên tất cả đó là khúc nhạc tâm tình của một người luôn sống nặng với chữ “tình”. Và tôi tin rằng, bản nhạc “tình” của anh chắc chắn sẽ còn tiếp diễn, như cách anh “ru em”: “Ru em ngủ giấc dài…Ru em ta khó thở… Ru em ta vẫn thế…Ru em ta nói thật” và cuối cùng “Ru em giữa không gian”. Nhịp điệu lời ru ấy làm ta liên tưởng đến Trịnh Công Sơn với bản tình ca Ru em từng ngón xuân nồng: “Ru mãi ngàn năm…Ngàn năm ru hoài. Ngàn đời ru ai”.