Nhà bà già vợ cách nhà tôi chừng năm trăm mét, tuy cũng gần nhưng đường đi hơi ngoằn ngoèo, cua qua cua lại trong cái xóm nhỏ.
Con mèo mướp nhà bà đẻ được bốn đứa, tôi đăng ký một con bởi dạo này ở đâu xuất hiện một chú chuột nhắt cứ chạy loanh quanh trong nhà như thể trêu ngươi, tôi dự định khi nào chúng bỏ bú, biết ăn cơm thì bắt về.
Đến ngày cứng cáp, mấy đứa em vợ xí phần hết ba con có màu đẹp, chừa lại cho tôi con mèo đen xấu xí.
Thôi cũng được, nhường cho mấy dì nó cũng chẳng sao, càng thêm tình thân thiết bên nhà vợ , tôi nghĩ trong bụng như vậy.
Mang con mèo đen về, tôi mua cho nó một hộp sữa bò, sáng cho liếm sữa, trưa ăn cơm với ít vụn cá kho, chiều thêm miếng thịt xé nhỏ, cứ vậy mà con mèo đen lớn nhanh như thổi, bộ lông nó mướt rượt, đen như mun, hai mắt xanh sáng quắc.
Không biết có mối giao cảm giữa loài vật và con người hay không mà con mèo mun cứ luẩn quẩn quanh chân tôi suốt ngày, trừ những lúc tôi ra khỏi nhà bằng xe máy, lúc ấy nó như hiểu ý liền nhảy lên bộ ván ngựa trong góc nhà, nằm lim dim, đợi tôi về.
Đối diện nhà tôi, hơi xéo phía bên kia là nhà bác hàng xóm mà ai cũng kêu là cậu Hường, lớn nhỏ xưa nay đều quen miệng kêu như vậy.
Cậu Hường hơn tôi mười tuổi, là em út của một đại gia đình có vai vế trong xã hội, chị cả của cậu Hường có chồng là Ủy viên hội đồng Tỉnh, mấy chị kế tiếp làm ăn rất khá giả lại có cái Tâm từ thiện nên được mọi người trong xóm nễ nang, yêu mến.
Sau binh biến bảy lăm, gia đình sa sút, cậu Hường phải đi làm nghề phụ xe, chuyên việc chở đất đá cho những công trình xây dựng của người cháu vợ ở tận Ban Mê Thuộc để kiếm cái mà qua ngày.
Một lần trời mưa lâm thâm, đường đất đỏ trơn ướt, lên xuống cửa xe thế nào mà cậu Hường lại bị trượt ngã, đút một cái chân vào cái bánh xe sau, thằng cháu ngồi ca-bin không biết nên vô tình cứ chậm rãi mà cán qua luôn.
Bác sĩ phải cắt bỏ cái chân trên đầu gối khoảng một tấc hòng cứu mạng, cậu Hường bị cụt giò, đi đâu phải chống hai cây nạng.
Có một lần, tôi qua nhà cậu Hường đánh cờ tướng dưới nền nhà lát gạch men, đang mãi mê xe pháo ngựa thì bất chợt con mèo mun thấy vắng tôi nên đi tìm, nó đánh hơi tôi rất giỏi, lò dò bước vào rồi khoanh đuôi nằm bên bàn cờ, mắt he hé nhìn hai vị tiên ông thi đấu.
Cậu Hường thích chí, chân thấp chân cao xuống bếp lục lọi cho nó một cái trứng cút kho, nó ăn từ tốn từng mảnh một, xong liếm mép, rửa mặt, rồi lại lim dim nằm bên bàn cờ, nhìn con tốt đầu của tôi đã tranh thủ vượt qua sông.
Một buổi trưa tôi đi làm về, thảng thốt khi nghe tin cậu Hường đang cấp cứu ở bệnh viện vì đột quỵ, tôi phóng nhanh xuống thăm nhưng người ta không cho vào.
Về nhà mới biết tường tận, cậu Hường đang đứng tưới mấy khóm hoa bỗng dưng ngã chúi người, may là tay còn kịp níu vào mấy cái chậu hoa, người ta áp tải cậu Hường bằng xe máy cho nhanh vì bệnh viện cũng gần.
Tôi hoảng hồn suy nghĩ, lo lắng muốn rơi nước mắt, thôi chết rồi, người bị đột quỵ cấp cứu trước tiên là phải chích máu ra khỏi mười đầu ngón tay ngón chân cho nhanh, kế tiếp là hai bên dái tai, chỉ vài giọt máu chảy ra là được, sau mới cấp cứu bệnh viện.
Làm như vậy là đả thông huyệt đạo, để giảm đi áp lực máu lưu thông lên não khi bị cục máu đông chèn ép thành động mạch, những bác sĩ đương thời đều khuyên như vậy và cho đó là thời khắc vàng để cứu sống nạn nhân khi bị đột quỵ.
Buổi chiều cậu Hường trở về trên chiếc băng ca bệnh viện, tim ngừng đập nhưng tay chân vẫn còn ấm, tôi phụ giúp dọn dẹp chỗ nằm giữa nhà, người lo tìm thầy tụng kinh, kẻ chạy coi giờ an táng, liệm xác là năm giờ sáng, mười hai giờ trưa di quan lên đường, hạ huyệt đúng mười ba giờ.
Tôi đang ăn cơm tối, mợ Hường tất tả chạy qua nhà :
- H nè, nghe mấy thầy cúng bên đó bàn tán nên chị mới sực nhớ, nhà em có nuôi con mèo mun, tối nay em nhốt kỹ trong nhà, đừng cho nó đi đâu nhen ?
- Dạ, sao vậy chị ?
- Chị cũng không biết sao nữa, nghe mấy thầy khuyên như vậy, thấy em với cậu Hường thường hay đánh cờ tướng, có con mèo mun nằm bên cạnh nên người ta nhắc nhở như vậy.
Mợ Hường thì thầm với tôi trên nét mặt bối rối, âu lo.
Tôi vâng dạ hết lời, dứt khoát nghe theo lời khuyên của mợ Hường, răm rắp tuân theo lời dặn.
Tôi kêu con mèo mun tới, cho nó ăn cơm, xong bỏ nó trong một cái giỏ nhốt gà đan bằng dây kẽm to, cái giỏ có nhiều lỗ nhỏ chỉ vừa đủ thân hình cho con gà mới nở chui qua, trên tôi dằn cái thớt me dầy một tấc, thêm cái cối đá to dùng giã thuốc Nam, rất nặng, chắc chắn.
Con mèo bị nhốt cứ đi loanh quanh trong cái giỏ đan bằng dây thép, lâu lâu lại ngao ngao từng hồi nghe thật thê lương.
Tôi qua nhà thăm, thấy cậu Hường nằm tạm trên chiếc giường xếp, đầu quay vào bàn thờ, mặt phủ khăn trắng che kín, trên bụng có đặt một con dao phay to, vẫn bộ quần áo mặc hằng ngày khi đánh cờ, riêng cái chân cụt được phủ kín bằng ống quần kéo dài hai bên cho đều đặn, tôi nhìn cậu Hường nằm đó mà rơi nước mắt với lòng nặng trĩu, mới ngày nào còn đánh cờ với nhau.
Trời càng về khuya càng lạnh, vị sư thầy ngồi trước bàn Phật A-Đi-Đà đọc kinh hộ niệm, giọng trầm bỗng nghe thật não nề, thỉnh thoảng lại lật sang trang quyển sách, riêng mợ Hường thì ngồi thu mình trong một góc nhà sụt sùi, lâu lâu quệt nước mắt bằng tay áo.
Trước sân có bốn thanh niên ngồi bên bình trà đặt trên cái bàn tròn, thỉnh thoảng lại ngáp vặt, họ phải thức đêm để thắp nhang và canh xác cậu Hường cho đến sáng mai, năm giờ mới liệm, phân công là như vậy.
Tôi rầu rỉ, chân nặng bước về nhà, tôi nằm lim dim trên bộ ván ngựa mà không sao ngủ được, cứ nằm thao thức quên cả chuyện xem thử con mèo mới bị nhốt hồi chiều.
Tới nửa đêm, bỗng có nhiều tiếng la thất thanh, hoảng loạn, cầu cứu phát ra từ nhà cậu Hường, tôi choàng tỉnh, nhổm dậy, xỏ dép chạy nhanh qua.
Trước sân, mọi người đứng lố nhố run cầm cập.
Trong nhà, cậu Hường mặt mũi xám ngoét, hai mắt mở trừng, thần sắc như quỷ nhập, đang nhảy lò cò quanh cái quan tài trống lợp lụa vàng, tấm vải trắng che mặt người chết rơi xuống giữa nền nhà.
Đám phụ nữ không dám nhìn, bưng mặt khóc ồ ồ, mấy đứa con cháu nháo nhác chạy đi tìm chỗ trốn như bầy ong vỡ trận.
Một anh thanh niên nhanh trí, dùng cái cán cờ cắm trước nhà, đẩy một phát vào lưng xác chết đang nhảy quanh cái quan tài, cậu Hường chúi nhủi, ngã vật xuống, nằm xuội lơ, bất ngờ con mèo mun nãy giờ núp dưới bàn thờ phóng cái ào qua cửa sổ, mất dạng.
Vị sư thầy hối hả tụng nhanh bài thần chú vãng sanh Tịnh Độ nhiều lần bằng tiếng Phạn " Nam mô a di đà bà giạ, đa tha già đa giạ..a di rị đô bà tì.." tay mõ nhịp liên hồi theo lời tụng - bài thần chú này chỉ đọc lúc di quan và hạ huyệt nhằm tiêu trừ ma quỷ và giải bớt nghiệp chướng cho người chết.
Ổn định xong, tôi bước chân về nhà mà lúc nào cũng thấy lành lạnh sống lưng, tôi mở hết tất cả ngọn đèn trong nhà sáng choang cùng lúc cho bớt nỗi sợ.
Bước ra sau bếp, tôi thấy cái lồng sắt nhốt con mèo mun giờ chỏng chơ nằm một góc, cái thớt me dầy và cái cối đá lăn lóc một bên.
Tôi theo đoàn người tiễn cậu Hường đến tận nghĩa trang cách nhà chừng năm cây số, nơi đây là một ngọn núi trọc nằm gần biển, có hằng nghìn ngôi mộ nhấp nhô được chôn cất đã nhiều đời từ dưới chân núi rồi tiến dọc lên trên triền đồi, nhiều ngôi mộ vẫn còn là mô đất đắp cao cỏ mọc xanh rì, có lẽ người ta chưa kịp xây.
Hạ huyệt lúc một giờ trưa, gia đình cùng thân nhân cậu Hường quyết định đổ bê tông dầy lên nắp quan tài, xong xây mộ bằng gạch lên cao cho kịp trước khi trời tối.
Tôi cố nán lại nên về sau cùng, trừ một vài người thân ở lại chỉ huy đám thợ xây.
Bất chợt, như có giác quan thứ sáu mách bảo, tôi ngoái nhanh đầu nhìn về phía sau lưng.
Cách đám thợ xây chừng mấy chục mét, tôi thấy bóng dáng con mèo mun quen thuộc - không biết trốn theo đoàn xe tang từ lúc nào - nó cứ thoăn thoắt di chuyển qua lại từ đầu nọ sang đầu kia nơi có mấy ngôi mộ cổ.
Sau cùng nó nằm phủ phục trên một gò đất cao, cặp mắt xanh lè trong nắng trưa cứ nhìn chăm chăm về phía ngôi mộ của cậu Hường!