Rác thải nhựa đang là một trong những vấn đề môi trường nhức nhối, hiện hữu. Với tham vọng xóa bỏ vấn nạn rác thải nhựa, đã có rất nhiều chương trình, cuộc thi, dự án về bảo vệ môi trường, tái chế rác thải được tổ chức, khởi động. Nổi bật trong số đó phải kể tới dự án Mì tôm xanh của các bạn học sinh lứa tuổi từ Trung học cơ sở cho tới Trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Câu lạc bộ Mì tôm xanh chính là nơi mà cô trò trường trung học Vinschool Times city (Hà Nội) sử dụng vỏ mì tôm và kĩ thuật mây tre đan truyền thống của Việt Nam để tạo nên những sản phẩm thủ công vô cùng bắt mắt và hữu dụng.
Hành trình “tìm lại cuộc đời” của rác thải nhựa
Trong kì nghỉ do ảnh hưởng của dịch Covid 19, cô Vũ Thị Thảo – giáo viên trường THPT Vinschool Times City đã nảy ra một ý vô cùng tưởng sáng tạo đó là biến vỏ mì tôm đã qua sử dụng thành những sản phẩm thủ công, mỹ nghệ đẹp mắt bằng kĩ thuật mây tre đan truyền thống của Việt Nam. Cô đã sáng lập, khởi xướng câu lạc bộ Mì tôm xanh từ đó, với sự ủng hộ của các bạn học sinh đang theo học tại trường THPT Vinschool, câu lạc bộ đã có thêm nhiều thành viên hơn, các bạn học sinh khi tham gia đã vô cùng thích thú khi được học về công đoạn như thu gom vỏ mì từ cộng đồng – xử lý và làm sạch – tạo sợi đan bằng vỏ mì – thiết kế và đan thành sản phẩm.
Với mong muốn đem tới thật nhiều giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, không chỉ kéo dài thêm “vòng đời của rác”, Mì tôm xanh còn góp phần gìn giữ những nét đẹp truyền thống vốn có của làng nghề đan lát từ mây, tre. Những sản phẩm được tạo ra không chỉ được gửi gắm trong đó tình yêu với môi trường mà còn là cả tình yêu với những nét đẹp văn hóa dân tộc. Để đảm bảo tiêu chí không để rác thải nhựa còn thừa dù chỉ là một vài mảnh vụn, sau quá trình sản xuất, những phần vỏ mì còn thừa sẽ được thu gom lại và chuyển tới tay dự án “Rác là vàng” – một dự án sản xuất vật liệu xây dựng từ nhựa tái chế; như vậy toàn bộ nguồn nguyên liệu đầu vào được sử dụng một cách triệt để, tuyệt đối không để phế phẩm từ nhựa tiếp tục bị thải ra môi trường.
Không chỉ mang tính sáng tạo, sản phẩm của Mì tôm xanh còn mang tính ứng dụng cao, với vô vàn mẫu mã đẹp mắt, vật liệu chống thấm nước và vô cùng dẻo dai, bên bỉ. Những thành phẩm câu lạc bộ tạo ra đã thu hút được đông đảo người quan tâm, thích thú. Chỉ sau vài tháng khởi động, nhóm đã thu về hàng trăm đơn đặt hàng và số lượng sản phẩm yêu cầu đã trở nên quá tải bởi khi đó quy mô hoạt động của Mì tôm xanh chưa thực sự rộng rãi, số lượng thành viên còn khá ít ỏi.
Sau 2 năm thành lập và phát triển, câu lạc bộ đã xây dựng được mạng lưới đông đảo thành viên, cộng tác viên không chỉ ở Hà Nội mà còn có cả những người đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài, yêu mến và thích thú với ý tưởng của Mì tôm xanh.
Có cơ hội được nói chuyện với bạn Nguyễn Thành Công – một thành viên của Mì tôm xanh, Thành Công chia sẻ: “Lượng đầu ra vỏ mỳ tôm thu vỏ mỳ tôm từ cả nước qua hơn 300 cộng tác viên trong nước, cũng như các bạn cộng tác viên bên Nhật Bản và Hàn Quốc gửi vỏ mỳ tôm sang Việt Nam. Về số lượng vỏ mỳ tôm để tạo ra các sản phẩm thì khác nhau bởi kích thước, sản phẩm đó. Ví dụ để làm ra một chiếc vòng tay, khuyên tai cần 3 đến 6 vỏ; Giỏ, túi xách, hộp bút thì cần khoảng 50 đến 100 có khi nhiều hơn.”
Chinh phục đấu trường quốc tế bằng giá trị truyền thống
Không chỉ có ý nghĩa bảo vệ môi trường, cộng đồng Mì tôm xanh còn hướng tới mong muốn bảo tồn, gìn giữ và phát triển hơn nữa kĩ thuật mây tre đan truyền thống Việt Nam, kết hợp với thứ vật liệu vô cùng hiện đại là vỏ mì tôm với thành phần chính là nhựa. Dự án đã tự tin chinh phục rất nhiều đầu trường lớn nhỏ, trong nước và quốc tế về sáng tạo, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Sau hơn 2 năm tích cực hoạt động, Mì tôm xanh đã chinh phục được những giải thưởng đáng tự hào như: Trở thành 1 trong 3 dự án nhận giải thưởng Circular Living Design Award danh giá trong Cuộc thi “Thiết kế sáng tạo đời sống tuần hoàn - Circular Living Design Challenge" thuộc chuỗi sự kiện của dự án Hanoi Rethink - dự án tổ chức bởi UNESCO, UNIDO, UN-Habitat hợp tác cùng Quỹ Fab City với mục đích nuôi dưỡng giá trị truyền thống, văn hóa, nghệ thuật, cùng công nghệ vào đời sống đương đại Hà Nội; Nhóm cũng đã vinh dự được trở thành đại diện Việt Nam tham dự Bali Fab Fest được tổ chức cuối năm 2022. Cùng với đó là vô vàn những thành tích đáng nể khác như: Giải nhì cuộc thi “Phác họa sống xanh - Cách gieo mầm cho trái đất 2020” do GLUE Project tổ chức. Giải ba tại cuộc thi Sáng kiến thanh niên “Trả xanh cho biển” do Quỹ ASEAN tổ chức; Năm 2021, CLB đoạt giải nhất cuộc thi khởi nghiệp vì môi trường toàn quốc do Trường ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức.
Theo chị Mai Nguyễn – giám khảo Cuộc thi “Thiết kế sáng tạo đời sống tuần hoàn - Circular Living Design Challenge": “Làm việc với Mì tôm xanh từ tháng 7/2022 lúc các bạn nộp đơn tham dự, mình cảm thấy vô cùng ấn tượng với các bạn ấy bởi việc tái chế mì tôm không phải quá mới nhưng các bạn có những ý tưởng khi thực hiện khiến mình bị thu hút ý. Những mẫu sản phẩm gửi ban tổ chức khá là đa dạng nên ban tổ chức nghĩ các bạn có tiềm năng phát triển.”
Không chỉ dừng lại ở yêu thương môi trường
Bên cạnh tình yêu với một Trái đất xanh, các thành viên của nhóm còn mong muốn đem lại hạnh phúc, yêu thương tới tất cả mọi người. Câu lạc bộ đã sử dụng hoàn toàn 100% lợi nhuận từ việc kinh doanh để làm từ thiện. Những sản phẩm ban đầu được chào bán với mức giá “tùy tâm”, và cách thanh toán chính là khách hàng sẽ chuyển trực tiếp vào “Quỹ phòng chống dịch Covid 19” hoặc chương trình “Cặp lá yêu thương”. Hiện nay, cô Thảo cùng các thành viên Mì tôm xanh còn tích cực tham gia truyền tải kiến thức, giảng dạynghề tại các trung tâm bảo trợ người khiếm thính, khuyết tất, giúp mở ra cho họ cơ hội việc làm, cơ hội giao tiếp, hòa nhập và đón nhận tình yêu thương từ xã hội.
Với những ý nghĩa tích cực mà câu lạc bộ Mì tôm xanh đã và đang lan tỏa, mong rằng trong tương lai, câu lạc bộ sẽ ngày càng thành công, mở rộng; Để có thể tiếp tục chung tay cùng cộng đồng tạo dựng một Việt Nam phát triển bền vững.