Miền khởi nguyên, bản tình ca của hồn thơ lãng tử…

Nguyễn Viết Hiện

09/05/2024 04:24

Theo dõi trên

Tập thơ MIỀN KHỞI NGUYÊN của nhà thơ Lương Định gồm 139 bài, trong số đó, phần lớn là thể thơ lục bát truyền thống, còn lại là  thơ tự do.

        

1000001610-1715203364.jpg
 

                                                          

Trong dòng chảy của nền thi ca đương đại, có nhiều nhà thơ, nhà văn là người dân tộc thiểu số tài hoa, những đóng góp của họ cho nền văn học, nghệ thuật nước nhà rất đáng trân trọng như những nhà thơ Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Từ Ngàn Phố, Y Phương, Lò Cao Nhum… Họ đã tạo ra phong cách riêng, định danh trong lòng bạn đọc.

Trong số những nhà văn, nhà thơ đó có nhà thơ Lương Định, nhà thơ dân tộc Tày của quê hương xứ Lạng, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1997), Hội viên Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh (2000), Hội viên Hội Văn học các Dân tộc thiểu số Việt Nam. Lương Định đã xuất bản 4 tập thơ và hàng trăm bài thơ in trên các báo chí trung ương và địa phương. Gần đây nhất, ông trình làng tập thơ thứ 5: MIỀN KHỞI NGUYÊN được công chúng yêu thơ  ghi nhận và đánh giá là “Bản tình ca của hồn thơ lãng tử”.

Tập thơ MIỀN KHỞI NGUYÊN của nhà thơ Lương Định gồm 139 bài, trong số đó, phần lớn là thể thơ lục bát truyền thống, còn lại là  thơ tự do. Cảm nhận về tập thơ này, người đọc đễ dàng nhận ra những mạch cảm xúc chủ đạo là có tới hơn 80 bài vết về chủ đề tình yêu hay gọi nôm na là thơ tình, còn lại là những bài thơ gan ruột nói về nỗi nhớ khôn nguôi đối với quê hương xứ Lạng, nơi đó có ngôi nhà mà nhà thơ đã sống từ thuở ấu thơ, những cánh  rừng chìm trong sương mù dày đặc, những núi đồi trập trùng nơi địa đầu Tổ Quốc và có những bài thơ chứa chất một nỗi niềm thế sự và thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước…

Ở mạch nguồn thơ tình, người đọc cảm nhận một hồn thơ lãng tử, một người thơ rất “phiêu”; kể từ thời trai trẻ đến khi mái tóc đã nhuốm màu thời gian, nhà thơ luôn có những cảm xúc đặc biệt với tình yêu đôi lứa: “Yêu đương cũng số trời hành/Tôi từ trai trẻ chưa lành vết thương/ Chưa biết đích chưa cuối đường/Còn bao tơ nhện giăng vương bốn bề” (Trời hành). Trong bài thơ Diệu kỳ, nhà thơ nói hộ lòng mình và sẻ chia với những cặp đôi đã tan vỡ trong lần hôn nhân thứ nhất và đã tìm được “ nửa kia” trong cuộc hôn nhân thứ hai mà rất đỗi nhân văn: “Dẫu không cao giọng non thề/ Em ơi dung dị ta về với nhau/ Trời còn có cả tháng Ngâu/ Kiếp này ta được có nhau diệu kỳ”.

Với lợi thế của người làm báo, Lương Định đi nhiều, viết lắm, những kiến văn trong thực tiễn đã góp phần cho ngôn ngữ thơ ông trong sáng, giản dị. Ông mạnh dạn sử dụng hình tượng lá trầu không và trái cau, vốn là một thứ không thể thiếu trong cưới hỏi, giao tiếp của người Việt và cũng là biểu tượng của tình yêu đôi lứa: “ …Lời mộc mạc, ý sâu xa/ Câu thơ xanh lá, thắm hoa tỏ bày/Tình không rượu vẫn phiêu say/Nên duyên muôn thưở trầu cay, cau nồng” ( Trầu cay, cau nồng). Còn trong bài Hẹn em ở phía mùa xuân, nhà thơ đã đem đến cho người yêu thơ những câu thơ hào sảng, ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh đầy cảm xúc về tình yêu đôi lứa: “Đưa em ngược núi tháng Giêng/ Đào phai đang độ bung biêng non ngàn/ Hương tràm thung gió miên man/ Lòng ta rộn rã cung đàn tình yêu”.

Là nhà thơ xa xứ, gần trọn cuộc đời gắn bó với mảnh đất phương Nam, nên trong mạch cảm xúc thứ hai của tập thơ này là nỗi nhớ da diết xứ Lạng và những vùng quê phía Bắc, với hàng loạt bài thơ chan chứa nghĩa tình. Trong nỗi niềm đau đáu ấy, vùng Bắc Sơn quê hương ông hiện lên với những nếp nhà sàn đẹp như cổ tích: “Bắc Sơn ơi, nhà sàn ơi/ Thoắt thôi tôi đã nửa đời tôi xa/ Giữa Sài Gòn chốn phồn hoa/ Hôm nay tôi gặp quê nhà trên phim…” Để rồi nhà thơ khao khát: “Nhà sàn ơi bếp lửa ơi/ Linh thiêng tiên tổ cho tôi tìm về/ Không đâu bằng chốn núi quê/ Trong ta cội rễ lời thề khắc tim.”.

Là người con của núi rừng, ngôn ngữ trong thơ ông cũng rất giản dị, đậm chất ca dao, dân ca và gợi nên trí tưởng tượng về một đêm hát then, hát giao duyên cầu tình yêu của những đôi nam nữ người Tày với những cây đàn tính đã đi vào di sản văn hoá: “ Đêm xuân nghe đàn tính hát then/ Vọng lên xa thẳm tổ tiên cội nguồn/ …Then là điệu hát thần tiên/ Giọng em thánh thót vang lên mường trời/ Chim ngừng bay, cá ngừng bơi/ Muôn hoa đua nở, muôn người hoan ca”.

Đôi khi, trong thơ Lương Định lại có những mạch cảm xúc vừa sâu lắng vừa da diết trữ tình, mạch thơ hào sảng khi ông vẽ nên những bức tranh đẹp về quê hương, đất nước: “Hút tầm mắt dõi mêng mông/ Một vùng non nước bồng bềnh chân mây/ Mơ hay thực, tỉnh hay say/ hẹn em về nhé xuân này Tràng An”.

Là một nhà báo, nhưng với tình yêu văn chương nghệ thuật sâu sắc, nhất là trong lĩnh vực thơ, ông từng hứa với lòng mình là trọn đời chung thuỷ với thơ ca nên Lương Định có những thành công nhất định. Ông đã vinh dự được trao giải thưởng thơ của Hội Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2020 và Bằng khen của Hội Nhà văn Việt Nam.

 

Bạn đang đọc bài viết "Miền khởi nguyên, bản tình ca của hồn thơ lãng tử…" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn