Miếu Bà Ngũ hành Long Thượng: Nét đặc sắc kiến trúc văn hóa tín ngưỡng

Ra đời trong công cuộc khai hoang lập làng cùng với tập tục tín ngưỡng của cộng đồng địa phương, miếu Bà Ngũ hành ở xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An thờ 5 vị phúc thần được triều đình sắc phong (năm Duy Tân thứ 8) là: Kim Đức Thánh Phi, Mộc Đức Thánh Phi, Thủy Đức Thánh Phi, Hỏa Đức Thánh Phi, Thổ Đức Thánh Phi. Ngoài ra, trong miếu còn thờ Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, Quan Thánh Đế Quân, các vị Tiền Hiền, Hậu Hiền, Tả Ban, Hữu Ban…
dh-13465467-1737094588.jpg

Miếu Bà Ngũ Hành thờ Ngũ Hành Nương Nương, là vị thần được thờ rất nhiều ở các đình tại Nam Bộ, với hy vọng cầu cho mưa thuận gió hòa, đời sống thịnh vượng.

Miếu là đền thờ. Ngũ hành là 5 yếu tố vật chất: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ luôn vận động, chuyển dịch. Theo thuyết âm dương ngũ hành, 5 yếu tố trên thuộc âm nên trong dân gian gọi chung là Bà.

Thờ Bà Ngũ Hành là tín ngưỡng truyền thống của dân tộc, xuất phát từ cội nguồn nền văn minh lúa nước. Người Việt xưa quan niệm đất, nước, lúa đều mang nguyên tố âm, từ đó, hình ảnh người mẹ được chọn là đấng sáng tạo, đấng sinh thành của vũ trụ, đất nước, con người.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, trong đời sống tinh thần và tâm linh, nhiều sự vật, hiện tượng trong tự nhiên được cho là hóa thân của các nữ thần như thần nước, thần lửa, thần đất... thành Bà Thủy, Bà Hỏa, Bà Chúa Xứ hay Bà Trời, Bà Đất, Bà Nước... và việc thờ các nữ thần được phát triển sâu, rộng trong tâm thức người Việt.

Điện thờ chính Ngũ Hành Nương Nương được thể hiện trên tranh nổi bằng gỗ, sơn màu, hình vuông, vị trí của mỗi bà theo màu áo và phương hướng Đông (Mộc), Nam (hỏa), Trung ương (thổ), Tây (kim), Bắc (thủy). Bằng lối phối tự các vị trong bài trí thờ tự cho thấy nơi đây có sự dung hợp tín ngưỡng. 

Ngũ Hành Nương Nương tuy mang dáng dấp nguồn cội sâu xa về triết lý Âm Dương - Ngũ Hành của Khổng giáo, Lão giáo ở Trung Hoa xưa, nhưng về cơ bản mang yếu tố Việt. 

Cấu trúc hệ thống phối tự trong miếu cũng tương tự như một ngôi đình Nam Bộ, bao gồm Tả ban, Hữu ban, Tiền hiền, Hậu hiền, Tiên sư, Thái giám Bạch mã, Thanh Long Bạch Hổ... bên cạnh Phật Quan Âm Bồ Tát và các đối tượng thờ gốc Hoa do quá trình cộng cư như Quan Thánh đế Quân, Thiên Hậu Thánh Mẫu.

Đặc biệt, Nguyễn Hữu Tình, người được tương truyền đã chiêu mộ nghĩa binh ở địa phương chống Pháp trong phong trào Trương Định, hy sinh, cũng được nhân dân tôn kính lập bài vị thờ trong miếu.

Toàn bộ được tôn trí một cách hài hòa trong chánh điện với hoành phi, câu đối, câu liễn, lỗ bộ được chạm trổ tinh vi, vàng son rực rỡ, thể hiện giá trị văn hóa vật chất, tinh thần tinh túy nhất của cộng đồng địa phương trong quá khứ.

Gắn liền với những giai đoạn lịch sử, Lễ hội Vía bà Ngũ Hành Long Thượng nói riêng, lễ hội tín ngưỡng dân gian nói chung là một bảo tàng sống động và phong phú về đời sống văn hóa - tinh thần của dân tộc.

Mặc dù bên ngoài lễ hội bao giờ cũng hướng đến một đối tượng thiêng liêng cần suy tôn: Những nhiên thần và nhân thần, nhưng xét cho cùng cội rễ thì đó chính là hình ảnh hội tụ những phẩm chất cao đẹp nhất của những vị anh hùng vô danh đã từng khai cơ dựng nghiệp để tạo nên cuộc sống yên vui tốt đẹp cho làng - nước ở đời sau. Đó là những giá trị văn hóa, nhân sinh đích thực mà chúng ta cần có thái độ trân trọng đúng mực, từ đó xác lập một cách ứng xử phù hợp trong việc bảo tồn.

Hàng năm, Lễ hội Vía Bà Ngũ Hành được tổ chức vào các ngày 18, 19, 20 và 21 tháng Giêng Âm lịch với các hoạt động, nghi thức nghệ thuật, diễn xướng dân gian: Cầu an, nhạc lễ, chầu mời, thỉnh bà, múa lân, dâng bông, hát chập Địa nàng… thu hút hàng chục ngàn người từ khắp nơi trong và ngoài địa phương đến cúng viếng, cầu năm mới bình an, tài lộc.

dh-475478-1737094647.jpg

Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, ngày 18 tổ chức lễ khai mạc và dâng hương; ngày 19 làm lễ cầu an, múa bóng rỗi; ngày 20 lễ dâng bông, hát địa nàng… Kết thúc vào ngày 21 là lễ cúng bế cả. Những ngày tiếp theo, người dân tiếp tục thực hiện các nghi lễ truyền thống, như: lễ Túc yết, lễ Đoàn cả - lễ Tạ thần.

Ngoài những giá trị về niên đại, mỹ thuật thì miếu Bà Ngũ Hành còn là một phần quan trọng trong đời sống tín ngưỡng tâm linh của người dân xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An cho đến ngày nay.

Chánh Hội trưởng Ban Hội hương miếu Bà Ngũ Hành - ông Nguyễn Văn Công cho biết ông cũng như những người dân khác trong vùng, lớn lên đã thấy miếu Bà Ngũ Hành tồn tại như một sự hiển nhiên. Không ai rõ về quá trình hình thành của miếu nhưng tất cả mọi người đều giữ niềm tin tín ngưỡng và chung tay giữ gìn những giá trị tốt đẹp của cha ông.

Ngày nay đất nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hình ảnh cây đa cổ thụ, mái đình cổ kính gợi nhớ cho chúng ta về một thời kỳ Nam tiến đầy gian khổ của cha ông đi khai hoang lập ấp trên mảnh đất này.

Với ý nghĩa và nhận thức trên, sau khi Miếu Ngũ Hành Long Thượng được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 1997, từ năm 2009 đến nay Lễ hội Vía bà Ngũ Hành tiếp tục được quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, trong việc cũng cố thành lập Ban Quản lý Di tích, Ban hội hương, góp phần bảo vệ, giữ gìn giá trị văn hóa nghệ thuật đồng thời lưu giữ, nghiên cứu các giá trị phi vật thể.

Ngày 19/12/2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội Vía Bà Ngũ hành Long Thượng là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

Miếu Bà Ngũ Hành và lễ hội Vía bà hằng năm là nét văn hóa tín ngưỡng truyền thống đặc sắc của nhân dân Cần Giuộc, xứng đáng được quan tâm nghiên cứu, bảo tồn, phát triển và cần đánh giá đúng mức giá trị lịch sử của nó, để trở thành một địa điểm du lịch văn hóa trong quá trình hội nhập và phát triển.