Món măng om

Nếu bạn đến thăm quê tôi mùa này chỗ nào cũng chỉ thấy măng. Mùa măng vầu đắng đang rộ.
dt2ahm-1709996051.jpg
 

Chiều chiều, ghé qua khu chợ xép giữa làng chỉ thấy toàn măng là măng. Vậy mà bao nhiêu cũng tiêu thụ hết. Từ sau Tết Nguyên đán nhiều lễ hội ở các đền chùa quanh khu vực: Lễ thượng nguyên, lễ cầu bình an. Một số gia đình tổ chức mừng thọ cho các cụ cao tuổi. Rồi đến gần ngày mùng 8 tháng 3, các nơi thi nhau tổ chức liên hoan. Những bữa ẩm thực lớn nhỏ đều không thể thiếu các món được chế biến từ măng vầu. Phổ biến nhất là món măng dồi. Được làm nhân trước bằng thịt băm với gia vị là cây kiệu, rồi dùng lá măng đã luộc sẵn để cuốn lại như bánh đa nem, rồi đem rán chín là được. Món này ăn nóng tuyệt ngon, có thể pha nước chấm với củ kiệu thái nhỏ sẽ có mùi vị đặc trưng của món ăn dân tộc độc đáo.

dt4mb-1709996170.jpg

Hai ảnh trên do tác giả cung cấp.

 

Ngoài ra còn có món măng om cũng rất hấp dẫn. Chọn măng cao bóc sẵn, lấy phần búp măng. Luộc qua rồi xé vừa ăn. Cho vào xào chung với thịt ba chỉ khi ngấm gia vị đậy vung om nhỏ lửa. Tuy mỡ một chút nhưng với món này cần béo mới ngon. Đun đến khi thịt khá nhừ là được. Măng om không nên cạn sạch nước mà để sền sệt chút sẽ ngon hơn. Miếng măng mềm đượm vị béo của thịt, thơm mùi gia vị. Miếng thịt ngấm vị ngọt đăng đắng của măng. Hương vị đặc trưng nơi đầu lưỡi cho ta cảm giác ngọt ngào khó tả.

Cây măng vầu đắng đã bao đời gắn bó, đồng cam cộng khổ với người dân quê tôi. Khi xưa cuộc sống còn đói nghèo thì mùa măng tháng ba cũng giúp bà con ta được no lòng những ngày giáp hạt.

Trải qua bao mùa bão giông nắng lửa, sự tàn khốc của thiên nhiên, biết bao vật đổi sao dời, kẻ còn người mất. Nhưng cây vầu đắng vẫn luôn tồn tại, vẫn chắt chiu từng hạt màu mỡ từ lòng đất mẹ yêu thương để lớn lên sinh sôi nảy nở năm này qua năm khác, đời này qua đời khác. Không có gì làm thay đổi được chu kỳ phát triển của nó. Rễ cây vầu đi ngang trong lòng đất, âm thầm qua nhiều năm tháng tạo nên những rừng măng bạt ngàn mà năm nào người dân cũng khai thác rất nhiều mà không bao giờ sợ hết.

Không phải chăm bón gì, cứ đến mùa lại có. Đó là những rừng măng tự nhiên mà tôi biết đã gần 50 năm nay. Ngày càng nhiều thêm chứ không bị mất đi. Đó cũng là thứ tài nguyên tự nhiên mà thiên nhiên ban tặng cho bà con các dân tộc nơi đây.

Bây giờ là lúc nông nhàn. Lúa cấy đã bén rễ xanh cây, chỉ cần tranh thủ bón phân làm cỏ. Đàn ông có sức khỏe đa số đi làm ăn xa. Còn các chị ở nhà hằng ngày tranh thủ lên rừng kiếm măng cũng có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.

Buổi chiều tà, khi tiếng mõ trâu lốc cốc về chuồng, các bà các chị nổi lửa nấu cơm, mùi măng om quyện với lá húng vịt xộc vào cánh mũi,hương thơm lan tỏa. Từng làn khói trắng ngoằn ngoèo nhẹ bay tỏa vào tận chân núi xa. Khép lại một ngày xuân tươi vui và đầm ấm.

Ngày 9/3/2024

Chuyện làng quê