Tôi cũng là người lính từng tham gia mặt trận biên giới Tây Nam rồi chiến trường Campuchia, nhưng tôi lại là lính quân khu 7. Hôm nay nhân ngày 25-9 là ngày tôi được lệnh của quân khu lên biên giới, chuẩn bị cho chiến dịch đánh phản kích lại đám quân Polpot trên tuyến biên giới Tây Ninh, có một kỷ niệm về Tướng Kim Tuấn đến bây giờ mỗi khi đến ngày này là tôi lại nhớ đến ông ấy, vị tướng đáng kính trọng và đầy huyền thoại của hai cuộc kháng chiến chống Mỹ và đánh Polpot trên chiến trường Campuchia.
Nhớ lại ngày này của năm 1978 lúc đó tôi đang công tác tai sư đoàn 476 công binh quân khu 7, sư đoàn lúc đó được lệnh đưa một trung đoàn công binh lên tuyến biên giới Bến Cầu, Bến Sỏi Tây Ninh, tôi lúc đó ở đại đội vận tải của sư đoàn là cán bộ cấp đại đội được phân công phụ trách khoảng 20 xe vận tải, đi phối thuộc với trung đoàn 1 của sư đoàn chuyển quân lên toàn tuyến Tây Ninh Bến Cầu, Bến Sỏi. Sau khi chuyển quân lên xong, tôi được lệnh ở lại đi cùng với tiểu đoàn 1 của trung đoàn 1 vào làm tuyến đường liên xã Long Giang- Long Phước huyện Bến Cầu, đây là con đường liên xã lúc đó chỉ là đường đất nhỏ do yêu cầu để bảo đảm cho xe, pháo di chuyển và chở quân tiếp cận tuyến biên giới, nên tiểu đoàn 1 được lệnh mở rộng ra để bảo đảm cho các phương tiện cơ động nhanh do yêu cầu của chiến dịch.
Thời điểm đó vào cuối mùa mưa không còn mưa nhiều nhưng một vài ngày lại có một trận mưa, làm cho đường rất lầy lội trên tuyến đường này có một cây cầu nhỏ được đặt tên là cầu Bù Lu, lúc đó cầu Bù Lu là một cây cầu gỗ nhỏ chỉ bảo đảm cho xe 2 tấn trở lại lưu thông. Để bảo đảm cho chiến dịch yêu cầu của quân khu phải bảo đảm cho xe tăng xe kéo pháo cơ động được cho nên cầu phải làm lại mới hoàn toàn. Lúc đó cầu Bù Lu chỉ cách đường biên khoảng 1 km đường chim bay, cầu Bù Lu cũng là mục tiêu cho Polpot thỉnh thoảng bắn pháo và cối qua vì hai đầu cầu luôn bị lầy lội gây tắc đường kẹt xe. Để bảo đảm cho các phương tiện qua lại lúc đó sư đoàn giao nhiệm vụ cho đội cầu 6 vừa làm cầu vừa bảo đảm giao thông tại cầu Bù Lu, thời điểm đó tôi được giao nhiệm vụ trực tiếp lái xe trở đội cầu 6, sáng thì ra chốt làm cầu tối thì đưa về lại chỗ đóng quân cách cầu khoảng 5 cây số để tránh bị Polpot pháo kích.
Chính trong thời gian này tôi có một kỷ niệm với tướng Nguyễn Kim Tuấn khi ông từ trong biên giới đi ra ngoài bộ tư lệnh tiền phương để họp. Như mọi khi chúng tôi đang làm cầu thì thấy một chiếc xe xích BMP1 loại lội nước chạy từ trong biên giới ra đến đầu cầu, chiếc xe xích bỗng dừng lại và từ trong xe có hai người chui ra một đeo quân hàm đại tá một đeo quân hàm trung tá bước từ trên xe xuống. Người đàn ông đeo quân hàm đại tá to tiếng hỏi chúng tôi ở đơn vị nào chúng tôi trả lời là công binh quân khu 7, ông ta hỏi ai là người chỉ cao nhất ở đây lúc đó thiếu tá Nguyễn Thế Khanh trưởng ban tác chiến, tham mưu phó của sư đoàn trực tiếp chỉ huy làm cầu liền chạy lại báo cáo và nhận là người chỉ huy. Ông ta lúc đó có vẻ rất bực mình nói rất lớn, các anh là công binh thì phải xứng đáng với câu nói công binh mở đường làm cầu thắng lợi chứ, còn đây tôi thấy các anh là công binh phá đường gây ách tắc giao thông.
Ông ta tiếp tục nói to các anh thấy đường các anh làm mà tôi phải đi xe bánh xích mới đi được thì các anh làm đường hay phá, tôi đi ra tiền phương họp 3 ngày nữa tôi quay lại đây mà vẫn chưa thông cầu, thông đường tôi sẽ đề nghị tư lệnh tiền phương cách chức giáng cấp chỉ huy của đơn vị công binh này. Lúc đó ông trung tá đi cùng phải ra can và nói mời thủ trưởng lên xe đi cho kịp giờ họp lúc đó ông mới chịu lên xe, sau đó vị trung tá nói với thiếu tá Nguyễn Thế Khanh anh thông cảm đây là tư lệnh quân đoàn 3 tên Nguyễn Kim Tuấn chắc anh cũng nghe tên ông ta, ông ta vẫn nóng nẩy như thế nhưng được cái thương lính vô cùng sẵn sàng cùng ăn cùng ngủ với anh em ở trên tuyến biên giới. Sau buổi hôm đó thiếu tá Khanh về báo lại cho trung tá Bẩy Phạm phụ trách tiền phương của sư đoàn, là ông Nguyễn Kim Tuấn tư lệnh quân đoàn 3 nói như vậy ông Bẩy Phạm nghe xong cũng nói luôn, ai chứ ông ấy nói là ông làm thiệt đấy không đùa với ông ấy được đâu.
Mấy ngày hôm sau ông bẩy Phạm cho tập trung xe máy dọn bùn lầy, tập trung toàn lực lương để thông cầu thông đường. Đúng như hẹn 3 ngày sau ông quay lại nhưng lần này ông đi trên một chiếc xe Jeep A2 còn rất mới tới đầu cầu ông cũng cho xe dừng lại, ông bước xuống xe với bộ mặt rất vui vẻ và tươi cười, ông nói các đồng chí làm tốt lắm tôi sẽ thay mặt quân đoàn đề nghị bộ tư lệnh tiền phương thưởng huân chương cho các đồng chí về việc làm này. Sau đó ông móc bóp ra lấy 200 đồng kêu thiếu tá Khanh ra nhận, nói đây là tiền riêng của cá nhân tôi cho mấy cậu để mua con chó làm thịt ăn giải đen vì đã bị tôi la rầy.
Đó là một kỷ niệm mà tôi còn nhớ mãi về ông ấy, sau này ông được phong quân hàm tướng và nghe đâu khi ông bị phục kích tại chiến trường Campuchia hy sinh cũng đi trên chiếc xe Jeep mà ông đã gặp chúng tôi tại cầu Bù Lu. Sau này tôi cũng có dịp gặp các anh em ở sư 10 quân đoàn 3 khi đi phối thuộc với họ làm cầu KongKoc, trên tuyến KLanh-Samrong trong chiến dịch đánh truy quét Polot sang tận đất Thái, mỗi khi nhắc tới ông vị tướng chỉ huy quân đoàn các người lính đều nói đến ông với những lời đầy kính trọng. Đúng như lời tướng Kim Tuấn nói sau chiến dịch đội cầu 6 của sư đoàn công binh 476 được nhà nước thưởng huân chương chiến công hạng nhì.
--------------
P/S Hôm ngày 7-1 45 năm ngày giải phóng Campuchia, để có ngày này mà những người lính tình nguyện Quân Đội Nhân Dân Việt Nam từ người lính cho đến sĩ quan cấp úy, cấp tướng đã phải hy sinh, để giúp người dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Polpot. Tôi xin đăng câu chuyện này thay cho một nén nhang thành kính tưởng nhớ đến những đồng đội của tôi, từ tướng lĩnh đến người lính binh nhì đã ngã xuống để tô thắm thêm lá cờ của tổ quốc Việt Nam.
Trái tim người lính