Một nhà Hán học tài năng bị lãng quên chăng ?

Khoảng 6 năm trước, có lần tôi sang chơi nhà bác Ngũ Duy Viên ở phố Thái Thịnh, quận Ba Đình, Hà Nội. Bấy giờ tôi đang tìm tư liệu để làm sách giảI mã thơ Nguyễn Trãi. Hỏi, bác có phải dòng dõi Ngũ Tử Tư (Ngũ Viên), tể tướng nước Ngô thời Chiến Quốc bên Tàu hay không? Bác Viên gượng cười, vừa rót trà mời khách, vừa ngước nhìn sang tôi, bảo: “Chả biết! Nhưng cũng chả biết đâu được. Ngọn nguồn xa lắc xa lơ”…
chuyvbl1-1640578636.jpg
Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục.

 

Bác Ngũ đọc rất nhiều. Lại kiến văn sâu rộng, rất đáng nể. Không thuộc chuyên ngành nghiên cứu văn học nghệ thuật, nhưng theo chỗ tôi nghĩ, bác Ngũ là một trong vài người yêu sách, nhiều sách nhất Hà Nội. Bác nhiệt tình bảo tôi, rằng cậu muốn tìm tư liệu gì, bảo tớ. Nếu bản đó có một thôi, thì tớ pô tô thêm một bản tặng cậu. Nếu có hai, thì tớ tặng luôn. Bấy giờ tôi cần Nguyễn Trãi. Bác Viên đưa ra một số sách nghiên cứu về Nguyễn Trãi. Tôi lướt qua, ghi nhớ cái tên một nhà Hán học, Phạm Trọng Điềm. Biết vậy, nhưng lúc đó tôi cũng chưa dùng đến tác phẩm của cụ Phạm Trọng Điềm.

Chuyện ấy qua đi. Đến kỳ Đại hội đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam đầu năm nay, tôi bất ngờ gặp nhà thơ, nhà báo Trần Quốc Toàn, từ Sài Gòn bay ra. Biết danh từ lâu. Anh toàn cũng đọc tôi nhiều trên các báo. Nhưng mà bây giờ mới gặp được nhau. Rất vui.

Nhà văn Trần Quốc Toàn quê Hà Nội, cùng lứa với tôi. Nhưng anh chủ yếu sống và viết tại Sài Gòn. Hình như con người anh phần nào đã ngấm cái tố chất Nam Bộ. Nghĩa hiệp, ngay thẳng, dễ mến. Nhà báo từng là sinh viên Văn khoa ĐHSP Hà Nội bảo tôi, rằng anh chắc có biết cụ Phạm Trọng Điềm chứ? Cụ Điềm, quê Thái Bình, là một nhà Hán học xuất sắc đấy. Thế mà chả mấy ai quan tâm nhắc nhở về những đóng góp lớn lao của cụ. Công lao của cụ thật sự là lớn lắm, chả thua kém gì những bậc lão trượng như Đào Duy Anh, Trần Văn Giáp... Một nhà Hán học khiêm nhường, chỉ biết lặng lẽ cống hiến hết mình. Này! Anh biết không? Cụ Điềm chính là thân sinh của nhà văn Phạm Tường Hạnh nổi tiếng đấy! Nghe vậy, tôi ồ lên thích thú. Chả là khoảng vài chục năm trước, khi còn ở Tây Nguyên, tôi đã đọc loạt bài đăng nhiều kỳ (trên báo Thanh niên thì phải) của nhà văn Phạm Tường Hạnh. Bài báo đăng nhiều kỳ viết về một nhà sư danh tiếng người Việt, sống và hành đạo trên đất Campuchia. Chỉ cần đọc một lần, nay tôi vẫn có thể kể lại hành trạng của nhà sư đặc biệt đó. Câu chuyện của nhà Văn Phạm Tường Hạnh đã găm vào ký ức của tôi.

Anh Toàn kể tiếp. Rằng mới rồi trong Sài Gòn có cuộc hội thảo về nhà văn Phạm Tường Hạnh (đã mất), con trai nhà Hán học Phạm Trọng Điềm. Mới hay rằng, chúng ta đã lãng quên một con người ưu tú. Anh Toàn đề nghị tôi tham gia nghiên cứu thêm về cụ Phạm Trọng Điềm, với tư cách cụ Điềm là một danh nhân văn hóa của đất nước. Chúng tôi xin điểm qua một số tác phẩm nghiên cứu, dịch thuật, biên khảo, chú giải và đôi nét hành trạng của cụ Phạm Trọng Điềm, để bạn đọc tham khảo. Số liệu tóm tắt trong tham luận tại hội thảo về nhà Văn Phạm Tường Hạnh, do nhà báo Trần Quốc Toàn cung cấp.

Được biết, cụ Phạm Trọng Điềm từng phiên âm, dịch thuật, khảo cứu, chú giải tới 26 bộ sách đã xuất bản. Hiện thấy tên 12 bộ sách, cả riêng và cùng làm với người khác.

1. QUỐC ÂM THI TẬP của Nguyễn Trãi, do Phạm Trọng Điềm và Trần Văn Giáp phiên âm và chú giải lần thứ nhất, Nxb Văn Sử Địa-1956

2. VIỆT SỬ THÔNG GIÁM CƯƠNG MỤC – 20 tập- Quốc sử quán triều Nguyễn - Phạm Trọng Điềm, Hoa Bằng, Trần Văn Giáp (dịch). Nxb Văn Sử Địa và Nxb Sử học-1957 và 1960.

3. PHAN BỘI CHÂU NIÊN BIỂU (tức TỰ PHÊ PHÁN), Tôn Quang Phiệt và Phạm Trọng Điềm (dịch), in lần thứ hai-Nxb Văn Sử Địa – 1957

4. TRUYỆN TÂY SƯƠNG – Phạm trọng Điềm chú thích-Nxb Văn hóa-1961.

5. HỒNG ĐỨC QUỐC ÂM THI TẬP- Phạm Trọng Điềm phiên âm, chú giải, giới thiệu-Nxb VSĐ -1962.

6. KIẾN VĂN TIỂU LỤC của Lê Quý Đôn, Phạm Trọng Điềm dịch, chú giải-Nxb Văn hóa- 1962.

7. ĐAI NAM NHẤT THỐNG CHÍ (Quốc sử quán triều Nguyễn) 5 tập-Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính. Nxb Sử học và Nxb Khoa học xã hội- 1963 và 1971.

8. PHÙ DUNG TÂN TRUYỆN-Phạm trọng Điềm phiên âm, chú thích. Nxb văn học- 1964.

9. VẤN ĐỀ RUỘNG ĐẤT TRONG TRIỀU NHÀ LÊ-Phạm Trọng Điềm lược dịch, trong sách LỊCH TRIỀU HIẾN CHƯƠNG LOẠI CHÍ của Phan Huy Chú, quyển 38 – Tập san Văn Sử Địa số 2. 1954.

10. TỔNG KẾT THẢO LUẬN VẤN ĐỀ ĐỊA LÝ TỰ NHIÊN VÀ ĐỊA LÝ KINH TẾ- Phạm Trọng Điềm dịch-Tập san VSĐ- 1955.

11. TÁC DỤNG CỦA QUẦN CHÚNG NHÂN DÂN VÀ CÁ NHÂN TRONG LỊCH SỬ-Phạm Trọng Điềm dịch. Tập san VSĐ số 10-1955.

12. MỘT SỐ TÀI LIỆU TRONG “AN NAM CHÍ NGUYÊN”, Phạm Trọng Điềm và Nguyễn Đổng Chi dịch…

Điều đáng lưu ý là, đây mới chỉ là 12, trong số 26 tác phẩm mà người ta được biết. Sách QUỐC ÂM THI TẬP của Nguyễn Trãi do Phạm Trọng Điềm và Trần Văn Giáp làm, ngay từ năm 1961, đã có mặt ở Thư viện Đại học Văn khoa Sài Gòn và được giới thiệu rất trang trọng. Bản in roneo được lưu trữ tại thư viện Suzzallo thuộc trường đại học thủ đô nước Mỹ.

Cụ Phạm Trọng Điềm đã tham gia kháng chiến chống Pháp, rồi trở về làm nhà nghiên cứu, biên khảo, dịch thuật tại viện VIỄN ĐÔNG BÁC CỔ Hà Nội. Bậc túc Nho khiêm nhường, khả kính, đóng góp không hề nhỏ cho văn hóa nước nhà.

Cháu nội cụ Điềm, tức con trai của nhà văn Phạm Tường Hạnh, chính là doanh nhân Phạm Minh Thuận, hiện sống ở Sài Gòn. Anh Thuận tiếp nối sự nghiệp của cha ông mình, nhưng bằng cách khác. Hiện Phạm Minh Thuận đang quản lý chuỗi 112 cửa hàng sách, trên 46 tỉnh thành Việt Nam, với 2500 đồng nghiệp FAHASA. Đem sách truyền bá sâu rộng đến đông đảo bạn đọc cả nước, đủ lứa tuổi, chẳng phải là đem văn hóa đọc đến cộng đồng xa hội đó sao?

Một nhà ba thế hệ làm văn hóa, giữ được và phát huy đức tốt của tổ tiên, chẳng phải là đáng ngưỡng mộ lắm sao!