Một số tư tưởng nổi bật trong cuốn “Vì một nền văn hóa Việt Nam dân tộc, hiện đại”

Cuốn sách “Vì một nền văn hóa Việt Nam dân tộc, hiện đại” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng xuất bản năm 2002, được in ở Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin. Thời điểm đó, ông đang giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội. Cuốn sách ra đời đã hơn 20 năm, để lại những dấu ấn tư tưởng và tầm nhìn chiến lược của một nhà chính trị nay đã là Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Cuốn sách là tập hợp những bài viết của GS Nguyễn Phú Trọng đã đăng trên nhiều tờ báo và tạp chí như: Báo Nhân Dân, báo Văn Nghệ, tạp chí Cộng Sản, tạp chí Văn Học, thời báo Tài Chính… Xuất phát điểm từ một sinh viên khoa Văn (ông học khóa 8 khoa Ngữ Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là trường Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), ông đã nêu ra nhiều luận điểm khúc triết trên nhiều lĩnh vực: Văn hóa, bảo vệ môi trường, nhân quyền, công tác chính trị, văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, khuyến học, báo chí…

b01-vanhoavietnam-1683686507.jpg

Bìa cuốn sách “Vì một nền văn hóa Việt Nam dân tộc, hiện đại”

 

Trong bài “Tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, thực hiện công bằng xã hội” (trang 78-82, đăng báo Thời báo Tài chính, ngày 22/9/1994), ông cho rằng: “Càng đi vào kinh tế thị trường trong thời đại văn minh này, chúng ta càng nhận rõ phải phát triển văn hóa, chăm sóc, bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, coi đây vừa là động lực vừa là mục tiêu của công cuộc xây dựng xã hội mới”.

b02-vanhoavietnam-1683687584.jpg

GS. Nguyễn Phú Trọng trong một lần về thăm trường Đại học Văn hóa Hà Nội. (Ảnh tư liệu).

 

Thời điểm ấy, công nghệ thông tin chưa bùng nổ và lan tỏa sâu rộng như hiện nay, ông đã phần nào dự cảm được sự khốc liệt của kinh tế thị trường, tầm quan trọng của văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế. GS Nguyễn Phú Trọng cũng cho rằng: “Không ảo tưởng sớm có ngay một xã hội tốt đẹp trong lúc kinh tế còn kém phát triển”. Thời điểm ấy (năm 1994), đất nước ta mới tiến hành công cuộc đổi mới, khó khăn vẫn chồng chất khó khăn. Những năm ấy, nước ta về cơ bản vẫn là nước nông nghiệp, cuộc cách mạng Internet chưa hề tác động đến (ngày 19/11/1997 được coi là ngày đầu tiên Việt Nam được kết nối với mạng Internet toàn cầu). Ông mong thực hiện công bằng xã hội, từng bước xây dựng một xã hội nhân dân thực sự làm chủ, “mọi người sống nhân ái, có văn hóa, tôn trọng pháp luật, kỷ cương, xóa bỏ mọi áp bức, bất công; ai cũng có điều kiện để vươn lên, để cống hiến, trưởng thành và xây dựng một cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc”.

b03-vanhoavietnam-1683687625.jpg

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một lần dâng hương tại Đền Hùng. Ảnh tư liệu.

 

Một luận điểm mang tầm nhìn sâu rộng của GS Nguyễn Phú Trọng ở phần cuối bài viết ấy, ông khẳng định: “Đặc biệt, phải tập trung chống cho được tệ nạn tham nhũng, bởi vì tham nhũng đang là một bất công xã hội nghiêm trọng nhất, tệ hại nhất hiện nay. Bằng cách lạm dụng quyền lực, bằng hành động tham ô, sách nhiễu, đòi hối lộ, nhận hối lộ dưới nhiều hình thức trắng trợn và tinh vi; bọn tham nhũng đang đục khoét tài sản quốc gia, cướp đoạt thành quả lao động của nhân dân, nhũng nhiễu, gây phiền hà và bất bình trong nhân dân, bôi nhọ thanh danh của Đảng và Nhà nước, tiếp tay cho các thế lực thù địch phá hoại chế độ ta. Nếu không khắc phục có kết quả nạn tham nhũng thì sẽ là nguy cơ thực sự…”.

Đến thời điểm này; nhân dân cả nước đã thấy, đã cảm phục công cuộc chống tham nhũng quyết liệt với hàng loạt đại án từ Vinashin, Vinalines, Ocean Bank, các vụ đánh bạc hàng ngàn tỷ…

Trong bài “Nhân quyền: Đạo lý Việt Nam”, (trang 97-103, đã đăng báo Nhân Dân ngày 14/5/1993), GS Nguyễn Phú Trọng khẳng định “Nhận thức quyền con người, cơ bản và trước hết là quyền được sống trong độc lập, tự do, được giải phóng khỏi sự áp bức, bóc lột”. Ông cũng mở rộng: “Nhưng chúng ta cũng nhận thức rằng; nếu độc lập, tự do mà nhân dân không có cơm ăn, áo mặc, không được học hành; con người không có tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau; thì độc lập, tự do mất hết ý nghĩa. Nói cách khác, cùng với độc lập, tự do; con người còn phải được ăn no, mặc ấm; có đời sống vật chất và tinh thần đầy đủ, hài hòa”. Đời sống vật chất của nhân dân ngày càng được nâng cao, cùng với đó là những đòi hỏi về đời sống tinh thần cũng tăng theo. Ngày nay, khi đa số nhân dân ta đã được ăn no mặc ấm, thì một cuộc sống ăn ngon, mặc đẹp trong yêu thương, tự do, hạnh phúc sẽ là đời sống hướng đến của tất cả mọi người.

Ông cũng nêu quan điểm về quyền cơ bản của con người là “Quyền được làm chủ vận mệnh của mình, làm chủ công việc của mình và tham gia các công việc đất nước”. Đó là những quyền hiện hữu và ý nghĩa hơn với những ai thực sự quan tâm hơn đến sự phồn vinh, thịnh vượng của dân tộc. Ông khẳng định: “Với truyền thống nhân ái thấm sâu trong văn hóa Việt Nam, đạo lý Việt Nam; nhân dân ta sẵn sàng bỏ qua quá khứ hận thù, hướng đến tương lai từ một tầm nhìn thấm đượm nhân tình và nghĩa cả dân tộc”. Quan điểm ấy chứa đựng tinh thần nhân văn sâu sắc và hướng đến đại cục. Trong một thế giới đầy biến động, đầy thách thức, khó dự đoán như hiện nay; cần lắm những quan điểm như vậy để định hướng cho cả dân tộc.

Nhân loại đã có những bước tiến thần diệu trên tất cả mọi mặt của đời sống, nhất là kinh tế và khoa học. Bởi thế, mỗi công dân cần có nhiều kỹ năng và khát vọng; trước hết là để biến những ước mơ của bản thân thành hiện thực, sau là hướng đến mục tiêu cao cả như phụng sự tổ quốc; điều ấy là sứ mệnh thiêng liêng của một công dân.

Trong bài “Công tác tư tưởng văn hóa đối với thế hệ trẻ” (trang 125-131, đã đăng trên tạp chí Thanh Niên, số 01-2000), GS Nguyễn Phú Trọng đã đề cập tới nhiều thuận lợi, khó khăn và thách thức mà giới trẻ đang phải đối mặt. Ông khẳng định: “Trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại, thanh niên luôn là lực lượng đi tiên phong và không ngừng được tôi luyện, trưởng thành”. Cùng với đó là “Sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng cách xa; phân tầng xã hội tiếp tục phát triển; các tệ nạn ma túy, mại dâm, thất nghiệp vẫn gia tăng; giá trị văn hóa, đạo đức xuống cấp…Đây chính là những thách thức lớn đối với chúng ta mà ảnh hưởng của nó trong thế hệ trẻ là không nhỏ”. Những thách thức ấy cho đến hôm nay vẫn luôn làm cho những nhà quản lý, cho bao gia đình, bao thế hệ phải lo lắng và tìm phương hướng giải quyết. Dường như  kinh tế càng phát triển thì các tệ nạn xã hội lại càng dễ tăng theo. Không ít các bậc phụ huynh đã phải khổ tâm vì có con cái nghiện ngập, sa ngã.

GS Nguyễn Phú Trọng viết: “Thế hệ trẻ ngày nay phải là lớp người phát triển toàn diện, thấm nhuần quan điểm của giai cấp công nhân và truyền thống tốt đẹp của dân tộc;  có bản lĩnh chính trị vững vàng, có lý tưởng cao đẹp, có trình độ học vấn, tri thức khoa học, kỹ thuật nghề nghiệp, có ý thức trách nhiệm công dân, có sức khỏe và lao động giỏi; sống có văn hóa, nghĩa tình, giàu lòng nhân ái và trong sáng”. Đó đều là những ước vọng tuyệt vời cho thế hệ trẻ Việt Nam. Nhân loại đã có những bước tiến thần diệu trên tất cả mọi mặt của đời sống, nhất là kinh tế và khoa học. Bởi thế, mỗi công dân cần có nhiều kỹ năng và khát vọng; trước hết là để biến những ước mơ của bản thân thành hiện thực, sau là hướng đến mục tiêu cao cả như phụng sự tổ quốc; điều ấy là sứ mệnh thiêng liêng của một công dân.

Trong bài “Thời đại mới và trách nhiệm sáng tạo của các nhà văn trẻ” (trang 145-149, bài đăng trên báo Nhân Dân, ngày 28-08-1998), GS Nguyễn Phú Trọng đã dành nhiều quan tâm đến văn học đương đại, ông đặt nhiều kỳ vọng nơi các nhà văn, nhất là các nhà văn trẻ. Ông cho rằng: “Hiện thực cuộc sống phong phú sôi động của đất nước đang mở ra chân trời rộng lớn cho sự sáng tạo, đồng thời cũng đang đặt ra những vấn đề lớn và mới mà những người cầm bút thông qua những tác phẩm sáng tạo của mình phải cắt nghĩa, trả lời, định hướng đi lên cho xã hội. Thời đại đang đặt lên vai thế hệ trẻ trọng trách sáng tạo ra những tác phẩm tương xứng với tầm vóc của dân tộc và đất nước”. Đó là những gợi mở cho các nhà văn. Biết bao nhiêu những vấn đề mà hiện nay đất nước và nhân loại phải đối mặt: Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, tàn phá rừng, tham nhũng, vô cảm… cho đến những vấn đề nghiêm trọng liên quan tới tính mạng con người mà đỉnh chóp là nạn phá thai. Đó đều là những bài toán khó cho tất cả các nhà lãnh đạo, và là những thử thách chông gai với các văn nghệ sĩ khi gửi gắm những thông điệp qua các tác phẩm.

GS Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao những người hoạt động văn học, nói riêng là các nhà văn: “ Nhà văn, bao gồm những người viết trẻ, là những người có năng khiếu đặc biệt, lại có khả năng thu nhận tri thức, tiếp cận đời sống, trau dồi bản lĩnh chính trị và nghề nghiệp, là người sáng tạo ra tác phẩm. Sự nghiệp sáng tạo văn học đòi hỏi phải có những người có tài năng, có tâm hồn, có nhân cách, đặc biệt là có chỗ đứng và cách nhìn đúng đắn”. Ông cũng liên hệ: “Thực tế đời sống văn học ở nước ta và trên thế giới cho thấy, những tác gia lớn là những tác gia có khát vọng và hoài bão lớn, có tầm nhìn xa rộng, có tư duy sâu sắc”. Ông kỳ vọng và tin tưởng vào sứ mệnh cao cả nơi các nhà văn: “Mỗi nhà văn là một nhà văn hóa, một người uyên bác, rất cần có sự học tập trau dồi kiến thức, có tấm lòng trong sáng, nhân văn; có cái nhìn và tầm nhìn đúng đắn, khoa học mới có thể là người thể hiện, người dự báo, người thư ký của thời đại”.

Trong bài “Phát huy thiên chức của người nghệ sỹ” (trang 150-156, đã đăng trên báo Hà Nội mới, ngày 09-01-2001), GS Nguyễn Phú Trọng đã dành những lời đầy trang trọng đối với các nghệ sỹ. Ông viết “Văn học - Nghệ thuật vốn có chức năng cao quý là khám phá, sáng tạo, phản ánh chân thực, sinh động, hấp dẫn hiện thực cuộc sống- hiện thực vĩ đại của dân tộc; phản ánh hiện thực có chiều sâu, từ trong bản chất của nó. “Nhà văn là kỹ sư tâm hồn”, “là người thư ký của thời đại”  (Balzac)”. Từ vốn hiểu biết sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, GS Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao các văn nghệ sỹ: “Mỗi văn nghệ sỹ cần bám sát hiện thực cuộc sống để sáng tạo, làm sao cho mỗi tác phẩm của họ phản ánh chân thực cuộc sống, làm sao cho người đọc sau khi gấp sách lại đều cảm thấy “mạch đời đập dưới sách như mạch máu đập dưới làn da” (Kalinin).

Ông tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng nơi các văn nghệ sỹ, nói riêng là các văn nghệ sỹ đang sinh sống và làm việc ở thủ đô Hà Nội. Ông viết: “Với tài năng và tâm huyết của đội ngũ văn nghệ sỹ thủ đô, chúng ta tin là sẽ có nhiều tác phẩm phản ánh chân thực cuộc sống, ngợi ca cái tốt, cái thiện, cái tích cực; đồng thời phê phán, đấu tranh với cái ác, cái xấu, những tư tưởng đi ngược lại truyền thống đạo lý và lợi ích của tổ quốc và dân tộc, những thói tệ nảy sinh từ mặt trái của kinh tế thị trường và mở cửa giao lưu quốc tế”. Rõ ràng, sau hơn 20 năm, bài viết này của GS Nguyễn Phú Trọng vẫn mang ý nghĩa phân định rõ ràng những quan điểm văn hóa văn nghệ mang lại lợi ích chung mang tính vĩ mô. Cùng với đó là mối quan tâm của ông tới lĩnh vực nghiên cứu văn học: “Nghiên cứu lý luận, phê bình cần phải thẳng thắn, trung thực, khách quan, tinh tế, góp phần định hướng, giới thiệu cho công chúng tiếp nhận những giá trị văn hóa trong và ngoài nước; loại trừ những cái phi văn hóa, phản văn hóa…Đảm bảo sự phát triển lành mạnh của đời sống văn học nghệ thuật, nâng cao trình độ nhận thức và thị hiếu thẩm mỹ của nhân dân”. Các nhà nghiên cứu lý luận - phê bình văn học là lớp độc giả cao cấp, hẳn nhiên những đòi buộc về tầm hiểu biết sâu rộng - đặc biệt là trong chuyên môn về văn học là điều kiện khách quan để thẩm định và  giới thiệu tới công chúng những tinh hoa của văn học tới độc giả. Ngày nay, trình độ dân trí được nâng cao rõ rệt, bởi vậy nên các nhà nghiên cứu văn học cần trao dồi kiến thức không ngừng.

Trong bài “Để mãi mãi là trung tâm nghiên cứu văn học lớn nhất của cả nước”, (trang 175-179, bài đã đăng trên tạp chí Văn học, số 12-1999), GS Nguyễn Phú Trọng đã nêu những đóng góp lớn của Viện Văn học trong sự nghiệp văn học nước nhà. Ông viết: “Viện Văn học là cơ quan nghiên cứu văn học lớn nhất của cả nước, một địa chỉ gắn với tên tuổi của nhiều học giả đầy tâm huyết, giàu tài năng và có uy tín trong giới văn nghệ nước nhà. Trong 45 năm qua, Viện Văn học đã làm được nhiều việc lớn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, xứng đáng với phần thưởng cao quý mà Nhà nước trao tặng: Huân chương Độc lập hạng Nhất”. Đó là những ghi nhận xứng đáng đối với một trung tâm học thuật lớn như Viện Văn học. Cho đến nay, Viện Văn học vẫn là nơi thu hút nhiều nhà khoa học nghiên cứu và giảng dạy trên cả nước.

Cùng với những đánh giá cao về Viện Văn học, ông lo lắng: “Nếu nền kinh tế thị trường một mặt nào đó tự phát làm băng hoại các giá trị đạo đức văn hóa, dìm tình nghĩa con người vào dòng nước băng giá, làm phát triển lối sống “tất cả chỉ vì tiền”, “tiền trao cháo múc”, lạnh lùng không tình nghĩa, thì hơn bao giờ hết chúng ta càng cần chú trọng xây dựng văn hóa, xây dựng con người, nâng cao con người”. Những lo lắng ấy đến hôm nay vẫn như là một mối bận tâm hiển hiện ngay trước mắt. Lối sống thực dụng, vô cảm, giả dối vẫn len lỏi khắp nơi. Để xây dựng những nếp sống văn minh, có thực tế, có tình người, đòi hỏi sự chung tay của nhiều người tử tế và tài năng. Chúng ta tin tưởng rằng, cái thiện nhất định sẽ thắng cái ác, sự tử tế và chân thật nhất định sẽ thắng dối trá và lọc lừa.

Trong bài “Bốn mươi năm trường Đại học Văn hóa Hà Nội” (trang 180-183, trích bài phát biểu ngày 02-04-1999 nhân dịp trường Đại học Văn hóa Hà Nội kỷ niệm 40 năm ngày thành lập), một lần nữa, GS.TS Nguyễn Phú Trọng nhắc lại tầm quan trọng của văn hóa. Ông nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa phải thiết thực phục vụ nhân dân, góp phần vào việc nâng cao đời sống vui tươi lành mạnh của quần chúng”. Ông động viên: “Các thế hệ cán bộ và học viên của nhà trường đã lao động bền bỉ, sáng tạo, vượt qua muôn ngàn khó khăn, từng bước vươn lên, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội”. Trong một xã hội phát triển vũ bão như hiện nay, nhiều khi các giá trị văn hóa chưa được chú trọng nhiều, các nhà quản lý và lãnh đạo bộ ngành cần có những giải pháp mang tính chiến lược và thực tế trong tình hình hiện nay.

GS Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Hàng vạn cán bộ văn hóa do trường đào tạo đã và đang đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa cách mạng của nước nhà trên mọi miền tổ quốc. Nhiều cán bộ văn hóa của các nước bạn Lào, Campuchia được đào tạo dưới mái trường này. Nhà trường cũng đã và đang có quan hệ tốt đẹp trong hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với một số trường Đại học ở nước ngoài”. Đến hôm nay, Đại học Văn hóa Hà Nội còn mở rộng đào tạo thêm cho một số sinh viên Thái Lan, Trung Quốc, và khá nhiều các học viên đến từ Hàn Quốc. Cùng với đó là các hội thảo lớn về văn hóa, văn học. GS Nguyễn Phú Trọng viết: “Trường Đại học Văn hóa Hà Nội có sứ mạng rất quan trọng, được giao trọng trách là trung tâm lớn của cả nước đào tạo cán bộ ngành Văn hóa có trình dộ cao để góp phần đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực quản lý việc xây dựng và phát triển nền văn hóa nước nhà. Đồng thời phải trở thành một trung tâm nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn của văn hóa Việt Nam, góp phần tham mưu cho Đảng và Nhà nước về những cơ sở khoa học của việc hoạch định các chính sách và thể chế văn hóa”. Hiện tại, với trọng trách Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, GS Nguyễn Phú Trọng đảm đương rất nhiều các công việc hệ trọng của đất nước; với những biến động của thời cuộc trong một thế giới có nhiều biến động khó lường như hiện nay, ông vẫn khẳng định tầm quan trọng của văn hóa, như lời ông phát biểu khai mạc Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội ngày 12/10/2020: “Phát triển kinh tế dựa trên nền tảng văn hóa”.