Cây vải đã có ở Việt Nam hàng ngàn năm, nhưng để có giống vải thiều “trứ danh” như ngày nay, là do công của cụ Hoàng Văn Cơm người thôn Thuý Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.
Cụ Hoàng Văn Cơm làm việc ở Hải Phòng, một lần dự tiệc với những người lái buôn Thiều Châu (Trung Quốc), cụ Cơm được ăn thứ trái cây là quả vải, mùi vị ngon và lạ. Cụ lấy được sáu hạt giống đem về quê ươm trồng, mọc được ba cây, sau đó chỉ có duy nhất một cây sống sót, phát triển ra hoa kết trái.
Do hợp với thổ nhưỡng! Đến khi trái chín, ăn rất thơm vị ngọt thanh, hạt nhỏ cùi dày.
Biết là giống quý, gia đình cụ Cơm đã chiết cành nhân giống cho gia đình và bà con trong vùng. Từ một cây vải, thành nhiều cây vải…từ một vườn vải, thành nhiều vườn vải. Từ một vùng trồng vải thiều, đến nay đã có rất nhiều vùng trồng vải thiều.
Cây vải thiều cụ Cơm trồng tại thôn Thuý Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đến nay đã gần 200 năm tuổi, được xác nhận là “cây vải tổ”.
Quê tôi ở sát huyện Thanh Hà (chỉ cách một con sông nội đồng), nên cũng được coi là vùng đất Thanh Hà. Gia đình tôi cũng có vài cây vải thiều trồng trong vườn nhà.
Nhớ thời bao cấp vào mùa vải chín, hằng đêm từng tốp 5-7 người kĩu kịt gánh vải quả từ các thôn, xã dưới Thanh Hà đi tắt cánh đồng làng tôi để tránh chốt (phòng thuế) mang lên tỉnh bán. Do họ gánh nặng lại đi vội tắt bờ ruộng, nên vải quả bị rơi vãi dọc đường. Sáng sớm bọn con nít chúng tôi đi chăn trâu nhặt được vài chục quả vải rơi, tranh nhau ăn! Mùi vị sao mà ngon ngọt…bây giờ nghĩ vẫn thấy thèm.
Ngày xưa vải thiều chỉ trồng ở vườn nhà, ngoài đồng là ruộng của HTX cấy hai vụ lúa, thêm một vụ mầu nếu là chân ruộng cao. Sản lượng vải cũng ít, nhà nước lại thu mua để bán ở cửa hàng mậu dịch. Vì vậy bọn con nít chúng tôi mặc dù ở ngay vùng vải, nhưng nhiều bạn gia đình không có vườn thì cả mùa cũng chưa chắc được ăn quả vải nào.
Bây giờ nếu bạn về quê tôi vào mùa vải, dọc đường giao thông cứ đến ngã ba, ngã tư là tha hồ mua vải thiều chính hiệu của những người nông dân vừa hái dưới vườn lên bán cho khách đi đường. Còn ở các chợ xóm, chợ làng, chợ huyện…thì thôi rồi người bán vải có khi còn đông hơn cả người mua. Người bán mời chào người mua nhiệt tình, giá cả rất hữu nghị…người mua cũng tha hồ chọn lựa, nếm thử. Có người chả cần mua cứ đi nếm thử một vòng chợ đã no bụng vải rồi.
Chỉ thấy thương những người trồng vải một nắng, hai sương! Đặc sản đấy, nhưng được mùa thì rớt giá…vẫn phải bán vớt vát công chăm sóc.
Mấy năm gần đây nhà nước và nhiều doanh nghiệp rất quan tâm đến xuất khẩu nông sản Việt, trong đó có quả vải thiều, trái cây đặc sản được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng.
Vùng trồng vải thiều được quy hoạch chỉ dẫn địa lý. Người trồng vải được tập huấn kỹ thuật, công nghệ chăm bón theo tiêu chuẩn VietGap và Global Gap. Trái vải thiều đã được xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, các nước châu Âu và khẳng định được thương hiệu Việt.
Người trồng vải thiều ở Hải Dương quê tôi, cũng như những người trồng vải ở nhiều nơi khác, như Lục Ngạn, Lục Nam…có thu nhập xứng đáng với công sức chăm sóc của mình.
Mừng cho trái vải thiều quê nhà, đã vươn ra thị trường thế giới.
Chuyện quê