"Nam chinh Bắc chiến" - Hồi ức của một người lính trận

Đặng Vương Hưng

16/10/2022 09:30

Theo dõi trên

Đại uý, Cựu chiến binh Hà Minh Sơn được sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống: cụ Quản Hậu (tên thật là Hà Văn Đoài) ông nội của anh Sơn từng là một chiến tướng của nghĩa quân Yên Thế. Cha và mẹ của anh là Hà Văn Phác - Nguyễn Thị Chung đều là những nghệ nhân chầu văn có tiếng của vùng Bắc Giang một thời.

Ông Phác là một cây đàn điêu luyện còn bà Chung là một cung văn xuất sắc. Họ thuần thục 36 giá đồng, nên liên tục được mời và cùng có mặt trong những đám hầu đồng khắp miền Bắc Giang, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Phòng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Nội… Họ đã thành vợ chồng cũng là vì mến tài sắc của nhau. Hai ông bà sinh được 8 người con (2 gái và 6 trai). Hà Minh Sơn tuổi Quý Tỵ - 1953, là con trai thứ 4 trong gia đình. “Sông Thương nước chảy trong veo / Thuyền xuôi người ngược… / Có tiếng hò reo vang lừng / Nhìn đá núi mấy tầng cao thấp / Ngàn cỏ hoa tăm tắp màu xanh...”. Chắc chắn ca từ của bài hát văn nổi tiếng vùng Kinh Bắc xưa “Cô đôi thượng ngàn” đã ngấm vào tâm hồn của cậu bé Hà Minh Sơn từ thuở ấu thơ và giúp anh có tố chất của một nghệ sĩ, ham đọc sách và yêu thích thơ ca sau này.

dh1abc1-1665887180.jpg
Ban Tổ chức sự kiện tặng hoa cho Đại uý, CCB Hà Minh Sơn (tác giả tự truyện "Nam chinh Bắc chiến" với sự chứng kiến của Trung tướng Đặng Vũ Sơn và Thiếu tướng Nguyễn Văn Nghinh. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Tôi nhận lời biên soạn và giới thiệu cuốn tự truyện “Nam chinh Bắc chiến” cho tác giả Hà Minh Sơn, không chỉ với tư cách là một nhà văn chuyên về mảng đề tài tư liệu chiến tranh, mà còn là tình đồng hương thân thuộc. Dù anh Sơn thuộc lớp đàn anh, hơn tôi mấy tuổi, nhưng chúng tôi cùng quê, cùng lớn lên tại xã Tân Trung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Xóm Đồng Điều nơi tôi sinh trưởng chỉ cách xóm Đanh của anh Sơn một cánh đồng. Đó là nơi thời niên thiếu, chúng tôi từng chăn trâu, đánh giậm, câu ếch, soi cá, bắt cua…

Xã Tân Trung thuộc vùng đất thuộc Yên Thế hạ ngày xưa. Chỉ qua xóm Bãi Dẻ và xóm Cổng Xây đã đã thuộc về Yên Thế ngày nay. Đó là nơi mỗi khi có việc hiếu hỉ, người ta thường có câu quen thuộc “Kính thưa bà con hai huyện ba xã”! Hơn thế, Tân Trung còn là nơi cụ Đề Nắm (tức Lương Văn Nắm) làm Lễ Tế cờ dấy binh ở Đình Hả, mở đầu cho cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống Pháp gần 30 năm. Sau khi cụ Đề Nắm bị sát hại, cụ Đề Thám (Hoàng Hoa Thám) mới lên thay và chỉ huy nghĩa quân Yên Thế trong gần 30 năm chống Pháp.

Ở quê chúng tôi, không có làng nào là không có người tham gia nghĩa quân Yên Thế. Nếu như cụ Quản Hậu (Hà Văn Đoài) ông nội của anh Hà Minh Sơn là một chiến tướng của nghĩa quân Yên Thế; thì cụ Trưởng Đoan (Đặng Khánh Đoan) ông nội tôi cũng là một mưu sĩ của Đề Thám. Các cụ đều hi sinh vì quê hương đất nước khi còn rất trẻ. Tiếp nối truyền thống gia đình, ông Hà Văn Phác (1905 – 1988) cha của anh Sơn đã tham gia hoạt động Việt Minh từ đầu thập niên 40, được kết nạp Đảng năm 1946. Còn cha tôi, ông Đặng Văn Chấn (1920 – 2003) từng là một Đội viên Du kích Bắc Sơn, cũng là một trong 4 đảng viên Cộng sản đầu tiên của cả vùng Yên Thế xưa, một lão thành Cách mạng của Bắc Giang.

Xóm Đanh của anh Sơn còn gắn liền với một sự kiện lịch sử nổi tiếng: Ngày 13/7/1945, cha tôi và các đồng đội của ông đã tiến hành trận phục kích Dốc Đanh, bắt sống Tri phủ Tưởng Văn Trang, cùng toán lính hầu, khi chúng đang trên đường đến Bố Hạ, gặp chỉ huy phát xít Nhật để bàn kế hoạch chống phá Việt Minh. Sự kiện này đã mở đầu cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công sớm nhất tại Bắc Giang.

Sau này, thời chúng tôi lớn lên, đều được chứng kiến một hình ảnh quen thuộc: Nhà văn Nguyên Hồng đi chiếc đạp cũ, không phanh, không chuông, đến từng gia đình hỏi chuyện các cụ già, ghi chép lấy tư liệu để viết bộ tiểu thuyết nổi tiếng “Núi rừng Yên Thế” và những cuốn sách khác liên quan đến vùng đất này.

Tôi có thể khẳng định một điều: Tất cả các địa danh làng xóm, cánh đồng, đồi núi… mà tác giả Hà Minh Sơn nêu trong phần đầu của tự truyện “Nam chinh Bắc chiến” đều có thật ở quê hương chúng tôi! Những kỷ niệm tuổi thơ ở một vùng quê nghèo mà giàu truyền thống Cách mạng. Chúng tôi tự hào vì đều là “Trai Cầu Vồng Yên Thế”!

Cảm ơn tác giả Hà Minh Sơn đã viết hộ, nói hộ tôi và rất nhiều người con của quê hương Yên Thế. Dù anh Sơn không phải là nhà văn, trình độ văn hoá cũng chỉ học dở dang chưa hết lớp 7 đã đi bộ đội. Sau này, với thời gian tròn 20 năm trong quân ngũ, anh cũng có vài lần được đi học đào tạo cán bộ Trung đội tại Trường Lục quân Tổng hợp Miền Đông, rồi Trường Quân chính Quân đoàn, Quân khu... Chức vụ cao nhất của anh là Trưởng Ban Tác chiến Sư đoàn. Nghĩa là công việc hoàn toàn không liên quan gì đến chuyện “viết lách văn chương”. Nhưng bù lại, giời cho Hà Minh Sơn có trí nhớ cực tốt. Anh nhớ từng người thân, bạn bè, sơ yếu lý lịch và cả tính cách của họ. Thói quen quan sát và nhận xét những sự kiện, hiện tượng và nhân vật xung quanh đã giúp Hà Minh Sơn rất nhiều trong việc thể hiện bản thảo cuốn sách "Nam chinh Bắc chiến".

Cảm ơn Nhà báo Trương Ngân và ekip Truyền hình VTC10 đã giúp chúng tôi thực hiện phóng sự này!

(Trích Lời tựa "Nam chinh Bắc chiến")

Đ.V.H

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết ""Nam chinh Bắc chiến" - Hồi ức của một người lính trận" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn