Nam và tôi

Nam học trên tôi 1 lớp. Nam trắng trẻo, đẹp trai, lành như con gái. Thập kỷ 70, cuộc chiến ở miền Nam ngày càng ác liệt. Chúng tôi, trai 17, 18 lần lượt lên đường nhập ngũ. Nam nhập ngũ 1971, tôi nhập ngũ 1972.
nam-va-toi-1639092072.jpg
Ảnh do tác giả sưu tầm

 

Sau 30/4/1975 chúng tôi, những người may mắn sống sót sau cuộc chiến khốc liệt trở về quê hương tiếp tục học tập, kiếm sống. Chúng tôi rất ít gặp nhau vì việc mưu sinh thời bao cấp ngốn hết thời gian, suy nghĩ.

Tôi nhớ khoảng năm 1972, 1973 gì đó tôi đươc về tranh thủ trước khi đi B. Gặp bạn ở ga Yên Bái, hai đứa ở trên hai con tàu ngược hướng nhau. Tôi về, Nam đi. Vội vội, vàng vàng vẫy tay, nói vọng. Con tàu hú còi hồng hộc, bánh xe quay tít mà vẫn đứng yên giống như chú voi rống lên, dậm chân thình thịch mà chủ chưa cho phép đi.

Nam là lính trinh sát thuộc Trung đoàn 40 pháo binh đánh và giải phóng Đắc Tô Tân Cảnh của Tây Nguyên.

Lần thứ hai ở Ngã ba Ba La Bông Đỏ Hà Đông. Tôi lúc đó là Trung úy, làm việc ở xưởng A30 Phòng Không, sát Bình Đà, quê hương của pháo trước kia. Nam học ở trường Kiểm sát gần đó. Gặp nhau, mừng rỡ hỏi han gia đình, quê hương, bè bạn. Trong cái hồ hởi, rộn ràng khi gặp mặt vẫn ẩn chứa cái gì đó ái ngại. Bạn nhìn cái bọc to buộc sau xe tôi. Tôi nhìn cái túi du lịch bạn đang xách trên tay. Rồi dường như đọc đươc ý nghĩ của nhau, cả hai thằng phá lên cười, cái cười hả hê của lũ" cùng một giuộc" . Thời bao cấp khó khăn với bao kỉ niệm. Đó là thực tế. Người thì cuốn thuốc lá cuộn, người thì đổ bánh quế, người thì làm tương, làm giá đỗ để bán, người may hàng gia công. Cả nuôi lợn trong căn hộ chật hẹp. Một số người thì mang hàng từ nơi này sang nơi khác kiếm chênh lệch giá mà dân thuế gọi là " buôn lậu". Chúng tôi đều là người nhà nước, con nhà cán bộ, thành phần cơ bản. Tôi sỹ quan quân đội, bạn là học viên trường Kiểm sát Trung ương, cũng đành nhắm mắt đưa chân, liều mình như chẳng có đi buôn pháo Bình Đà. Ngày ấy thông tin này mà lộ ra, tôi bị kỷ luật quân đội, còn bạn bị đuổi học ngay lập tức.

Lại nói về pháo Bình Đà, đó là loại pháo có tiếng trên cả nước. Pháo nổ to, đanh, tan hết như câu " tung xác pháo " trong ký ức tuổi thơ của tôi điều hạnh phúc nhất trong dịp tết là được mẹ mua cho bánh pháo tết. Tết thời xưa vật chất thiếu thốn nhưng trẻ con vẫn mong và coi tết về từ rằm tháng chạp. Có bánh pháo, thỉnh thoảng tôi lại đốt 1 quả. Tôi rất liều, một tay cầm quả pháo, một tay cầm nén hương đang cháy dí vào ngòi pháo, chờ ngòi pháo bén lửa cháy xòe xòe mới ném ra xa hoặc ném lên trời hoặc tệ hơn ném vào lũ con gái, nếu hôm đó là ngày học sát tết. Đoàng! pháo nổ tung. Xác pháo hồng, trắng, vàng, đỏ phủ đầy mặt đất, mùi pháo thơm bay quanh quện làn khói pháo trắng vàng và tiếng cười giòn tan của chúng tôi là kỷ niệm không bao giờ quên. Có câu" Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò". Bao nhiêu trò nghịch ngợm làm cho các bạn gái vừa sợ vừa ghét.

Sau lần gặp đó cũng lâu lâu mới gặp bạn. Chúng tôi đều đã có gia đình và làm việc ở Hà Nội. Bạn đã thành một " quý ông công chức "chững chạc, đẹp với nụ cười mê hồn, tốn gái. Bạn làm việc ở Viện kiểm sát tối cao ngay trung tâm Thủ Đô.

Một hôm nghe tin Nam đang nằm viện, tôi vào thăm. Nhìn bạn da trắng bệch, dây dợ lằng nhằng trên người. Tôi thương quá hỏi bạn:

- Ông sao thế? Vào viện lâu chưa? bạn vẫn hài hước:

- Tớ đang phấn đấu giành tiếp danh hiệu chiến sỹ thi đua của nhóm bệnh nhân bệnh viện đây. Tôi hiểu mỗi năm số ngày nằm viện của bạn phải cỡ vài tháng. Có lẽ bạn bị ảnh hưởng của những ngày chiến đấu ác liệt ở mặt trận B3 Tây Nguyên.

Chúng tôi chuyện trò tâm sự đủ thứ. Cô bác sỹ xuất hiện thăm khám cho Nam, chắc quen thân vì thấy cử chỉ, lời nói rất ân cần, hơn cả thày thuốc là mẹ hiền. Bạn giới thiệu tôi với bác sỹ, bác sỹ cười đáp lễ trong lúc vẫn nghe tim phổi cho Nam. Khám xong bác sỹ tạm biệt tôi và bệnh nhân, cô buông 1 câu nói đùa:

- Anh Nam còn duyên nợ với khoa lắm! Ý nói đây là bệnh nhân thường xuyên của khoa. Nói chuyện một lúc, Nam bảo:

- Nhờ ông đưa tôi ra WC tý, Nam nhìn giá treo bịch thuốc truyền như giải thích. Tôi nhanh tay nâng bạn ngồi dậy, bỏ dây thở oxy hỗ trợ, giúp bạn xỏ dép rồi cầm giá treo đi theo. Vào đến WC, bạn nói:

- Cảm ơn ông! Tôi kéo cánh cửa rồi đứng chờ bên ngoài. Dễ đến vài phút, tôi nghe bạn gọi:

- Quân ơi, vào tớ nhờ tý! Tôi vào, bạn bẽn lẽn phân trần:

- Tớ không moi nó ra được. Nam đỏ mặt vì xấu hổ và bất lực.

Tôi bảo:

- Không sao? Tôi nhanh tay moi " nó " ra, cầm cho " nó " làm xong chức năng. Cũng toát mồ hôi với cái việc bạn nhờ. Mới trên 50 tuổi mà không hiểu do bệnh tật hay dùng nhiều kháng sinh mà cái ấy của bạn mềm như quả mướp nướng. Xong việc, tôi lại dìu bạn vào giường, tiếp tục " hầu chuyện " bạn vì tôi biết rằng người ốm rất thèm tâm sự. Kỷ niệm này chúng tôi thường ôn lại mỗi khi găp nhau.

Năm 2013 chúng tôi về hưu theo chế độ. Vẫn máu lính, chúng tôi tham gia công tác xã hội. Nam làm tổ trưởng dân phố, còn tôi làm chi hội trưởng cựu chiến binh. Người lính không chịu ngồi yên khi còn sức còn lực các bạn ạ!

Viết lại chuyện này, tôi đã hỏi ý kiến bạn. Bạn bảo:

- Vô tư đi ông! Bây giờ bọn mình còn ký ức gì phải viết ra hết để cho con cháu biết tình bạn, tình đồng đội, đồng hương của cha ông chúng quý đến nhường nào!

Mọi năm đến ngày tết Quân Đội 22/12, CCB chúng tôi thường tụ tập, ôn lại những ngày xông pha trận mạc, chiến đấu giành độc lập cho dân tộc. Năm nay tình hình covid -19 rất phức tạp. Không biết có gặp nhau được không?

Hà Nội ngày đầu tháng 12 năm 2021.

Theo Trái tim người lính